PDA

View Full Version : Làm mẹ một mình



Pisces
22-12-2006, 03:01 AM
Làm mẹ một mình


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2006/12/3B9F17A2/mecon.jpg
Nuôi con một mình, người phụ nữ
phải đương đầu với nhiều khó khăn.
Ảnh: Procorbis.com.

Gia đình, họ hàng sửng sốt khi Lam về thăm quê với cái bụng bầu 5 tháng. Chị vẫn vui vẻ và rất tự hào về "tác phẩm" của mình. "Con sẽ sinh và một mình nuôi dạy nó mà không cần có người đàn ông nào cả", Lam tuyên bố với người thân.

Quê Bắc Ninh, tốt nghiệp đại học, chị Lam ở lại Hà Nội gây dựng sự nghiệp và giờ là giám đốc một công ty kinh doanh phần mềm ở Hà Nội. Chị đã mua căn hộ chung cư cao cấp, có xe riêng nhưng vẫn đi về một mình ở cái tuổi quá băm. Mỗi lần về quê, thể nào chị cũng nghe mẹ nhắc: "Mấy đứa học cùng mày giờ đã có con đi học rồi đấy. Mày có định để mẹ yên tâm nhắm mắt không mà cứ tung tăng mãi thế con?". "Mẹ thấy con ở một mình sung sướng, thoải mái thế này còn gì, sao phải lấy chồng cho rước nợ vào thân. Còn mẹ muốn có cháu bế thì khó gì", chị cười tưng tửng nói.
Tưởng nói thế thôi, vậy mà, Lam mang cháu về cho mẹ thật. Không ai biết bố đứa trẻ. Bạn bè có người đồn chị đã xin tinh trùng của một người đàn ông không quen để thụ tinh trong ống nghiệm, người khác lại bảo, bố nó là một đối tác làm ăn của chị. "Nó là tuyệt tác của riêng mình. Mình sẽ lo cho nó không thiếu thứ gì, còn hơn cả những đứa có cha. Cần gì phải làm vợ mới làm được mẹ", chị nói với đám bạn thân.
Cũng cùng cảnh đơn thân nuôi con nhưng chị Thuận ở Chương Mỹ, Hà Tây lại hoàn toàn khác. Đẹp người, đẹp nết nhưng sau khi bị người đàn ông mình yêu thương phụ bạc, chị không còn đoái hoài đến bất kỳ người nào đến với mình nữa. Ngoảnh đi ngoảnh lại, tuổi xuân đã qua, chị khao khát được làm mẹ. Cách đây vài năm, gia đình, hàng xóm giật mình khi thấy chị lùm lùm bụng bầu. Chị chỉ giải thích đơn giản với mọi người: "Đó là con tôi, tôi đẻ, tôi nuôi".
Thằng bé giờ đã được 5 tuổi, ngoan ngoãn, kháu khỉnh và rất hay thủ thỉ với mẹ. Nhiều người trước kia nhìn chị ái ngại và dè bỉu nay lại bảo: "Như chị Thuận lại sướng, chứ có thằng chồng nay nhậu nhẹt, mai tát tai vợ, ngày kia mắng chửi con thì thà không còn hơn". Tất nhiên, từ ngày có cu Bi, chị cũng vất vả hơn nhiều. Vốn đã chật vật về kinh tế, giờ lại phải gồng mình lo cho con ăn học, nhiều lúc, Thuận thấy quá sức. Nhưng nghe tiếng cười nói trẻ thơ, được ôm con trong lòng, chị thấy mọi thứ đều vơi đi rất nhiều. Chỉ buồn nhất là thỉnh thoảng nó lại hỏi "bố đâu" hay thui thủi chơi một mình.
Chị Mai ở quận 7, TP HCM kể với chuyên viên tư vấn tâm lý ở Trung tâm tư vấn gia đình và ly hôn trong trạng thái tuyệt vọng: Lấy nhau và có con được vài năm, chồng chị lao vào cờ bạc, cá độ và nợ nần chồng chất, rồi bỏ theo bạn bè sang Nga. Chị một mình tần tảo nuôi con từ khi thằng bé lên 5. Gánh nặng về kinh tế khiến chị lao vào làm ăn, ít có thời gian dành cho con. Mới đây, thằng bé đang học lớp 9 về đùng đùng xin bỏ học.
"Nó càng ngày càng tỏ ra trầm uất và hay phá bĩnh, không muốn đến lớp gặp bạn bè và xa cách cả mẹ. Tôi chẳng biết phải làm sao", nước mắt ngắn, nước mắt dài, chị nói.
Bị ép duyên, bị cưỡng hiếp, vợ chồng không hoà hợp hay ngoại tình dẫn đến chia tay, chồng chết hay đi tù...., có muôn vàn lý do khiến nhiều phụ nữ phải đơn thân nuôi con. Và cũng có không ít người chủ động nuôi con một mình. Theo bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm tư vấn Gia Đình và Ly hôn, thuộc Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam, đến giờ, cái nhìn của dư luận xã hội về những người phụ nữ này vẫn rất khác nhau. Người thì cảm thông, coi đó là quyền tự do của cá nhân, người khác lại dè chừng, khắt khe rồi không ít kẻ chê bai, đàm tiếu.
Bà Thương cho rằng, có nhiều nguyên nhân để người phụ nữ lựa chọn việc đơn thân nuôi con. Là phụ nữ, hầu như ai cũng khát khao có một mái ấm với tiếng cười trẻ thơ và một bờ vai đàn ông vững chãi để yêu thương, chia sẻ. Nhưng có người, do môi trường làm việc ít điều kiện tiếp xúc với người khác phái, hay do "duyên số" mà lỡ thì, thành ra tuổi xuân qua đi mà vẫn một mình một bóng. Họ muốn có đứa con để vỗ về, yêu thương và vơi bớt nỗi cô đơn.
Trái ngược với những người đó, một số phụ nữ hiện đại coi tự do là trên hết, không muốn ràng buộc với ai. Họ thấy gia đình quá phức tạp, với nhiều trói buộc và trách nhiệm khó chấp nhận được nhưng vẫn muốn được làm mẹ. Thường thì đây là những phụ nữ khá tự chủ về kinh tế, hiện đại và quan niệm rất thoáng về gia đình, tình dục.
Cũng không ít người đi qua vài mối tình, thậm chí đã kết hôn nhưng thấy thất vọng về đàn ông, càng ngán ngẩm về cuộc sống gia đình khi nhìn những mái nhà không hạnh phúc xung quanh. Họ không còn niềm tin vào đàn ông và không muốn bị tổn thương lần nữa nhưng vẫn khát khao có một đứa con để yêu thương, chăm sóc.
Theo bà Thương, rõ ràng, khi chấp nhận một mình nuôi con, người phụ nữ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn như: dư luận xã hội, gánh nặng về kinh tế và đặc biệt là giáo dục nhân cách cho con. Người mẹ có thể dành rất nhiều tình thương cho con, lo đủ về vật chất nhưng việc giáo dục để con phát triển tâm sinh lý hoàn thiện vẫn là một thách thức lớn. Điều này đặc biệt dễ nhận ra trong vấn đề giáo dục về giới tính. Gia đình là môi trường tốt nhất dạy trẻ những bài học đầu tiên về giới. Qua người cha, con gái có thể hiểu hơn về người khác phái, hình dung được người bạn đời tương lai của mình, còn con trai cũng dễ bày tỏ những thắc mắc thầm kín và hiểu được vai trò của một người đàn ông trong gia đình. Thiếu bố hoặc mẹ, con cái rất thiệt thòi và dễ lệch lạc về vấn đề này hơn.
Ngoài ra, những đứa trẻ của các bà mẹ kiêm luôn cha thường rất dễ mặc cảm, và hay sống khép kín, ngại giao tiếp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng khi trưởng thành.
Như câu chuyện anh Thanh ở Kim Mã, Hà Nội chẳng hạn. Thanh thành đạt khá sớm và vừa đi tu nghiệp nước ngoài về. Mẹ anh là một người phụ nữ rất bản lĩnh, có tiếng trong giới kinh doanh. Bà đã một mình nuôi dạy anh khôn lớn. Anh tự hào về mẹ nhưng luôn thèm khát tình cảm của người cha. Suốt những năm đi học, anh rất sợ đọc những bài có từ "bố", viết văn về bố, về gia đình, và dần dần ngại tiếp xúc với bạn bè. Đến khi sắp kết hôn, anh băn khoăn kể với chuyên viên tư vấn: "Không biết tôi có làm tốt vai trò của người chồng, người cha khi chưa hình dung được về cha, về một gia đình đầy đủ như thế nào?".
Theo bà Thương, có con, chăm lo, nuôi dạy con là niềm hạnh phúc và mong ước của mọi người phụ nữ. Do hoàn cảnh riêng, nhiều người phải độc hành trên con đường đời ghập ghềnh để thực hiện niềm mong ước ấy. Tuy nhiên, trước khi quyết định, họ cũng nên nhìn toàn diện mọi vấn đề để lường hết khó khăn có thể gặp phải. Bởi, làm mẹ một mình là một sự hy sinh rất lớn, và không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ, toàn tâm toàn ý nuôi dạy con thành người.


Minh Thuỳ