PDA

View Full Version : Điện thoại



hrockvn
28-11-2006, 09:44 AM
Chuông điện thoại reo. Ông nội choàng dậy quơ tay chụp ống nghe, giọng rè rè ngái ngủ: "Ai đó ?". Im lặng. "Ai đó ?". Vẫn im lặng. Ông càu nhàu đặt ống nghe xuống. Chương trình TV vừa hết. Ông lượm cái remote rơi cạnh chân ghế bành, chỉa vào truyền hình bấm qua đài khác. Đài đó cũng hết chương trình, kêu e e. Có một đài còn chương trình bản tin cuối ngày. Ông để cái remote trên bụng, chân duỗi ra gác trên chiếc ghế đẩu, tư thế nửa nằm nửa ngồi thoải mái trước cái TV mở và ông nhắm mắt lại ngủ tiếp.

Quỳnh cũng đang ngủ gục trên bàn học. Choàng tỉnh vì tiếng chuông reo. Quỳnh lắng nghe tiếng ông đằng hắng, hỏi Ai đó. Ai đó, rồi càu nhàu cúp máy, dò chương trình truyền hình, rồi ngáy kh...kh...kh... Quỳnh tỉnh ngủ, đầu óc hoạt động lại. Ngày thi bây giờ đếm từng ngày chứ không còn tính bốn tháng ba tháng nữa. Mớ bài tập đánh dấu trong sách Quỳnh chỉ mới làm xong một nửa. Quỳnh rà đầu viết chì qua nửa tá bài tập còn lại, lựa bài nào có vẻ "nát óc" để làm trước, cho bộ não bị "chọc tự ái" mà huy động tiềm năng ra chống chỏi cơn buồn ngủ. Nhưng bộ não bỗng nhiên dở chứng. Thay vì nhớ ra các định đề định lý, nó lại nghĩ đến tiếng chuông điện thoại. Giờ này ai gọi điện thoại ? Gọi ai ? Thông thường điện thoại gọi đến là gọi cho Quỳnh, tỷ lệ có thể trên 9/10. Mẹ ít khi nào có điện thoại, cha thì có điện thoại di động. Mấy ngày nay ông nội lên thành phố khám bệnh, bệnh không nặng nhưng bác sĩ ra lịch tái khám năm ngày một lần, ông phải ở lại nhà Quỳnh, dặn dò bà nội và chú ở quê là có chuyện gì thì gọi điện thoại cho ông. Cứ mỗi lần chuông reo là ông đinh ninh điện thoại ở dưới quê gọi lên. Mười lần trật hết chín, nhưng mỗi lần chuông reng là ông lại giành trả lời, đến nỗi ông cho kê lại chiếc ghế bành cạnh chiếc bàn con để điện thoại trong phòng khách, nơi ông nằm gần như suốt ngày, mở TV rồi đọc báo hay ngủ.

Hôm qua trong căn tin trường Tuấn kể chuyện gọi điện thoại cho Quỳnh, gây một trận cười náo loạn. Chuông điện thoại reo, máy được nhấc lên và Tuấn nghe một tràn ho hen đằng hắng, rồi ông hỏi cháu là ai ? Tuấn khai tên họ. Cháu là gì ? Tuấn khai là học sinh. Cháu quen với Quỳnh ra sao ? Tụi cháu học cùng lớp. Cháu kiếm nó có chuyện gì ? Cháu nhắc Quỳnh mai có phiên trực vệ sinh lớp. Chỉ có vậy thôi sao ? Dạ, khi nào Quỳnh về bác nhắn lại Quỳnh dùm cháu. Tôi là ông nội của con Quỳnh. Dạ, cháu xin lỗi ông. Còn Quỳnh đang học bài, cháu chờ máy để ông gọi nó.

Quỳnh ngán đến hết ý kiến luôn mỗi lần chờ ông làm thủ tục tra vấn trước khi giao điện thoại cho Quỳnh. Tệ hại hơn là sau trận cười đau bụng ở căn tin, đám bạn Quỳnh nghĩ ra một cách giải trí khi đang học bài mà buồn ngủ quá hay đang giải toán mà bí: gọi điện thoại cho Quỳnh để nghe ông trả lời. Ông nhận ra tiếng người giỏi lắm. Ai gọi lần thứ nhì là ông nhận ra ngay, hỏi thăm như người quen biết ba trăm năm vậy.
Bàn học của Quỳnh kê nơi góc phòng khách. Hồi Quỳnh còn nhỏ, cha mẹ cho đặt bàn ghế bảng và máy tính ở đó để tiện cho các cô gia sư đến kèm cặp bài vở, và cũng để cha mẹ kiểm soát việc học ở nhà của Quỳnh. Bây giờ Quỳnh không có gia sư nữa, nhưng chỗ học đã ngồi quen chỗ rồi, Quỳnh không muốn thay đổi. Sự hiện diện của ông trong phòng khách mấy bữa nay nhìn chung không có vấn đề lớn, ngoại trừ chuyện điện thoại.

Quỳnh đoán cú điện thoại vừa rồi chắc là của một đứa bạn. Giờ này đứa nào gọi cho mình ? Chắc không phải để ghẹo ông. Tụi nó không đến nỗi tai quái như vậy, vả lại chỉ nghe ông hỏi Ai đó, ai đó rồi cúp máy. Người nào đó gọi điện thoại sao không nói gì ? Quỳnh nghĩ xem trong đám bạn bè, ai có thể gọi cho mình vào giờ này ? Tuấn thì hết lý do để gọi rồi, hai tuần nữa mới lại tới phiên Quỳnh trực lớp. Kim thì chưa chắc giờ này còn thức. Có thể nó còn thức, bây giờ tới giai đoạn nước rút rồi, đứa nào cũng thức chong mắt mà học. Nhưng con nhỏ chăm ngoan tử tế đó không có máu điên nửa đêm gọi điện thoại cho người khác. Có thể Khánh ? hay Thanh ? hay Nhi ? hay...

Quỳnh rón rén đến gần ông, cái TV vẫn mở và ông thì nhắm mắt ngáy khò khò. Quỳnh nhẹ nhàng bưng cái máy điện thoại lên, cẩn thận kéo dây nhợ, dời cái máy về bàn học của mình. Để nó ở đây, đứa nào gọi mình nghe liền, khỏi phiền ông. Quỳnh hài lòng, bắt đầu giải bài toán "nát óc". Giải không được, Quỳnh chống cằm nhìn cái điện thoại, nó không reo nữa. Quỳnh lại giải bài toán. Không tìm được đáp số. Quỳnh lại nhìn cái điện thoại. Hay là... hắn đã gọi cho mình ? Chắc là hắn còn ngồi bên bàn học. Không chừng hắn cũng đang giải bài này ? Hắn giỏi toán nhất, có thể hắn đã tìm được đáp số. Hay là mình gọi hắn hỏi bài ? Khuya rồi, nhưng nếu hắn còn thức học bài thì chắc không phiền lăm. Quỳnh cầm ống nghe lên, không cưỡng được ngón tay tự động bấm số.

Reng. Reng. Reng. Reng. Reng. Reng. Reng.

Hắn không còn thức sao ?

A` máy đã được nhấc lên rồi. Giọng ngái ngủ và bực dọc của môt người đàn bà. A lô ?A lổ ? A lô ? Quỳnh đớ lưỡi không biết nói gì. Tiếng máy dằn mạnh xuống một cái cụp. Quỳnh cũng để ống nghe xuống. Tự hỏi mình điên rồi sao ? Ngày mai vào lớp có thể hắn sẽ ghi lên bảng (hắn chuyên ghi thông báo lên bảng, như hạn chót nộp hồ sơ thi đại học: ngày... / Bài tập Lý trang... / Đã có tài liệu ôn thi các môn tốt nghiệp trong thư viện). Hắn có thể sẽ ghi lên bảng thông báo mới: chuông điện thoại reo lúc nửa đêm có thể đánh thức cả nhà người ta dậy, khiến người già lên tăng xông, trẻ con không chịu ngủ lại, đến con mèo cũng căng thẳng, và có người bị hăm doạ treo cổ.

Quỳnh đứng dậy, may mà mình chưa lên tiếng, chưa xưng tên, có thể vờ ngây thơ như không có tội. Quỳnh đứng dậy bưng cái điện thoại về vị trí cũ, vừa rón rén đặt cái máy xuống bàn bên cạnh ông nội, thì nó phát reo lên. Ông choàng dậy, nhưng Quỳnh đạ lanh tay cầm lên bực tức nói ngay: "Có biết bây giờ là nửa đêm rồi không ?"

"Biết là nửa đêm sao còn gọi người ta ?"

Quỳnh sững sờ. Giọng hắn đều đều bên kia đầu dây: "Máy điện thoại nhà tôi lưu số điện thoại vừa gọi đến là số của bạn mà !"