PDA

View Full Version : Các “bí kíp” cho những nhà “săn” học bổng



ToanA4_03_06
20-11-2006, 08:33 PM
Hai nhà học giả Benjamin Kaplan và Roxana Hadad vừa đưa ra những lời khuyên rất hữu dụng trên trang Fastweb cho những ai đang có tham vọng “giật” được một suất học bổng cho mình. Dưới đây là các ý khái quát được nêu:


- Hãy nộp đơn vào càng nhiều loại học bổng càng tốt. Nhiều người nghĩ rằng chỉ nên tập trung dồn hết sức vào một hay hai học bổng nhất định nên đã vô tình tự hạn chế cơ hội cho chính mình.

Nếu thấy học bổng chỉ có giá trị vài trăm đôla thì chúng ta cũng không nên bỏ qua cơ hội này vì chúng sẽ trang trải được phần nào chi phí học tập hay làm dày thêm bộ thành tích của chúng ta khi đi xin những loại học bổng có giá trị lớn hơn.

- Kết hợp giữa việc săn học bổng với các bài kiểm tra trên trường. Hiện nay có rất nhiều loại học bổng của các trường đòi hỏi về khả năng suy luận, phân tích nhân vật, tác phẩm văn học... và xu hướng trên đang ngày càng phổ biến nên sẽ rất tiện lợi nếu bạn biết tận dụng kỹ thuật kết hợp này.

Chẳng hạn như giáo viên ở lớp giao đề tài “Phân tích một cuốn sách mà anh/chị yêu thích nhất” thì bạn có thể sử dụng ngay cuốn tiểu thuyết The Fountainhead của tác giả Ayn Rand để viết khi bạn biết được đây cũng là một tác phẩm mà ngôi trường bạn đang nhắm vào cũng có đòi hỏi tương tự để trao học bổng.

- Nên quan tâm tới việc "tái sử dụng" một mẫu đơn xin học bổng chính. Đừng nên tốn quá nhiều thời gian cho việc viết nhiều đơn xin học bổng khác nhau cho từng trường, thay vì vậy bạn hãy dùng một đơn xin học bổng hoàn chỉnh nhất của mình từ trước tới giờ rồi thêm thắt, sửa chữa những chi tiết cho phù hợp hơn trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Hành động này không những giúp bạn có thêm nhiều thời gian để làm những công việc có ích khác mà lá đơn của bạn cũng sẽ ngày một hoàn hảo hơn khi bạn dễ dàng tìm ra những lỗi sai trước đây khi phải đọc đi đọc lại nó nhiều lần.

- Hãy tham gia các câu lạc bộ và tổ chức xã hội trong trường học hay khu vực đang sinh sống vì hiện có rất nhiều loại học bổng được cấp cho các cá nhân có bề dày hoạt động xã hội. Nếu từng tham gia các công việc bán thời gian ở đâu thì bạn cũng đừng quên ghi vào hồ sơ của mình. Các trường đại học ở nước ngoài không chỉ tập trung vào bảng thành tích học tập đơn thuần mà còn rất quan tâm việc bạn đã đóng góp được gì cho xã hội.

- Nếu là người khuyết tật thì bạn cũng đừng nên giấu đi chi tiết này. Đơn giản một điều rằng các nhà xem xét trao học bổng sẽ nhận ra nghị lực phi thường của bạn trong việc phấn đấu vượt lên số phận để theo đuổi việc học.

Tương tự, việc bạn xuất thân từ một dân tộc thiểu số cũng là một yếu tố nổi bật giúp họ nhận ra sự khác biệt ở bạn. Nhiều loại học bổng không đòi hỏi bạn phải mang 100% dòng máu người thiểu số mà chỉ cần ba hoặc mẹ mình thuộc dân tộc trên nên bạn hoàn toàn có thể mạnh dạn ứng cử vào học bổng đó.

- Cuối cùng bạn cũng đừng quên học hỏi kinh nghiệm từ những người từng đạt học bổng trước đây. Họ sẽ là một “nguồn tài nguyên” cực kỳ hữu ích trong việc truyền đạt cho bạn các lời khuyên cũng như mẹo để có thể “săn” học bổng một cách thành công, sẻ chia kinh nghiệm để giúp các bạn tránh khỏi những lỗi lầm có thể tránh được khi đi xin học bổng.