PDA

View Full Version : Du học theo kinh nghiệm của các “cao thủ”



ToanA4_03_06
20-11-2006, 08:46 PM
Theo kinh nghiệm của một số “cao thủ” trong “làng” du học, để công thành, danh toại nơi đất khách, ít nhất bạn phải có 2 yếu tố: chăm chỉ và giỏi ngoại ngữ.


“Cày” chăm vào!

Nguyễn Tiến Đạt - Người được cấp học bổng VEF, đang “làm” tiến sĩ tại The University of Iowa (Mỹ), cho rằng, để du học thành công, bạn phải nỗ lực, chăm chỉ hơn ở nhà.

Khi du học, sự thay đổi trong môi trường học tập là điều khiến bạn phải thích nghi. Ở những nước như Singapore, Mỹ, hay các nước châu Âu… môi trường học tập khác Việt Nam. Do vậy, thời gian đầu, bạn có thể sẽ bị “choáng”.

Sinh viên bên này rất nhiệt tình đóng góp ý kiến trong giờ học. Họ hỏi ngay giảng viên nếu không hiểu. Trong khi đó, giảng viên cũng khuyến khích sinh viên tham gia bằng cách cộng điểm cho những người nhiệt tình trả lời câu hỏi trên lớp. Ngoài ra, bài tập về nhà (homework) cũng được tính vào điểm cuối kỳ.

Tỷ lệ điểm là do giảng viên quyết định, tùy từng môn học, nhưng thường trên 40%. Vì thế, bạn buộc phải chăm chỉ làm bài tập. Nếu cuối kỳ chẳng may bạn có làm bài thi không tốt thì vẫn có thể đạt điểm B hay A. Trong khi đó, ở Việt Nam nếu cuối kỳ bạn không làm được bài thi thì chỉ có đường… thi lại.

Ngoài ra, sinh viên ở Mỹ còn phải tự chọn môn học cho mình. Đây là điểm rất khác và gây khó khăn cho sinh viên Việt Nam. Bởi lẽ ở nhà, chúng ta vẫn quen với việc học theo chương trình do nhà trường định sẵn.

Thế nên sang đây, khi phải tự chọn môn học, tức là mình tự quyết định tương lai của mình, nhiều sinh viên Việt Nam cảm thấy… không quen. Tuy nhiên, đây là phương pháp khiến bạn có trách nhiệm với chính mình hơn.

Về vấn đề này, bạn nên tham khảo ý kiến những người đi trước để có sự lựa chọn hợp với sở trường của mình.

Cũng đồng quan điểm “cần cù bù thông minh”, Đặng Ngọc Lân - Sinh viên năm cuối khoa Điện tử ( Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản) - cho rằng: “Môi trường học tập ở Nhật đánh giá cao và đòi hỏi sự chuyên cần của mỗi người. Những sinh viên có phẩm chất đó sẽ dễ dàng hơn trong việc thích nghi với cách học và có nhiều cơ hội đạt kết quả tốt”.

Trong cuộc thử thách trường kỳ này, bạn sẽ gặp phải rào cản về ngôn ngữ, văn hoá dẫn đến khó khăn trong tiếp thu kiến thức, giao tiếp và làm việc tập thể. Cách tốt nhất hạn chế những khó khăn này là học ngoại ngữ thật tốt.

Bạn cũng nên tìm hiểu kỹ về văn hoá, phong tục tập quán của địa phương mình sống, cũng như mạnh dạn tiếp xúc với mọi người. Đặc biệt, nên tham khảo kinh nghiệm những người đi trước trên diễn đàn của lưu học sinh Việt Nam ở các nước. Những người này sẽ cung cấp cho bạn những bài học bổ ích.

Ngoại ngữ “siêu”

Nguyễn Việt An, hai năm liền lọt vào danh sách top ba sinh viên xuất sắc nhất khoa Công nghệ Thông tin (Đại học Công nghệ Nanyang - NTU, Singapore) cho rằng, ngoại ngữ là chìa khóa quan trọng mở cánh cửa du học. Ngoại ngữ tốt sẽ giúp các bạn nhiều trong việc hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt hoàn toàn mới.

Nguyễn Tiến Đạt: Trước khi du học, nhiều người cũng thường học thêm ngoại ngữ. Tuy nhiên, không ít người học còn mang tính hàn lâm nhiều hơn là những gì giao tiếp hàng ngày. Do vậy, khi mới sang đất nước khác, một số bạn sẽ cảm thấy sốc vì những gì người dân bản địa nói.

Họ nói nhanh, dùng nhiều cụm từ lạ, ngữ điệu cũng phong phú… Vì thế, ngoại ngữ của bạn càng tốt bao nhiêu, thời gian làm quen với những thay đổi càng ngắn bấy nhiêu.

Nguyễn Việt An: Môi trường học tập ở NTU khuyến khích sinh viên tự nghiên cứu và học tập thông qua việc cung cấp những điều kiện và phương tiện đầy đủ như thư viện, phòng thực hành, phòng học …

Để đạt được kết quả tốt, bên cạnh khả năng ngoại ngữ, tôi thấy cần phải sử dụng hiệu quả những điều kiện học tập này để tự trau dồi kiến thức.

Với sách, tài liệu và thông tin sẵn có trong thư viện, Internet, tôi thường tự học để nâng cao kiến thức. Ở giảng đường, có những giờ học tôi không tham gia vì thấy không thật sự hiệu quả.

Tại các đại học ở Singapore, cũng như ở các nước tiên tiến khác trên thế giới đều trang bị nhiều máy tính kết nối Internet 24/24 giờ. Muốn khai thác hết những lợi ích từ nguồn thông tin khổng lồ này, kiến thức và kỹ năng sử dụng máy vi tính và Internet là quan trọng.

Chân dung 3 “khách mời”



- Nguyễn Việt An (sinh năm 1985): Sinh viên năm thứ ba ngành Công nghệ Thông tin, Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU). An trong 2 năm liền liên tiếp lọt vào top 3 sinh viên cao điểm nhất khoa.



- Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 1983): Nhận học bổng VEF sang Mỹ học Cao học. Tiến Đạt còn được trao nhiều học bổng, giải thưởng. Tháng 8/2006 đến nay, Đạt đang nghiên cứu chương trình Tiến sĩ tại The University of Iowa (Mỹ).



- Đặng Ngọc Lân (sinh năm 1983): Được Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng Monbukagakusho, hiện là sinh viên năm cuối khoa Điện tử của Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản.