PDA

View Full Version : Mổ lasik: không giải quyết triệt để bệnh cận thị!



ngayxua
12-12-2006, 04:08 PM
Mổ lasik: không giải quyết triệt để bệnh cận thị!

Theo quảng cáo, mổ lasik có thể chữa khỏi cận, viễn thị... Nhiều người vẫn tưởng đây là phương pháp tuyệt vời nên ùn ùn đi mổ mà không biết khi nào cần mổ, khi nào không nên.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Trần Anh Tuấn (ảnh) - bộ môn mắt Đại học Y dược TP.HCM - cho biết:

- Phẫu thuật lasik là dùng dao vi phẫu cắt tạo một vạt giác mạc, sau đó chiếu tia laser để điều chỉnh khúc xạ. Trong chỉ định, phải trên 18 tuổi và quan trọng nhất là độ khúc xạ mắt phải ổn định - trong một năm không tăng quá 0,5-0,75 độ.

Chống chỉ định trong các trường hợp bị bệnh giác mạc như: viêm giác mạc, giác mạc hình chóp, tiền căn herpes giác mạc, giác mạc mỏng; tăng nhãn áp hoặc đang theo dõi glaucoma; đục thủy tinh thể, bong võng mạc, tiểu đường; mắt độc nhất, đang mang thai hoặc cho con bú, đang dùng các nội tiết tố sinh dục (ví dụ thuốc ngừa thai)...

* Thưa bác sĩ, cận tối đa bao nhiêu thì mổ tốt?

- Thực tế theo dõi 4-5 năm nay trên mắt người VN được phẫu thuật lasik cho thấy mắt cận trên 10 độ sau mổ thường hay bị tái phát, phải đeo kính trở lại. Do vậy, không phải cận bao nhiêu cũng mổ được. Có trường hợp còn rất trẻ nhưng hai mắt cận gần 20 độ mà vẫn mổ, mổ xong bị phình giác mạc - cận lại.

Tốt nhất là chỉ mổ khi độ cận dưới 10 độ, tuổi dưới 40, độ loạn dưới 5 độ. Trên 40 tuổi mà cận nhẹ thì không nên mổ vì lão thị đã xuất hiện. Ngoài ra, mắt người trên 40 tuổi có độ cận thị nặng (trên 6 độ) thường xuất hiện đục thủy tinh thể bệnh lý (do cận thị). Vì vậy, nếu có độ cận nặng thì nên chờ có đục thủy tinh thể sẽ mổ để giải quyết cả hai vấn đề cận nặng và đục thủy tinh thể trong cùng một phẫu thuật.

* Mổ lasik cũng có thể có biến chứng?

- Đây là một phẫu thuật an toàn, biến chứng hiếm nhưng không phải không xảy ra vì trong phẫu thuật phải dùng dao cắt tạo vạt giác mạc và sau đó chiếu tia laser lên. Các biến chứng có thể xảy ra do dao cắt hoặc do chiếu tia laser. Biến chứng thường thấy là: rách vạt giác mạc, đứt vạt, nhăn vạt, vạt không dính, hoại tử vạt, cắt vạt không hoàn toàn, thủng vạt, lệch tâm, lóa sáng, nhiễm trùng, phình giác mạc...

* Hiện nay một số nơi quảng cáo với hệ thống máy hiện đại có trang bị phần mềm wavefront sẽ giải quyết được các bệnh lý phức tạp và không bị lóa mắt sau mổ?

- Đối với máy chỉ cài một chương trình tiêu chuẩn thì với bệnh nhân nào cũng sử dụng như nhau. Với máy có thêm phần mềm wavefront đo sóng chiếu theo từng cá thể, phải dùng một card riêng nên bệnh nhân sẽ đóng tiền cao hơn. Nhưng bác sĩ có sử dụng wavefront hay không thì người bệnh không thể biết. Theo các chuyên gia nước ngoài, trong điều trị cho bệnh nhân cận dưới 6 độ thì wavefront mới có tác dụng rõ rệt.

* Thưa bác sĩ, một số bạn đọc thắc mắc vì sao chính các bác sĩ mổ lasik bị cận lại vẫn mang kính?

- Đây là câu hỏi khó trả lời. Sự thật thì không chỉ bác sĩ VN mà cả một số chuyên gia nước ngoài là người giảng dạy và thực hành về phẫu thuật lasik cũng vẫn mang kính, con cái của họ cũng mang kính, dù họ có thừa điều kiện để được mổ tốt nhất. Phải tư vấn cho bệnh nhân thật đầy đủ: mổ lasik để giảm độ cận, để thay kính mình đang đeo chứ không giải quyết triệt để bệnh cận thị - đây là điều mà nhiều bệnh nhân hiểu nhầm mổ lasik là để “cắt đứt” nguồn gây ra cận thị.

Tóm lại, phẫu thuật lasik nếu được chỉ định đúng trên độ cận, đúng phương pháp thì tuyệt vời (nhất là đối với một số người làm ngành an ninh, diễn viên, vận động viên, phi công...), nhưng nếu chỉ định không đúng lại là một thảm họa cho bệnh nhân vì sau này cho dù có mang kính, mắt cũng không sáng lại bằng trước đây.

:deokinh: