PDA

View Full Version : Các bệnh về Trầm cảm - Thần kinh!



ngayxua
08-11-2006, 09:07 PM
Trầm cảm (Phần 1)

Bệnh trầm cảm là gì?

Những rối loạn trầm cảm đã có từ khi con người biết viết lịch sử. Trong kinh thánh, Vua David cũng như vua Job đã mắc phải căn bệnh này. Hippocrates thì đề cập tới vấn đề trầm cảm là tình trạng u sầu với bản chất là “mật đen”. Mật đen cùng với máu, đờm và mật vàng là 4 loại dịch thể giải thích cho sinh lý y học cơ bản lúc bấy giờ. Trầm cảm đã được đưa vào trong các tác phẩm văn học và nghệ thuật trong hàng trăm năm nhưng ngày nay chúng được hiểu như thế nào?

Vào thế kỷ thứ 19, trầm cảm được xem là một sự yếu đuối về cá tính do di truyền. Vào nửa đầu của thế kỷ 20, Freud kết nối giữa quá trình bệnh sinh của trầm cảm với vấn đề phạm tội và xung đột. John Cheever, tác giả và cũng là người bị rối loạn về trầm cảm, đã viết về những xung đột và những kinh nghiệm trãi qua với cha mẹ mà ảnh hưởng đến quá trình tiến triển trầm cảm của ông.

Trong thập niên 50-60, trầm cảm được chia làm 2 loại, nội tại và thần kinh. Khi trầm cảm bắt nguồn từ bên trong cơ thể, có thể do nguồn gốc từ gen hoặc vô căn thì được gọi là loại nội tại. Trầm cảm do thần kinh hay trầm cảm phản ứng có một yếu tố thúc đẩy rõ ràng từ môi trường như là cái chết của vợ (hoặc chồng), hoặc những mất mát đáng kể khác như bị mất việc làm.

Trong thập niên 70-80, người ta chuyển tập trung từ nguyên nhân của trầm cảm sang những ảnh hưởng của nó lên người bệnh. Điều đó nghĩa là tìm hiểu các triệu chứng và các chức năng bị suy giảm để nhà chuyên môn có thể chẩn đoán xác định ra bệnh trầm cảm cho dù đó là nguyên nhân gì đi nữa. Mặc dù có một số tranh cãi cho tới nay ( giữa các ngành trong y khoa ) thì hầu hết các nhà chuyên khoa đồng ý rằng :

Rối loạn trầm cảm là một hội chứng phản ánh tâm trạng buồn bã hoặc một nổi khổ quá mức bình thường. Đặc biệt, sự u sầu này trong trầm cảm có mức độ nặng hơn, kéo dài hơn, nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn và mất chức năng nhiều hơn bình thường.

Những rối loạn trầm cảm không chỉ đặc trưng bởi các suy nghĩ, tâm trạng và hành vi tiêu cực mà còn bởi những thay đổi đặc hiệu trong các hoạt động chức năng (ví dụ như ăn, ngủ, và hoạt động tình dục). Những thay đổi về chức năng thường được gọi là các dấu hiệu thần kinh thực thể.

Một số người bị trầm cảm, đặc biệt là rối loạn cảm xúc lưỡng cực, dường như có tính di truyền.

Rối loạn trầm cảm là một vấn đề lớn về sức khoẻ trong cộng đồng:

Trong năm 1990, phí điều trị trầm cảm ở Mỹ là 43 tỉ đôla bao gồm tiền điều trị, chi phí gián tiếp (như là mất khả năng lao động hay vắng mặt lâu ngày).

Một nghiên cứu y học quan trọng cho thấy bệnh trầm cảm gây nên những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh hơn là các vấn đề từ viêm khớp hay huyết áp cao, bệnh phổi mạn tính, tiểu đường mang lại; và trong hai loại bệnh, trầm cảm có ảnh hưởng ngang với bệnh động mạch vành.

Trầm cảm làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh mạch vành, HIV, hen và các bệnh lý nội khoa khác. Hơn nữa, trầm cảm làm tăng độ mắc bệnh, và tỉ lệ tử vong của các bệnh trên.

Thường trầm cảm được chẩn đoán đầu tiên ở một trung tâm sức khoẻ ban đầu chứ không phải trong một phòng khám của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Hơn thế nữa, bệnh thường nằm trong nhiều dạng lẫn lộn khác nhau khiến cho rất hay bỏ sót chẩn đoán.

Trầm cảm thường không thể chữa trị cho dù có rất nhiều tài liệu nghiên cứu và các chỉ dẫn lâm sàng tập trung vào vấn đề điều trị. Hi vọng rằng tình trạng này sẽ được cải thiện.

Để có thể thoát khỏi một rối loạn tâm lý cần phải điều trị bằng thuốc hoặc bằng shock điện (sẽ đề cập ở dưới) hoặc liệu pháp tâm lý cho dù nó có yếu tố thúc đẩy hay do vô căn.

Có bao nhiêu loại trầm cảm?

Giống như các bệnh khác như suy tim hay tiểu đường thì các rối loạn trầm cảm cũng có nhiều thể khác nhau. Dưới đây sẽ đề cập 3 trong số những loại rối loạn hay gặp nhất. Tuy nhiên cần ghi nhớ rằng trong mỗi một loại này thì vẫn có những khác biệt về số lượng, độ nặng, và thời gian kéo dài của các triệu chứng.

Thể trầm cảm tâm thần

Thể trầm cảm tâm thần đặc trưng bởi sự kết hợp của nhiều triệu chứng bao gồm tâm trạng buồn bực (xem bảng các triệu chứng) làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc, ngủ, ăn uống và sự thích thú tham gia vào các hoạt động ưa thích trước đó. Các giai đoạn mất khả năng này của trầm cảm có thể xảy ra một, hai hoặc vài lần trong đời.

Thể loạn khí sắc

Loạn khí sắc là một loại trầm cảm ít nặng hơn. Nó bao gồm các triệu chứng mạn tính nhưng không làm mất chức năng mặc dù vẫn còn cản trở người bệnh hoạt động một cách thoải mái. Đôi khi, những người bị loạn khí sắc có thể trãi qua những giai đoạn của thể trầm cảm tâm thần. Sự kết hợp hai dạng này được gọi là trầm cảm kép.

Thể rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Là một dạng khác của trầm cảm, trước đây được gọi là bệnh loạn tâm thần hưng trầm cảm. Tình trạng này cho thấy có một kiểu di truyền đặc biệt. Không thường gặp như các dạng khác, thể rối loạn cảm xúc lưỡng cực này liên quan đến các chu kì xen kẽ của trầm cảm và hưng cảm (hoặc kích động). Rối loạn hai cực thường là một tình trạng mạn tính và hay tái phát. Đôi khi, những thay đổi tâm tính diễn ra nhanh và rõ rệt, nhưng hầu hết thì tiến triển từ từ.

Khi ở vào trạng thái trầm cảm, người bệnh có thể có một hoặc tất cả triệu chứng của một rối loạn trầm cảm. Tương tự, khi ở trong trạng thái hưng cảm, có thể có một hoặc tất cả các triệu chứng của bệnh hưng cảm (xin xem bên dưới). Sự hưng cảm này thường ảnh hưởng tới lý trí, khả năng suy nghĩ và hành vi xã hội có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hoặc trở thành trò cười cho mọi người. Ví dụ như một người trong giai đoạn hưng cảm có thể đưa ra các quyết định kinh doanh ngớ ngẩn, thiếu sáng suốt.

Một biến thể đặc biệt của rối loạn cảm xúc lưỡng cực này được gọi là lưỡng cực loại II (Ioại rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường gặp khác được xếp vào loại I). Lưỡng cực loại II là một hội chứng trong đó người bệnh có những đợt trầm cảm xen kẽ đó là giai đoạn hưng cảm nhẹ. Các giai đoạn hưng phấn này không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là cơn hưng cảm như trong lưỡng cực loại I.

Các triệu chứng của trầm cảm và cơn hưng cảm.

Không phải tất cả mọi người bị trầm cảm hay có cơn hưng cảm đều có tất cả các triệu chứng. Một số có thể có rất ít trong khi số khác lại bộc lộ rất nhiều triệu chứng. Mức độ của các triệu chứng cũng thay đổi khác nhau ở người bệnh.

Trầm cảm:

Thường xuyên buồn rầu, lo lắng và hay rơi vào trạng thái vô định, tuyệt vọng, bi quan.
Có cảm giác bị bỏ rơi, vô dụng hay có tội.
Thờ ơ, vô cảm với các sở thích trước đó, bao gồm cả hoạt động tình dục.
Mất ngủ, thức dậy rất sớm hoặc ngủ quá nhiều.
Chán ăn có thể kèm sụt cân hay cuồng ăn kèm tăng cân.
Mệt mỏi, chậm chạp.
Có các ý nghĩ tìm đến cái chết, tự tử.
Bứt rứt, hiếu động.
Khó tập trung, mau quên và quyết định chậm chạp.
Hay than phiền về các triệu chứng như nhức đầu, rối loạn tiêu hoá hoặc đau mạn tính cho dù đã điều trị.
Cơn hưng cảm

Tự nhiên hưng phấn.
Tự nhiên kích động.
Mất ngủ trầm trọng.
Trầm trọng hóa vấn đề.
Nói nhanh và nhiều.
Suy nghĩ rời rạc, đứt quãng.
Tăng đòi hỏi về hoạt động tình dục.
Hoạt động liên tục.
Thiếu kiềm chế.
Cư xử bất thường

ngayxua
08-11-2006, 09:08 PM
Trầm cảm - (Phần 2)

Các nguyên nhân gây trầm cảm.

Một vài loại trầm cảm có tính chất gia đình cho thấy một yếu tố sinh học thúc đẩy tới tình trạng trầm cảm có thể do di truyền. Điều này đặc biệt đúng đối với dạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Các nhà khoa học đã phát hiện ra những người bị bệnh có một vài khác biệt về thành phần gen đối với những người bình thường, nhưng ngược lại thì không đúng. Điều này nghĩa là không phải tất cả những người mang thành phần gen bất thường trên đều bị bệnh. Như vậy là rõ ràng có những yếu tố hỗ trợ như các tác kích của môi trường liên quan đến sự khởi phát của bệnh.

Làm thế nào để nhận biết được trầm cảm?

Bước đầu tiên để có một điều trị thích hợp là đánh giá toàn diện thể chất và tâm thần để xác định bệnh nhân có bệnh trầm cảm hay không và phân loại nếu có. Một vài loại thuốc cũng như một vài phương cách điều trị có thể gây ra một số triệu chứng của trầm cảm. Vì vậy người khám cần phải loại trừ các khả năng trên khi hỏi, khám và làm các cận lâm sàng.

Một đánh giá chẩn đoán đầy đủ bao gồm một bệnh sử đầy đủ về các triệu chứng của bệnh nhân:

thời điềm khởi phát của triệu chứng?
các triệu chứng kéo dài bao lâu?
mức độ của chúng?
Trước đây bệnh nhân có các triệu chứng đó hay không, và nếu có, khai thác cả chẩn đoán và điều trị lúc đó.

Người bác sĩ nên để ý về việc sử dụng rượu, các thuốc gây nghiện và hỏi bệnh nhân có từng suy nghĩ về cái chết hay tự tử không. Sau đó, bệnh sử cũng nên đề cập về tiền sử gia đình có ai bị bệnh trầm cảm và nếu đã được điều trị thì khai thác cách điều trị cũng như hiệu quả của nó.

Một đánh giá chẩn đoán cũng bao gồm khám tình trạng tâm thần nhằm xác định mức độ ảnh hưởng về ngôn ngữ, cách suy nghĩ hoặc trí nhớ của bệnh nhân, thường xảy ra khi bị loạn tâm thần hưng trầm cảm. Ngày nay, vẫn chưa có xét nghiệm cận lâm sàng, xét nghiệm máu hay chụp tia X-quang nào có thể chẩn đoán rối loạn tâm thần. Thậm chí chụp CT, MRI, SPECT và PET vốn rất hiệu quả trong chẩn đoán các bệnh lý thần kinh khác như đột quị, u não cũng không thể phát hiện những thay đổi tinh vi, phức tạp của não trong các bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên, những kỹ thuật này gần đây đang gặt hái nhiều giá trị trong nghiên cứu trên lãnh vực sức khoẻ tâm thần và có lẽ trong tương lai sẽ giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán.

Những phương pháp điều trị trầm cảm hiện nay.

Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm tác động kép:
Thuốc chống trầm cảm thế hệ mới:
Thuốc ức chế monoamine oxidase(MAOIs)
Thuốc ức chế trầm cảm 3 vòng(TCAs)
Shock điện(ECT)
Liệu pháp tâm lý
Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) làm tăng lượng serotonin trong não (Nên nhớ rằng trong trầm cảm thì não có lượng serotonin thấp) Như tên gọi của nó thì SSRIs hoạt động bằng cách ức chế sự tái hấp thu serotonin trong não một cách có chọn lọc. Quá trình này xảy ra ở các sy-nap, nơi liên kết các tế bào não với nhau. Serotonin là một trong những chất hóa học của não làm nhiệm vụ đưa những thông tin qua các nơi liên kết này (sy-nap), từ một tế bào não (nơ-ron) sang một tế bào não khác.

Thuốc chống trầm cảm tác động kép:

Bản chất sinh hoá là tất cả các loại thuốc điều trị trầm cảm (MAOIs, SSRIs, TCAs và thuốc chống trầm cảm thế hệ mới) có thêm một số tác động vừa lên norepinephrine và lên serotonin cũng như các chất trung gian dẫn truyền thần kinh khác. Tuy nhiên, các thuốc khác nhau ảnh hưởng lên các chất trung gian dẫn truyền thần kinh khác nhau, ở nhiều mức độ khác nhau.

Một số thuốc chống trầm cảm mới hơn dường như có hiệu quả mạnh lên cả hệ norepinephrine lẫn serotonin. Những thuốc này đang rất hứa hẹn, đặc biệt trong các trường hợp trầm cảm nặng hay mạn tính. (Các trường hợp này thường được đưa đến các bác sĩ tâm thần hơn là các bác sĩ đa khoa). Veniafaxine (Effexor) là một trong những thuốc nói trên.

Khi dùng ở các liều thấp, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin này có độ an toàn cao và ít gây tác dụng phụ. Ở những liều cao hơn thì thuốc dường như ức chế sự tái hấp thu của norepinephrine. Do đó, có thể xem Veniafaxine là một thuốc ức chế sự tái hấp thu của cả serotonin và norepinephrine (SNRI).

Một loại thuốc chống trầm cảm mới khác là mirtazapine (Remeron) có cấu trúc 4 vòng. Nó hoạt động trên những vị trí sinh hóa và theo những cách khác hơn các loại thuốc khác. Thuốc tác động tới serotonin nhưng ở vị trí hậu sy-nap. Nó cũng có thể làm tăng nồng độ histamine mà đôi khi gây ra tình trạng ngủ gà.

Do đó, mirtazapine thường được dùng trước khi đi ngủ và cho những người khó ngủ. Giống như veniafaxine thì thuốc này cũng làm tăng lượng norepinephrine. Ngoài tác dụng an thần, thuốc có các tác dụng phụ tương tự như nhóm SSRIs nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Tác động của SSRIs là giữ cho serotonin hiện diện với nồng độ cao trong các sy-nap. Đó là do thuốc đã ngăn chặn sự tái hấp thu trở lại serotonin của các tế bào thần kinh dẫn truyền. Chính sự tái hấp thu này làm cho ngừng sản xuất các serotonin mới. Vì vậy, serotonin liên tục chuyển các thông tin đi. Điều này dẫn đến là kích hoạt lại các tế bào đã bị ức chế do trầm cảm và làm giảm các triệu chứng của người bệnh.

Tại Hoa Kỳ, SSRIs đã được sử dụng thành công hơn một thập niên qua trong điều trị trầm cảm. Chúng có ít tác dụng phụ hơn thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs) và thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) (sẽ được đề cập sau). SSRIs không tương tác với chất tyramine trong thức ăn như là MAIOs. Nó cũng không gây ra hạ huyết áp tư thế hay loạn nhịp tim như khi dùng TCAs. Vì vậy, SSRIs thường là điều trị đầu tay cho chứng trầm cảm. Ví dụ một số thuốc SSRIs là fluoxetine (Prozac), paroxetine(Paxil), sertraline(Zoloft), citalopram(Celexa), và fluvoxamine (Luvox).

SSRIs nói chung được dung nạp tốt và rất ít có tác dụng phụ. Tác dụng phụ hay gặp nhất là buồn nôn, tiêu chảy, kích động, mất ngủ và đau đầu. Tuy nhiên chúng thường biến mất sau một tháng đầu sử dụng SSRIs. Một vài bệnh nhân có biểu hiện tác dụng phụ về tình dục như giảm hoặc mất khoái cảm. Một số khác thì rung cơ khi dùng SSRIs. Ở “ Hội chứng do serotonin” là một tình trạng bệnh lý thần kinh nặng liên quan đến việc dùng SSRIs. Nó bao gồm sốt cao, co giật và rối loạn nhịp tim. Rất hiếm khi xảy ra tình trạng này và nó chỉ được ghi nhận trên các bệnh nhân tâm thần rất nặng, sử dụng nhiều thuốc tâm thần.

Tất cả bệnh nhân đều có đặc tính sinh học (cơ địa) khác nhau. Do đó, nếu có xuất hiện các tác dụng phụ hoặc tác dụng điều trị không vừa ý khi dùng một loại SSRIs thì không có nghĩa là các loại khác trong cùng nhóm cũng không có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu có người trong gia đình đáp ứng tốt với một loại thuốc nào đó thì nên đầu tiên thử dùng nó trước.

Thuốc chống trầm cảm thế hệ mới:

Gọi như vậy vì chúng hoạt động theo cơ chế khác. Vì vậy, các thuốc trầm cảm loại này không được xếp vào TCAs hay SSRIs mặc dù chúng có hoạt động tương tự. Đặc biệt hơn, thuốc làm tăng nồng độ của một số chất hoá học thần kinh trong các sy-nap của não. Một số ví dụ của nhóm thuốc này bao gồm nefazodone (Serzsone), trazodone (Desyrei), veniafaxine (Effexor) và bupropion (Weibutrin).

Cục quản lý về thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép dùng bupropion trong cai nghiện thuốc lá. Thuốc này cũng đang được nghiên cứu để chữa trị chứng rối loạn giảm khả năng tập trung (ADD) hoặc chứng hiếu động và giảm khả năng tập trung (ADHD). Đây là bệnh thường xảy ra ở trẻ em và người lớn làm giảm khả năng chú ý hay tập trung vào một vấn đề trong một thời gian.

Iithium (Eskalith, Iithobid), valproate (Depakene, Depakote), carbamazepine (Epitol, Tegretol), neurontin (Gabapentin) và lamictal (Iamotrigine) là những thuốc an thần và chống co giật. Chúng đang được dùng trong điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Một số thuốc trị tâm thần khác như ziprasidone (Geodon), risperidone (Risperdal) và quetiapine (Seroquel) đôi khi cũng được dùng để điều trị bệnh trên, thường phối hợp với các thuốc chống trầm cảm và các thuốc an thần khác.

Thuốc ức chế monoamine oxidase(MAOIs)

Là loại thuốc chống trầm cảm lâu đời nhất. Một số ví dụ về MAOis bao gồm phenelzine (Nardil) và tranylcypromine (Parnate). MAOIs làm tăng nồng độ của các chất hoá học thần kinh ở các sy-nap của não qua việc ức chế monoamine oxidase. Đây la enzyme chính tiêu hủy các chất hoá học thần kinh như norepinephrine. Khi enzyme này bị ức chế thì norepinephrine không bị tiêu hủy và vì vậy gia tăng số lượng trong não.

MAOIs cũng làm giảm sự phân hủy tyramine, một chất có trong pho-mát cũ, rượu, các loại hạt đậu, sôcôla, và các thực phẩm khác. Giống như norepinephrine thì tyromine có thể làm tăng huyết áp. Vì vậy các bệnh nhân có dùng một loại thuốc MAOI mà ăn thức ăn có chứa nhiều tyromine có thể làm tăng nồng độ tyromine trong máu dẫn đến huyết áp cao nguy hiểm.

Thêm vào đó, MAOIs có thể tương tác với các thuốc trị cảm, ho thông thường làm gây ra tình trạng trên. Nguyên nhân là vì bản thân những thuốc ho, cảm này có thể làm tăng huyết áp tương tự. Do mức độ nguy hiểm và khả năng tương tác như vậy mà MAOIs thường chỉ được dùng khi các phương pháp điều trị khác thất bại

ngayxua
08-11-2006, 09:09 PM
Trầm cảm - (Phần 3)

Thuốc ức chế trầm cảm 3 vòng(TCAs)

Được phát triển từ những thập niên 50,60 để điều trị trầm cảm. Chúng được gọi như vậy là vì trong cấu trúc hóa học có 3 vòng. TCAs chủ yếu làm tăng nồng độ của epinephrine trong các sy-nap ở não cho dù chúng cũng có thể tác động lên nồng độ của serotonin.

Các bác sĩ thường dùng TCAs trong những trường hợp trầm cảm nhẹ hoặc vừa. Một số ví dụ về thuốc chống trầm cảm 3 vòng bao gồm amitriptyline (Elavil), protriptyline (Vivactil), desiparmine (Norpramine), nortriptyiine (Aventyl, Pamelor), trimipramine (Surmontil), và perphenazine (Triavil).

Thuốc chống trầm cảm 4 vòng có hoạt động tương tự như TCAs ngoại trừ việc cấu trúc hoá học của chúng có 4 vòng. Một số ví dụ của thuốc này bao gồm maprotiline (Iudiomil) và mirtazapine (Remeron) ( đã được đề cập ở phần trên).

TCAs thì an toàn và nhìn chung được dung nạp tốt nếu chẩn đoán và dùng đúng. Tuy nhiên, TCAs có thể gây loạn nhịp tim nguy hiểm đến tính mạng nếu dùng quá liều. Một số TCAs cũng có thể có tác dụng phụ kháng cholinergic vì ức chế hoạt động thần kinh kiểm soát nhịp tim, nhu động ruột và sản xuất nước bọt. Do đó chúng gây khô miệng, táo bón và choáng váng khi đứng.

Choáng váng là vì tụt huyết áp xảy ra khi đứng (tụt huyết áp tư thế). Tác dụng phụ kháng cholinergic cũng có thể làm nặng thêm tình trạng tăng nhãn áp góc hẹp, tắc nghẽn đường tiểu do phì đại tiền liệt tuyến lành tính, và gây ra chứng hoang tưởng ở người già. Cũng nên tránh dùng TCAs ở những bệnh nhân động kinh và có tiền sử bị đột quị.

Một số thuốc kích thích như methylphenidate (Ritalin) hay dextroamphetamine (Dexedrine) được dùng chủ yếu để điều trị trầm cảm khi bị kháng các loại thuốc khác. Chúng hiếm khi dùng đơn độc mà thường được dùng chung với các thuốc chống trầm cảm khác hoặc các loại thuốc như an thần, chống loạn tâm thần, hoặc thậm chí với hormôn tuyến giáp, Iý do thuốc hay được dùng chung với các thuốc khác trong điều trị trầm cảm là vì thuốc có thể tạo cảm giác hưng phấn và tăng nhu cầu sử dụng ở cả những người không bị cũng như bị trầm cảm. Do đó, thuốc này có tính gây nghiện mạnh.

Shock điện(ECT)

Trong phương pháp shock điện, một dòng điện được đưa qua não để tạo những cơn co giật có kiểm soát. Đây là phương pháp rất hữu ích cho một số bệnh nhân đặc biệt là những người không thể hay không đáp ứng với thuốc chống trầm cảm, những người bị trầm cảm nặng hoặc có nguy cơ tự tử cao. ECT cũng hiệu quả trong những trường hợp các thuốc chống trầm cảm không tạo được kết quả mong muốn.

Như đã đề cập ở trên thì thủ thuật này làm tăng phóng thích các chất hoá học thần kinh từ các cơn co giật có kiểm soát. ECT làm giảm “ngoạn mục”triệu chứng trầm cảm sau 1 hoặc 2 tuần điều trị. Sau đó, một số bệnh nhân có thể tiếp tục duy trì phương pháp ECT trong khi một số khác quay về phương pháp dùng thuốc chống trầm cảm.

Trong những năm gần đây, các kỹ thuật ECT đã được cải tiến nhiều. Việc thực hiện thủ thuật trong bệnh viện có gây mê làm bệnh nhân không bị đau. Hầu hết bệnh nhân trãi qua 6 tới 10 đợt điều trị. Dòng điện được đưa qua não để tạo ra một cơn co giật có kiểm soát thường kéo dài 20-90 giây. Bệnh nhân tỉnh dậy trong vòng 5-10 phút. Tác dụng phụ hay gặp nhất là làm mất trí nhớ ngắn hạn nhưng có thể phục hồi nhanh chóng. Sau đợt đầu điều trị thì ECT có thể được thực hiện an toàn trên bệnh nhân ngoại trú.

Liệu pháp tâm lý

Có rất nhiều kiểu liệu pháp tâm lý hiệu quả trong điều trị bệnh nhân trầm cảm bao gồm một vài kiểu điều trị ngắn hạn (từ 10 đến 20 tuần). Liệu pháp khuyến khích nói chuyện giúp bệnh nhân nhận thấy các vấn đề và giải quyết chúng qua trao đổi thẳng thắn với bác sĩ điều trị.

Các bác sĩ điều trị về hành vi giúp bệnh nhân học cách thoả mãn và hài lòng thông qua các hành động của chính họ. Những bác sĩ này cũng giúp bệnh nhân kiềm chế những kiểu hành vi góp phần vào tình trạng trầm cảm.

Liệu pháp giao tiếp cùng với liệu pháp hành vi và nhận thức là 2 liệu pháp tâm lý ngắn hạn được nghiên cứu cho thấy có ích đối với một vài dạng trầm cảm. (Các bác sĩ về giao tiếp tập trung vào những rối loạn trong mối quan hệ với mọi người của bệnh nhân mà từ đó gây nên cũng như làm nặng lên tình trạng trầm cảm). Các bác sĩ về hành vi và nhận thức thì giúp bệnh nhân thay đổi những kiểu suy nghĩ và hành động có hại, liên quan đến trầm cảm.

Những cách điều trị dựa vào nghiên cứu quá trình tâm thần đôi khi được dùng trong điều trị trầm cảm. Chúng tập trung vào việc giải quyết những xung đột tâm lý nội tại của bệnh nhân mà điển hình là bắt nguồn từ thời thơ ấu. Những cách điều trị dài hạn dựa vào nghiên cứu quá trình tâm thần cũng đặc biệt quan trọng nếu thời gian bệnh sử tương đối dài và khả năng va chạm kém (cơ chế kém thích nghi trong đương đầu với khó khăn) trong các hành vi có hại hoặc tự gây tổn thương.

Hướng tiếp cận chung đối với điều trị trầm cảm là gì?

Nhìn chung, các trường hợp bệnh trầm cảm nặng đặc biệt là các trường hợp hay tái phát sẽ cần điều trị bằng thuốc chống trầm cảm (hoặc ECT trong những tình huống đặc biệt) cùng với liệu pháp tâm lý để có kết quả tốt nhất. Nếu một người gặp phải một giai đoạn trầm cảm tâm thần thì có 50% khả năng anh (hay cô) ta sẽ tái phát lần thứ hai.

Còn nếu bệnh nhân đã trải qua 2 lần thì khả năng tái phát lần 3 là 75-80%. Con số đó sẽ lên đến 90-95% khả năng tái phát lần nữa nếu bệnh nhân bị 3 lần. Do vậy, sau khi lần bị đầu tiên, nên khuyến cáo bệnh nhân ngưng thuốc từ từ. Tuy nhiên, sau lần thứ hai và chắc chắn là sau lần thứ 3 thì hầu hết bác sĩ đều cho bệnh nhân giữ liều duy trì kéo dài hàng năm nếu không muốn nói là suốt đời.

Đôi khi bác sĩ sẽ thử nhiều loại thuốc chống trầm cảm trước khi tìm ra thuốc hoặc công thức kết hợp thuốc có hiệu quả cao nhất trên bệnh nhân. Thỉnh thoảng cũng phải cần tăng liều để đạt hiệu quả tốt. Các thuốc chống trầm cảm mới cũng đang liên tục được phát triển và một trong số đó có thể đạt kết quả tốt nhất trên một bệnh nhân cụ thể.

Nếu như bệnh nhân dùng hơn một loại thuốc về trầm cảm hoặc có đang điều trị một bệnh khác thì người bác sĩ điều trị phải được biết về chúng. Đa số các thuốc này được chuyển hoá ở gan. Điều này có nghĩa là sử dụng nhiều thuốc có thể gây tương tác đối kháng với hệ thống đào thải sinh hoá của gan. Do đó, nồng độ thực của thuốc trong máu có thể cao hơn hoặc thấp hơn liều điều trị. Các thông tin này đặc biệt quan trọng đối với các bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông, chống động kinh, hoặc các thuốc tim mạch như digitalis. Mặc dù không nhất thiết dùng nhiều thuốc là đều có hại nhưng người bác sĩ cần phải theo dõi kỹ để điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp.

Bệnh nhân thường muốn ngưng thuốc rất sớm. Điều quan trọng là phải dùng thuốc liên tục cho đến khi bác sĩ cho phép ngưng, cho dù bệnh nhân có thấy khoẻ hơn trước đó. Một vài loại thuốc phải ngưng từ từ để cơ thể có thời gian điều chỉnh. Đối với người có rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc chứng trầm cảm tâm thần mạn tính, thì cần phải dùng thuốc suốt đời nhằm tránh các triệu chứng.

Các thuốc chống trầm cảm không gây nghiện, do đó không cần phải lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, cũng giống như trong trường hợp sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong nhiều ngày, thuốc chống trầm cảm phải được theo dõi kỹ lưỡng nhằm đảm bảo bệnh nhân sử dụng đúng liều. Bác sĩ cũng sẽ cần kiểm tra liều cũng như hiệu quả của thuốc một cách đều đặn.

Nếu bệnh nhân đang sử dụng MAOIs thì tránh dùng các loại thực phẩm cũ, bị lên men hay ngâm trong giấm. Bác sĩ nên đưa một danh sách đầy đủ các loại thực phẩm không được dùng cho bệnh nhân và yêu cầu phải luôn luôn tuân thủ theo. Đối với các loại thuốc chống trầm cảm khác thì không cần phải kiểm soát chế độ ăn uống. Nên ghi nhớ rằng một số thuốc ho hay trị cảm lạnh thông thường có thể gây một số phiền toái khi dùng chung với MAOIs.

Không bao giờ dùng chung bất cứ các loại thuốc nào (như các thuốc được kê toa, thuốc thông thường hay qua truyền miệng) mà không tham vấn bác sĩ trước. Phải thông báo về vấn đề dùng thuốc chống trầm cảm cho các nha sĩ hay các bác sĩ chuyên khoa khác trước khi họ cho thuốc. Một số thuốc vô hại khi dùng đơn độc nhưng khi kết hợp với thuốc khác có thể gây các tác dụng phụ trầm trọng. Một số dược chất như cồn (bao gồm rượu, bia, rượu nặng) làm giảm hiệu quả của thuốc thì nên tránh dùng.

Những thuốc chống lo lắng như Valium, Xanax, và Ativan không phải là thuốc chống trầm cảm nhưng đôi khi được dùng đơn độc hoặc kèm với thuốc chống trầm cảm khi có triệu chứng lo âu thoáng qua. Tuy nhiên chúng không nên được dùng để điều trị rối loạn trầm cảm. Hơn nữa, các thuốc chống lo lắng cần phải ngưng dần càng sớm cần tốt khi các tác dụng chống trầm cảm và lo âu của thuốc chống trầm cảm bắt đầu có hiệu quả, thường là từ 4 đến 6 tuần.

Cuối cùng, bệnh nhân nên trình bày những thắc mắc về thuốc hay các vấn đề mà họ cho là có liên quan đến thuốc với bác sĩ để được tư vấn

ngayxua
08-11-2006, 09:12 PM
Trầm cảm (Phần cuối)

Thế nào là tự lực?

Các rối loạn trầm cảm khiến người bệnh có cảm giác mệt mỏi, tự ti, bị bỏ rơi và mất niềm tin. Những cảm giác cũng như ý nghĩ tiêu cực như vậy làm người bệnh tuyệt vọng. Điều quan trọng là phải nhận thức được những quan điểm tiêu cực đó là một phần của trầm cảm và thường không phản ánh chính xác tình trạng thực sự. Cần nhớ rằng những ý nghĩa như vậy sẽ mất dần khi điều trị bắt đầu có hiệu quả. Cho tới lúc đó, người bị trầm cảm nên thực hiện theo những hướng dẫn và lời khuyên bổ ích sau :

Đừng nên tự đặt ra mục tiêu khó hay phải đòi hỏi trách nhiệm cao.

Chia công việc thành những giai đoạn nhỏ, xếp theo thứ tự ưu tiên và làm trong khả năng và khi có thể.

Không nên kỳ vọng vào bản thân quá sớm, điều này chỉ làm tăng cảm giác thất bại mà thôi.

Nên tổ chức làm việc theo nhóm vì nó sẽ mang hiệu quả tốt hơn khi làm một mình.

Tham gia vào các hoạt động khiến bạn thấy thoải mái.

Nên tập thể dục nhẹ, đi xem phim, chơi bóng, hoặc tham gia vào các hoạt động tôn giáo hay xã hội.

Đừng nên nóng vội và cũng đừng nên buồn vì chưa thấy hiệu quả ngay lập tức. Việc hồi phục cần phải có thời gian.

Đừng nên tự quyết định các vấn đề quan trọng trong cuộc sống như thay đổi công việc, cưới xin hay ly dị khi chưa trò chuyện với người thân. Họ thường có cái nhìn khách quan về vấn đề của bạn. Trong bất cứ trường hợp nào thì nên trì hoãn các quyết định như vậy cho tới khi tình trạng trầm cảm của bạn được cải thiện.

Đừng kỳ vọng có thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng trầm cảm của bạn. Hiếm người làm được điều đó. Hãy luôn tự lực khi có thể, và cũng đừng nên xấu hỗ vì không đạt điểm trên trung bình trong công việc.

Nên nhớ rằng đừng chấp nhận lối suy nghĩ tiêu cực. Nó góp phần vào trầm cảm và sẽ biến mất khi bệnh đáp ứng với điều trị.

Làm cách nào để giúp một người bị trầm cảm?

Bạn bè và gia đình là những người có thể giúp đỡ! Khi một người bị trầm cảm thấy mệt mỏi và bị bỏ rơi thì anh (hay chị) ta sẽ muốn và có khả năng cần sự giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên, những người chưa từng mắc bệnh thì thường không hiểu hết hiệu quả của việc giúp đỡ này. Cho dù không cố ý thì bạn bè hay người thân có thể vô tình nói hoặc làm những điều gây tổn thương người bị trầm cảm. Do đó, nên đưa các thông tin trong bài báo này tới những người mà bạn quan tâm để họ có thể hiểu hơn và giúp đỡ họ.

Điều quan trọng nhất mà một người có thể làm để giúp người bị trầm cảm là giúp họ có một chẩn đoán và điều trị thích hợp. Nó bao gồm khuyến khích người bệnh tiếp tục điều trị cho dù các triệu chứng đã mất (thường sau vài tuần) hay khi gặp khó khăn vì điều trị không thấy hiệu quả. Đôi khi cần phải làm cuộc hẹn và đi cùng người bệnh tới gặp bác sĩ. Điều này cũng có nghĩa là phải theo dõi người bệnh có sử dụng thuốc hay không. Luôn luôn báo cho bác sĩ điều trị khi người bệnh tiến triển nặng thêm.

Một cách cũng quan trọng thứ hai là giúp nâng đỡ về mặt tinh thần. Việc nâng đỡ này bao gồm thông cảm, kiên nhẫn, yêu thương và khuyến khích. Lôi kéo người bệnh nói chuyện và lắng nghe cẩn thận. Đừng bộc lộ sự chê bai, mà hãy biểu hiện sự tin tưởng và cho người bệnh những hy vọng. Không nên bỏ qua các dấu hiệu của sự tự tử. Luôn báo cho bác sĩ điều trị của bệnh nhân về các dấu hiệu đó.

Mời bệnh nhân đi dạo, du ngoạn, coi phim cũng như tham gia các hoạt động khác. Nên thuyết phục nhẹ nhàng nếu bị từ chối. Khuyến khích tham gia các hoạt động mang lại sự thư giãn như các sở thích của bệnh nhân, thể thao hoặc hoạt động tôn giáo hay xã hội. Tuy nhiên đừng nên thúc đẩy bệnh nhân quá nhiều cũng như quá sớm. Người bị trầm cảm cần có sự bầu bạn và giải trí nhưng đòi hỏi ở họ quá nhiều có thể làm tăng cảm giác thất bại.

Đừng nên coi người bị trầm cảm đang giả vờ ốm hay lười biếng. Cũng đừng mong đợi họ sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Cuối cùng, hầu hết người bị trầm cảm đều tiến triển tốt hơn khi điều trị và hãy luôn ghi nhớ điều đó. Hơn thế nữa, nên luôn trấn an người bệnh rằng họ sẽ cảm thấy tốt hơn theo thời gian và với sự giúp đỡ của mọi người.

Người bị trầm cảm nên đi đến đâu?

Một đánh giá toàn diện về thể chất và tinh thần của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp cho người bị trầm cảm có thể quyết định các phương thức điều trị tốt nhất cho họ. Tuy nhiên, trong các trường hợp khẩn cấp như khả năng dọa tự tử tăng cao, nên đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu là cách thích hợp nhất.

Nếu bệnh nhân đang hoặc tìm mọi cách tự tử thì phải gọi ngay xe cấp cứu, hoặc cảnh sát 113. Người bệnh có thể không nhận thức được sự giúp đỡ dành cho họ. Thật ra họ cảm thấy bị bỏ rơi do các ý nghĩ tiêu cực và sự tuyệt vọng vốn là một đặc điểm của bệnh trầm cảm.

Danh sách liệt kê dưới đây bao gồm những người hoặc các địa điểm có thể nhờ giúp đỡ hay cung cấp các dịch vụ chẩn đoán và điều trị. Dò tìm trong Niên giám điện thoại các mục “săn sóc sức khoẻ tâm thần”, ”sức khoẻ”, ”dịch vụ xã hội”, ”phòng chống tự tử”, ”bệnh viện” hoặc “bác sĩ” để tìm điện thoại và địa chỉ.

Bác sĩ gia đình.

Chuyên gia về sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm lý, bác sĩ thần kinh, các nhà hoạt động xã hội, hoặc nhà tư vấn về sức khỏe tâm thần.

Các tổ chức duy trì sức khoẻ

Các trung tâm sức khoẻ tâm thần trong cộng đồng

Khoa thần kinh của các bệnh viện hay các trung tâm dành cho bệnh nhân ngoại trú.

Các chương trình nghiên cứu của các trường y khoa.

Các chương trình dành cho bệnh nhân ngoại trú của bệnh viện.

Các dịch vụ cho gia đình hoặc các tổ chức xã hội.

Phòng khám tư.

Các chương trình giúp đỡ việc làm.

Các tổ chức sức khoẻ và tâm thần của địa phương.

Triển vọng cho bệnh trầm cảm.

Việc điều trị bệnh trầm cảm có triển vọng rất sáng sủa. Chúng ta đang tiến gần đến xác định được gen gây chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực và hy vọng không lâu sau đó sẽ là chứng trầm cảm tâm thần. Bằng cách đó, chúng ta có thể biết được khả năng dễ bị trầm cảm của một đứa trẻ từ khi chào đời và có các kế hoạch phòng ngừa. Một ví dụ là có thể giáo dục cho cha mẹ các dấu hiệu báo động sớm để họ có thể đưa trẻ đi điều trị nếu thấy cần để tránh được các biến chứng.

Một lãnh vực mới về liệu pháp gen sẽ cho những hứa hẹn trong việc kiểm soát hoàn toàn các gen gây trầm cảm, để ngăn ngừa bệnh một cách triệt để. Qua việc nghiên cứu gen, chúng ta cũng có thể hiểu hơn về khả năng thích ứng đối với điều trị của bệnh nhân. Các thông tin này sẽ giúp người thầy thuốc chọn loại thuốc và chế độ điều trị tâm lý tốt nhất cho người bệnh.

Chúng ta đang hiểu thêm rất nhiều về các phản ứng của các chất hóa học thần kinh trong não. Hơn thế nữa, người ta còn đang nghiên cứu về các chất hóa học thần kinh mới như neuropeptide và chất P. Với các kết quả đó, chúng ta có thể phát triển các loại thuốc mới hiệu quả hơn với ít tác dụng phụ hơn trong một tương lai gần.

Cuối cùng, chúng ta khám phá được những điều rất bất ngờ về cách mà các sang chấn tinh thần (hay còn gọi là stress) ở người phụ nữ mang thai thời kỳ đầu có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của bào thai. Ví dụ như giờ đây chúng ta đã biết rằng những stress khi mang thai có thể làm tăng cao nguy cơ thai nhi bị mắc chứng trầm cảm khi trưởng thành. Trong khi sự buồn rầu luôn hiện diện trong cuộc sống của mỗi con người, hi vọng rằng chúng ta sẽ có thể làm giảm hoặc loại bỏ những dạng rối loạn tinh thần trầm trọng hơn nhằm đem lại lợi ích cho tất cả mọi người trên thế giới.

Sơ lược về trầm cảm

Rối loạn trầm cảm là một hội chứng (nhóm các triệu chứng) phản ánh trạng thái tinh thần buồn phiền vượt quá mức bình thường.

Các rối loạn trầm cảm không chỉ đặc trưng bởi những ý nghĩ, trạng thái hay hành động tiêu cực mà còn thể hiện qua những thay đổi đặc hiệu trong chức năng (ví dụ như ăn uống, ngủ và hoạt động tình dục).

Cứ 10 người thì sẽ có 1 người mắc bệnh trầm cảm trong cuộc đời và trong 1/10 trường hợp này, tự tử là một

Nguyên nhân gây tử vong.

Một số dạng trầm cảm có tính cách gia đình đặc biệt là đối với rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Trầm cảm chỉ được chẩn đoán xác định trên lâm sàng. Vì vậy điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt ngay khi bạn thấy các triệu chứng trầm cảm của bản thân, bạn bè hay người thân trong gia đình.

Bước đầu tiên để có được điều trị thích hợp là phải đánh giá toàn diện về thể chất và tinh thần, để xác định bệnh nhân thực sự có rối loạn trầm cảm hay không.

Trầm cảm không phải là một sự yếu đuối,nhưng là một bệnh nặng với các khía cạnh sinh học, tâm lý, xã hội cho tới nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của nó. Người bệnh không thể khỏi bệnh hoàn toàn. Nếu không điều trị, bệnh sẽ nặng hơn và nếu điều trị không đủ thì bệnh sẽ tái phát.

Có rất nhiều loại thuốc an toàn và hiệu quả đặc biệt là SSRIs có thể giúp ích rất nhiều trong điều trị trầm cảm.

Để có thể thoát khỏi một rối loạn tinh thần thì cần phải điều trị bằng thuốc hoặc shock điện và liệu pháp tâm lý, cho dù nó có nguyên nhân thúc đẩy hay là vô căn.

Trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục cải tiến cách điều trị, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, và hy vọng phát triển các phương pháp phòng ngừa thông qua các nghiên cứu về trầm cảm và các chương trình giáo dục

bong xu
08-11-2006, 09:18 PM
sao anh ngày xưa lại đưa vấn đề này lên vậy?đọc xong em cũng có cảm giác mình bị trầm cảm, hix

ngayxua
08-11-2006, 09:21 PM
sao anh ngày xưa lại đưa vấn đề này lên vậy?đọc xong em cũng có cảm giác mình bị trầm cảm, hix

Anh đưa lên để mọi người hiểu rõ hơn để phòng và tránh bệnh thôi mà. Cảm ơn em đã quan tâm và đọc.

ngayxua
16-11-2006, 09:34 PM
Trầm cảm - 1 vấn đề cần được phát hiện sớm
Tổng quan

Theo thống kê, ở Pháp tỷ lệ trầm cảm chiếm 15% dân số. Có lúc người ta đã phải dùng đến cụm từ "Bệnh dịch trầm cảm". Cuộc sống văn minh đem lại cho con người nhiều sự tự do, thoải mái về đời sống vật chất và tinh thần nhưng nó cũng làm cho con người trở nên độc lập hơn, cũng cô đơn hơn.

Có hai nguyên nhân chính gây ra trầm cảm

- Nội sinh (do di truyền…)

- Ngoại sinh (sốc tâm lý, thất tình, thi trượt, mất việc, làm ăn thua lỗ, mất mát lớn về vật chất và tinh thần….)

Dù nguyên nhân nào đi nữa thì hậu quả của trầm cảm cũng rất phức tạp và nghiêm trọng: lạm dụng thuốc, nghiện rượu, nghiện ma tuý, mất khả năng lao động, tan vỡ cuộc sống gia đình…và đặc biệt là tự sát. Theo thống kê ở Pháp tỷ lệ chết do tự sát vì trầm cảm lên đến 30-35% tổng số tự sát. Tự sát nằm trong 10 nguyên nhân gây chết lớn nhất trên thế giới.

Trầm cảm gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng việc nhận ra nó, chẩn đoán sớm để điều trị không phải dễ vì biểu hiện của nó rất đa dạng, phức tạp do tính pha trộn, tính giấu mặt. Nên số bệnh nhân bị trầm cảm đến với bác sĩ tâm thần ngay từ đầu không nhiều. Ngay ở Pháp, một nước có nền y học tiên tiến cũng có đến 75% số trường hợp trầm cảm không được chẩn đoán, điều trị đầy đủ do không được phát hiện.

Mặt khác, trầm cảm là một quá trình kéo dài nên việc điều trị cần phải theo đúng liệu trình đầy đủ về cả thuốc men và thời gian. Thời gian điều trị tối thiểu từ 4 – 6 tháng. Ngoài các thuốc điều trị cổ điển như (amitriptylin, anafranil…), hiện nay đã có nhiều loại thuốc chống trầm cảm mới như: stablon, remeron, prozac, effexor… tác dụng nhanh, ít tác dụng phụ, dễ dùng và các phương pháp trị liệu mới như sốc (shock) điện có gây mê ngắn, rất ít biến chứng và các trị liệu tâm lý xã hội… Tất cả những điều này làm cho kết quả điều trị trầm cảm ngày càng khả quan.

Để góp một phần nhỏ vào việc phát hiện sớm bệnh trầm cảm, bạn có thể căn cứ vào bảng tự đánh giá phát hiện nhanh chứng trầm cảm (kèm theo). Bệnh nhân và người nhà có thể tự đánh giá theo bảng này. Hy vọng nó có thể định hướng để đến với bác sĩ điều trị sớm nhất.

Bảng tự đánh giá phát hiện nhanh trầm cảm

Bạn hãy xem kỹ và trả lời một cách thẳng thắn, trung thực. Trong thời gian từ một tuần trở lên tự nhiên hoặc sau khi có "sự cố" trong đời sống bạn có các nhóm triệu chứng sau đây hay không?


Triệu chứng:

Không

1- Mất ngủ: khó vào giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm không ngủ được nữa, hoặc thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng kèm theo bồn chồn khó chịu (có khi ngủ nhiều quá mức)

2- Chán ăn: ăn ít, ăn không ngon, không thích ăn, sợ ăn có khi ăn nhiều quá mức), Không ăn, sút cân.

3- Giảm hay rất thèm muốn quan hệ tình dục.

4- Cảm thấy bồn chần lo âu, đứng ngồi không yên, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau ngực, táo bón, sợ lạnh.

5- Cảm thấy mệt mỏi suy nghĩ chậm chạp, buồn rầu, mất hứng thú làm việc, mất hứng thú giải trí hàng ngày (thể thao, xem tivi, sách báo, phim…). Cảm thấy xung quanh buồn rầu ảm đạm, thời gian kéo dài lê thê.

6- Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình.

7- Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi, không muốn tiếp xúc với ai.

8- Nghĩ rằng mình không xứng đáng được ăn, không xứng đáng được sống, cho rằng mình là gánh nặng cho mọi người.

9- Có ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát bằng thuốc ngủ, treo cổ, nhảy lầu, đâm vào xe…hay đã có lần tự sát.

10- Nghĩ rằng mình bệnh nặng, vô phương cứu chữa, là hình phạt đáng phải chịu


Kết quả

Nếu bạn hay người thân của bạn có ít nhất 5 nhóm triệu chứng trên thì có thể bị trầm cảm. Hãy đến gặp ngay bác sĩ của bạn hay bác sĩ chuyên khoa tâm thần, họ sẽ cho bạn lời khuyên đúng đắn.

ngayxua
16-11-2006, 09:43 PM
Trầm cảm ở học sinh, sinh viên và thuốc chữa

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần hay gặp nhất trong các dạng rối loạn tâm thần. Thời đại bùng nổ thông tin, do áp lực học tập lớn nên bệnh gặp khá nhiều ở lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Triệu chứng

Rất đa dạng và phong phú như:

- Mất ngủ: Là triệu chứng hay gặp nhất. Bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc (khó vào giấc ngủ), giữa giấc (đang ngủ tỉnh dậy, sau đó rất khó ngủ lại) và cuối giấc (thức giấc sớm, không ngủ lại được).

Nếu bệnh nhân thức giấc sớm hơn thường lệ trên hai giờ thì coi là mất ngủ. Chẳng hạn bình thường bệnh nhân thức dậy lúc 5 giờ sáng, bây giờ bệnh nhân thức giấc lúc 2 giờ sáng mà không sao ngủ lại được. Nếu nặng sẽ gây ra mất ngủ toàn bộ.

- Mệt mỏi: Bệnh nhân thường cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải, đặc biệt là về buổi sáng. Buổi chiều cảm giác mệt mỏi có giảm đi nhưng vẫn còn rất rõ rệt. Chính mệt mỏi là nguyên nhân gây giảm sút khả năng học tập ở bệnh nhân.

- Chán ăn: Ăn mất ngon, vì vậy bệnh nhân ăn ít, từ đó dẫn đến gầy sút, bệnh nhân không muốn ăn, không có cảm giác thèm ăn. Thông thường bệnh nhân có thể sút một vài kg mỗi tháng, có những bệnh nhân khi đến khám bác sĩ tâm thần thì đã sút hơn 10 kg.

- Mất mọi quan tâm, thích thú trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí: Các sở thích trước đây của bệnh nhân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chẳng hạn trước đây bệnh nhân thích bóng đá thì giờ chẳng quan tâm đến bóng đá nữa.

- Cảm giác buồn rầu, hoặc bực bội, khó chịu: Nét mặt bệnh nhân luôn rầu rĩ. Bệnh nhân luôn có cảm giác buồn bã với tất cả mọi việc mà không có cách nào làm bệnh nhân vui lên được. Bệnh nhân luôn cáu gắt với mọi người vì những lý do không đâu.

- Ý nghĩ chán nản, buông xuôi: Bệnh nhân chán mọi thứ, cho mình là vô dụng, vì vậy muốn buông xuôi mọi việc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của bệnh nhân. Nhiều gia đình than phiền rằng bệnh nhân chán nản, muốn bỏ học không lý do, mặc dù trước đó bệnh nhân là một sinh viên rất chăm chỉ, học giỏi.

- Khó khăn khi tập trung vào một việc gì đó: như đọc sách, nghe giảng, xem ti-vi... Bệnh nhân không thể tập trung chú ý vào một việc cụ thể, do đó không thể ghi nhớ được, có bệnh nhân nói rằng đang đọc một đoạn sách mà không sao tập trung chú ý được. Do đó không thể nhớ được mình vừa đọc cái gì. Vì vậy kết quả học tập giảm sút rõ rệt, có những bệnh nhân thi trượt tất cả các môn mặc dù học kỳ trước còn là học sinh giỏi.

- Cảm giác bứt rứt, buồn nôn, lo lắng vô cớ: Bệnh nhân khó có thể ngồi yên một chỗ được một lúc. Họ luôn trong tâm trạng lo lắng vô cớ với những lý do không đâu.

- Thường xuyên có các rối loạn: như đau đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi..., vì vậy bệnh nhân thường được đưa đi khám ở bác sĩ thần kinh (đau đầu), tim mạch (đánh trống ngực), tiêu hóa (đau bụng)... nhưng tất cả các khám xét trên đều không chỉ ra một bệnh cụ thể nào. Cũng chính vì đi khám và điều trị nhiều nơi không phải chuyên khoa tâm thần nên bệnh nhân thường đến khám bác sĩ tâm thần ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã trở thành mạn tính, vì vậy việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn.

- Bệnh nhân từng có ý định muốn chết hoặc có hành vi tự sát: Chính do các triệu chứng kể trên, bệnh nhân bi quan, chán nản, muốn chết đi cho nhẹ gánh. Do vậy nhiều bệnh nhân có kế hoạch tự tử rõ ràng. Họ thường tìm cách mua thuốc gây độc. Chúng ta không được coi thường triệu chứng này vì bệnh nhân có thể chết do tự tử.

Khi có ý định hoặc hành vi tự sát, bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại khoa tâm thần càng sớm càng tốt. Các bậc phụ huynh thường nhận thấy con em mình mất ngủ, kém ăn, gầy sút, học hành sút kém rõ rệt, khi đó nên đưa bệnh nhân đi khám tại bác sĩ tâm thần để phát hiện và điều trị sớm trầm cảm.

Thời gian bị bệnh

Phải trên 2 tuần. Nhưng nói chung các bệnh nhân thường đã bị bệnh từ nhiều tháng, thậm chí một năm mới đến khám tại bác sĩ tâm thần.

Bệnh nhân không bị một bệnh cơ thể nào gây ra các triệu chứng trên: Nếu các triệu chứng trên là hậu quả của một bệnh cơ thể (tăng huyết áp, loét dạ dày...) thì gọi là trầm cảm do bệnh cơ thể đó. Bệnh nhân không nghiện rượu, ma túy. Nếu có nghiện rượu, ma túy cần phải được chẩn đoán phân biệt.

Điều trị

Bệnh nhân phải được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Các biện pháp điều trị khác như đông y, châm cứu... cho kết quả không rõ ràng.

Thuốc chống trầm cảm có nhiều loại nhưng dù dùng loại gì thì thời gian điều trị tối thiểu cũng phải là 6 tháng. Nếu điều trị quá ngắn, bệnh sẽ dễ tái phát. Một số phác đồ cụ thể:

- Stablon 12,5mg x 3 viên/ngày, sáng 1 viên, chiều 1 viên, tối 1 viên.

Ưu điểm: hiệu quả điều trị tốt, ít tác dụng phụ.

Nhược điểm: phải uống thuốc 3 lần/ngày.

- Effexor 50mg x 2 viên/ngày, sáng 1 viên, tối 1 viên.

Ưu điểm: chữa trầm cảm rất tốt.

Nhược điểm: có nhiều tác dụng phụ trên dạ dày - ruột (đầy bụng, buồn nôn, nôn) trong thời gian đầu dùng thuốc.

- Fluoxetine 20mg x 1 viên/ngày, uống sau bữa ăn sáng.

Ưu điểm: hiệu quả cao, dung nạp tốt.

Nhược điểm: có tác dụng phụ trên hệ dạ dày - ruột trong thời gian đầu dùng thuốc.

- Sertraline 50mg x 2 viên/ngày, uống buổi tối 2 viên.

Ưu điểm: hiệu quả điều trị cao, ít tác dụng phụ.

Nhược điểm: thuốc đắt tiền, khó mua.

- Remeron 30mg x 1viên/ngày.

Ưu điểm: an dịu mạnh, kích thích ăn uống, rất thích hợp với bệnh nhân mất ngủ và chán ăn.

Nhược điểm: thuốc đắt tiền, thận trọng với người lái xe vì gây buồn ngủ.

- Fluvoxamin 100mg x 1viên/ngày, uống buổi sáng hoặc buổi tối.

Ưu điểm: hiệu quả điều trị tốt, đặc biệt với bệnh nhân có lo âu, ám ảnh.

Nhược điểm: có tác dụng phụ trên dạ dày - ruột.

Bệnh nhân dùng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc điều trị.


b-(

ngayxua
16-11-2006, 09:51 PM
Trầm cảm tại nơi làm việc

Trong môi trường làm việc, tại bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng 20% nhân viên bị trầm cảm. Chứng này có thể xuất hiện ở mọi ngành nghề và mọi nhân viên, không phân biệt cương vị hay cấp bậc.

Trầm cảm ảnh hưởng đến năng suất lao động, khả năng phán đoán và giao tiếp. Nhân viên bị trầm cảm không thể tập trung và chú ý đúng mức vào công việc, không thể phán đoán và ra quyết định nhanh chóng, từ đó dễ dẫn đến tai nạn lao động và gây ra nhiều thiệt hại. Khoảng 1/3 số nhân viên bị trầm cảm có thể lạm dụng rượu hay thuốc an thần.

Trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là những công ty kỹ thuật cao phải dựa chủ yếu vào năng lực tinh thần của mỗi nhân viên để giải quyết các yêu cầu của khách hàng. Do đó vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên ngày càng trở nên quan trọng, vì có thể ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh của công ty trên thương trường.

Trầm cảm gây thiệt hại lớn về kinh tế

Một nghiên cứu vào năm 1993 ở Mỹ cho thấy, chi phí cho trầm cảm vào khoảng 43,7 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, chi phí trực tiếp chỉ chiếm 29%, bao gồm tiền nhập viện, điều trị ngoại trú và thuốc men. Số còn lại là chi phí gián tiếp do nghỉ việc, giảm năng suất lao động và tự tử.

Về cá nhân người bị rối loạn trầm cảm, nếu không được điều trị, chất lượng các mối quan hệ xã hội của họ có thể giảm sút. Trong dân số bình thường, trung bình có khoảng 19% phàn nàn về tình trạng sức khỏe kém. Nhưng ở bệnh nhân trầm cảm, con số này tăng gấp 2,5 lần. Trong cùng một khoảng thời gian, số ngày nghỉ do mất sức lao động ở bệnh nhân trầm cảm cao gấp 5 lần. Bệnh nhân trầm cảm ít hoạt động, thường nằm suốt ngày; theo nghiên cứu trên thì có khoảng 38% bệnh nhân trầm cảm bị giới hạn lâu dài các hoạt động thường ngày và 30% giảm hoạt động so với khoảng 2 tuần trước đó.

Ngoài ra, tỷ lệ tử vong ở người trầm cảm cũng tăng cao và thường được biết là do tự tử hoặc gặp tai nạn. Đặc biệt, ở bệnh nhân trên 55 tuổi, tỷ lệ tử vong trong vòng 15 tháng kế giai đoạn bệnh cao gấp 4 lần so với nhóm người cùng tuổi không bị trầm cảm.

Một số triệu chứng trầm cảm

Luôn cảm thấy buồn rầu hoặc có tâm trạng “trống rỗng”.

Mất quan tâm hay hứng thú đối với các hoạt động thường ngày.

Cảm thấy mệt mỏi, chậm chạp hay mất hết sức lực.

Rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn ăn uống.

Khó khăn khi tập trung chú ý, khi cần nhớ lại một vấn đề nào đó hoặc ra quyết định.

Cảm giác tuyệt vọng, bi quan.

Cảm giác có tội, vô giá trị hay không ai có thể giúp đỡ.

Ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử, hành vi tự tử.

Dễ bị kích thích.

Khóc nhiều.

Đau nhức kéo dài ở nhiều nơi trên cơ thể mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Nếu có 5 triệu chứng trên liên tục hơn 2 tuần; hoặc các triệu chứng này gây trở ngại trong công việc hay môi trường gia đình thì đối tượng có thể đã bị trầm cảm và cần khám bác sĩ tâm thần. Nếu được khám và điều trị sớm, tỷ lệ thành công lên đến hơn 80% và đa số nhân viên sau thời gian điều trị, có thể làm việc lại với hiệu suất như trước kia.

Ở nơi làm việc, trầm cảm thường có các biểu hiện:

Giảm năng suất làm việc: Không hoàn thành đúng hạn, làm chậm hơn bình thường, hay xin lỗi vì không hoàn thành công việc, giảm sút khả năng ra quyết định đúng…

Xuống tinh thần, cảm thấy không thích thú, mất động cơ làm việc…

Giảm khả năng giao tiếp, hợp tác như tự cách ly khỏi đồng nghiệp, không tham gia các buổi họp…

Mắc tai nạn lao động, thường là do giảm khả năng tập trung chú ý.

Nghỉ làm thường xuyên, thường than vãn lúc nào cũng mệt, hay đau nhức nhiều chỗ mà không có nguyên nhân rõ ràng (như đau đầu, đau lưng, đau vai, rối loạn tiêu hóa…) và có biểu hiện lạm dụng rượu hay ma túy.

Tránh rối loạn trầm cảm

Để giúp đỡ nhân viên, người quản lý cần có kiến thức về trầm cảm, sớm nhận ra các dấu hiệu liên quan và biết thảo luận với nhân viên về vấn đề của họ với sự thấu hiểu, thông cảm và luôn giữ bí mật cuộc nói chuyện.

Khi thấy nhân viên có dấu hiệu trầm cảm, cần chuyển họ đến nơi khám bệnh thích hợp. Đặc biệt, khi nhận ra các dấu hiệu nghiêm trọng như “cuộc sống sao vô nghĩa”, “thật là dễ chịu nếu được chết đi”…, cần cho nhân viên đến khám chuyên khoa ngay, không nên tự chẩn đoán bệnh hay lên lớp về các bài học “đạo lý”. Đồng thời, hãy quan tâm nghiên cứu môi trường làm việc của nhân viên này để thay đổi theo hướng có lợi, sắp xếp thời khóa biểu làm việc linh động, bố trí công việc hợp lý nhằm giúp họ có điều kiện thuận lợi trong việc điều trị.

Cần chú ý là nhân viên bị trầm cảm rất “ngại” báo bệnh vì họ sợ bị chê là yếu đuối, không có năng lực, sợ mất việc hay phải thuyên chuyển công tác. Trong khi đó, bệnh trầm cảm có thể điều trị được và kết quả điều trị thường rất khả quan.

Để tránh trầm cảm, cần được làm việc với tinh thần khỏe khoắn và vui vẻ, cần bảo đảm tốt các điều kiện như đủ ánh sáng, không khí trong lành, ít tiếng ồn, nhiệt độ vừa phải. Công việc cần có tính đa dạng và sáng tạo để tạo nhiều cơ hội áp dụng và phát triển các kỹ năng của người lao động. Ngoài ra, cơ quan, đơn vị cũng cần tạo điều kiện cho người lao động thực hiện các ước muốn vươn lên trong công việc.

:-O