PDA

View Full Version : Để cái Ác mang màu Thiện hơn .



haidh
08-11-2006, 04:44 PM
<<EVAN>>



Quả bom tấn của văn đàn mùa thu này là giải Grand Prix du Roman cộng với Prix Goncourt mà nước Pháp dành cho tiểu thuyết "Les Bienveillantes" của một cây bút không thể "sặc sỡ" hơn: nhà văn Do Thái Jonathan Littell, gốc Lithuania, quốc tịch Mỹ, hiện sống ở Tây Ban Nha với hai con và vợ người Bỉ, sáng tác bằng tiếng Pháp.

Ngay cả trong lúc những lời khen chê rộ lên, khó nhận ra biên giới giữa phê bình và quảng cáo thì không ai dám phủ nhận sự dũng cảm của Littell: ai miêu tả Thế chiến II và cuộc thảm sát dân Do Thái thời phát xít Đức từ góc độ của một sĩ quan SS, người ấy dẫm chân lên lớp băng mỏng và biết chắc tai hoạ rình rập dưới từng bước chân. Sau Robert Merle với tiểu thuyết lừng danh La mort est mon métier (1952) dựa trên ghi chép của tội phạm chiến tranh Rudolf Hoess, chỉ huy trại tập trung Auschwitz, chưa ai dám thoát khỏi bóng cả của tiểu thuyết gia Pháp ấy, và văn chương Pháp thời hậu chiến chỉ còn biết đến sự tàn bạo mà con người đem lại cho con người từ mắt nhìn của nạn nhân.

Littell viết lại lời thú tội của một cựu sĩ quan SS hư cấu, nhưng ông cấy vào đó nhiều tư liệu và nhân vật lịch sử đến nỗi cuốn truyện mang nặng hơi hướng của một tư liệu chép sử. Vượt lên hẳn nghệ thuật miêu tả những số phận con người, tác giả thổi một hơi thuốc súng vào 900 trang giấy in chữ nhỏ để biến nó thành bức tranh toàn cảnh về chiến tranh, khiến nhiều nhà phê bình không ngần ngại so sánh với Chiến tranh và hoà bình của Tolstoy, hay cuốn phim Shoa u tối về Holocaust của Claude Lanzmann không dùng lấy một mét phim tư liệu.




Nội dung và dư luận

Một tuyệt tác hay sản phẩm điên rồ? Trước khi cuốn sách được bán đến 1/4 triệu bản trong hai tháng đầu thì hiện tượng Littell đã được truyền đi vòng quanh thế giới: sinh ra ở New York, con trai một nhà báo có tiếng chuyên viết cho Newsweek sớm làm quen với nước Pháp. Sau khi tốt nghiệp phổ thông ở Paris, Littell nghiên cứu văn học ở ĐH Yale và bắt tay vào dịch các nhà kinh điển như Blanchot, Genet và de Sade. Sau đó là chuyến du hành với tư cách thành viên một hội cứu trợ xuyên qua Bosnia, Chechnya, Afghanistan, Trung Quốc và châu Phi. Bị trúng đạn ở Bắc Caucasus hồi 2001 trong một ổ phục kích, Littell quay về nhà với vợ con. Sau khi đọc cuốn sách về Việt Nam của Michael Herr và xem phim Shoa của Claude Lanzmann, Littell lục lại các ghi chép của mình từ phòng văn khố Nga, Ba Lan, Ucraine và viết bằng tay liền một mạch 120 ngày xong cuốn sách.

Maximilian Aue, nhân vật chính trong Les Bienveillantes là một sản phẩm hư cấu sau khi Littell tận mắt chứng kiến những tội ác ở Rwanda và Nam Tư cũ và kết luận rằng: "những kẻ sát nhân không bao giờ mở miệng, và nếu có thì chỉ là những lời rỗng tuếch“. Maximilian Aue là tiến sĩ luật, có tri thức bài bản, và kẻ sát nhân này giết người không vì thú vui bệnh hoạn mà vì được thuyết phục bởi sứ mệnh cao cả được trao, không do căm thù mù quáng mà thông minh và tỉnh táo, không vì một đấng toàn năng vô hình nào đó mà vì ý thức dân tộc. Maximilian Aue không thú tội vì cắn rứt lương tâm, mà vẫn cho rằng mình vô tội, có nói ra cũng chỉ để tìm sự thanh thản lúc về già. Cách xử lý một nhân vật đa chiều như vậy quả là lối đi men bờ vực thẳm. Và bản thân các nhà xuất bản Đức, vốn nhạy cảm nhất trước đề tài thảm sát Do Thái, đã nghi ngờ rằng của tác giả muốn xoá nhoà cái Ác hay ít nhất cũng khoác cho nó cái vỏ Thiện hơn. Rốt cuộc, nhà xuất bản Berlin Verlag giành được quyền dịch sang tiếng Đức với giá không dưới nửa triệu euro. Người Mỹ tuyên bố không dịch Littell trước 2008, phải chăng vì lý do Littell quyết định viết tác phẩm đầu tay bằng tiếng Pháp do kính trọng Stendhal và Flaubert?

Mặt trái của best-seller

Giải thưởng lớn cho tiểu thuyết và sau đó vương miện Goncourt khó cho phép người đọc lẫn các nhà phê bình "cả gan" hé lời bình phẩm tiêu cực. Và sự dũng cảm của tác giả khơi lại một đề tài tưởng như đã ít nhiều bị khoả lấp bởi thời gian là một cái chống lưng nữa cho Littell. Ngót 6 triệu nạn nhân Do Thái từ 1933 đến 1945 ngay từ đầu đã nằm trong tính toán của nước Đức quốc xã, và Hitler trước khi lên ngôi quốc trưởng đã quảng bá ý tưởng tiêu diệt "Vấn nạn Do Thái toàn cầu" trong nhật ký Mein Kampf viết trong tù. Nửa đầu thế kỷ 21, phải nói là một sự cả gan của Littell khi gõ cửa văn đàn.

Nhưng, bỏ qua trọng lượng lịch sử hoàn toàn chính đáng của Les Bienveillantes, vẫn còn những điều không đáng có.

Tiêu đề tiểu thuyết lấy từ hình ảnh các nữ thần phục thù của thần thoại Hy Lạp mà người đời do sợ hãi chỉ dám nhắc đến cái tên tránh né là Bienveillantes (Người thiện tâm). Trong lời nói đầu, Littell đã dẫn đề bằng câu văn mang âm hưởng Trung cổ (tạm dịch): "Hãy mừng là ngươi sinh ra vào vào thời đại mà không ai giết vợ con ngươi hoặc đòi ngươi đi giết vợ con người khác. Thế là ngươi gặp may, song ngươi đâu phải là người tử tế hơn ta. Nếu ngươi ngạo mạn nghĩ vậy thì đó là lúc nguy cơ bắt đầu". Một khởi đầu thông minh. Nhưng Littell không dừng ở đó, mà khai thác khía cạnh thần thoại đến tận cùng: Maximilian Aue không chỉ giết người Do Thái, mà tương tự như vua Orestes, hắn giết cả mẹ mình và cha dượng. Sự thái quá lộ liễu ấy vô hình trung làm cho nội dung mang chút khiên cưỡng. Lại như chưa đủ để vẽ chân dung ma quái của kẻ sát nhân, tác giả sắp đặt cho Maximilian Aue phạm tội loạn luân khi ngủ với em gái sinh đôi của mình, và về sau hắn còn phát lộ chứng đồng tính luyến ái cũng như suốt đời mắc chứng kiết lị kinh niên!

Như không thể khác, nội dung truyện có quá nhiều điểm không dành cho độc giả quá mẫn cảm, vậy thì người đọc bình thường có quyền mong đợi một ngôn ngữ cứng tay khả dĩ dẫn dắt họ đi qua ngót 1.000 trang giấy, khả dĩ nắm quyền chủ động đè đầu những cái bất nhân mà nó miêu tả, khả dĩ làm cho mọi chuyện dừng lại ở mức có thể gắng chịu được... Mong đợi đó đâu có quá lớn? Song Littell đã thả lỏng ngòi bút của mình một cách cẩu thả: trong vô số đoạn - chắc là để gây tính "như thật" cho sự việc - có các câu nói của sĩ quan SS thể hiện bằng tiếng Đức, tiếc thay, sai be bét ngữ pháp. Ai đọc Littell, tốt nhất là không nên biết tiếng Đức.