PDA

View Full Version : Nhưng người luyện võ nên biết.



ngayxua
04-12-2006, 04:52 PM
Thiếu niên nhi đồng luyện võ cần biết

Luyện võ thuật có thể giúp thiếu niên nhi đồng mềm dẻo , linh hoạt , bền bỉ , nhanh nhẹn , mạnh mẽ và hợp điệu v.v.. với các tố chất cơ thể , đồng thời còn bồi dưỡng thiếu niên nhi đồng các phẩm chất cao đẹp như chịu khó chịu khổ , bền bỉ lao động , dũng cảm ngoan cường , có lòng tự hào yêu quý đất nước , dân tộc .v.v..

Thiếu niên nhi đồng khi luyện võ cần chú ý các điều sau :

1. Đối với thiếu niên nhi đồng bắt đầu học võ cần phải nuôi dưỡng thành tư thế chính xác . Vì xương cốt của thiếu niên nhi đồng còn chưa phát triển hoàn chỉnh . Ví như bình thường tập luyện mà nuôi dưỡng thành thói quen gù lưng hay cột sống đổ về trước , khiến cho lồng ngực sinh ra lệch lạc làm tổn thương đến sự mạnh khoẻ của cơ thể các em về lâu về dài .
2. Khi thiếu niên nhi đồng tập luyện trang công phải chú ý tập số lượng ít , thời gian ngắn , tư thế hơi cao , số lần có thể nhiều lên . Phương thức này có lợi cho sự hồi phục , không tạo nên mệt nhọc quá sức .
3. Vì thiếu niên nhi đồng tư tưởng còn thuần phác , thích làm bừa làm ẩu nên càng phải chú ý tránh bị tổn thương tức là có tiến hành luyện tập ngưng tĩnh bị động , các động tác đè , chuyển , xoạc .v.v.. cũng nên phòng ngừa chớ bắt làm các động tác đó quá gấp , quá mạnh , quá nhiều .
4. Hệ thống thần kinh của thiếu niên nhi đồng phát triển tương đối sớm , hoạt động của hệ thống tín hiệu thứ nhất chiếm địa vị chủ yếu , chủ yếu dựa vào hình tượng trực quan mà xây dựng phản xạ có điều kiện . Thiếu niên nhi đồng rất dễ bị những hiện tượng mới lạ thu hút , lại còn khéo bắt chước , sẵn có năng lực bắt chước khá cao , vì vậy , thầy dạy học phải hết sức chú ý làm thị phạm .
5. Thiếu niên nhi đồng phải lấy sự luyện tập có tính động lực làm chính , ít dùng bài luyện tập có tính lực tĩnh , khi luyện tập tố chất cơ thể thì nên chọn dùng nhiều động tác nằm ngửa , nằm sấp vùng dậy , vươn người lên cao , nhảy dây , nằm sấp chống đẩy , trồng cây chuối , chạy , nhạy .v.v.. Nên kết hợp luyện tập võ thuật với các trò chơi hoạt động ...

Kỳ sau : Con gái luyện võ cần biết .

ngayxua
04-12-2006, 04:58 PM
Con gái luyện võ cần biết

Võ thuật là môn vận động khoẻ mạnh thân thể rất tốt . Con gái thường xuyên luyện tập võ nghệ có ảnh hưởng tương đối toàn diện và tốt đẹp đối với các khí quan trong cơ thể đặc biệt là đáy chậu của bộ xương , cơ bắp vùng bụng , vùng hông cũng phát triển lên nhiều và thể lực được tăng cường . Con gái luyện võ còn có thể khiến cho các đường cong nổi bật , đạt hiệu quả đẹp thể hình . Vì vậy , cần phải đề xướng mạnh việc con gái luyện võ .
Do điều kiện đặc thù về sinh lý của con gái , khi luyện võ cần chú ý mấy điểm sau :
1. Khi luyện võ phải chú ý thúc đẩy sự phát triển cân bằng của chân tay và thân mình , nên làm nhiều bài luyện tập mang tính động lực , giảm bớt những bài tập lực tĩnh nếu quá nhiều . Chọn dùng nhiều các phương pháp như vọt nhảy , chạy sức bật , đá tốc độ .v.v..
2. Chớ nên làm nhiều các vận động có tính kịch liệt và sức bền quá kéo dài . khi tiến hành rèn luyện võ thuật , lượng vận động phải ít hơn một chút so với con trai , yêu cầu và nội dung huấn luyện cũng phải khác nhau giữa gái với trai .
3. Bình thường rèn luyện phải chú ý đến việc tập các cơ bắp vùng bụng và vùng đáy chậu , nên tập nhiều chi dưới hơn một chút như đè chân , đá vẩy , đá chọc , đá hất .v.v.. Lại còn phải luyện tập nhiều các động tác vùng bụng , hông như gập lưng ra trước , lắc hông , quay hông , hạ hông .v.v..
4. Thời kỳ hành kinh , nói chung không nên tham gia tập võ thuật , có tập thời gian nên rút ngắn đi , cường độ tương ứng cũng nhẹ hơn . Nên luyện động tác tay và cung cánh tay nhiều hơn , làm các tư thế cao và chậm trong các bài tập đã quen thuộc .
5. Căn cứ vào đặc điểm sinh lý của nữ có thể tuyển chọn một số hạng mục có yêu cầu tương đối cao về thăng bằng và dẻo dao như Trường quyền , Thái Cực Quyền , Bát Quái Chưởng , kiếm một tua , kiếm hay tua , song chủy thủ .v.v..
6. Sau khi luyện tập chú ý tiến hành thả lỏng thích ứng và tập vươn duỗi phù hợp .



kỳ sau : Người thiếu máu luyện võ cần biết

ngayxua
04-12-2006, 05:02 PM
Người thiếu máu luyện võ cần biết

Trước hết người thiếu máu khi vận động thường thấy thể lực không khoẻ , vì vậy lượng vận động võ thuật nên làm cho thích hợp , điều đó cần nắm vững . Bắt đầu lượng vận động nên ít một chút xem cơ thể phản ứng ra sao đã rồi mới tăng nhiều hơn . Nội dung luyện tập cũng phải chọn lọc , tinh luyện , chớ nên phức tạp quá . Có thể nên chọn Thái cực quyền , Bát quái chưởng , các kiểu trạm trang như tấn ôm cầu (thác cầu trang) hai chân mở rộng bằng vai , đứng hai gối hơi chùng tự nhiên , thân thể thả lỏng , hai tay đặt trước ngực như kiểu đang ôm quả bóng , lòng chưởng ngửa lên . Mắt nhìn ngang , xa về phía trước , ý nghĩ như đang ôm quả cầu dần dần nâng lên . Thời gian luyện công độ năm , mười phút .

Thứ hai dinh dưỡng cần đầy đủ . Về lương thực chính ăn cho đủ , bảo đảm đủ năng lượng tiêu hao , nên ăn nhiều thức ăn có prôtit chất lượng cao một chút như trứng , sữa , thịt và các loại đậu . Còn nên ăn nhiều rau , hoa quả , ăn đủ lượng sinh tố cần thiết . Nếu thiếu máu thuộc loại thiếu sắt thì phải ăn nhiều nội tạng động vật và rau có chất sắt .

Thứ ba phải sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý rèn luyện thành tập quán sinh hoạt tốt . Có kết hợp luyện và dưỡng như vậy mới có thể thu được ích lợi trong luyện võ nghệ .



Kỳ sau : Luyện võ cần biết theo bốn mùa Xuân , Hạ , Thu , Đông .

ngayxua
04-12-2006, 05:15 PM
Luyện võ cần biết theo bốn mùa Xuân , Hạ , Thu , Đông

Mùa Xuân :

Xuân là mùa nẩy lộc trong năm . Nhà quyền thuật cho rằng ở mùa này , cơ thể con người cũng như vạn vật , cơ thể thích động , khí chỉ muốn vươn . Luyện công có thể thu được kỹ xảo thành thạo , có hiệu quả tăng cường nội khí . Mùa Xuân luyện võ cần chú ý mấy điểm sau :

1. Nên huấn luyện nhiều ở ngoài nhà nơi ven rừng , hồ ao ... thoáng gió và nắng đẹp . Thời gian huấn luyện vào buổi sáng là đẹp .

2. Khi luyện tập ở ngoài phòng , nhà , thì phải chú ý trước khi luyện công vẫn ăn mặc đủ ấm , sau khi cơ thể nóng lên mới bớt dần quần áo đi . Chớ nên cho là mùa Xuân đã đến rồi , luyện công so với mùa Đông dễ ra mồ hôi mà trước khi luyện công cứ ăn mặc phong phanh .

3. Mục đích huấn luyện lấy nâng cao kỹ năng là chính . Nội dung huấn luyện thì lấy luyện tập nội khí và kỹ thuật làm chủ . Luyện tập nội khí thì nên chọn dùng nhiều xuân công , hành công . Huấn luyện kỹ thuật cần chú ý cường độ vận động và lượng vận động phải tăng cao dần dần . Ngoài ra , đối với mùa Đông trong huấn luyện kỹ thuật các động tác có độ khó tương đối lớn và phức tạp vốn không nhiều , mùa Xuân nên tăng dần lượng huấn luyện kỹ thuật , cần phòng ngừa tăng lượng lên quá nhanh gây ra tổn thương .

Mùa Thu

Mùa Thu là mùa thu hoạch trong một năm . Thường năm , người tập võ về mùa này đạt trình độ tương đối cao về thể năng và kỹ năng so với chu kỳ trong năm . Mùa Thu sức nóng giảm dần , càng Thu khí càng trong , lượng mồ hôi của cơ thể toát ra ít hơn mùa Hạ nhưng tình hình giãn nở của các mao mạch của cơ thể vẫn còn giữ được cái thế thừa của mùa Hạ . Căn cứ vào tình hình như trên , mùa Thu là thời kỳ tốt nhất để nâng cao toàn diện thể năng và kỹ năng . Nội dung huấn luyện lấy kỹ thuật làm chủ , đồng thời nổi bật về sức mạnh , tốc độ trong luyện tập . Cường độ vận động tăng cao thích hợp .

Về mùa Thu ngày mát nhiều nên chú ý tăng dài hơn thời gian chuẩn bị hoạt động , trong khi luyện tập thì khắc phục bổ sung cái thói quen uống nước của mùa Hạ , luyện tập xong mặc áo giữ ấm .

Ngoài ra thông qua "lấy võ kết bạn" tăng cường nhiều kiểu thi đấu , thử đấu ... để xem lại trình độ phát triển thể năng và kỹ năng một cách khách quan . Đồng thời học tập thêm kỹ năng mới , tổng kết và chế định ra kế hoạch luyện tập và chu kỳ học tập của hàng năm .



Kỳ sau : mùa Hạ .

ngayxua
04-12-2006, 05:18 PM
Mùa Hạ

Trong năm thời kỳ nóng nực chính là ngày tam phục trong mùa Hạ . Nhà quyền thuật rất coi trọng "Hạ luyện tam phục" (tam phục gồm sơ phục , trung phục và mạt phục . Sau Hạ chí , ngày Canh nhật thứ 3 tức là ngày sơ phục thứ nhất , ngày Canh nhật thứ 4 là ngày trung phục thứ nhất , sau tiết Lập thu ngày Canh nhật thứ nhất cũng là ngày mạt phục thứ nhất . Sơ phục , mạt phục đều 10 ngày hoặc 20 ngày . Thông thường chỉ từ ngày thứ nhất sơ phục đến ngày thứ 10 mạt phục là một khoảng thời gian . Ngày tam phục , nói chung là thời kỳ nóng nhất trong năm) . Lợi dụng nóng gặt để rèn luyện ý chí , tăng gia sức chịu nóng và sức thích ứng của cơ tbể . Về mùa Hạ , độ nóng cao , tính ngưng trệ của cơ bắp giảm thấp , tính vươn duỗi tăng cao có lợi cho việc huấn luyện triển khai kỹ thuật và phát triển tố chất vận động một cách toàn diện . Nhưng nếu phương pháp không thỏa đáng , sẽ bị thương tổn vì nóng nực ngày hè . Mùa hè luyện võ cần chú ý mấy điểm sau :

1. Nơi huấn luyện cần chọn chỗ rợp mát , thoáng gió đồng thời chú ý tránh chỗ gió lùa . Nếu mở quạt điện trong phòng luyện tập , nên chú ý đứng xa quạt một chút , quạt điện nên xoay ở trên cao chớ nên nhằm người đang tập mà thổi thốc gió vào . Thời gian huấn luyện nên bố trí tập sớm , muộn cho mát là tốt .

2. Chớ coi thường sự chuẩn bị hoạt động . Mùa Hạ hơi nóng cao , thời gian chuẩn bị hoạt động có thể ngắn một chút , nội dung có thể ít đi một chút , sự phù h75p phải mạnh lên một chút . Có thể chọn dùng các động tác nâng cao sức chú ý , dẫn tới sự hưng phấn , các động tác mang tính chất chuyên hạng . Nếu không sẽ dẫn tới động tác không hợp điệu , thậm chí đưa tới tổn thương .

3. Lấy mục đích củng cố kỹ thuật , đề cao kỹ năng là chính . Nội dung lại lấy huấn luyện toàn diện về kỹ thuật là chính , kiêm cả động tác trọng điểm lẫn các khâu còn chưa đủ , có tính đột phá trong huấn luyện . Chú ý căn cứ vào độ nóng để linh hoạt điều chỉnh lượng vận động . Khi nhiệt độ quá cao thì lượng vận động phải bớt , huấn luyện về sức bền và sức mạnh phải giảm bớt , còn bài tập về sức mềm dẻo có thể tăng .

4. Phải chú ý đến vệ sinh uống nước . Nói chung trong khi vận động nên uống nước , nếu ra mồ hôi quá nhiều có thể uống một ít . Nếu chỉ là cảm giác khát có thể ngậm một hụm nước nhấp nhấp dần cuống họng là đỡ khát . Vừa kết thúc vận động chớ nên uống nước ngay , nghỉ ngơi cho đỡ đã sau đó uống ít , uống dần làm nhiều lần . Nên uống ít nước pha muối nhạt để giúp cho việc bảo đảm cân bằng lượng muối trong cơ thể , uống ít nước đường , nước quả có lợi cho việc kịp thời bổ sung năng lượng đã tiêu giảm , giúp cơ thể mau hồi phục .

5. Sau khi vận động chớ nên đến ngồi ngay dưới quạt điện , cũng không nên để quạt điện thổi thốc vào mình . Tuyệt đối cấm sau khi luyện tập xong tắm ngay bằng nước lạnh .



Kỳ sau : Mùa Đông

ngayxua
04-12-2006, 06:52 PM
Mùa Đông

Trong một năm , những ngày lạnh lẽo nhất là ngày "tam cửu" trong mùa Đông . Nhà quyền thuật rất coi trọng "Đông luyện tam cửu" , lợi dụng giá lạnh để rèn luyện ý chí , tăng sức chống rét của cơ thể và thói quen thích ứng với giá lạnh . Nhưng nếu phương pháp không thoả đáng sẽ bị giá lạnh làm cho tổn thương . Xét từ khí hậu tự nhiên ảnh hưởng đến con người , mùa Đông giá lạnh các cơ bắp của con người tăng cao độ ngừng trệ , tính vươn giãn hạ thấp , các lỗ chân lông vít kín lại , các mao mạch ở ngoài đầu mút ít mở ra . Chính vì các nguyên nhân đó mà việc huấn luyện mùa Đông cần lưu ý :

1. Chọn nơi luyện tập ở chỗ có ánh sáng mặt trời , thông thoáng nhưng tránh gió . Những ngày mưa to gió lớn , tuyết lớn , sương giá thì nên đổi sang tập trong phòng .

2. Mùa Đông khi ra tập ở ngoài nhà tốt nhất chọn chỗ có ánh sáng . Sách "Nội kinh" bảo : "Đông ba tháng , mùa đóng kín che kỹ ... nằm sớm dậy muộn tất đợi ánh dương" . Tức là như người ta bảo : "Mặt trời lên mới bắt đầu làm , mặt trời lặn là về" .

3. Ra nơi tập ngoài nhà phải chú ý giữ ấm , giầy tất chớ quá chật ; tay , tai , mặt nên xoa cao chống giá rét để phòng bị tổn thương vì lạnh .

4. Khi bắt đầu luyện công phải cẩn thận làm tốt công tác chuẩn bị hoạt động . Nội dung hoạt động phải đi từ chậm đến nhanh , theo trình tự đơn giản đến phức tạp , sắp xếp từ từ mà tiến . Đợi khi nào toàn bộ cơ bắp , dây chằng , các khớp đều có thể đạt tới mức đủ để hoạt động , các cơ năng nội tạng cũng theo đó đạt tới mức sẵn sàng động viên đầy đủ thì mới đi vào luyện tập nội dung huấn luyện chính thức .

5. Mục đích huấn luyện phải ở chỗ nâng cao kỹ năng cơ bản và năng lực cơ thể , để sang Xuân chuẩn bị làm cuộc phát triển kỹ thuật toàn diện . Nội dung huấn luyện phải sắp xếp nhiều công pháp võ thuật về phát triển thể năng , kiêm chọn dùng các thủ đoạn thích hợp nào đó phát triển tố chất thân thể hiện đại . Hơn nữa cần lấy kỹ thuật cơ bản làm nội dung chủ yếu để sắp xếp huấn luyện kỹ thuật . Các kỹ thuật quá phức tạp , các động tác có độ khó cao nên sắp xếp ít đi .

6. Trong khi huấn luyện phải đề phòng dừng lâu , hoạt động đột ngột . Vì nhiệt độ thấp nên trong thời gian ngừng nghỉ không được ngồi hoặc đứng không hoạt động gì , cơ thể dễ bị lạnh ngấm vào vì nếu lại đột ngột tập luyện trở lại rất dễ làm tổn thương cơ bắp .



Kỳ sau : Vấn đề ăn , mặc , đi , ở của người luyện võ .

ngayxua
04-12-2006, 07:05 PM
Vấn đề ăn , mặc , ở của người luyện võ

Võ thuật có các công năng làm cho mạnh khỏe , phòng thân , thi đấu , biểu diễn , tu dưỡng tính tình v.v... Vì vậy đối với người tập võ mà nói các vấn đề ăn , mặc , đi , ở ... cũng nên đề cập tới một số yêu cầu tương ứng và sự việc cần chú ý .

MẶC : Người tập võ thì mặc võ phục hoặc quần áo vận động viên là đẹp nhất . Quần áo võ chọn chất liệu lụa hay vải bông may thành áo quần . Kiểu quần áo này rộng rãi , buông chùng , mặc vào thân thể thoải mái , vận động tiện lợi . Quần áo bằng sợi bông có tính năng hút mồ hôi và có độ co giãn tốt là quần áo vận động hay nhất . Quần áo vận động phải rộng rãi một chút , người luyện võ có thể chọn loại rộng hơn quần áo mặc bình thường độ 5cm là được , vì như thế thích hợp với đặc điểm vận động võ thuật . Mặc quần mềm hút mồ hôi và giày đế thấp mặt mềm , hợp với số chân hoặc giày vải đế thấp mềm là tốt nhất . Luyện tập khi trời lạnh hay nóng nực cần đặc biết chú ý thêm bớt áo quần mặc đề phòng cảm cúm hay trúng nắng . Sau khi luyện tập xong khối lượng lớn , lập tức thay ngay áo quần ướt đẫm mồ hôi . Xin nhắc nhở vận động viên là khi luyện công phải tránh gió chẳng khác nào tránh ám khí sắc nhọn . Môn học nguyên nhân gây bệnh của Trung y cho rằng phong tà là ngoại tà (tức là các loại yếu tố gây bệnh từ ngoài vào) là nguồn đưa bệnh đến . Thậm chí người xưa còn cho phong tà là tên gọi chung cho các nhân tố gây bệnh do ngoại cảm . Vì thế trong khi luyện võ phải tránh xa gió thốc ("liệt phong") , gió hút ("khích phùng chi phong") , gió quạt điện , sương dày đặc , mưa rào ... là rất có lý . "Hạ luyện tam phục , Đông luyện tam cửu" tức là đề xướng những người luyện võ phải có ý chí không thay đổi , phải vượt qua mọi khảo nghiệm trong điều kiện gian khổ , đồng thời cũng không cầnngười luyện võ bất chấp cả mức độ thích ứng về sinh lý gặp khí hậu ác liệt mà vẫn cứ tập bừa .

ĂN : Dưỡng sinh sống thọ vẫn cơ bản ở chỗ ăn uống hợp lý . Các loại quyền trong võ thuật rất lắm thứ , cường độ vận động cũng khác nhau , thời gian luyện tập cũng ngắn dài không như nhau , đồng thời cũng do hoàn cảnh địa lý , môi trường khác nhau do đó sự bổ sung về dinh dưỡng cũng phải có sự phân biệt khác nhau . Trước , sau khi luyện quyền , nói chung không cần thay đổi kết cấu của đồ ăn thức uống . Nhưng nếu lượng vận động quá lớn thì phải tăng thêm một ít đường , chất anbumin , chất béo và sinh tố trong đồ ăn để đảm bảo nhu cầu trong cơ thể được cân bằng . Ví như quyền Thiếu Lâm , phách quái , trốc cước , Phiên từ quyền , và các bài Trường quyền Tra , Hoa , Pháo , Hồng v.v... có đặc điểm là mau lẹ có lực , cường độ vận động tương đối lớn , nên cần phải kịp thời bổ sung nhiệt năng mà cơ bắp đòi hỏi nếu không dễ dẫn đến váng đầu , nôn nao v.v... Nhất là thanh thiếu niên đang trong thời kỳ phát dục , sự trao đổi chất đang mạnh mẽ , đã tập võ lại càng phải kịp thời bổ sung dinh dưỡng . Đối với người già , yếu , bệnh ... mà nói , một mặt nên chú ý chọn loại như Thái cực quyền có động tác chậm rãi , nhu hoà , vận động không kịch liệt , cứ tuần tự nhi tiến dần dà mà luyện tập , còn về mặt ăn uống phải theo thầy thuốc phối hợp thuốc chữa bệnh với thuốc bổ để điều tiết sao cho thoả đáng . Người tập võ còn phải chú ý trước và sau bữa cơm cách thời gian tập luyện phải từ nửa giờ đến một giờ mới được . Phải kiêng quá no quá đói , cấm hút thuốc . Có thể uống một chút rượu có nồng độ thấp nhưng phải đề phòng uống với số lượng quá nhiều để tránh tổn hại đến cơ thể



Kỳ sau : Về vấn đề ở và đi lại ...

ngayxua
06-12-2006, 07:03 PM
VỀ Ở : Người luyện võ phải ăn ở cho có tiết độ , sinh hoạt phải mang tính quy luật , nuôi dưỡng thành thói quen tốt ngủ sớm , dậy sớm . Công tác , học tập , rèn luyện , nghỉ ngơi đều phải sắp xếp cho hợp lý hợp cảnh , qua đó giữ gìn cho thân thể khoẻ mạnh , công phu cũng từ đó mà tăng tiến nhanh hơn . Hoàn cảnh cư trú , vệ sinh , thanh tịnh , đẹp đẽ ; phòng ở giữ cho có không khí lưu thông , tươi mới . Luyện võ tuy không đề xướng đạo căn dứt tuyệt sắc dục nhưng vẫn yêu cầu phải tiết chế , muôn vàn chớ có quá phóng túng về tình dục mà hại cơ thể .

ĐI LẠI : Rèn luyện "đi lại" có thể giúp khoẻ mạnh , bớt bệnh tật , nâng cao trình độ võ thuật , chính vì thế mà xưa nay vấn đề "đi , chạy" được các nhà võ học và y học coi trọng vô cùng . Nhà võ học trứ danh cận đại là Dương Vũ Đình tiên sinh từng chỉ rõ : "Đi là chỗ mạnh của trăm loại quyền" . Tìm cho đến nguồn gốc , phân tích theo học thuyết về kinh lạc thì ba đường kinh mạch có gốc được phân bổ tại sáu huyệt vị ở chân ; hai chân có sáu mươi huyệt , chiến đến một phần mười tổng số huyệt của toàn thân . Các huyệt kinh lạc đó có thông suốt hay không trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ con người . Nhưng người tập võ nghiền ngẫm sâu về "đi lại" và chú ý đến mục đích của yếu lĩnh thì phải tìm cách làm sao cho các kinh lạc ở chân thông suốt với toàn thân không bị ngáng trở . Tức là phải chú ý hông lưng ngay thẳng , tinh thần sung túc , khí tức bình ổn , cơ bắp thả lỏng , khí trong dâng lên khí đục chìm xuống , toàn thân xuôi thuận với tự nhiên

ngayxua
06-12-2006, 07:07 PM
Luyện Võ

Hiếm người may mắn được xem một võ sĩ kỳ tài luyện võ dưới vòm hang động Đông Triều, giữa núi rừng Yên Thế, Thanh Nghệ, hay giữa đồng nội bát ngát vùng Kinh Bắc, Sơn Nam.

Lá hoa nở từ lòng tay, chim chóc vỗ cánh từ những đầu ngón chau chuốt, muông thú ẩn hiện toát từ thân xác võ sĩ, thác, bão, đổ dồn dập nơi cánh tay gân cứng : Hạc, Phượng, Long, Hổ, Hầu, Xà, ... Không còn là đấm, đá, xỉa, chém, móc, gạt, ... với những tấn bộ, bước tiến lui, xoay vòng, ngang xéo, biến hóa ẩn hiện, mà là múa: Múa Võ. Có lúc tất cả nhẹ gọn như khói tơ, có lúc thân hình uyển chuyển, lay động dũng mãnh, nặng trịch. Xương thịt như đã nhường chỗ cho một vầng sinh khí hừng hực bốc lửa. Trên gương mặt võ sĩ, mỗi thớ thịt đều lay chuyển, ánh mắt long lanh, sắc bén, tay chân tung lượn theo sóng gầm, chắc nịch, khiến người xem dường như đứng trước những đối nghịch lồng lộng của cuộc đời, dào dạt ngay trong từng hơi thở, từng động tác.
Ta không xem nữa.

Ta thấy ta cầu nguyện.
Thế giới phồn thực tan biến dưới chân, xa hút, im lặng.
Ta chứng ngộ cõi giải thoát.
Ta cởi bỏ thân xác, hòa vào muôn vật, vào cái đẹp trường cửu.
Ta nhập Đạo.

Cách nay hơn bốn ngàn năm, hình thức múa võ đi quyền của cư dân đồng bằng sông Hồng, sông Mã đã được ghi tạc qua nghệ thuật tạo hình, chạm đúc trên gỗ, trên đồng, ... , mà khảo cổ học đã liệt kê, sắp xếp cho những căn bản của các giai đoạn văn hóa khác nhau: Hòa Bình, Hạ Long, Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, v.v...

Trên Bề Mặt Của Sự Phân Loại

Luyện võ là sự phối kợp tinh vi, mạch lạc của những động tác thân mình tay chân ứng dụng trong việc chiến đấu, việc công, thủ hay bảo vệ, pháp triển sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần.

Từ xa xưa , tập võ đi quyền của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ đã tuân hành khít khao những luật tắc mà ngày nay vẫn là những khuôn thước kim cương của người học võ chân chính :

- Luật động.
- Ý nghĩa và hiệu năng động tác.
- Lề lối thực hiện.

Về hình thức, quyền cước có nhiều thế, nhiều miếng. Mỗi thế có nhiều đòn, và đòn lại là một kiểu kết hợp khít khao của nhiều yếu tố, gói trọn trong các tư thế của:

- Thân pháp,
- Bộ pháp,
- Điều tức,v.v...

Luyện thân pháp là phép rèn luyện thân thể, đầu mình và tay chân cho mạnh mẽ, bền bỉ, dẻo dai, rắn chắc. Khi chiến đấu, tay chân đấm đá, chém gạt điều hòa không rối loạn, mực thước, lanh lẹ. Tay công tay thủ , co duỗi, sấp ngửa, trên dưới, phải trái dũng mãnh, hòa hợp nhịp nhàng theo luật âm dương, ngũ hành.

Mối liên đới giữa các bộ phân của cơ thể phải hòa nhịp đồng bộ với nhau dựa trên bốn tương quan:

- Thượng hạ tương phù,
- Tả hữu tương ứng,
- Phì sấu tương chế,
- Nội ngọai tương quan.

Thân pháp lại gồm có đầu pháp, thủ pháp, chỉ pháp, cước pháp, nhĩ pháp, nhãn pháp, v.v...

Bộ pháp là những tư thế, điệu bộ đứng trụ hay di động. Đứng, ngồi, phải vững vàng, nặng trịch như bàn thạch. Khi di chuyển hay chạy nhảy thì nhanh lẹ chắc nịch, lúc nhẹ như bấc, lúc nặng như chì, chuyển dịch tấn bộ đúng phép, hội đủ tính chất: nhanh, mạnh, chính xác.

Nhà võ xưa có câu:

"Dụng quyền, phóng cước hợp tung,
" Nhập xà, xuất hổ, tranh hùng thượng phong"

nghĩa là quyền cước phải phối hợp, công thủ che đỡ bổ xung lẫn nhau để tạo hiệu năng tối đa; trong chiến đấu, khi muốn tiến tới thì tràn mình qua phải, lách qua trái như rắn lượn, dương đông kích tây, tạo yếu tố bất ngờ làm đối phương khó lượng định, khó toan tính chặn đánh; lúc thối lui, dáng điệu phải oai phong, hùng dũng như cọp beo gây cho đối phương ấn tượng nể sợ không dám tấn công theo.

Về phong thái khi giao đấu, sắc diện bình thản, không khinh xuất, không tỏ ra giận dữ hay sợ sệt, hơi thở điều hòa, phong tỏa ngũ quan,...

Động thái của luyện võ là "Đòn" (đòn đơn) và "Thức" (đòn kép), nói rõ hơn là "một đơn vị võ ", ví dụ đòn đơn như đấm, đá, quăng quật, chém xỉa bằng cạnh tay bằng đầu ngón tay, gạt đỡ, lên gối, cùi chỏ, ... Đấm lại có nhiều kiểu, nhiều cách, như: đấm thẳng, đấm móc, đấm lao, đấm múc, đấm ngược, đấm bật, đấm ngang, ... , hoặc đá có đá thẳng, đá cạnh, đá tạt, đá vòng cầu, đá giò lái, đá bật, đá ngựa, đá ngược, v.v... Tương truyền từ xa xưa người Việt cổ có tới 108 đòn và thức, ngày nay, vì tính chất bí truyền và tộc truyền cố hữu phương Đông, thầy dạy võ thường dấu riêng một vài thức độc đáo ngừa khi "trò phản thầy", hoặc giữ riêng cho dòng họ mình, quyền cước VN vì thế bị thất truyền đi nhiều, nay chỉ sưu tầm lại được non nửa, gom thành nhiều nhóm, nhiều "thế" (hay "chiêu", hoặc có nơi gọi là "bộ"); có nhóm chỉ gồm 3 hoặc 4 đòn hay thức, có nhóm tới 10, 12 đòn hay thức, tồn tại với những biến tướng của nó :

- Võ Dưỡng Sinh hay Võ Thể Dục.
- Võ Lâm hay Võ Vườn.
- Võ Kinh hay Võ Trận.
- Võ Tự do hay Võ Thượng đài.
- Đấu Vật.
- Đấu Binh khí.
- Vân vân ...

Do đó, từ những đòn hay thức cơ bản, các bậc tôn sư có thể tạo nên vô vàn các cách đi quyền khác nhau, nhưng vẫn tuân thủ những qui luật chặt chẽ về lực đẩy, lực căng, lực bật, lực xung, lực phản, lực xoắn , lực đối, lực chiếu, v.v... và mang những ý nghĩa riêng biệt.

Về nội thể, mỗi động tác, mỗi tư thế biến đổi của tay chân, của thân, đầu, của hít thở,..., lại liên hệ mật thiết đến kinh mạch, đến các huyệt đạo, các điểm sinh hoạt phân bố cùng khắp trong toàn bộ cơ thể người luyện tập.

:))

vuminhhai
07-12-2006, 02:57 PM
ái chà, kiếm đâu mấy bài hay thế!

ngayxua
12-12-2006, 02:58 PM
Luyện võ có nhiều mục đích khác nhau :

- Luyện võ để tự vệ, để phô bày vẻ đẹp và những khả năng vận động của cơ thể.
- Luyện võ để thân xác khoẻ mạnh, để chữa trị hay phòng ngừa bệnh tật. Đây chính là luyện võ dưỡng sinh. Từ xa xưa dân tộc Việt đã phát triển mạnh loại này, được vua quan các triều đại xưa từ Đinh, Lê, Lý, Trần, ..., khuyến khích và toàn dân hưởng ứng với những kiểu cách đi quyền theo phép "Đạo Dẫn Khước Bệnh ", phép "Khử Bệnh Diên Thọ ", phép "Thái Thượng Lục Tự Khí Quyết ", v.v...

Tuệ Tĩnh, một danh y Đại Việt thế kỷ 14 có lời khuyên:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần,
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

Thủ thân, luyện hình, theo quan niệm người xưa là tập luyện những động tác võ thể dục, bảo tồn sức khoẻ, tránh hay trị các chứng bệnh mãn tính (kinh niên), những chứng bệnh suy khí về Tâm khí, Can khí, Đởm khí, Tỳ khí, Phế khí và Thận khí. Năm Vĩnh Trị nguyên niên, 1676, vua Lê Hy Tông đã chỉ dụ cho Thi Lang Bộ Hình Đào Công Chính cùng các ông Phạm Thế Vinh, Phạm Đình Liêu, Lê Bá Hồng, Nguyễn Đại, và Võ Viết Hiền hợp soạn sách Bảo Sinh Diên Thọ Toản Yếu để dậy cho nhân dân luyện cách gìn giữ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Vào thế kỷ 16 Hoàng Đôn Hòa cũng soạn tập Hoạt Nhân Toát Yếu với thiên nổi tiếng "Khuê Chỉ Tăng bổ " truyền lại cho hậu thế.

- Luyện võ khổ luyện một công phu nào đó, mà thuật ngữ võ học có những từ như Ngoại công, Nội công hay Thần công, hoặc Khí công,v.v..., với sự xác quyết :

Lực bất đả Quyền
Quyền bất đả Công
Luyện võ bất luyện Công
Đáo lão nhất trường không ! (1)

Ngoại công là công phu tập luyện sức lực biểu lộ bên ngoài, luyện tập da thịt, gân xương dắn chắc, luyện sức chịu đựng, bền bỉ, cường lực của thân xác.

Ngoại công lại gồm Nhuyễn công (hay âm kình) và Ngạnh công (hay dương kình).

Nội công là công phu luyện tập, bồi dưỡng sức mạnh, kình lực ẩn tàng bên trong cơ thể, sức mạnh của tinh thần, sức mạnh của khí huyết, của nội tạng. Nội công cũng luyện về khí, nên có lúc được gọi là Khí công.

Ba công cụ chính để luyện nội công là:

a/ Dụng Ý.
b/ Dụng Khí.
c/ Dụng Thế và Dụng Lực.

Luyện Nội công chính là một hình thức luyện võ dưỡng sinh cao cấp và là phép tu dưỡng tâm hồn, tạo niềm tự tin sống mạnh và yêu tha nhân, bồi đắp tư đức và công hạnh.

- Luyện võ để dựng nước và giữ nước. Đây là một ý thức dụng võ cao.

Tất cả các loại luyện võ khác nhau về mục đích đó đều có những qui tắc chặt chẽ, khít khao, giao thoa, xen kẽ, đồng bộ chi li nhiều mặt giữa ngoại thân và nội thân người luyện võ, ví dụ như ức chế hay hưng phấn từng phần hoặc toàn bộ của tư thế, của luật động, gia tốc, của hít thở, của buông lỏng, thư giãn, của ý lực, v.v...

- Còn một đích nữa của luyện võ chỉ được trân trọng cử hành bí mật, với những nghi thức có tính cách tôn giáo hay ma thuật, ít người được tham dự và biết đến, rất xa xưa, ngày nay coi như mật truyền mà tàn dư còn tìm thấy ở những buổi tranh đua tổ chức nhiều trong những hội hè đình đám vụ mùa nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng, lưa thưa trải rộng xuống Nam Á và Á châu hải đảo, chạy dài từ phía nam quần đảo Nam Dương đổ lên vùng đa đảo cực bắc Thái Bình Dương.

Đó là nghi thức "Ra Giàng", hay "Xe Đài", hoặc có nơi gọi là "Múa Hoa", "Múa Hạc", của lối vật cổ truyền Việt Nam, nghi thức Kanbangan của các võ sĩ Pukalam Pentjak cổ điển ở Indonesia, nghi thức Nagdadasal của các đô vật Dommoq nhóm bộ lạc Tagalog vùng đảo Luzon, hoặc nghi lễ cầu nguyện lúc thượng đài của các võ sĩ Thái Lan hay của các đô vật Sumo Nhật Bản, v.v...

Những nghi thức "Ra Giàng" này của các đô vật vùng Kinh Bắc hay Sơn Nam, Thanh Nghệ xa xưa tại đồng bằng sông Hồng, sông Mã, tại các hải đảo Celebes, Sumatra, Luzon, phía Đông Nam và Hokkaido phía Đông Bắc châu Á có hình ảnh mờ nhạt của nghi lễ "Bắt Ấn", "Bắt Quyết" của tu sĩ các tôn giáo phương Đông. Có lẽ nó có nguồn gốc từ lễ nghi tế thần sau những chiến thắng của các nhóm dân tộc ngữ hệ Malayo-Polynesien thuộc văn minh Nam Á, bên những ngọn lửa thiêng bập bùng trên thuyền chiến hay đồng nội ven ao hồ, sông biển.

Tại bán đảo Đông dương, truyền thống thoát tục Malayo-Polynesien đã kết hợp với truyền thống Mon-Khmer thầm lặng và Hán-Tạng căng tràn nhục cảm, lộ rõ trong lối "Ra Giàng" say sưa này.

Điểm đáng ghi nhận là bên cạnh hình thức quyền cước của phong cách Đông Sơn, Hòa Bình, còn vô số những hình thức đi quyền dân gian khác vùng Đông Nam Á với nhiều nhóm dân tộc ít người khác biệt cả từ phong tục đến tiếng nói. Nhưng điều hấp dẫn nhất ở đây là sự tương đồng về mục đích và kỹ thuật của hầu hết các hình thức võ này. Hay nói khác đi, nó giống như những biến tướng hay những dị bản của lối đi quyền cổ điển Đông Sơn, Hòa Bình, với những khác biệt xuất phát từ đặc tính địa phương và môi trường của chúng.

Ngót năm ngàn năm tiến hóa với những thăng trầm của dân tộc, đã khiến cho nghệ thuật đi quyền của Việt tộc không còn hệt như lúc đầu nữa. Những biến động về lịch sử, về tín ngưỡng, v.v..., và ảnh hưởng của các kỹ thuật chiến đấu dân gian, với những giao thoa qua lại về văn hóa giữa vùng Hoàng Hà và Ấn Hà đã làm cho hình thức đi quyền của người Việt cổ, từ một gốc Đông Sơn, Hòa Bình, xum xuê vươn ra nhiều nhánh.

Dưới đây là bài thiệu dị bản của một bài quyền khá cổ, bài Ngọc Trản, chúng tôi sưu tầm được nơi một vị võ sư già người Chăm tại một xóm nhỏ hẻo lánh của đồng bào Chăm Phan Rí, làng Kinh Cựu, và được xem vị võ sư này biểu diễn, nhân chuyến "điền dã Dân tộc học", du khảo về dân tộc Chăm :

Ngọc Trản ngân đài
Tả hữu tấn khai, thập tự
Thối liên diệp, liên huê tọa sát túc.
Tấn đả tam chiến, thối thủ nhị linh
Hoành tả tọa bạch xà lan lộ
Hữu hoành tọa, thanh long biên giang
Phụ tử tương tì, hồi phát địa hổ
Song phi chuyển dực, hạ bàn lôi đoản đả
Hội triển khai cung, quyện địa, tấn khai hổ khẩu
Tả hoành phục hạ, quyện địa, tấn đả song quyền
Đả tý lưỡng diện, bàng phi lập như tiền.

ngayxua
12-12-2006, 03:10 PM
Chiều Sâu Triết Lý

Mọi sinh hoạt hàng ngày, con người luôn luôn cố vươn lên cái hay, cái đẹp, cái thật. Nhưng quan niệm về Chân Thiện Mỹ mỗi nơi, mỗi địa phương, đông tây, lại khác hẳn nhau.

Thử quan sát những sinh hoạt hàng ngày của người phương Tây, ta thấy ngay sinh hoạt đó mới chỉ chuyển động trên mặt phẳng ngang sự việc. Nói khác, nó mới chỉ chau chuốt, cố gắng tiến gần tới cao độ của nghệ thuật : nghệ thuật pha rượu, thuật cắm hoa, nghệ thuật chơi cây kiểng, nghệ thuật đấu kiếm, bắn cung, nghệ thuật Boxing v.v... Nghĩa là mới chỉ đứng ở cấp độ THUẬT.

Người phương Đông, coi trọng đời sống nội tâm và tâm linh nhiều hơn, đã lướt qua những cái có tính cách mặt nổi giới hạn, không đứng dừng ở cấp độ " THUẬT " mà tiến vào cái " ĐẠO ", cố gắng đi đến cái sâu thẳm của sự việc.

Bởi thế, người phương Đông luôn luôn có khuynh hướng bao trùm, chộn lẫn cả vũ trụ và nhân sinh vào mọi sinh hoạt hàng ngày. Uống rượu, uống trà, chơi hoa, đánh kiếm, luyện võ, chơi cây kiểng, chơi non bộ, nghe nhạc, cầm, kỳ, thi, họa, v.v... họ quan niệm không phải chỉ riêng để giải trí, giải lao, để thưởng ngoạn, để bồi bổ hay thỏa mãn những đòi hỏi cấp thời của thân xác, mà còn để tu thân, di dưỡng nội tâm, hòa mình vào vũ trụ, vào thiên nhiên. Do đó, không lạ gì có những từ ngữ mà ít người phương Tây hiểu nổi: Trà đạo, Hoa đạo, Võ đạo, Kiếm đạo, Cung đạo,... , hoặc nói theo cung cách của tín đồ Phật giáo: Thiền trà, Thiền hành, Thiền quyền, Thiền hoa, Thiền nhạc, v.v...

Trong cái đa dạng gần như bất tận của truyền thống tâm linh phương Đông, có một cột sống thống nhất: quan niệm " vũ trụ đồng nhất thể ". Thần, người hay muôn vật đều là một, cái ngã với vũ trụ là một, Atman với Brahman là một, biểu hiện qua tư tưởng cho rằng cái ý niệm tuyệt đối, cái chân lý không thể phân chia, cái nhất nguyên duy nhất trường tồn, gọi là Thái-cực, là Thượng-đế, là Brahman, v.v...

Đời sống này chỉ là một đoạn ngắn hạn của thực tại nhất nguyên. Mục đích cao nhất của cuộc đời là đạt Thái cực, là chứng được Brahman, là Hồi Nguyên. Bản ngã mình hòa vào bản ngã duy nhất của vũ trụ, nói cách khác, là nhập Thần con người mình, khiến mình trở thành Thánh Thần, thành Bồ Tát, thành Siva, Vishnu, ...

" Thiên mệnh chi vị tính,
" Xuất tính chi vị đạo "
(Thiên mệnh gọi là tính người, tuân theo tính gọi là đạo).

(Trung Dung).

Chí sĩ Trần Cao Vân cũng có câu:

Ta cùng trời đất ba ngôi sánh,
Trời đất in ta một chữ đồng.

Trời đất ta đây đủ hóa công.

Làm cách nào để nhập thần mà thân xác không bị hủy diệt ?

Phương Đông có nhiều câu trả lời. Câu trả lời được nhiều người biết đến và hiểu được là Thiền, là Yoga. Và câu trả lời ít được người ta, kể cả người phương Đông, biết tới và hiểu thấu là Võ, là Quyền. Một phía ở thể Tĩnh, một phía ở thể Động.

Trong khi đơn luyện, song luyện hay đa đấu, múa may, vật lộn, thao tác toàn thân, đầu, tay, chân, tâm não của võ sinh như cái hồ nước đục ngầu, bị khuấy đảo mạnh cùng khắp, để rồi yên dịu lắng trong, vẩn đục từ từ chìm xâu xuống đáy, tạp niệm biến thoát, trùng dãn hệ thần kinh, buông thả trống không, còn chăng chỉ là những đòn miếng, những kỹ thuật của hít thở, của bộ pháp, thân pháp, v.v...

Xin mở một ngoặc đơn là một trong những chứng vật của nền văn minh thung lũng sông Ấn Hà là hình người tu luyện Yoga ngồi xếp bằng tròn tạc vào đá. Ngồi trong tư thế đó, thân thể Yogi tự nhiên khuôn thành một tháp tam giác có đỉnh ở chóp đầu và đáy chạy qua bộ phận sinh dục, nối hai đầu gối. Toàn bộ nỗ lực là để vút từ cái đáy phồn thực kia lên đỉnh điểm thực tại tối thượng. Và có biết bao những đường thẳng có thể kẻ từ đỉnh đó xuống đáy tam giác. Có biết bao nẻo Hồi Nguyên: qua sức mạnh, qua tri thức, qua tình yêu, qua những sinh hoạt hàng ngày, ... Đi quyền là nghệ thuật kết hợp được hầu hết các nghệ thuật khác : Múa, Thơ, Cờ, Họa, Nhạc,..., với sức mạnh siêu nhiên của một thân xác được khổ luyện và tinh sạch.

Các tu sĩ xa xưa thuộc phái Thiếu Lâm thường nói: "Luyện võ là một hình thức tham thiền nhập định ". Điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Để đạt tới toàn thiện, đi quyền phải trải qua biết bao khổ luyện thân xác và tâm hồn, phải có cái Tâm Đạo thực sự, nghĩa là hiến trọn mình cho công việc đó. Chuyển vận từng thớ thịt, gân xương giữa những luồng máu nóng hổi căng phồng chuyển động để buông lỏng tâm hồn, trí não tinh sạch, bỏ ngỏ, giao nhập vào hư không, đã chỉnh hợp lại được quân bình cho tâm sinh lý người luyện võ.

Một tác giả đã không nghịch lý khi luận về một thế võ mở đầu cho bài quyền Hoa Mai, mà biến chiêu của nó rất "độc ", có thể đánh gẫy cổ và bể ngực địch thủ, thế "Đồng Tử Bái Quan Âm", người luyện võ đúng cách khi vừa khởi động thế võ này, khi vừa khoa tay múa quyền vừa phải mỉm cười, phải tưởng tượng mình như một cậu bé trong trắng, cả tâm hồn và thể xác, chào lạy vị thánh "cứu khổ cứu nạn".

Tác giả cũng mượn lời một người anh lớn "giảng võ" cho một cậu bé : "Võ học cũng là một cách để nhìn thấy được khuôn mặt thật của mình và vũ trụ. Tại sao ở bài Phong Vũ Quyền em phải thấy mình trở thành giông bão, cũng như tại sao ở Mai Hoa Quyền có lúc em phải thấy mình như cành mai nghiêng trước gió, có lúc cảm giác mình như nụ hoa mai đang nở. Rồi tới một lúc em sẽ thấy tất cả các tinh tú đều cùng đang xoay vần theo tay quyền của em và lúc đó em sẽ thấy được em ..."

Cho nên nói đi quyền là Nhập Đạo. Đẹp đẽ biết bao quan niệm cho rằng Thần, Người, Vật, chính là một thể. Người phương Đông cầu nguyện gọi tên Trời, Phật, Siva, Vishnu, Kali,..., mà lại không phải chỉ giản đơn cầu khẩn những hình tượng đó, họ đang gọi chính mình, họ đang chứng nghiệm những xung đột nội tâm sầu thảm nhất của mình trước những thách thức của cuộc sinh tồn. Chính cái quan niệm rất hiện đại đó đã là phương cách cân bằng hóa giữa tâm và thân và đã cứu quyền cước khỏi diệt vong trong thời đại máy móc tối tân này.

Và luyện võ không phải chỉ riêng lẻ dành cho đám trẻ háo động, tranh thắng, mà chính là một môn dưỡng sinh di dưỡng tâm đạo và gìn giữ sức mạnh thể chất, gìn giữ và tuân hành kỷ luật nhà võ về điều độ, về vận động, v.v..., của lớp tuổi trung niên, kể cả lão ông lão bà nữa vậy.

ngayxua
12-12-2006, 03:21 PM
TÌM HIỂU VÀ TỰ LUYỆN VÕ THUẬT

Một kỹ thuật cao
Công phá là một kỹ thuật cao của võ thuật, gồm những bài tập luyện dùng một phần cơ thể như đầu, nắm đấm,chân,sống tay chỏ, gối,cánh tay... để công phá vỡ những vâtcứng chắc như: gạch, ngói, đá, ván gỗ , vỏ chai, xi măng, bê tông, gậy bóng chày
... Về nguyên thuỷ ,công phá là những bài ngạnh công của các võ phái phương đông nhằm làm cho thân thể môn sinh được cứng nhắc , không bị đau đớn thương tổnkhi chạm, dính đòn lúc thi đấu.

Để luyện ngạnh công, môn sinh phải chịu để cho các đồng môn dùng cây đánh vào cơ thể càng lúc càng mạnh dần hoặc múa quyền giữa các bao đất treo chung quanh ,chựi đựng sức va đập của các bao đất này. Luyện lâu ngày, môn sinh sẽ có một phản xạ tư nhiênkhi bị một lực bên ngoài đánh vào, cơ thể sẽ phát sinh một lực đối kháng tương ứng nên môn sinh không bị đau đớn gì cả ! Cách tập luyện là Công phá Tĩnh,nghĩa là người biểu diễn đứng yên vận công cho người khác đạpcây,ván vỏ chai, bình đất ...vào đầu, tay, chân, bụng, ngực, lưng... Còn khả năng tấn công phá vỡ những vật cứng chắc được gọi là Công phá động. Để thi triển được Công phá động , phải tập luyện gian khổ trải qua thời gian lâu dài.
Đầu tiên phải hoàn thiện các đòn thế, tung đòn thật chính sác để phát huy hết tốc độ và sức mạnh của đòn đánh.Phải hiểu biết về quy luật vận hành của khí trong cơ thể để vận khí, phát khí ra đánh đòn , tụ khí vào phần thân thê công phá đúng vào thời điểm chạm đòn. Tập chung tinh thần cũng là một yếu tố quan trọng . phải dùng chí ý nghĩ: ta sẽ vỡ bằng được mục tiêu ; tất cả sưc mạnh tinh thần,thể xác, khí lực của ta đều tập chung dồn vàođòn đánh. Luyện dùng tiếng thét tập chung khí lực khi tung đòn công phá cũng là một yếu tố rất cần thiết. Bài tập dành cho công phá là dùng ý nghĩ tưởng rằng đòn tung ra xuyên thủng mục tiêu, chạm đến một điêmơr xa muc tiêu. Luyện hàng trăm lần như vậy, đòn tung ra sẽ có khí lực đi kèm tạo một sức mạnh công phá vô thường.. phối hợp thực hiện tất cả những điều trên cùng một lúc là điều kiện cần để thi triển thành công một đòn công phá.

Công phá đã có từ xưa nhưng chính Karate là võ phái đầu tiên đã đem nó ra trình làng. Cố võ sư Mas Oyama đã biểu diễn công phá nhiều loại nguyên liệu khác nhau và là người đầu tiên dùng sống tay chặt gẫy sừng bò. từ đó, các võ phái đã coi công phá như là một cách ấn chứng võ công của các bậc cao thủ đã đạt đến trình độ cao về võ thuật . Công phá khi đem ra biểu diễn trước công chúng đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Tuy vậy,trong giới võ lâm, nhiều võ sư cho công phá là vô bổ, phù phiếm. Nếu người công phá cho hành động của mình như lời nói : "Hãy nhìn xem tôi làm gì với những thứ cứng chắc? Xương bạn có cứng chắc như chúng không?" ,thì câu trả lời sẽ là "Công phá là một chuyện, chiến thắng một chận giao đấu là một chuyện khác. Công phá để chứng tỏ võ thuật đem đến cho người luyện khả năng làm được những chuyện bất khả là đúng. Còn một người công phá chưa chắc sẽ là người bất khả chiến bại".
Ý tưởng này đã được Lý Tiểu Long đưa vào phim Lonh tranh hổ đấu. khi Bolo Yeung thủ vai một ác thủ công phá ván để thị oai, Lý Tiểu Longđã nói: Miếng ván không biết trả đòn". Có những võ sư công phá ngoại hạng nhưng cũng có những người dởm. Những thứ đem ra dùng công phá đã được chế tạo trước ( ván mục, gạch non lửa, xi măng cưa đứt...) để với tiếng thét cùng với đòn tung ra, nhưng sẽ bổ vụn tan tành nhằm gây ấn tượng và cảm giác mạnh nơi khán giả. Báo chí đã viết nhiều về những thủ đoạn công phá dởm. Bởi vậy, ngày nay nói đến công phá, rất nhiều người tỏ ý nghi ngờ.
Ngoài ra cần chú ý đến khía cạnh Sức khoẻ khi về già của những người thường xuyên đem đầu,chân tẩy "chơi" với gạch,đá ,ván, xi măng. Những người thân cậnđã kể võ sư Mas Oyama đã phải ngâm rượi, bốc thuốc vì đôi tay bị sưng đau sau mỗi lần chặt gẫy sừng bò. Khi về già, đôi tay ông có triệu chứng run nhẹ, không cầm chặt được vật gì.
Công phá thực sự là một ấn chứng võ công về kỹ thuật,nội ngoại công, sức mạnh tinh thần và lòng can đảm. Nó còn là màn trình diễn hấp đẫn đôi khi giúp người thực hiện kiếm bôi thu tiền. Ngoài ra nó không có ý nghĩa quan trọng gì khác. Khi công phá một tấm ván, người ta chỉ chứng tỏ có khả năng đấm vỡ một tấm ván, thế thôi! Muốn chứng tỏ một điều gì khác, Người ta phải làm chuyện khác.
Đừng quên võ thuật chân chính còn là phong cách sống và là một trạng thái tinh thần an nhiên tự tại, chẳng cần ai biết ngoài bản thân và cũng chẳng cần chứng tỏ !

8->

ngayxua
12-12-2006, 03:24 PM
1-Tám thức trong chiến đấu
a) Kinh hoàng: Cùng địch thủ giao đấu, trước tiên phải áp đảo về mặt tinh thần. Hét lên làm địch khiếp hải, làm tán loạn ý chí của địch, khiến địch phải hoảng loạn. Tiếng hét đồng thời trấn tĩnh lại tinh thần cho ta, làm mạnh thêm ưu thế, giúp sức pháp kình tạo lực. Khi ta hét lên làm địch thủ phải hốt hoảng, động tác hóa ra chậm, nhân lúc ấy ta xông vào tấn công ồ ạt, địch thủ không kịp né tránh hoảng loạn tất phải bị bại trận. Cao thủ Lý Tiểu Long có tiếng hét giống mèo kêu nhưng đủ ma lực để khủng bố tinh thần của địch thủ. Đây là bằng chứng rõ ràng về sự hiệu nghiệm của tiếng hét vậy.

b) Mãnh liệt: Khi tấn công địch thủ phải dũng cảm xốc tới, liều chẳng tiếc mình, toàn thân nhất trí, nhanh mà có lực.

c) Lang độc: Đã giao đấu kịch liệt thế tất một bên thắng một bên thua, đã đến lúc đó thì không thể không lòng lang tay độc cho được, ta chẳng chế ngự địch tất địch chế ngự ta. Khi đối địch thì yêu cầu "Đương trường chẳng nhường bước, cất tay chẳng lưu tình."

d) Thần cấp: Phép giao đấu muốn có hiệu quả thì phải nhanh, thần tốc, lòng(tâm) linh tay hoạt, lấy nhàn đợi nhọc, lấy tĩnh chế động, lấy nghiêm đợi lơi lõng, lấy (nghiêm) chỉnh chống (bấn) loạn.
Sức mạnh thì phải mượn sức chế ngự, thế mạnh phải thừa thế đó trở về, địch mạnh tất theo mé bên mà vào, địch yếu tất theo trung tâm mà xốc tới

2- Khéo dùng chiếc dây lưng

Trong võ đường, sợi dây đai thắt lưng giúp cho việc tăng thêm sức lực. Người luyện võ cần phải "khí trầm đan điền", khi luyện tập, thắt chặt sợi đai tạo thành 1 sức ép nào đó với đan điền để tiện cho việc dồn khí xuống đan điền, nhờ vậy mới có thể bộc phát kình lực vượt mức bình thường. Khi ra đường sợi dây nịt thắt lưng lại là vũ khí phòng thân hữu hiệu. Vì dùng nịt có thể lấy nhu khắc cương, chống chọi được với dao găm, gậy gộc, một mình mà chống đỡ được đông người.

3- Ba đốt (tiết) trong vận động võ thuật

Ba đốt, nói về toàn cơ thể con người thì tay là đốt ngọn (tiêu tiết) thân mình là đốt giữa (trung tiết), chân là đốt gốc (căn tiết). Nếu chia nhỏ thì ngay trong ba đốt kể trên cũng đều có ba đốt riêng cả. Ví dụ nói về tay thì bàn tay là đốt ngọn, khủy tay là đốt giữa, vai là đốt gốc. Nói về chân thì bàn chân là đốt ngọn, đầu gối là đốt giữa, háng là đốt gốc. Vận động của ba đốt không ngoài "nổi, theo, đuổi" tức là đốt ngọn nổi, đốt giữa theo, đốt gốc đuổi "vận động của ba đốt phải liền lạc, liên tục không trệ ngại nhau, phải hợp nhất với nhau. Có như vậy"quyền phát ra tiếng chân cất gió nổi lên".

4- Thuyết "Ngũ yếu" trong võ thuật

Vận động trong võ thuật có 5 điều cần (ngũ yếu) đó là mắt tinh, tay lẹ, đảm vững ,bộ chắc, lực thực.

a) Mắt tinh: "Mắt là trinh sát, tâm là chủ soái "Trong giao đấu nhất định phải có ánh mắt tinh nhanh, chăm chú xem ý hướng của địch, phải là "tay đến, chân đến, mắt đến" nói "đến" đây là "đến cả loạt". Ánh mắt sắc như mắt ưng, vượn, nếu không được thế thì mình có ra đòn cũng khó đánh trúng mục tiêu, phòng thủ khó nhìn rõ ràng chiêu pháp của địch, chẳng còn cách nào lấy biến đối biến để đánh lại địch thủ.

b) Tay lẹ: "Ra tay chớ chậm chạp, chậm chạp để địch biến, giả sử địch có biến thì lòng ta lẹ như tên (bắn)" Trong giao đấu dứt khoát phải coi trọng đòn tay cho thật lẹ, như điện chớùp, như gió lốc, nếu như chẳng nhanh thì dù có tuyệt chiêu cũng khó lòng giành thắng được.

c) Đảm vững (tức gan dạ): "Nhất đảm, nhì sức, ba công phu" khi chiến đấu nhất định cần phải gan dạ, tâm vững là hàng đầu. Có gan dạ mới dám thủ thắng, đánh mạnh tiến khéo, tiến thoái tự nhiên. Lấy cái mạnh của ta để khắc lại cái kém của địch

d) Bộ chắc: "Bộ vững như khánh thạch gốc chắc địch khó xô". Trong giao đấu nhất định cần phải có bộ pháp kiên cố vững chắc mới được. Nếu bộ pháp không vững tất căn bản bị giao động, trên nặng dưới nhẹ dễ bị địch thủ đánh ngã. "Khoan tập đánh luyện tấn trước".

e) Sức thực (lực thực): Trong khi giao đấu cần có sức thực. Nếu đòn thế tung ra chẳng có tí hơi sức thì dù có đánh trúng địch cũng chẳng có hiệu quả tốt, không dễ giành thắng lợi trong cuộc đấu. Tuy có thuyết "bốn lạng chắn ngàn cân", nhưng ít nhất phải có cái sức "bốn lạng" đã, nếu không thì chỉ phủi bụi, làm trò cười cho địch thủ mà thôi.

5- Một thân mang năm cung

"Một thân mang năm cung" là chỉ thân mình là một cánh cung dài, hai tay là hai cánh cung, hai chân là hai cánh cung. Năm cung hợp nhất tức là bảo toàn thân thành một chỉnh thể của kình thì mới có thể "tĩnh như núi đồi, động giống sông ngòi", mới có thể co, phát liên miên không dứt.
Năm cung thì lấy cung thân làm chủ, cung tay cung chân làm phụ, đều lấy hông làm trục, trên thì nối với hai cánh tay, dưới thì tùy theo hai chân. Mỗi khi dùng một thế, năm cung đều sẵn sàng, hình thành thế co rút chống đở cả tám mặt, lúc công lúc thủ như phóng tên, đầy đủ sức mạnh.


6- Sử dụng tiếng hét trong võ thuật

Trong công pháp võ thuật có thuyết "Lục công tề bị, nãi vị thượng thừa" (sáu công phu sẵn sàng mới là bậc thượng thừa). Cái gì là lục công? Đó là THẦN, Ý, HÌNH, LỰC, THANH, KHÍ. Quyền phổ cũng có câu "thần ý là vua khiến, hình lực khí đi đầu, quen tập vận phép "tiếng", mới khiến lục công hoàn toàn". Tiếng hét trong võ thuật giữ một vị trí quan trọng trong võ thuật. Hét để áp đảo tinh thần đối phương, hét để tăng sức chịu đòn, hét để tăng sức mạnh ra đòn, hét để đả thông khí huyết, hét để cấp cứu người bị thương (shiatshu).

Quyền pháp Thiếu Lâm yêu cầu "Tú như miêu, đẩu như hổ, hành như long, thanh như lôi" (ngoan như mèo, lắc như hổ, đi như rồng, tiếng như sấm), đủ thấy từ xưa giới võ thuật đã thấy tầm quan trọng của tiếng hét như thế nào.
- Võ thuật Trung Quốc có nhiều tiếng hét khác nhau, nhiều thì 8 âm, ít thì 2 âm như péng, yè, gì, hải, hâng, hu, heng, he, ha hoặc a, ya, hây, hâng, hù, ha, ná, yí v.v... Những âm này không có nghĩa chỉ là lúc dùng sức lên xuống ra vào mà phát ra tiếng hét hổ trợ tương đương.
- Võ thuật Nhật Bản thì có tiếng hét KIAI trong KARATE. Đây là tiếng hét hoàn bị nhất vì bản thân là chữ có nghĩa (Ki: khí, Ai: hiệp khí) lại dùng làm được tiếng hét trong mọi trường hợp và ngay cả cấp cứu người bị bất tỉnh. Người giỏi dùng tiếng hét kiai có thể hét vỡ 1 cái ly thủy tinh để trước mặt.
-Võ thuật Đại Hàn có 2 tiếng hét: kiap (biến thể từ kiai) dùng để tấn công, và ayya dùng để phòng thủ.

:((

ngayxua
22-12-2006, 08:37 AM
Những nguyên lý trong Karaté - Điều huyền bí đơn giản.
Đối với nhiều người, sức mạnh thể hiện qua các kỹ thuật công thủ của Karaté có vẻ như khởi xuất từ một điều huyền bí được mật truyền.
Đó là một ngộ nhận rất lớn. Các nguyên lý căn bản của kỹ thuật Karaté thể hiện rất rõ tính khoa học về cách vận động của cơ bắp và tính chính xác của các xu hướng tâm lý. Điều huyền bí, nếu muốn gọi như thế , chỉ đơn giản là phương pháp rèn luyện để tận dụng được cách vận động của cơ bắp cùng các xu hướng tâm lý của con người.
Nói một cách khác, điều mà nhiều người gọi là huyền bí chỉ gói gọn trong các phương pháp tâm lý vận động và sinh lý vận động tự nhiên

* Nhận thức về vận động sinh lý:
Mục đích cụ thể của võ thuật là đưa người rèn luyện vưọt lên khỏi trạng thái yếu hèn nên hướng nhận thức về các vận động sinh lý chỉ đặc biệt chú trọng về các vận động tạo sức mạnh. Một cách khái lược, các nguyên lý của Karaté , dựa theo các vận động sinh lý , đã hình thành với ba điểm chủ yếu : cách tạo lực, cách tập trung lực và cách sử dụng lực phản hồi.

1) Tạo lực tối đa:
Mọi động tác của cơ thể đều gắn liền với các vận động co, duỗi của cơ bắp và chính các vận động co duỗi này chính là nguồn cội của sức mạnh. Một đặc điểm đã được khoa học chứng nghiệm là cường độ sức mạnh gia tăng theo tốc độ co duỗi của cơ bắp. cơ bắp càng co duỗi nhanh thì sức mạnh của động tác càng lớn. Cho nên, để tạo ra sức mạnh, kỹ thuật karaté đặt nặng vấn đề kiểm soát vận động co, duỗi của cơ bắp và thúc đẩy cho đạt tới tốc độ cao nhất

2)Tập trung lực:
Có lực nhiều nhưng luôn bị phân tán thì không thể mạnh. Cho nên tập trung lực là điểm chủ yếu thứ 2 không thể quên. Tập trung lực là gom lực của mọi cơ bắp tụ lại đúng lúc, đúng chỗ cho mục tiêu của một động tác. thí dụ để nâng một vật nặng hoặc kết thúc một đòn đánh. càng gom được lực của nhiều cơ bắp thì sức mạnh của dộng tác càng tăng.Nhưng lại không thể quên điều này : Tập trung chỉ thực sự hiệu quả khi có sự phối kết hợp lý lực của các cơ bắp khác nhau. Thí dụ, các cơ bụng và vùng xương chậu mạnh nhưng phát lực chậm trong khi các cơ khác phát lực mau nhưng yếu hơn. Phối kết hợp lý là phát động các cơ chậm trước rồi mới tới các cơ nhanh sao cho khi va chạm mục tiêu thì tất cả cùng phát lực. Ngoài ra , không lúc nào được quên yếu tố tốc độ với đặc tính càng nhanh càng mạnh.

3) Dùng lực phản hồi:
Vật lý học xác nhận mỗi tác động luôn có một lực phản hồi bằng với nó. Trong Karaté, việc vận dụng lực phản hồi rất được chú trọng. Thí dụ : Khi một tay đấm thì tay kia rút về hông. Việc rút tay kia về hông không thể coi nhẹ vì lực phẩn hồi của nó sẽ tăng thêm sức mạnh cho trái đấm của tay đấm. CŨng thế, trái đấm sẽ mạnh hơn nữa khi chân sau ấn mạnh lên nền nhà. Việc này cũng tạo ra một lực phản hồi đi xuyên ngược qua thân thể về cánh tay đấm. Phức tạp hơn là chính bàn tay đấm cũng tạo ra một lực phản hồi để thêm sức mạnh cho nó. lực phản hồi của bàn tay đấm khi va chạm sẽ dội ngược lại cơ thể xuyên suốt tới hai chân để sau đó bật trở lại về chính tay đang đấm.

NGoài 3 điểm đầu tiên, hơi thở cũng góp phần rất lớn trong việc tạo lực. Vì thế cần phải kiểm soát hơi thở để phối hợp với vận động cơ bắp. Thường khi thở ra cơ sẽ co lại và khi hit vào cơ bắp sẽ thư giãn . Trong karaté, cần nhớ thở ra khí đã tung đòn và hít vào khi đã dứt đòn.

* Nhận thức về tâm lý
Có sức mạnh thể lực vẫn chưa hoàn toàn mạnh nếu tâm lý thiếu vững vàng. sự kiện này đã đươc lý giải qua hai thuật ngũ cổ truyền của môn phái Karaté là Mizu No KoKoro (tinh thần bình lặng như mặt nước) và Tsuki No KoKoro (tâm trí trong sáng như ánh trăng) .
mặt nước luôn phản chiếu mọi vật trong tầm của nó. Nếu mặt nước lay động các hình ảnh phản chiếu sẽ méo mó tức sai lệc so với thực tế. Hơn nữa , khi lay động, chính hình ảnh của mặt nước cũng không giữ được nguyên trạng. Với võ sĩ Karaté , sự lay động này chính là những ưu tư, bối rối trong đầu óc. Lâm vào tình thế ưu tư, bối rối thì sẽ không kiểm soát nổi mình và cũng không thể nhận rõ được đối thủ. CHo nên, nói tinh thần như mặt nước phẳng lặng là đòi hỏi đạt tới trạng thái luôn bình ổn, thanh thản trong đầu óc, dù trong tình hưống nào.
Ánh trăng bao giờ cũng chiếu sáng đều khắp nếu không bị cản trở bởi những cụm mây. Giữ tinh thần như ánh trăng soi khắp thì cần phải xua tan hết mọi đám mây che phủ. Chỉ như thế, ánh trăng mới bao trùm hết vạn vật. nói một cách khác nếu còn những cụm mây, ánh trăng sẽ bị hạn chế. Đối với võ sĩ Karaté, những cụm mây này chính là những tình huống căng thẳng , xao lãng của tinh thần khiến cho không thể bao quát được toàn bộ thực thể mà mình cần đối phó. Như thế dù có bình thản đến mức nào cũng chưa chắc nắm vững mọi mối hiểm nghèo vì tầm nhìn đã bị hạn chế.
Tóm lại, các nguyên lý tâm lý trong Karaté có thể diễn tả bằng hai thuật ngữ của phật giáo..... Viên tịnh và viên thông. Rọi khắp như ánh trăng và phẳng lăng như mặt nước là điều không thể quên, nếu muốn vưọt qua trạng thái yếu hèn.

* Kết hợp tâm và sinh lý:
Tự thân các nguyên lý sinh lý và tâm lý dù thực sự hiệu quả thì mức thành tựu của người rèn luyện vẫn bị hạn chế nếu thiếu sự phối hợp cả hai mặt. Có thể tưọng tượng qua hình ảnh một chiếc điện thoại. Đường dây và bộ nói đều tốt những thiếu dòng điện thì tất cả đều vô hiệu. Đường dây và bộ nối có thể ví như những thành tựu trong thể lực do rèn luyện các nguyên lý về sinh lý. Biết và có khả năng nhưng thiếu ý chí nhập cuộc thì cũng không vận dụng nổi. ngược lại, có ý chí nhưng thiếu khả năng thì kếy quả cũng chẳng khá hơn. vấn đề phối hợp tâm sinh lý . do đó đã được đặt ra. Trong khuôn khỏ vấn đề này , có hai chủ điểm được đặc biệt lưu tâm là tiêu điểm (KIME) và phản xạ.
Tiêu điểm là sự xác định mục tiêu rõ rệt và có khả năng tập trung được mọi yếu tố vào mục tiêu đó. sự tập trung ở đây không phải đơn thuần là sự tập trung năng lực cơ bắp mà bao gồm cả nnhững yếu tố tâm lý và hơi thở, cũng như tốc độ. Cũng nên ghi nhớ sự tập trung cao độ này cần xảy ra đúng thời điểm như một sự bùng nổ chớp nhoáng và lập tức ngay sau đó, đưa toàn thể cơ bắp về trạng thái thư giãn để kịp vận dụng cho động tác tiếp theo.
Phản xạ thường được diễn tả với hai đặc điểm : Hiểu chính xác mọi cử động của đối thủ và kịp thời phát hiện ngay động tác đối phó phù hợp (hen-ô). cả hai đặc điểm này điều hiện ra trong một tích tắc và cũng hoàn tất ngay trong tích tắc đó. Vì thế tất cả đồng ý coi đây là một phản xạ nhạy bén. Lý giải theo các bình thường thì đây là sự tập trung cao độ nhất trong khuôn khỏ phối hớp tâm-sinh lý vì tất cả đều tự nhiên và chớp nhoáng.
Tóm lại, các nguyên lý vận động cơ bắp , các xu hướng tâm lý và các nguyên tắc phối hợp hai mặt trên chính là nền tảng hình thành 3 loại nguyên lý căn bản của kỹ thuật karaté.

Pisces
22-12-2006, 08:40 AM
Bác này là chúa viết bài mà ko ghi nguồn gốc :/, giữ miếng quá...

thewind_vn
15-11-2008, 04:52 PM
Thiếu niên nhi đồng luyện võ cần biết

1. Đối với thiếu niên nhi đồng bắt đầu học võ cần phải nuôi dưỡng thành tư thế chính xác . Vì xương cốt của thiếu niên nhi đồng còn chưa phát triển hoàn chỉnh . Ví như bình thường tập luyện mà nuôi dưỡng thành thói quen gù lưng hay cột sống đổ về trước , khiến cho lồng ngực sinh ra lệch lạc làm tổn thương đến sự mạnh khoẻ của cơ thể các em về lâu về dài .
2. Khi thiếu niên nhi đồng tập luyện trang công phải chú ý tập số lượng ít , thời gian ngắn , tư thế hơi cao , số lần có thể nhiều lên . Phương thức này có lợi cho sự hồi phục , không tạo nên mệt nhọc quá sức .
3. Vì thiếu niên nhi đồng tư tưởng còn thuần phác , thích làm bừa làm ẩu nên càng phải chú ý tránh bị tổn thương tức là có tiến hành luyện tập ngưng tĩnh bị động , các động tác đè , chuyển , xoạc .v.v.. cũng nên phòng ngừa chớ bắt làm các động tác đó quá gấp , quá mạnh , quá nhiều .
4. Hệ thống thần kinh của thiếu niên nhi đồng phát triển tương đối sớm , hoạt động của hệ thống tín hiệu thứ nhất chiếm địa vị chủ yếu , chủ yếu dựa vào hình tượng trực quan mà xây dựng phản xạ có điều kiện . Thiếu niên nhi đồng rất dễ bị những hiện tượng mới lạ thu hút , lại còn khéo bắt chước , sẵn có năng lực bắt chước khá cao , vì vậy , thầy dạy học phải hết sức chú ý làm thị phạm .
.
Hic,"tư thế chính xác", "tránh bị tổn thương", " thầy làm thị phạm" --> bác ngayxua nói rất chính xác ạh :cool:
Nhưng mà ở tuổi nào thì mới cho họ tập trang công bác nhỉ??

bức tường
06-01-2009, 01:23 PM
Danh sách 72 tuyệt kỹ võ thuật của Thiếu Lâm
Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công:

1.Thiết tý công (cánh tay sắt): Khởi đầu dùng cánh tay đập vào các gốc cây, sau tăng lên đập vào đá. Phải có thuốc ngâm tẩm đặc biệt để tập.
2.Bài đả công
3.Thiết tảo công hay Thiết tảo trửu (chổi sắt quét): Luyện chân với các đòn cước quét (tảo địa). Khởi đầu bằng đứng Trung bình tấn, sau luyện quét vào các gốc cây.
4.Túc xạ công (bắn bằng chân)
5.Cước thích công
6.Đồng sa chưởng, còn gọi là Trúc diệp thủ (tay lá trúc) hay Trúc diệp chưởng, gần giống Thiết sa chưởng.
7.Xà hành thuật
8.Ðề thiên cân (nhấc ngàn cân), hay Thiên cân trụy: Trụ tấn nâng vật nặng. Luyện từ thế Trung bình tấn, hai tay nâng vật nặng lên trời giống như nâng tạ.
9.La hán công (công phu La Hán)
10.Thiết đầu công (đầu sắt), còn gọi là Thạch đầu công (đầu đá): Luyện húc đầu vào vật cứng.
11.Tứ đoạn công (bốn đoạn)
12.Thiết bố sam công (áo giáp sắt): Luyện vai, ngực, lưng cho thành cứng như sắt, không luyện bụng. Khởi luyện bằng cách xoa toàn thân, nằm trên vật cứng. Sau tăng lên bằng các bài tập phi lưng, ngực, vai v.v. lên cát. Tương truyền công phu này do một thiền sư Tây Tạng truyền cho Thiếu Lâm tự và rất được ngưỡng mộ.
13.Song tỏa công (hai khóa)
14.Thượng quán công (quán là cái hũ): Phép luyện huyền lực (lực treo) và sức nắm của cánh tay. Xỏ hũ vào một cái cây. hai tay để ngang nắm hai đầu cây xách hũ đựng vật nặng. Nhiều khi môn đồ còn bị cắm dao bên sườn để luyện không cho hạ tay xuống khi mỏi.
15.Thạch tỏa công (khóa đá)
16.Thiết châu đại hay Thiết đới công: Cách luyện lực ở nách, dùng để quăng quật đối thủ.
17.Thiên cân sạp (cánh cổng ngàn cân), gần tương tự Đề thiên cân.
18.Tiên kình pháp (kình lực roi)
19.Phân thủy công (rẽ nước): Luyện sức hai tay rẽ. Thường dùng cây mây, cây song loại lớn đóng thành màn, sau đó dùng hai tay vẹt sang hai bên.
20.Ngọc đới công (thắt lưng ngọc), còn gọi là Càn khôn khuyên: Công phu chuyên luyện cho hai cánh tay có sức mạnh xiết vòng lại, có thể ôm xiết người đến gãy xương mà chết. Thường luyện bằng cách ôm xiết khối đá nặng hình trụ.
21.Ưng dực công (cánh ưng): Là công phu dùng cùi chỏ hạ thủ, thuộc loại ngạnh công. Treo hai bao cát hai bên tăng dần độ nặng, luyện đánh chỏ ngang.
22.Khiêu việt pháp
23.Bá Vương trửu (khuỷu tay Bá Vương): Cũng luyện cùi chỏ như Ưng dực công nhưng khác về cách luyện, nằm sấp hoặc ngửa chống chỏ xuống, người nhô lên hạ xuống. Sau có thể đặt thêm vật nặng lên người để tập.
24.Nhất chỉ kim cương pháp (một ngón tay), còn gọi là Nhất dương chỉ: Gần giống Nhất chỉ thiền, nhưng Nhất chỉ thiền thiên về âm công, phóng ngón tay đả thương địch từ xa, còn Nhất chỉ kim cương pháp thiên về luyện dương cương.
25.Bạt đinh công (nhổ đinh): Luyện chỉ lực.
26.Nhất chỉ thiền công (phóng một ngón tay): Là loại âm công cực độc. Người luyện thành thì khi phát ngón tay chưa tới mà địch thủ đã bị thương, ở cấp thấp thì ngón tay cứng như dùi sắt.
27.Thạch trang công (tấn vững như đá): đứng Trung bình tấn càng lâu càng tốt, sau luyện trên cọc (mai hoa trang).
28.Kim chung trảo (chuông vàng úp)
29.Thiết ngưu công (trâu sắt): Đặt vật nặng trước bụng, nằm ngửa để luyện cứng bụng.
30.Toàn phong chưởng
31.Ngọa hổ công (hổ nằm): Công phu dương lực chuyên luyện đầu ngón tay và cả đầu ngón chân theo cách chống các ngón tay chân hít đất. Có thể đặt vật nặng lên lưng để tập.
32.Bạt sơn công (bạt núi): Thuộc loại công phu dương kình. Luyện bằng cách dùng các ngón tay nhấc trụ cây chôn dưới đất.
33.Kim long thủ (còn gọi là Hợp bàn chưởng): Luyện sức mạnh bàn tay có thể làm tan sắt đá bằng cách xoa hai đầu bó đũa tre, tập tuần tự đến khi xoa nhẹ cái thì bó đũa nát ra, sau đó xoa đũa sắt.
34.Thôi sơn công (Thôi sơn chưởng): Công phu luyện lực phát kình tại chưởng tâm (giữa lòng bàn tay) và cổ tay tương tự Phùng chỉ công. Luyện bằng cách đặt tay đẩy khối đá nặng trên mặt bàn.
35.Thích mộc trang (còn gọi là Thích trang công)
36.Ưng trảo công (vuốt ưng, luyện các ngón)
37.Trảm ma kiếm
38.Huyền không quyền
39.Kim sa chưởng, Châu sa chưởng, còn gọi là Hồng sa thủ: Thuộc loại âm công tối độc, đứng hàng đầu trong các loại âm công. Khi phát chưởng không cần chạm tay địch thủ đã bị thương trí mạng. Luyện bằng cách xoa cát trong chậu vuốt lên, sau nâng dần độ khó bằng mạt sắt và bi nhỏ.
40.Thiết sa chưởng (chưởng sắt), loại công phu chuyên luyện chưởng thịnh hành trong Thiếu Lâm Bắc phái chính tông.
41.Phi hành công (đi như bay), còn gọi là Dạ hành thuật: thuật đi đêm, một loại khinh công. Yêu cầu tập cả sự nhanh nhạy và luyện mắt tinh tường.
42.Thương đao bất nhập pháp (thương đao chẳng vào), còn gọi là Không thủ nhập bạch nhẫn (tay không vào rừng đao): luyện mắt thật nhanh nhạy bằng cách đếm nhanh các vật, sau đó luyện chạy trong rừng tre và chạy giữa vài chục người cầm binh khí tấn công. Tương truyền do Trần thị thuộc đời Tống ở đất Trân Châu sáng chế.
43.Ngũ độc truy sa chưởng (còn gọi là Ngũ độc thủ)
44.Phi đảm tẩu pháp
45.Nhất tuyến xuyên (xuyên một đường)
46.Thoán tung thuật (nhảy ngược)
47.Kim sản chỉ: Luyện chỉ lực.
48.Yết Ðế công (nhào lộn kiểu Yết Ðế)
49.Mai hoa trang (cọc hoa mai), còn gọi là Mai hoa thung: Chuyên luyện tấn pháp và bộ pháp trên các cọc đóng thành 5 cái một thành hình hoa mai. Tăng dần chiều cao của cọc và độ khó của bài bằng cách thi đấu, biểu diễn quyền và binh khí trên cọc.
50.Niêm hoa công (hái hoa): Luyện dương lực ở hai đầu ngón tay để bấu, véo, điểm. Luyện bằng cách hai ngón tay vê các hạt đậu tiến tới hạt cát, sắt. Khi vê bi sắt mà làm méo, bẹp là đại thành.
51.Ðường lang trảo (trảo bọ ngựa) hay Đường lang quyền
52.Bao bản công hay Bao thụ công (ôm cây): Luyện sức xiết của vòng tay.
53.Thiểm chiến pháp, hay Phi thiềm tẩu bích (bay trên mái, chạy trên vách):Thuật luyện chạy nhanh, nhảy cao, thân nhẹ
54.Kim đao hoàn chưởng công: Luyện lực cạnh bàn tay.
55.Khinh thân thuật (thân nhẹ) hay Khinh thân công: Luyện chạy nhanh, thân thể nhẹ nhàng. Luyện ban đầu bằng cách chạy trên thành chum đựng nước, sau bỏ nước dần dần. Cuối cùng chạy trên nền cát cho đến khi linh hoạt đến mức cát không bị tung lên, chân không dể lại dấu.
56.Thiết tất công (gối sắt), còn gọi là Thiết tất cái: Phép luyện đầu gối cứng như sắt thép. Tập bằng cách dùng quyền đấm vào hai đầu gối khi ngồi xếp bằng. Sau tăng lên dùng sức của búa.
57.Lục địa phi hành thuật
58.Xuyên liên công (xuyên rèm): Công phu gần giống Phi thiềm tẩu bích. Công phu này mô phỏng động tác chim yến bay qua màn cửa, dùng để nhảy qua chướng ngại vật, nhiều môn sinh Sơn Đông mãi võ chuyên biểu diễn nhảy chui qua vòng lửa hay vòng gắn dao nhọn, chính là công phu này.
59.Lăng lý toản (nhào lộn).
60.Ðiểm thạch công (luyện tay điểm vào đá): Loại dương công chuyên luyện đầu ngón tay để đánh điểm vào thân thể đối thủ rất nguy hiểm, thuộc hàng tử thủ nhưng khác với Nhất chỉ thiền (Nhất dương chỉ) là loại âm công tác xạ từ xa. Dùng đầu ngón tay điểm vào tường đá để tập.
61.Tỳ bà công (gảy đàn tỳ bà), còn gọi là Đàn chỉ thần công: Luyện búng ngón tay như búng dây đàn. Phải ngâm thang thuốc đặc biệt trộn vào bao cát để tập. Khi tập thành ngón tay trở nên đen huyền do thấm thuốc.
62.Nhu cốt công (xương mềm): Luyện cho toàn thân nhu nhuyễn, các khớp xương thông hoạt, tránh sự cứng nhắc. Khởi luyện bằng cách hất chân các hướng, kế đến luyện Triều thiên đăng tức đưa chân tới trước ngực rồi ôm sát vô ngực trong khi chân kia vẫn đứng thẳng, sau đó luyện eo bằng cách tư thế uốn, gập.
63.Bích hổ du tường thuật (thằn lằn leo tường), còn gọi là Bà tường công: Là loại công phu chuyên bò sát mặt tường thẳng đứng mà đi lên.
64.Môn đang công (luyện hạ bộ): luyện sức chịu đựng của những đòn tấn công vào hạ bộ, hay Liễu âm công (thu hạ bộ vào ổ bụng để tránh bị tấn công).
65.Phân đằng thuật hay Phân đằng công (lật lăng): Luyện khinh thân (thân nhẹ) để có thể lên xuống bất cứ chỗ nào, cách luyện có thể bao hàm cả những kỹ năng nhào lộn.
66.Bố đại công: Không liên quan gì đến khái niệm túi vải (bố đại), đây là công phu chuyên luyện bụng.
67.Cáp mô công hay Hà mô công (ếch)
68.Thiên tảng chỉ công
69.Ðàn tử quyền (quyền bật): Luyện công bằng cách gõ đầu khớp xương thứ hai, khi bàn tay nắm lại, vào các vật cứng như tường đá.
70.Tỏa chỉ công (tay như móc khóa, khóa ngón): Luyện ngón tay nhưng không giống với công phu Điểm thạch hay Long trảo, mà tập khóa, bấu các đầu ngón tay vào nhau dùng để bấu, véo đối thủ.
71.Truy phong chưởng công
72.Nhuyễn huyền công

tammoc
06-02-2009, 05:20 PM
Các bác viết nhiều quá dọc nhức cả mắt, đọc xong hổng nhớ hết đc mà thực hành. Theo em luyện võ là để tăng cường sức khoẻ, con những vđ khác, hiii......tốt nhất là đến lớp rồi làm theo hướng dẫn của sư phụ.