PDA

View Full Version : Thêm cơ hội cho người hiếm muộn .



ngayxua
31-10-2006, 05:43 PM
Thêm cơ hội cho người hiếm muộn



Khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ vừa công bố đã thành công trường hợp đầu tiên bằng kỹ thuật nuôi trưởng thành trứng non (IVM) tại VN. Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - phó khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ - cho biết:

- Đó là chị M.N.B., 29 tuổi, ngụ TP.HCM, hiếm muộn ba năm do hội chứng buồng trứng đa nang gây không rụng trứng (đã được điều trị thụ tinh trong ống nghiệm - TTTON - nhưng thất bại). Chúng tôi áp dụng kỹ thuật IVM, ngày 18-9-2006 chọc hút được 15 trứng non.

Sau khi nuôi cấy 28 giờ có 12 trứng trưởng thành. Trong số này có tám trứng thụ tinh, sau đó bảy trứng phát triển thành phôi. Phôi được cấy vào buồng tử cung và đến 25-10 siêu âm cho thấy là song thai đã bảy tuần tuổi.

* Thưa bác sĩ, đây có phải là trường hợp thành công duy nhất?

- Từ giữa tháng 9-2006 đến nay đã thực hiện IVM cho 27 ca (có 11 ca đến ngày thử thai) thì bốn trường hợp có thai, tức tỉ lệ thành công 36,4%. Trong 27 ca, có bảy trường hợp sau khi chuyển phôi còn phôi dư để trữ lạnh. Điều rất mừng là đã thành công ngay từ ca đầu tiên thực hiện, trong khi hiện nay theo khảo sát y văn, chưa trung tâm nào tại khu vực Đông Nam Á báo cáo thành công với kỹ thuật này.

* Bác sĩ cho biết IVM khác TTTON thông thường như thế nào? Có tốn kém hơn TTTON? Lấy trứng non nuôi bên ngoài như vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ?

- IVM là kỹ thuật điều trị phức tạp phối hợp các phác đồ về lâm sàng, kỹ thuật về nội tiết, qui trình nuôi cấy gồm nhiều bước... Môi trường nuôi cấy trứng non là loại môi trường đặc biệt chứa nhiều loại nội tiết tố và huyết thanh chiết xuất từ máu của chính người phụ nữ đó. Trứng non được chọc hút từ những nang noãn nhỏ hơn 10mm, sau một ngày nuôi cấy sẽ trưởng thành đủ tiêu chuẩn để thụ tinh. Sau đó trứng được thụ tinh, nuôi cấy phôi theo phác đồ TTTON bình thường.

Chi phí điều trị bằng kỹ thuật IVM thấp do chi phí kích thích buồng trứng chỉ bằng 10-15% so với TTTON bình thường. Thời gian điều trị IVM khoảng 7-10 ngày và thuận tiện cho bệnh nhân vì ít tiêm thuốc (chỉ ba ngày), siêu âm ít lần và không cần xét nghiệm theo dõi (điều trị TTTON bình thường kéo dài trên bốn tuần, bệnh nhân phải tiêm thuốc 30 ngày, đi lại siêu âm, xét nghiệm...).

Đặc biệt IVM không có nguy cơ quá kích buồng trứng, trong khi TTTON ở những người buồng trứng đa nang thì nguy cơ quá kích buồng trứng cao, có trường hợp phải nhập viện điều trị.

Kỹ thuật IVM thành công ở người đầu tiên được báo cáo năm 1991. Hiện nay ước tính đã có trên 400 em bé ra đời từ kỹ thuật IVM trên thế giới. Các nghiên cứu cho thấy em bé sinh ra từ kỹ thuật IVM từ lúc mới sinh cho đến 24 tháng đều không khác biệt so với thai kỳ và trẻ bình thường.

* Gần đây một số bạn đọc có thắc mắc: TTTON nếu chuyển phôi ở ngày thứ năm (giai đoạn blastocyst ) thì phôi sẽ khỏe hơn, giúp khả năng thụ thai của bà mẹ tăng lên 40-50%, giảm tỉ lệ đa thai, tránh khả năng nhiễm độc thai, đẻ non...?

- Trong qui trình TTTON, việc chọn thời điểm để chuyển phôi vào ngày thứ hai, ba hay ngày thứ năm, sáu là hai trường phái TTTON hiện nay chứ không phải kỹ thuật mới. Tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi trung tâm sẽ chọn trường phái phù hợp.

Tổng kết so sánh hiệu quả của hai trường phái này qua 45 nghiên cứu được ghi nhận trên toàn thế giới đã rút ra kết luận: không có bằng chứng nào cho thấy có sự khác biệt về tỉ lệ sinh sống sau điều trị giữa nhóm chuyển phôi ngày hai, ba với nhóm chuyển ngày năm, sáu. Tỉ lệ đa thai, tỉ lệ sẩy thai cũng không khác nhau giữa hai nhóm. Có thể truy cập vào tài liệu tiếng Anh tại http//www.mrw.interscience.wiley.com/cochrane/clsysrev/articles/CD002118/frame.html để tìm thêm thông tin.

* Bác sĩ có thể nói rõ hơn điều kiện nào phù hợp, có lợi cho bệnh nhân VN hơn ?

- Chuyển phôi blastocyst chỉ làm ở các phòng thí nghiệm (lab) nuôi cấy với tiêu chuẩn kiểm soát nghiêm ngặt cao ở nước ngoài. Còn các lab ở VN chưa thể đạt tiêu chuẩn như ở nước ngoài, nên việc cấy phôi nang dài ngày trong điều kiện môi trường nhân tạo bên ngoài cơ thể thì có nhiều nguy cơ cho phôi hơn là được cấy vào buồng tử cung.

Ở các nước điều kiện lab cao như vậy nhưng tỉ lệ thành công vẫn tương đương với chuyển phôi ngày hai, ba, cho nên ở VN nếu làm thì tỉ lệ có thai xu hướng chỉ tương đương hoặc thấp hơn. Kỹ thuật chuyển phôi blastocyst trên thế giới bắt đầu phát triển năm 1998 và Bệnh viện Từ Dũ đã triển khai kỹ thuật này từ năm 1999 nhưng kết quả cho thấy tỉ lệ thành công không cải thiện. Trong khi đòi hỏi môi trường rất nghiêm ngặt, chi phí tốn kém hơn nên Từ Dũ quyết định chọn trường phái chuyển phôi vào ngày hai, ba để phù hợp với điều kiện VN hơn.

Tỉ lệ thành công hiện nay ở Từ Dũ là khoảng 30-35%. Nếu có phôi trữ thì tỉ lệ có thai cộng thêm nhờ chuyển phôi trữ lạnh là 7- 8%. Như vậy tỉ lệ có thai cuối cùng sẽ là trên dưới 40%.

:compu: