PDA

View Full Version : Những câu chuyện du học



ngayxua
27-11-2006, 07:02 PM
Chuyện thầy trò ở xứ người

Khuôn viên một trường đại học ở Anh - Ảnh: Thùy Ngân
Ở Việt Nam mình hình như người thầy luôn có sẵn một hình mẫu. Đó phải là một người mẫu mực, giản dị, chỉn chu từ cách ăn mặc đến phong thái...

1. Chuyện chào: Lần đầu tiên chạm mặt với ông thầy trong khuôn viên trường, tôi cúi đầu chào theo cái cách mà bất cứ sinh viên, học sinh Việt Nam nào cũng làm khi gặp thầy mình. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên rồi nhanh chóng nói "Hi!". Tôi thoáng ngỡ ngàng một chút rồi chợt nhận ra... mình đang ở Anh mà!

Lần thứ hai, gặp ông ngay trước cửa lớp, tôi và ông cùng cất tiếng một lúc "Hi!" dù tôi vẫn còn gượng gạo với lối chào này. Ở đây khi gặp nhau chỉ cần nói "Hi!" là đủ, dù người đó là già hay trẻ. Tôi cũng biết vậy và cũng đã quen thuộc khi một ngày ít nhất cũng năm ba lần nói "Hi!" với những người quen. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy không thoải mái cho lắm khi nói "Hi!" với người dạy mình, để rồi sau đó trên đường đi tôi lại bâng khuâng nhớ về cách chào của bao thế hệ học sinh Việt Nam với thầy mình.

2. Chuyện thầy: Ở Việt Nam mình hình như người thầy luôn có sẵn một hình mẫu. Đó phải là một người mẫu mực, giản dị, chỉn chu từ cách ăn mặc đến phong thái... Song những người thầy ở Anh mà chúng tôi biết hết sức đa dạng. Có người từ tốn, nền nã đúng mực. Có người chăm chút trang phục đến từng chi tiết như cà-vạt bao giờ cũng phải cùng màu với áo, hài hòa với quần. Ngược lại có những thầy lúc nào áo cũng bỏ ngoài quần, vai mang ba lô to sù, quần ka-ki trông rất bụi đời. Thậm chí trong nhiều buổi thi (mùa hè), có những ông thầy ăn mặc hết sức thoải mái: quần lửng, áo thun, đeo bông tai, tóc đinh... Có thầy là giáo sư đầu ngành hẳn hoi nhưng lại mặc một cái áo sơ mi nhăn nhúm đến mức không còn chỗ để nhăn nữa. Chúng tôi biết có một giáo sư hầu như chỉ mặc áo thun, quần ka-ki, đi xe đạp đến trường! Ông giải thích việc không dùng xe hơi là để... bảo vệ môi trường!

Buổi trưa, ông ra một cửa hiệu trong khuôn viên trường mua tờ báo, một miếng bánh mì, vừa đi vừa gặm bánh và đọc báo. Theo ghi nhận của nhiều sinh viên thì những ông thầy người Anh dễ gần và thân thiện với sinh viên hơn thầy gốc từ các nước khác nhưng sống và làm việc ở Anh lâu năm.

Phong cách giảng dạy của giảng viên cũng có nhiều điều thú vị. Có người giọng đều đều rất buồn ngủ nhưng phần lớn đều năng động và hoạt động như một diễn viên. Khi cao hứng, nhiều ông thầy sẵn sàng đứng lên bàn, ghế múa máy. Nhìn chung, họ hết sức tự nhiên, nhiệt tình và thân thiện.

3. Chuyện sinh viên: Một điều gây ấn tượng mạnh với chúng tôi về những người trẻ nói chung, sinh viên ở đây nói riêng là thái độ tự tin. Họ tự tin từ phong thái đến cách giao tiếp, lối diễn đạt. Dường như giữa thầy và trò không có một khoảng cách giữa người lớn nhỏ hay giữa hai thế hệ. Trong dịp tham dự khai trương một trung tâm thiếu nhi đặt trong một trường mẫu giáo - tiểu học, tôi nhìn thấy những học sinh còn rất nhỏ đến hỏi chuyện nhiều quan chức một cách rất tự tin và thoải mái.

Trong trường hợp sau đây thì rõ ràng sinh viên Anh và sinh viên Việt Nam có cách cư xử khác nhau: Ông thầy hướng dẫn hẹn gặp và làm việc, đến quá giờ trưa, mặc dù vừa đói vừa mệt nhưng một sinh viên Việt Nam sẵn sàng ngồi đợi thầy chủ động kết thúc buổi làm việc rồi mới đi ăn trưa. Trong khi đó, một sinh viên Anh có thể nhắc ngay thầy rằng "sắp đến giờ tôi hẹn ăn trưa với một người bạn, nếu không có gì quan trọng thì chúng ta sẽ tiếp tục làm việc vào lúc khác!". Trong lớp học, khi có thắc mắc gì muốn hỏi, sinh viên giơ tay lên, ngồi tại chỗ và kêu tên thầy để thầy nhận thấy và đặt ngay câu hỏi. Lúc đầu tôi cũng thấy hơi kỳ kỳ với kiểu phát biểu này nhưng thời gian trôi qua rồi... cũng quen

ToanA4_03_06
20-12-2006, 10:42 PM
Đoạn trường… du học


Các đợt triển lãm du học luôn thu hút nhiều HS, SV tham dự.
Đi du học để hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng cao là niềm mơ ước của nhiều người. Nhưng ngoài vẻ hấp dẫn của một chân trời mới, hành trình bơi ra biển cũng lắm sóng to gió lớn.


“Đậu hay là... chết”

Cầm được visa sang Đức, V. vui mừng như thể đang sống trên mây, phải mất mấy ngày cô mới trở lại trạng thái bình thường. Sang đến Deutchland, V. tá túc ở nhà người bác họ, nhưng V. thường phải thức đến 2 - 3g sáng.

Bác gái trút mọi công việc lên đầu V. Đôi lúc bác gái hối hận, xin lỗi V. về những lời lẽ quá đáng của mình nhưng mỗi khi bác nổi giận, mọi việc đâu lại vào đó.

V. đã khóc rất nhiều và nhiều lần cô gạt nước mắt và tự nhủ phải cố lên. Có lần đứng đợi tàu, V. nhìn đường ray và nghĩ nếu mình nhảy xuống có lẽ cũng xong một kiếp người.

Ròng rã suốt 7 tháng, mỗi ngày V. chỉ ngủ 5 tiếng, sụt 6kg, đầu óc lúc nào cũng nghĩ: “Đậu hay là chết”. Đậu kỳ thi tiếng Đức để được trường ĐH đồng ý cho nhập học, để thoát khỏi chốn địa ngục tinh thần này.

Ở xứ lạnh nhưng tình cảm gia đình chẳng nồng ấm. Cũng giống như V., nhiều SV có người quen hứa giúp đỡ bao bọc nhưng khi sang đến xứ người, tình nghĩa lại bạc như vôi.

Bài “Thơ gửi bố mẹ ở quê hương” của một du HS viết trên mạng www.avys.de nhanh chóng được các du HS Việt Nam ở Đức chuyền tay nhau, bởi đó dường như là nỗi đau không thốt nên lời của nhiều người: Ngày xưa chị N. bảo qua đây/Mọi việc dễ dàng em có hay/Hai mươi mốt tuổi tim đầy máu/Có biết gì đâu lại thế này …”.

Cứ ngỡ đường tương lai rộng mở, song nó đã trở nên gập ghềnh khi du học mà không có khả năng tài chính vững chắc. 2 tháng đầu, A. người Hà Nội, được cô chú chăm sóc rất chu đáo.

Bỗng nhiên cô của A. muốn A. ngưng học, lấy chồng Đức để “được lợi nhiều mặt”. A không đồng ý nhưng chú A. vẫn mượn danh A. đăng báo rao tìm chồng. Một người đàn ông Đức liên hệ làm A. sợ hãi.

Cô của A. liên tục gây áp lực: “Nếu không lấy chồng thì dọn vào trại tị nạn ở, cô chú không nuôi nữa”. Thân gái dặm trường nơi đất khách, A. đành tá túc ở nhà một ông già Đức mà cô quen được qua Internet rồi mọi chuyện ra sao thì ra. Cũng may cho A., người đàn ông Đức tốt bụng cho ăn ở miễn phí và còn giúp A. đóng tiền học.

Trường hợp của A. khá may mắn nhưng còn biết bao du HS bị đẩy vào bước đường cùng không đứng dậy được? V. tâm sự: Nếu không biết giữ lòng, giữ mình có lẽ em tuột dốc mất!

“Nướng” 30.000 bảng Anh vào cuộc đỏ đen

Các trường ĐH uy tín của nước ngoài thật sự là môi trường tốt cho SV Việt Nam nhưng hoàn toàn không phải là lò bánh mì mà cứ cho các loại bột vào rồi cuối cùng thành phẩm sẽ như nhau.

Nhiều phụ huynh nhất quyết cho con sang nước ngoài học ngay từ phổ thông, mặc dù học lực của con mình thuộc loại trung bình, với hy vọng rằng trước sau gì con họ cũng vào được đại học.

Các trường của nước ngoài không chấp nhận tình trạng “ngồi nhầm lớp” nên chắc chắn những HS không đọc thông viết thạo sẽ bị “lưu ban” dài dài. Do vậy, ở Anh quốc, có nhiều học sinh đã mấy năm học lớp dự bị ĐH hay Pre-master (dành cho những sinh viên chưa đủ điểm tiếng Anh và một số môn học cơ bản) và cuối cùng chia tay trường vì không đủ trình độ học tiếp lên đại học.

Chuyện của N., học ở Anh quốc là một ví dụ. Trong khi người anh trai rất thành công trong học tập và đã về nước thì cô em lại vô cùng sành sỏi trong việc mua sắm, du lịch và cả đi quán bar.

Ra đường, N. nói tiếng Anh “như gió” nhưng đó chỉ là những con số khi mua sắm, tên đường, tên vũ trường, còn khi bảo cô đọc thông tin trên báo thì “em chịu”, dù N. đã học dự bị đại học 2 năm.

Cách đây không lâu, một chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra ở tiệc sinh nhật của N. ở quán bar, sau khi thổi nến N. đi ra ngoài và mãi không thấy quay lại. Các bạn N hoảng hốt đã nhờ cảnh sát đi tìm cô. Hóa ra cô nàng do không đọc được hướng dẫn nên đi nhầm vào phòng để đồ của công nhân vệ sinh và bị nhốt luôn trong ấy!

SV các trường học ở Anh không phải lên lớp học nhiều giờ như ở Việt Nam, nên các SV lười học sẽ cảm thấy mình càng ngày càng đuối và chán nản. Thư viện của trường mở cửa đến 12 giờ đêm với đầy đủ trang thiết bị lại bị chê là chán, vì thư viện dù đủ máy tính nối mạng nhưng lại không cho chat!

P. con của một tỷ phú nông thôn Việt Nam được gửi sang tận xứ Wales học nhằm tránh xa những cám dỗ. Nhưng P. không học được gì mà còn xài hết tiền học phí khi liên tục đổi xe hơi.

Dù là con gái nhưng P. tự hào là có thể đánh bài thâu đêm và chẳng ngại “nướng sạch” 30.000 bảng Anh vào chuyện đỏ đen trong vòng vài tuần. Bây giờ P. hết nhẵn tiền, phải đi ở nhờ. Trường đã cấm cửa P., visa cũng hết hạn, P. trở thành người sống lưu vong.

Nhiều du HS Việt Nam đã biết tận dụng môi trường học tập tốt, phát triển năng khiếu để tìm kiếm tương lai cho mình. Nhưng cũng không ít bạn học thì ít nhưng du hí lại nhiều, trong khi cha mẹ ở quê nhà phải thắt lưng buộc bụng kiếm từng đồng lo cho con.