PDA

View Full Version : Cơ sở nào để ĐH FPT thu học phí cao?



ToanA4_03_06
25-11-2006, 05:28 PM
"Mục tiêu của Trường ĐH FPT là đào tạo ra người có thể làm việc ngay trong ngành CNTT ở bất cứ nơi nào trên thế giới", TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho biết như vậy về thông tin tuyển sinh của trường.


* Với phương thức tuyển sinh là thi tuyển hai môn trắc nghiệm toán và tư duy logic, có thể nói ĐH FPT là ĐH đầu tiên trong cả nước có phương thức tuyển sinh riêng. Ông có thể lý giải lý do đưa ra phương thức tuyển sinh này?

- TS LÊ TRƯỜNG TÙNG: ĐH FPT đào tạo chuyên về CNTT, cần có phương thức tuyển sinh riêng để lựa chọn được các sinh viên có tố chất tư duy cần thiết phù hợp với yêu cầu của ngành. Phương thức thi ĐH ba chung hiện nay cho phép Nhà nước quản lý tập trung, nhưng mỗi trường có yêu cầu riêng, và dựa trên kết quả thi chung để tuyển sinh thì không phải hoàn toàn phù hợp.

Có thí sinh thi ĐH điểm cao, nhưng chưa chắc đã có tố chất học CNTT, ngược lại có những em thi điểm thấp - cũng không có nghĩa là không học CNTT được. Phương thức tuyển sinh năm 2006 của trường là thi hai môn toán và tư duy logic cho các đối tượng có kết quả thi ĐH ít nhất phải đạt điểm sàn trở lên. Riêng đối với các em đăng ký học bổng và vay tín dụng thì có thêm môn luận và phỏng vấn bổ sung.

* Năm ngành đào tạo của ĐH FPT đều thi tuyển hai môn nói trên?

- Năm nay, trường tuyển sinh ngành kỹ thuật phần mềm (Software Engineering) - đào tạo kỹ sư giữ các vị trí cao cấp trong các công ty phần mềm. Kế hoạch tuyển sinh của trường năm nay là 500 sinh viên. Tuy nhiên, số sinh viên tuyển được cụ thể sẽ phụ thuộc vào chất lượng của các thí sinh đăng ký dự thi, nếu chất lượng không bảo đảm thì con số thực tế tuyển được sẽ có thể thấp hơn.


TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT


* Thí sinh trúng tuyển sẽ học tập tại những cơ sở nào?

- Trụ sở ban đầu của trường đặt tại 15 Bis Phạm Hùng, Hà Nội, với 5.000m2 sử dụng, đủ chỗ cho trên 1.000 sinh viên. Hiện nay trường đang tiến hành quy hoạch trụ sở chính trên diện tích 30 ha tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Trong tương lai, trường sẽ mở thêm trụ sở tại TP.HCM và Đà Nẵng.

* Chương trình đào tạo được ĐH FPT áp dụng có gì vượt trội, liệu ĐH FPT có “vượt ra ngoài” chương trình khung của Bộ GD-ĐT?

- Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có chương trình khung cho nhóm ngành máy tính. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để trường được phép áp dụng khung chương trình đào tạo ĐH CNTT tiên tiến dựa theo tiêu chuẩn hàn lâm ACM của Mỹ và tiêu chuẩn hướng nghiệp ITSS của Nhật. Ngoài ra, trong chương trình đào tạo còn bổ sung bốn mảng nội dung với thời lượng đào tạo lớn là ngoại ngữ, kỹ năng mềm, thực hành công nghiệp và kiến thức xã hội.

* Sinh viên phải trả mức học phí bao nhiêu cho chương trình tiên tiến này, thưa ông? Sinh viên nghèo có được hỗ trợ?

- Học phí trường quy định trung bình khoảng 900 USD/học kỳ, và tổng học phí cho quá trình đào tạo ĐH - kể cả đào tạo ngoại ngữ là 11.200 USD. Trường có chương trình tín dụng hợp tác với các ngân hàng dành cho các sinh viên nghèo hiếu học, sinh viên sẽ được ngân hàng cho vay tiền để trả học phí với sự bảo lãnh của FPT và trả dần sau khi đi làm.

FPT sẽ gánh chịu các rủi ro nếu ngân hàng không thu lại được các khoản cho sinh viên. Công ty FPT cũng cấp 50 suất học bổng toàn phần với tổng trị giá trên 500.000 USD dành cho các em thi ĐH đạt từ 27 điểm trở lên hoặc đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Các đối tượng nhận học bổng sẽ phải cam kết làm việc tại FPT ít nhất ba năm sau khi tốt nghiệp.

* Có nhiều dấu hỏi xung quanh mức học phí của ĐH FPT. Đó là cơ sở nào để trường đưa ra mức học phí vượt xa so với nhiều trường như vậy?

- Trường quan niệm rằng không thể đào tạo chất lượng cao với chi phí thấp. Mức học phí của trường đưa ra dựa trên các tính toán chi phí hợp lý, bằng khoảng 1/2 học phí của các trường quốc tế hoạt động tại Việt Nam và gấp khoảng hai lần mức chi cho sinh viên tại các trường ĐH công lập hiện nay.

Hàng nghìn thí sinh đăng ký ĐH FPT

Theo Hội đồng tuyển sinh ĐH FPT, đến ngày 20-11, trường đã nhận được gần 4.000 đăng ký sơ bộ dự thi và tư vấn hơn 1.000 cuộc điện thoại tuyển sinh. Do lượng phụ huynh, thí sinh quan tâm quá đông, trường sẽ phải tổ chức một ngày tư vấn trực tuyến qua Internet.

Sau khi Bộ GD-ĐT chấp thuận cho ĐH FPT tuyển sinh (15-11), chỉ trong bốn ngày đã có hơn 15.000 lượt truy cập website của trường để tìm hiểu quy chế, phương thức, nội dung kỳ thi tuyển sinh và download các tài liệu liên quan.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng tuyển sinh, cho biết, ngành đào tạo kỹ thuật phần mềm của trường đang hấp dẫn thị trường lao động. Tuy nhiên, lượng thí sinh đăng ký và đề nghị tư vấn tuyển sinh quá đông vẫn khiến lãnh đạo của trường ĐH non trẻ này bất ngờ.

"Trường quyết định sẽ tổ chức Ngày hội mở cửa để phụ huynh và thí sinh tự do tham quan cơ sở vật chất và tìm hiểu thông tin về trường tại Hà Nội và TP HCM. Trường cũng sẽ tổ chức một ngày tư vấn trực tuyến qua mạng Internet để phục vụ tất cả phụ huynh và thí sinh ở xa", ông Phong nói.

Đầu tuần tới, ĐH FPT sẽ đón sinh viên đầu tiên nhập học theo diện tuyển thẳng. Hiện trường nhận được 80 hồ sơ xin cấp học bổng. Các ứng viên đăng ký học bổng sẽ phải viết một bài luận theo thể thức tự do vào ngày 29-11 và trải qua một kỳ phỏng vấn vào ngày 1-12 để quyết định người nhận được một trong 50 suất học bổng toàn phần trị giá 11.200 USD.

ĐH FPT sẽ tổ chức thi tuyển vào ngày 9-12 tại Hà Nội và TP HCM.

Trước đó, ngày 15-11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long ký quyết định giao cho ĐH FPT tuyển sinh 500 chỉ tiêu đại học hệ chính quy. Bộ cũng đồng ý để trường tổ chức tuyển sinh bằng phương pháp trắc nghiệm hai môn: Toán và Tư duy logic (tiếng Việt).

Thí sinh có thể nộp hồ sơ dự thi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện: Phía Bắc theo địa chỉ trụ sở của trường tại Mỹ Đình (Hà Nội) và phía Nam: Học viện quốc tế FPT, 520 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP.HCM. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký từ 16-11 đến 6-12.

Hồ sơ gồm: đơn đăng ký dự tuyển (theo mẫu của trường có thể download tại địa chỉ http://www.fpt.edu.vn/ hoặc nhận trực tiếp tại hai địa chỉ trên) kèm theo bản photocopy giấy báo kết quả thi ĐH năm 2006. Điều kiện dự thi: Thí sinh phải có điểm thi trên mức sàn ĐH 2006.

ToanA4_03_06
25-11-2006, 05:30 PM
Đại học FPT đào tạo theo công nghệ của Microsoft
Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng cho biết, sau thảo thuận hợp tác chiến lược giữa FPT và Microsoft, tập đoàn khổng lồ này sẽ đưa công nghệ vào đào tạo sinh viên. Với hệ thống đào tạo chuẩn quốc tế, ĐH FPT đang có lượng thí sinh đăng ký gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh.


- ĐH FPT tổ chức thi vào giữa năm học và chỉ nhận hồ sơ dự thi trong vòng 3 tuần. Ông nghĩ gì trước ý kiến cho rằng trường đã quá tự tin?

- Tuyển nhiều lần trong năm là việc thông thường ở các trường đại học nước ngoài, và trong phương án hoạt động theo cơ chế tự chủ, ĐH FPT mong muốn tổ chức tuyển sinh theo từng học kỳ. Điều này phù hợp với việc đào tạo theo cơ chế tín chỉ, và cũng là tiền đề để cung cấp nhân lực liên tục cho ngành CNTT.

Nếu chạy theo số lượng thì tuyển đủ 500 chỉ tiêu là đơn giản, khi hằng năm có trên 700.000 học sinh tốt nghiệp THPT không có cửa vào đại học, cùng một số lượng lớn sinh viên không hài lòng với những gì đang học và mong muốn có cơ hội thay đổi. Tuy nhiên, quan điểm của ĐH FPT là tuyển sinh theo chất lượng, con số tuyển sinh phụ thuộc nhiều vào chất lượng thí sinh đầu vào. Hiện nay, đã có hàng nghìn thí sinh đăng ký dự thi, gọi điện tư vấn.

- Phương thức tuyển sinh đặc biệt với 2 môn thi trắc nghiệm toán và tư duy logic có giúp trường tuyển được những sinh viên có năng lực?

- Tuyển sinh "3 chung" như hiện nay có thể chọn được thí sinh có năng lực chung cho nhiều ngành, nhưng không thể chọn được những thí sinh có tố chất phù hợp với ngành CNTT. Việc một số trường ra đề thi riêng do đặc thù của ngành là cần thiết. Chúng tôi nghĩ CNTT là ngành như vậy.

Việc thi 2 môn tư duy logic và toán dựa trên mô hình tuyển sinh của các trường đại học Mỹ và kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự của tập đoàn FPT. Qua đây chúng tôi cũng muốn gửi một thông điệp tới học sinh là để vào được đại học FPT, việc học thêm, luyện thi là không cần thiết.

- Bộ GD&ĐT hiện chưa có chương trình khung cho nhóm ngành máy tính. Vậy chương trình đào tạo của ĐH FPT dựa trên những tiêu chuẩn nào?

- Chương trình đào tạo của trường được xây dựng dựa trên 5 khối kiến thức - kỹ năng: chuyên môn, ngoại ngữ, văn hoá - xã hội, thực tập công nghiệp và kỹ năng mềm. Về mặt chuyên môn, chương trình được xây dựng tuân thủ chuẩn đào tạo đại học nhóm ngành máy tính của ACM (Association for Computing Machinery) gồm 5 ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin và ứng dụng CNTT, đồng thời định hướng nghề nghiệp theo chuẩn ITSS (Information Technology Skill Standards) của Nhật Bản, gồm 11 nhóm công việc với 3 mức độ khác nhau cho mỗi nhóm.

- ĐH FPT sẽ đào tạo theo chương trình quốc tế, vậy xin hỏi ông bằng tốt nghiệp của trường được quốc tế công nhận ra sao?

- Việc công nhận bằng cấp lẫn nhau phụ thuộc vào các thỏa ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ở cương vị trường, chúng tôi đang thoả thuận với một số trường quốc tế về việc trao đổi sinh viên lẫn nhau, sinh viên của đại học FPT có thể học năm cuối ở trường đối tác để lấy bằng tốt nghiệp và ngược lại. Với việc xây dựng chương trình dựa trên chuẩn ACM – là chuẩn được các nước Mỹ, Anh, Úc, Nhật ... phối hợp xây dựng - việc trao đổi sinh viên và công nhận bằng cấp lẫn nhau thực hiện khá dễ dàng.

Trước khi có giấy phép đại học, FPT đã triển khai chương trình chuyển đổi tín chỉ cho không ít sinh viên Aptech - công nhận kết quả những gì học ở FPT và sang học năm cuối nhận bằng tốt nghiệp đại học tại các trường RMIT, Swinburne, Southern Cross. Đây cũng là tiền đề cho các hợp tác tiếp theo.

Trong quá trình hoạt động, ĐH FPT sẽ tuân thủ chuẩn ABET áp dụng cho việc đào tạo kỹ sư, cử nhân CNTT. Có được chuẩn ABET, sinh viên tốt nghiệp đại học FPT có thể được chấp nhận làm việc ở nhiều tập đoàn lớn đa quốc gia.

- FPT vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft. Sinh viên theo học ĐH FPT sẽ được hưởng lợi gì từ việc này?

- Microsoft sẽ hỗ trợ cho ĐH FPT trong việc “nhúng” công nghệ của Microsoft vào chương trình đào tạo, điều này tạo điều kiện cho sinh viên không chỉ tiếp cận công nghệ mới nhất mà cả các công nghệ chuẩn bị ra đời. Đây cũng là cam kết đã được thoả thuận giữa ĐH FPT với các tập đoàn công nghệ lớn như IBM, Oracle... Trường cũng triển khai cơ chế chuyển đổi tín chỉ, quy đổi tương đương các chứng chỉ công nghệ của các tập đoàn công nghệ nước ngoài cho một số môn học.

- Một trong những hạn chế của các trường ĐH tư thục mới thành lập là cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Vấn đề này được ĐH FPT giải quyết như thế nào?

- Sau 8 tháng xây dựng, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của trường đủ để dạy 1.000 sinh viên và hiện đại không kém bất cứ trường đại học nào trong nước, với hệ thống phòng học gắn điều hoà trung tâm, truy cập Internet không dây, máy tính cấu hình mạnh, thư viện...

Trường đã thỏa thuận xong việc mời chuyên gia nước ngoài sang phụ trách chương trình dạy tiếng Anh cho sinh viên, mời chuyên gia Nhật sang làm cố vấn đào tạo cho trường, cũng như đang tiếp xúc và mời gọi các chuyên gia Việt Nam hiện đang làm việc tại Nhật Bản, Mỹ... Về khả năng sư phạm, các giảng viên đều được tập huấn về tiêu chuẩn quốc tế IBSTPI 2003 bao gồm 17 kỹ năng sư phạm cốt lõi.

- Với mức học phí khá cao 900 USD một học kỳ, ông nghĩ gì nếu người ta cho rằng ĐH FPT chỉ tập trung vào đối tượng thí sinh có điều kiện kinh tế tại các thành phố lớn?

- Chúng tôi muốn xã hội chia xẻ quan điểm là không thể đào tạo chất lượng cao với chi phí thấp. Chúng ta đã quen quá lâu với việc học phí quá thấp, kèm theo thu nhập giảng viên thấp và chất lượng đào tạo thấp. Với các nước ở mức độ phát triển như Việt Nam, mức học phí bình thường lẽ ra phải ở mức ít nhất gấp 3 lần GDP tính theo đầu người, tức phải vào khoảng 650USD một học kỳ.

ĐH FPT đưa ra mức học phí trung bình 900 USD một học kỳ là mức tối thiểu để đảm bảo đào tạo chất lượng cao với 30 sinh viên một lớp. Mức học phí này cao gấp 2 lần so với tổng chi phí cho sinh viên đại học công lập hiện nay, và bằng khoảng ½ mức học phí đại học quốc tế tại Việt Nam.

Chúng tôi cũng biết rằng không phải gia đình nào cũng có khả năng chi trả học phí. Lời giải cho vấn đề này là sinh viên sẽ được vay tiền của Ngân hàng để nộp học phí và trả dần sau khi tốt nghiệp đi làm. Tập đoàn FPT sẽ bảo lãnh cho khoản vay này, gánh chịu rủi ro tài chính.

- Một trong những yếu tố đánh giá chất lượng đào tạo là sinh viên ra trường có việc làm tốt, thu nhập cao. Sau khi tốt nghiệp ĐH FPT, cơ hội việc làm của sinh viên tại tập đoàn sẽ như thế nào?

- Với nhu cầu bức bách về nhân lực cho ngành phần mềm hiện nay và mục tiêu đào tạo chất lượng cao định hướng nghề nghiệp, tập đoàn FPT sẽ đảm bảo công việc cho tất cả các sinh viên theo học tại trường. Với các thí sinh nhận học bổng hoặc hưởng cơ chế tín dụng, việc cam kết làm việc 2-3 năm tại FPT sau khi tốt nghiệp là bắt buộc.