PDA

View Full Version : Văn thơ học trò - Đôi điều bàn luận



hrockvn
27-10-2006, 03:30 PM
Người ta nói đúng, học trò giờ đây không còn yêu văn và thơ như ngày xưa nữa. Cuộc sống đô thị, công việc học tập, những thú vui giải trí đã khiến cho tụi học trò không mặn mà hứng thú với việc đọc văn, thơ chứ nói gì đến chuyện sáng tác.

Đó là một thực tế đáng buồn. Ở đây tôi không nói đến nguyên nhân của sự việc này mà chỉ xin nói về chuyện làm văn và thơ của học sinh Thanh Hóa ngày nay.

Tôi không phải kẻ giỏi văn, cũng chẳng phải là nhà thơ con cóc siêu hạng. Tôi cũng chẳng phải nhà phê bình văn học. Tôi chỉ là một người đọc. Tôi thích đọc sách, không chỉ là sách về chuyên ngành mà có cả Văn và Thơ. Tuy nhiên tôi không đọc tất cả. Tôi thích những bài thơ, câu chuyện viết về tuổi học trò, về cuộc sống ở miền quê, về những cảnh đời khác nhau. Đặc biệt tôi rất thích những bài do chính học trò sáng tác. Và chính vì thế tôi thấy buồn khi gần đây số lượng bài viết của học trò xứ Thanh trên các báo ngày càng ít. Nhớ trước đây tôi đã từng thích mê khi đọc truyện, thơ của Thủy Tiên., khi đọc những câu chuyện trên Hoa Học Trò. Nếu bạn đã từng đọc hay sở hữu những quyển Hoa Học Trò của từ 4-5 năm về trước bạn sẽ thấy có rất nhiều tác phẩm hay mà phần dưới sẽ thấy thêm chữ: "Lam Sơn" hay "Thanh Hóa". Tôi không muốn ca ngợi hay so sánh gì ở đây. Đơn thuần là tôi cảm thấy các anh chị đi trước họ thật giỏi. Họ viết thơ, văn thật hay. Ngày đấy phong trào viết Văn, thơ đăng báo thật sôi nổi. Và có lẽ cũng là do cách nhìn nhận, cách sống của thời đó khác bây giờ.

Ngày nay, bạn sẽ dễ dàng có một thú tiêu khiển khác nhanh và thú vi hơn với việc ôm một quyển sách và đọc. Nhất là nếu đó là một quyển văn, thơ tuyển tập. Học trò giờ đây khô khan, không lãng mạn và không yêu văn như xưa. Chính điều này cũng dẫn đến việc những bài văn đại học với 1-2 điểm, những tiết học Văn trở thành những tiết học "chán nhất quả đất". Dĩ nhiên cũng có phần từ phía nhà trường giáo viên, ở cách học và cách dạy. Nhưng tôi muốn nói đến văn và thơ chung chứ không phải những tác phẩm học trong nhà trường. Tôi chẳng thể nào hiểu được "Đồng Chí" dù rằng biết nó viết về cái gì. Nhưng nếu cho tôi phân tích hay cảm nghĩ về "Núi đôi" hoặc "Mẹ Tơm" chắc tôi sẽ có điểm cao hơn. Tiêc là "Núi đôi" chẳng được học, mà "Mẹ Tơm" cũng phải tự đi kiếm mà đọc.

Tôi có một quyển tuyển tập Thơ - Văn học sinh Lam Sơn nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Khi đấy trường LS có in một quyển sách tâp hợp các tác phẩm của học sinh Lam Sơn đã được đăng trên các tờ báo. Tôi thấy trong đó có rất nhiều bài đã có mặt trên Hoa Học Trò. Và phải công nhận một điều rằng các anh chị viết rất hay, rất cảm động và thực sự có hồn. Đừng nghĩ rằng sẽ chỉ có dân chuyên Văn mới làm thơ, mới viết văn. Toán cũng có, Tin cũng có, Pháp, Anh đều có cả. Đó là một sự trách móc xen lẫn hối lỗi của một lớp trưởng lớp Tin không được vào đội tuyển. Đó là sự nhớ nhà, nhớ mẹ của một anh chàng chuyên Toán. Họ có quyền viết những gì học nghĩ, cảm nhận. Tôi quý những điều đó. Một số tác phẩm bạn có thể đã đọc khi tôi giới thiệu trên diễn đàn. Tiếc là có nhiều bài tôi chưa gõ lại được. Có lẽ phải hẹn các bạn một thời gian.

Ngày nay, học trò chơi Võ lâm, nhảy Au, chat nhiều rồi đâm chán đọc văn. Nếu có đọc, họ cũng tranh thủ đọc luôn khi trên mạng. Sẽ ít lắm hình ảnh những cô bé, cậu bé chuyền tay nhau những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Và có lẽ chăng ta nên xây dựng một thư viện Văn - Thơ Việt Nam trên mạng. Tụi học trò lan truyền nhau những cái tin giật gân, những câu chuyện vui nhanh hơn bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào. Có cần xây dựng một lòng tự hào, một lòng yêu mến văn thơ trong học trò không?