PDA

View Full Version : Các kỉ lục tự nhiên!



Pisces
25-12-2006, 03:57 AM
Theo VnExpress.
--------------

Trung Quốc tìm thấy cây sáo cổ nhất thế giới

Cây sáo này có hai lỗ, làm từ xương, được khai quật tại hạt Vũ Dương, miền trung tỉnh Hà Nam. Ước tính tuổi của nó là 8.000 năm. Đây là ống sáo cổ nhất được tìm thấy xưa nay, đẩy lịch sử nền âm nhạc thế giới ngược về quá khứ thêm 3.000 năm nữa.

Sáo có màu nâu vàng, đã bị gãy thành hai mảnh trong quá trình đào bới. Nó dài hơn 20 cm, với những họa tiết hình thoi thanh tú trang trí trên cả hai đầu ống. Khi khai quật, người ta cũng tìm thấy 3 ống sáo (loại 7 lỗ) bằng xương khác.

Xương dùng chế tạo ống sáo có lẽ thuộc về một loài chim ăn thịt. Trong số 30 cây sáo cổ làm bằng xương tìm thấy tại Vũ Dương, cây sáo 2 lỗ này được cho là cổ nhất.

Cuộc khai quật do Đại học Công nghệ và Khoa học Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Di tích Hà Nam và Bảo tàng Vũ Dương phối hợp thực hiện.


B.H. (theo Tân Hoa Xã)

Pisces
25-12-2006, 04:00 AM
Khủng long lớn... như thổi!
http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2001/07/3B9B2D6A/khunglong.jpg
Chỉ có cá voi xanh đứng trên khủng long về tốc độ lớn.

Argentinasaurus, quán quân mập trong vương quốc khủng long, có thể "đắp" thêm 45 kg/ngày trong tuổi dậy thì của nó, phá kỷ lục của hầu hết các loài động vật từng xuất hiện trên trái đất. Các nhà cổ sinh vật học vừa công bố tin này trên tạp chí Nature số ra ngày 26/7.

Còn loài apatosausur ăn thực vật khổng lồ (tên chính thức là brontosaurus) cũng có thể tăng hơn 13 kg mỗi ngày trong thời kỳ tăng trưởng mãnh liệt nhất. Phát hiện này khiến người ta phải xem xét lại các quan niệm cũ trước đây về khủng long, cho rằng chúng chẳng qua chỉ là bò sát ngoại cỡ. Theo nhà cổ sinh vật học Gregory Erickson và 2 cộng sự (Mỹ), loài vật khổng lồ này đã phải phát triển những cách thức trao đổi chất tiến bộ để duy trì tốc độ lớn đáng nể đó, chẳng hạn có máu nóng.

Trước thập kỷ 60, nhiều nhà khoa học nhận định rằng khủng long chỉ lớn chậm như các loài bò sát hiện đại. Nhưng nếu đúng như vậy, apatosaurus, nặng khoảng 25 tấn, sẽ phải mất... một thế kỷ để trưởng thành. Bác bỏ quan điểm này, Erickson, phỏng đoán khoảng thời gian để apatosaurus đạt đến kích thước tối đa chỉ mất từ 12-20 năm.

Ai là nhà vô địch?
Các nhà khoa học đã lập đường cong tăng trưởng của 6 loài khủng long, dựa theo khối lượng và tuổi thọ. Để có được đồ thị này, họ tính được trọng lượng của chúng bằng cách đo đạc độ dầy của xương chi trước, rồi tính tuổi theo số vòng năm trên xương.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã tìm ra rằng một số loài khủng long, đặc biệt là những loài "đô" nhất, lại lớn nhanh hơn hầu hết các loài động vật khác. Duy nhất chỉ có một loài qua mặt được chúng, đó là cá voi xanh.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy tốc độ tăng trọng là khá đồng đều trong các nhóm động vật. Chim trưởng thành mau chóng nhất, kế đến là thú, thú có túi rồi bò sát. Lớp cá chậm chạp hơn cả. Tuy nhiên, có một nghịch lý là chính trong vương quốc khủng long, những loài nhỏ lại lớn rất chậm. Tốc độ tăng trưởng của loài bé nhất trong nghiên cứu, Shuvuuia, thường nặng 1,3 kg, lại chỉ gấp đôi tốc độ lớn của bò sát cùng kích cỡ.


B.H. (theo AP)

Pisces
25-12-2006, 04:03 AM
Những cái nhất của gián châu Mỹ

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2001/10/3B9B5029/gian.jpg
Gián châu Mỹ có thể tổng hợp beta-carotene,
động vật duy nhất được biết tới nay có khả năng này.


Gián châu Mỹ Periplaneta americana không những là loài cổ nhất, mà còn là nhà vô địch trên đường chạy trong thế giới côn trùng. Với tốc độ 5,4 km/h, mỗi giây, gián ta vượt qua khoảng cách lớn gấp 50 lần chiều dài cơ thể nó. Để có thành tích tương tự, một người cao trung bình sẽ phải guồng được 330 km/h!

Hơn thế nữa, mới đây, S.A. Shukolyukov và V.S. Saakov thuộc Viện Sinh hóa và Sinh lý học tiến hoá Sechenov, thành phố St.Petersburg, Nga, đã phát hiện ra rằng gián châu Mỹ có thể tổng hợp beta-carotene trong cơ thể chúng. Đây là lần đầu tiên người ta tìm thấy khả năng này trên động vật.

Các chất dạng carotin (carotinoid), trong đó có beta-carotene, là vật chất rất quan trọng đối với sự sống. Đây là tiền tố của một sắc tố thị lực. Khi muỗi hoặc bướm ăn các thức ăn thiếu carotene, chúng sẽ bị mù. Nhưng gián châu Mỹ lại đối phó được vấn đề này.

Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã so sánh hai nhóm gián, một nhóm dùng thức ăn thiếu carotene và nhóm kia được ăn cà rốt bổ sung (loại quả chứa nhiều carotene). Kết quả là mắt của cả hai nhóm này đều có đủ sắc tố thị lực, mặt dù trong ruột của lũ gián được ăn cà rốt, lượng carotene cao gấp 13 lần nhóm còn lại. Kinh ngạc trước kết quả này, họ đã kéo dài thí nghiệm tới 3 năm. Trong thời gian này, 4 thế hệ gián đã ra đời và mất đi (tuổi thọ của gián khoảng 1 năm). Mặc dù thiếu thức ăn chứa carotene, cơ thể của tất cả những con gián thí nghiệm vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh, với đầy đủ vi chất này.

Để chứng minh rằng gián châu Mỹ có thể tổng hợp beta-carotene, các nhà nghiên cứu tiêm chất tiền tố của beta-carotene (chất sẽ tạo ra beta-carotene) vào người chúng. Những ngày sau đó, beta-carotene nhanh chóng xuất hiện trong cơ thể lũ gián.

Tuy nhiên, bằng cách nào gián châu Mỹ có thể tổng hợp ra beta-carotene. Đến nay, câu hỏi này vẫn còn là bí ẩn với các nhà khoa học. Có lẽ, một enzym đặc biệt, hay một vài vi sinh vật ký sinh trong cơ thể đã cho chúng khả năng này?


B.H. (theo UniSci)

Pisces
25-12-2006, 04:07 AM
Phát hiện một chân nhện dài 30 cm!

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2001/10/3B9B5755/17.10.3.jpg
Nhện sparassidae.

Con nhện bị bỏ quên dưới hầm của một viện bảo tàng ở Pháp. Nhà sinh học Peter Jaeger (Đức) đã tình cờ phát hiện ra nó giữa các đồng loại được bảo quản trong rượu. Ông này vô cùng kinh ngạc khi thấy rằng, nó có chiếc chân dài hơn mọi kỷ lục trước đó.

Ngay lập tức, chú nhện này được mệnh danh là heteropoda maxima - chân dài vô địch. Trước đó, kỷ lục này do một tay nhện Nam Mỹ nắm giữ, với chiếc chân dài 28 cm.

Jaeger cho biết, đây là một giống nhện khổng lồ cực hiếm, thuộc họ sparassidae. Cơ thể chúng chỉ dài khoảng 4-5 cm, nhưng chúng lại có những chiếc chân trung bình dài 15-20 cm.

Chú nhện có chiếc chân kỷ lục heteropoda maxima được tìm thấy trong một hang động ở Lào năm 1939. Người ta đem nó về Pháp để trưng bày cùng các con nhện khác, nhưng không ai thấy nó có điểm gì đặc biệt. Phát hiện của Jaerger đã tôn vinh heteropoda maxima, khiến nó được ghi vào sách kỷ lục Guiness!


Minh Hy (theo dpa)

Pisces
25-12-2006, 04:22 AM
Mỏ vàng lớn nhất thế giới ở Ảrập Xêút?

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2001/11/3B9B62C9/8.11.5.jpg
Đãi vàng.

Khi dùng kỹ thuật dò đặc biệt (GIS) để khám phá thành phần và cấu tạo của các lớp đất trên phạm vi 670.000 km2 ở Ảrập Xêút, các nhà khoa học phỏng đoán, ở đây có thể có trữ lượng vàng vô cùng lớn. Ngoài ra còn có nhiều bạc, đồng, sắt và các kim loại khác.

Nhóm khoa học gồm Tiến sĩ Abdulrahman Shujoon (Ảrập Xêút) và Giáo sư Douglas Pride (Mỹ) đã phân tích các dữ liệu của NASA về trường hấp dẫn của trái đất. Họ phát hiện ở bán đảo Ảrập những khu vực mà trường hấp dẫn thay đổi rất mạnh. Vì vậy nhóm khoa học cho rằng rất có thể ở đây có nhiều kim loại nặng.

Sau đó, dùng kỹ thuật GIS, họ đã dò khắp miền nam Ảrập Xêút. Kết quả, họ khoanh được một khu vực rộng 12.500 km2, có thể đang cất giấu "lượng vàng lớn nhất thế giới", còn lớn hơn ở khu vực Alaska của Mỹ. Ngoài ra, các vùng xung quanh cũng có thể có rất nhiều đồng, sắt, thiếc và các kim loại khác. Tuy nhiên theo lời ông Shujoon, đây chỉ là phỏng đoán và người ta sẽ còn phải kiểm tra xem nó chính xác tới cỡ nào.

Đến nay Ảrập Xêút ít quan tâm tới nguồn khoáng sản của mình. Họ chỉ tập trung khai thác các mỏ dầu cực lớn ở phía bắc. Hiện Ảrập Xêút là nước cung cấp 11% dầu cho thế giới.


Minh Hy (theo dpa)

Pisces
25-12-2006, 04:27 AM
Tìm thấy giống thằn lằn nhỏ nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2001/12/3B9B6F6B/3.12.1.jpg
Con thằn lằn nhỏ nhất thế giới:
Dài 16 mm, nằm gọn trên một đồng Peso.


Con thằn lằn này chỉ dài 16 milimét, có thể nằm gọn trên một đồng xu. Người ta phát hiện nó tại một hòn đảo nhỏ ở biển Caribê. Nghiên cứu cho thấy, nó có họ hàng với một giống thằn lằn tí hon khác tên là sphaerodactylus ariasae - tìm thấy ở Anh năm 1965.

Nhóm khoa học do Blair Hedges, Đại học Quốc gia Penn (Mỹ) dẫn đầu đã tìm thấy các nhóm nhỏ của loài thằn lằn tí hon này tại một hang động, giữa những cánh rừng trên đảo Beata, thuộc Vườn Quốc gia Jaragua, Cộng hòa Dominica. "Mặc dù các nhà sinh vật học đã nghiên cứu khu vực này mấy trăm năm nay, nhưng họ hoàn toàn không biết gì về sự tồn tại của chúng", Hedges nói.

Đáng tiếc, sinh cảnh sống của thằn lằn tí hon đang bị đe dọa. "Thậm chí người ta chặt cả cây trong Vườn Quốc gia để làm gỗ. Và khi rừng bị tàn phá, không gian sống của thằn lằn và các loài bò sát khác cũng bị thu hẹp", Hedges cảnh báo.

Cũng tại khu vực biển Caribê, người ta từng tìm thấy giống chim nhỏ nhất thế giới: chim ruồi, chỉ dài có 5 centimét, chủ yếu sống ở Cuba.

Theo Hedges, những động vật tí hon thường xuất hiện trên một hòn đảo. Điều này có liên quan đến sự thích nghi để sinh tồn. Ví dụ, thằn lằn Caribê thường ăn thịt nhện. Nếu vì lý do nào đó, số nhện trên đảo đột nhiên giảm đi, thì thằn lằn bắt buộc phải giảm bớt độ lớn của cơ thể để thích nghi. (Nếu sống ở đại lục, chúng có thể di dời đến nơi khác, nhưng trên một hòn đảo nhỏ thì chỉ còn cách như vậy).


Minh Hy (theo dpa)

Pisces
25-12-2006, 04:32 AM
Giải mã gene loài vi khuẩn độc nhất vô nhị

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2001/12/3B9B7BFD/cay.jpg
Ngô đã bị sửa đổi gene bằng
vi khuẩn A.tumefaciens.


Được coi là một trong những dạng sống thông minh nhất trên hành tinh, Agrobacterium tumefaciens (tên loài vi khuẩn này) có thể "tiêm" ADN và protein của mình vào tế bào thực vật, và biến thực vật thành bàn tiệc. Nay, lần đầu tiên các nhà khoa học có được một công cụ điều khiển cơ chế hoạt động của nó: Trình tự ADN.

A.tumefaciens là một loại vi khuẩn xâm nhiễm vào thực vật. Nó kích thích thực vật nảy các khối u, và từ đó, các khối u này sẽ sản xuất ra những hóa chất - thức ăn ưa thích của chúng. Trong trường hợp cần thiết, loài vi khuẩn này cũng có thể ngốn chính bản thân mình để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, mà không lo mất "giống", vì trước đó, nó đã chuyển ADN của bản thân vào tế bào thực vật và biến đổi hành vi của chúng. Nhờ kỹ năng độc nhất này, một số người đã đặt cho chúng biệt danh “kỹ sư gene học tự nhiên”.

Lợi dụng vi khuẩn A.tumefaciens, các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra những giống cây có kích thước lớn hơn, có khả năng kháng bệnh và thậm chí tạo ra thuốc trong lá. Nay, với việc giải mã hoàn tất bộ gene của A.tumefaciens, họ có thể thực hiện những "cuộc cách mạng" trên thực vật một cách dễ dàng và đa năng hơn.

A. tumefaciens có khoảng 5.500 gene, phân bố trên hai cấu trúc dạng vòng gọi là plasmid và trên hai nhiễm sắc thể lớn hơn; một trong số đó cũng có dạng vòng, chiếc khác có dạng sợi. Sự xắp xếp này là khá bất thường trong giới vi khuẩn. “Đây quả là những sinh vật bé nhỏ tinh ranh. Chúng biến thực vật thành căn nhà an toàn và sau đó sửa đổi gene của thực vật để làm thức ăn cho mình”, Steve Slater, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Các nhà khoa học hy vọng những thông tin mới sẽ mang lại hiểu biết tốt hơn về quá trình xâm nhiễm khác thường của loài vi khuẩn này, cũng như sự tiến triển của bệnh tật trên thực vật và những tương tác thực vật - vi khuẩn. Trên thực tế, những cây thuốc lá bình thường đều có chứa ADN của A. tumefaciens.


B.H. (theo BBC)

Pisces
25-12-2006, 04:39 AM
Tia chớp kéo dài một phần nghìn tỷ tỷ giây

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/02/3B9B90C4/6.1.2.jpg
Với sự giúp đỡ của một hệ thống laser
cực mạnh, người ta có thể chế tạo
các xung sáng ở cấp độ zepto giây.

Nhờ một hệ thống laser siêu mạnh, các nhà vật lý Mỹ hy vọng sẽ tạo ra được tia chớp ngắn nhất thế giới. Theo dự kiến, nó chỉ loé sáng trong vòng một phần nghìn tỷ tỷ giây (10 mũ -21 giây). Với chớp sáng loại này, người ta sẽ quan sát được những phản ứng hóa học cực nhanh trong hạt nhân.

Alexander Kaplan và Peter Shkolnilov, hai tác giả của dự án, cho biết chớp sáng được chế tạo nhờ việc dùng tia laser cực mạnh kích thích các điện tử, đẩy chúng lên cấp độ năng lượng cao hơn. Theo lý thuyết, khi các hạt này đồng thời bị hãm về trạng thái đứng im, chúng sẽ phóng ra một tia chớp cực ngắn.

Hệ thống laser cũng sản sinh ra một từ trường siêu mạnh - mạnh gấp 10 tỷ lần từ trường trái đất. Do vậy, người ta cũng có thể sử dụng nó để nghiên cứu tính chất của những thiên thể lạ trong vũ trụ, ví như sao neutron.

Trước đó, một số nhà nghiên cứu khác cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc chế tạo xung laser ở cấp độ vài trăm atto giây (1 atto giây = 10 mũ -18 giây). Cụ thể là tháng 6 năm ngoái, một nhóm khoa học châu Âu đã tạo ra các xung laser cỡ 250 atto giây. Và tháng 11, các nhà khoa học Áo, Đức và Canada đã tạo được những xung bức xạ trong phổ tia X kéo dài 650 atto giây (http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/Ban-co-biet/2001/12/3B9B73D9).

Những chớp ngắn loại này cho phép nghiên cứu thế giới vi mô và những phản ứng trong hạt nhân. Ví dụ, sự hình thành và tan rã của một liên kết hóa học, hay sự dao động của một nguyên tử trong liên kết hóa học, thường chỉ xảy ra trong quãng thời gian femto giây (10 mũ -15 giây) hoặc pico giây (10 mũ -12 giây).

Hiện nay, việc chế tạo các xung laser cỡ femto giây đã trở thành bình thường. Chúng được sử dụng để chụp những bức ảnh sắc nét của những vật thể chuyển động nhanh.


Minh Hy (theo Nature)

Pisces
25-12-2006, 04:43 AM
Phát hiện cây cổ nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/03/3B9B9B71/cay.jpg
Loài cây bụi này sinh sản bằng cách bắn ra các
chồi cây có bộ gene giống hệt mình (nhân bản).


Trên sa mạc Palm Springs (Nam California, Mỹ), mặt trời táp lửa xuống ở nhiệt độ hơn 45 độ C. Gió gào thét với tốc độ 160 km/giờ, mạnh đến mức cát bụi mà nó cuốn theo mài nhẵn cả đá. Nhưng bất chấp tất cả, cây bụi creosote vẫn bấu chặt vào đất. Các nhà khoa học tin rằng chúng là thực vật cổ nhất đang sống trên hành tinh.

Các xét nghiệm tuổi theo phương pháp đồng vị carbon cho thấy những cây bụi creosote này (tên khoa học là Larrea tridentata) thậm chí còn già hơn một lùm cây bụi xương xẩu cùng loài, có tuổi 11.700 năm, tìm thấy trên sa mạc Mojave gần đó. Jim Cornett, nhà khoa học tại Bảo tàng Sa mạc Palm Springs, đã phát hiện ra chúng từ trên máy bay.

Thông thường, cây bụi mọc theo kiểu tỏa tán tròn, nhưng những cây bụi mới được tìm thấy lại vươn thẳng cành ra, một số cành có thể dài tới 15 m. Theo Cornett, cách duy nhất giải thích vì sao chúng có thể mọc dài thân đến như vậy là do chúng đã rất già. Cho đến nay, ông đã tìm thấy 7 cây và tin rằng dải sa mạc này còn là quê hương của rất nhiều cây khác nữa.

Bề mặt của những cây bụi này không có gì ấn tượng. Rễ cây khô và xương xẩu, lá nhỏ và cứng chắc. Nhưng theo ông Cornett, điều đáng nói là chúng có thể nắm giữ bí mật về động đất, các trận lụt và thậm chí hiện tượng nóng lên toàn cầu. Vì nếu loài cây này đúng là đã sống hơn 11.600 năm, nó sẽ giúp khẳng định rằng sa mạc Palm Springs hình thành ở đây từ hơn 11.600 năm về trước. Và rễ của chúng sẽ cho biết tần số xuất hiện các trận lụt và động đất từng diễn ra trong vùng.


B.H. (theo BBC)

Pisces
26-12-2006, 06:51 PM
Tìm thấy loại vi khuẩn nhỏ nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/05/3B9BBA6F/1.jpg
Hai Urzwerg bám vào một vi
khuẩn mẹ dưới kính hiển vi điện tử.


Các nhà khoa học Đức mới phát hiện ở bờ biển phía bắc Island, gần Anh, một loài vi khuẩn siêu nhỏ, dài cỡ 400 nanomét (1 nanomét = 1 phần triệu milimét). Có lẽ nó xuất hiện từ những ngày đầu trái đất có sự sống, và không hề thay đổi cấu trúc từ đó đến nay.

Nhóm nghiên cứu của Karl Stetter, Đại học Regensburg (Đức), đã tình cờ phát hiện vi khuẩn này khi dùng tàu ngầm thu thập mẫu sinh vật ở các nguồn nước nóng dọc bờ biển Island. Theo ông Stetter thì đây là loài vi khuẩn hoàn toàn mới. Ông đặt cho nó cái tên là Urzwerg (siêu lùn).

Urzwerg là một loài ký sinh, vì nó sống bám trên cơ thể của một vi khuẩn Ignicocuss (viên bi lửa) có kích thước lớn hơn. "Con vi khuẩn mẹ sản xuất ra một chất dinh dưỡng nào đấy mà Urzwerg có thể ăn được". Cả Urzwerg và con vi khuẩn mẹ đều sống ở môi trường rất đặc biệt: trong các nguồn nước lưu huỳnh nóng đến 80 độ C.

Phân tích ban đầu cho thấy, ADN của Urzwerg chỉ gồm khoảng 400 gene, trong khi người có 30.000 gene. Ông Stetters nói: "Có lẽ Urzwerg là một trong những cấu trúc sống nguyên thủy nhất và đơn giản nhất mà chúng ta từng biết đến".


Minh Hy (theo dpa)

Kỷ lục đc phá vỡ:

Phát hiện vi khuẩn siêu nhỏ

Các nhà khoa học của Đại học California (Mỹ) vừa phát hiện loài vi khuẩn được cho là hình thái tế bào sống nhỏ nhất từng được biết đến. Chúng hiện diện trong một môi trường được đánh giá là "không thể tồn tại sự sống" - khu mỏ hoang thuộc quận Shasta.

Đây là loại vi khuẩn được coi là hoàn toàn mới với kích cỡ khoảng 200 nanometers (2.10-7m). Bước đầu, vi khuẩn này được xác định là hình thái tế bào sống nhỏ nhất được phát hiện cho đến nay. Các nhà khoa học từng cho rằng không thể tồn tại vi khuẩn có kích cỡ nhỏ như thế này vì chúng không thể tự sinh sản. Trung bình các loại vi khuẩn có kích cỡ gấp 5 lần loài mới phát hiện.


Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện mới này có thể giúp phỏng đoán về sự tồn tại của những vi khuẩn kỳ lạ nằm sâu hàng dặm trong lòng đất, tạo thành một sinh quyển ngầm còn đa dạng hơn thế giới sinh vật trên bề mặt trái đất.



(Theo Thanh Niên, NYT)

Pisces
27-12-2006, 04:07 AM
Phát hiện mẩu ngọc bạch cổ nhất thế giới

Viên đá quý được phát hiện ở Australia, có tuổi khoảng 4,3-4,4 tỷ năm, cổ hơn bất kỳ loại ngọc nào trên mặt đất được phát hiện từ trước tới nay. Niên đại của nó đã vượt qua khoảng thời gian hình thành các đại dương và châu lục và cũng có nghĩa là trái đất đã hình thành sớm hơn 400 triệu năm so với những nghiên cứu khoa học đã công bố trước đây.

Theo các nhà khảo cổ, mẩu đá này có thể đã được sinh ra đồng thời với đám mây xoáy cuộn gồm bụi vũ trụ và khí.


(Theo AP)

Pisces
27-12-2006, 04:15 AM
Tìm thấy dấu chân con sâu nguyên thủy nhất

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/05/3B9BBE31/ranh.jpg
Liệu đây có đúng là dấu vết của
động vật đa bào nguyên thủy nhất?

Những rãnh trườn ngoằn nghèo trên mẩu đá cát tìm thấy ở cực tây Australia có thể là bằng chứng cổ nhất về sự sống trên trái đất. Các nhà khoa học Australia tin rằng một “chú sâu” nào đó đã để lại dấu chân này từ 1,2 tỷ năm trước đây.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là bằng chứng cổ nhất về một động vật cao cấp chứ không chỉ là các sinh vật đơn bào. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn cho rằng động vật đa bào chỉ xuất hiện khoảng 600 triệu năm trước.

Tiến sĩ Birger Rasmussen và cộng sự tại Đại học Tây Australia cho biết, vết lằn này là hoá thạch của một sinh vật đã bò qua bề mặt trầm tích, rồi hoá rắn lại. Căn cứ vào đó, họ lờ mờ hình dung ra thế giới ở thủa ban sơ: vào thời điểm này, ngự trị trên trái đất có thể chủ yếu là các vi sinh vật và tảo.

Tuy nhiên, theo một giải thuyết phổ biến hiện nay, sự sống đã đột ngột xuất hiện vào khoảng 600 triệu năm trước. Sự kiện này (được mệnh danh là cuộc bùng nổ Cambri) còn để lại những dấu vết rõ nét trên các hoá thạch.
Có rất ít bằng chứng chắc chắn cho thấy sự sống từng tồn tại trước đó. Vì thế, với công bố mới của mình, các nhà khoa học Australia sẽ vấp phải sự phản đối từ nhiều nhà khoa học khác. Ngay cả nếu thời điểm 1,2 tỷ năm được xác định là đúng, thì họ vẫn phải giải thích tại sao lại có quá ít thay đổi trên trái đất qua hàng triệu năm, sau khi sinh vật đầu tiên xuất hiện.


B.H. (theo BBC)

Pisces
27-12-2006, 04:17 AM
Phát hiện các rạn san hô "giàu có" nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/05/3B9BC1A6/sanho.jpg
Rạn san hô, nơi ẩn náu của các
sinh vật biển quanh quần đảo.

Các chuyên gia Australia tin chắc như thế khi họ tìm thấy chúng ở quần đảo Raja Ampat, nằm xa ngoài khơi Indonesia. Chỉ trong một lần lặn xuống, Tiến sĩ Gerald Allen, Bảo tàng Tây Australia, đã xác nhận số lượng kỷ lục 283 loài cá, trong khi cộng sự của ông cũng "đụng" ngay phải 7 loài sinh vật mới.

Trong báo cáo vừa được công bố, nhóm khoa học dự đoán có hơn 1.100 loài cá, 600 loài động vật thân mềm và 450 loài san hô khác nhau sống ở đây. Mức độ đa dạng sinh học khác thường trong vùng được giải thích bằng vị trí của quần đảo. Nó nằm đúng tại nơi hội tụ của các loài sinh vật từ Philippines, Papua New Guinea và Tây Indonesia.


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/05/3B9BC1A6/sanho2.jpg
Sao biển làm "nhà" trên hải miên.


Tuy nhiên, theo cảnh báo của các nhà nghiên cứu, các rạn san hô này đang phải chịu áp lực sinh tồn do hoạt động đánh bắt và phá rừng bất hợp pháp. Nó kéo theo việc xói mòn đất đai và phù sa, làm các rạn san hô nghẹt thở. Hiệp hội Bảo tồn Quốc tế - cơ quan tài trợ cho dự án thám hiểm Raja Ampat - mong muốn quần đảo này trở thành một di sản thế giới, để có thể bảo tồn những cánh rừng xanh dưới nước này.


B.H. (theo BBC)

Pisces
27-12-2006, 04:20 AM
Phát hiện viên kim cương tía hiếm nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/06/3B9BD18F/kimcuong2.jpg
Viên kim cương quý hiếm nhất
vì thứ màu kỳ lạ của nó.


Đây là viên kim cương duy nhất cho tới nay có thứ màu tía kỳ diệu pha ánh đỏ thẫm. Nó nặng từ 2 đến 5 carar (0,4 đến 1 gram), được các nhà chuyên môn xem là "vô giá".

Người chủ của viên kim cương đã không biết giá trị thực của viên đá này và đem nó đến Viện Nghiên cứu ngọc ở London để nhờ định giá. Do muốn giữ bí mật tuyệt đối, người ta đã không tiết lộ hiện viên kim cương đang được cất giữ ở quốc gia nào, cũng như quốc tịch chủ nhân của nó.

Ông JD Boles, Giám đốc Viện nghiên cứu cho biết, rất có thể viên đá quý có nguồn gốc từ thung lũng sông Amazon, và được chế tác trong vòng 25 năm trở lại đây. "Sau 30 năm nghiên cứu về kim cương, tôi khẳng định đây là vật phẩm tự nhiên quý giá nhất và hiếm nhất trên trái đất", ông nói.

Tuy không thể định giá chính xác tuyệt tác này của thiên nhiên, nhưng ông Boles cho biết nó còn đắt hơn cả kim cương đỏ - loại kim cương trị giá 2,7 triệu bảng/1carat, và hiện chỉ có khoảng 10 viên trên toàn thế giới.


K.H. (theo Ananova)

Pisces
27-12-2006, 04:23 AM
Phát hiện loài rết nhỏ nhất thế giới ở New York

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/07/3B9BE7FD/conret.jpg
Một con rết bình thường có thể dài đến 30 cm.


Chúng ta thường nghe nói về việc tìm thấy những loài động vật mới ở biển sâu hoặc rừng rậm. Thật khó tưởng tượng nó lại xuất hiện ở giữa một thành phố hiện đại. Thế nhưng, lần đầu tiên sau hơn 100 năm, người ta lại phát hiện một loài mới ở New York. Đó là chú rết nhỏ nhất thế giới.

Tại Công viên Trung tâm (Central Park) của New York, chú rết này sống len lỏi giữa những cây cỏ. Nó mới được các nhà khoa học phát hiện ở một bẹ lá khô cuối tuần qua. Quan sát cho thấy, con rết này có 41 cặp chân, nhưng chiều dài chỉ vỏn vẹn... 1 centimét. Trung bình, những con rết khác dài từ 3 đến 30 centimét.

Ông Richard Hoffman, Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Virginia (Mỹ), là người đầu tiên phát hiện ra con rết này. Bởi thế, người ta đã dùng tên ông để đặt cho nó: nannarrup hoffmani. Theo các chuyên gia, con rết này đặc biệt đến nỗi, người ta phải xếp nó ngay vào một nhánh rết hoàn toàn mới.

Nannarrup tỏ ra rất hung dữ. Nó có những chiếc răng sắc và nọc độc, có thể tấn công bất kỳ con mồi hoặc kẻ thù nào. Nó ăn côn trùng, giun, sâu bọ và tất cả các loại thịt gì đến miệng nó.

Theo phỏng đoán của các chuyên gia, con rết này có thể đã "di cư" đến Công viên Trung tâm qua các chậu hoa nhập cảng từ châu Á. Ông Hoffman cho biết, ông đã từng tiếp xúc với những con rết tương tự (nhưng lớn hơn, và thực ra thuộc một loài khác) ở châu Á.

Lần cuối cùng người ta tìm thấy một loài động vật mới ở Công viên Trung tâm New York là cách đây gần 120 năm. Đó là một loài sâu quấn lá.


Minh Hy (theo SPIEGEL)

Pisces
27-12-2006, 04:25 AM
Tái phát hiện loài linh trưởng hiếm nhất tại Việt Nam

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/09/3B9C0291/khi.jpg
Một con vượn đực thuộc loài Vượn đen Cao Vít,
bắt được tại Tam Đảo năm 1961.


Ngày 11/9, Tổ chức Bảo tồn Động Thực vật hoang dã (FFI) chính thức công bố tái phát hiện loài linh trưởng phi nhân đặc hữu và hiếm nhất tại Việt Nam. Đây là loài linh trưởng không đuôi có tên vượn đen, từng sống ở phía đông bắc nước ta.

Những thông tin đáng tin cậy cuối cùng về sự tồn tại của loài này được ghi nhận từ những năm 1960, song từ đó đến nay, không ai quan sát hay nghe được tiếng kêu của chúng, nên chúng đã bị coi là tuyệt chủng. Tháng 1/2002, đoàn cán bộ sinh học của FFI đã tái phát hiện một quần thể nhỏ loài vượn đen này (tên khoa học là Nomascus sp. Cf. Nasustus) tại một khu rừng thuộc 2 xã Phong Nậm và Ngọc Khê (Trùng Khánh, Cao Bằng).

Tháng 8/2002, một đoàn điều tra bao gồm các nhà khoa học Việt Nam cùng ông Thomas Geissman, chuyên gia linh trưởng người Thụy Sĩ đã tiến hành điều tra tổng thể và phát hiện được ít nhất 5 đàn vượn đen, với tổng số 26 cá thể đang tồn tại trên một vùng rộng khoảng 3.000 ha. Ngoài ra, tại xã Kim Hỷ (Na Rì, Bắc Kạn), 6 cá thể khác cũng đã được ghi nhận tạm thời.
Loài vượn đen này được đặt tên là Vượn đen Cao Vít (theo tên gọi của người dân địa phương) và được xếp vào hàng cực kỳ nguy cấp. Nhằm bảo vệ Vượn đen Cao Vít, FFI đang đề xuất thành lập khu bảo tồn sinh cảnh của loài trong khu vực, đồng thời thiết lập hệ thống quản lý, bảo vệ rừng do cộng đồng địa phương thực hiện.

Mới đây, FFI cũng đã có công trình nghiên cứu về loài vượn đen tuyền (http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/01/3B9B828B) tại Việt Nam - loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu.


(Theo Tiền Phong)

Pisces
27-12-2006, 04:27 AM
Nhân bản thân cây già nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/10/3B9C130B/thong.jpg
Thân cây Methuselah.

Một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận mới đây đã thu thập những mẩu gỗ của một thân cây được xem là già nhất thế giới, nhằm tạo ra bản sao sống của nó. Cây thông này đã trụ vững 4.767 năm qua trên một sườn núi đầy gió ở miền đông California (Mỹ).

Thân cây già nhất thế giới thực ra là một cây thông chết, có tên gọi là Methuselah, theo tên nhà khoa học Edmund Schulman, người đã tìm ra và định tuổi của nó vào những năm 1950. Hiện tại, Methuselah cao khoảng 16 mét, với thân hình bầu dục méo, có đường kính khoảng 1,3 mét. Nó nằm ở độ cao hơn 3.000 mét, trên vùng biên giới giữa bang California và Nevada. Điều đáng ngạc nhiên là sau gần 5.000 năm mưa nắng, trong thân Methuselah vẫn còn những phần gỗ rất tốt.

Sau nhiều giờ vất vả trèo non, nhóm đi lấy mẫu vật đã cưa được 6 mẩu gỗ, mỗi mẩu dài chừng 10 cm, và gửi chúng tới nhà nghiên cứu Chris Friel, tại Đại học Davis, bang California, để nhân bản. “Trong một năm nữa, hoặc là tôi sẽ cho ra đời một cây con nhỏ xíu, hoặc là không có gì cả. Thực tế, cơ hội để tái sinh một cái cây cổ đại là hết sức mong manh”, Friel cho biết. Trong dự án này, mục đích của ông và cộng sự là nhằm nhân bản thân cây quý, và bổ sung chúng vào những khu rừng thưa. Vì đối với những người trồng rừng, nguồn gene tốt nhất là của những thân cây lâu đời nhất và lớn nhất.

Richard Harris, một chuyên gia lâm nghiệp tại Đại học Berkeley, bang California, đồng ý rằng Methuselah có thể là thân cây cổ nhất thế giới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý 4.767 năm mới chỉ là con số ước đoán, và sẽ rất khó khăn để đếm được 4.767 vòng tuổi trong một mẫu thân cây chỉ rộng có 1,3 mét. Theo ông, “cách duy nhất để định tuổi chính xác là phải hạ nó xuống”.

Nghiên cứu này là một phần của dự án Champion Tree (có trụ sở tại Michigan). Dự án bắt đầu từ năm 1996, và tới nay đã nhân bản được hơn 70 cây cổ thụ trên toàn nước Mỹ. Trong số đó, có một cây tần bì đỏ 450 tuổi, hiện được trồng ở đài tưởng niệm ngày 11/9 ở Lầu Năm Góc.


B.H. (theo CNN)

Pisces
27-12-2006, 04:29 AM
Sinh vật già nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/10/3B9C195D/dongvat2.jpg
Sinh vật đa bào già nhất thế giới.

Đó là một động vật đa bào sống ở dưới đáy biển gần Nam cực. Nó thuộc nhóm đa bào scolymastra joubini, nhìn như một củ cải khổng lồ, cao tới 2 mét. Con vật này đã sống ở đây từ 10.000 năm, và lớn lên với tốc độ cực chậm.

Từ 10 năm nay, hai nhà hải dương học Susanne Gatti và Thomas Brey, Viện Hải dương học Bremen (Đức), đã quan sát con vật này, và thấy rằng nó hầu như không thay đổi về độ lớn.

Sinh vật được coi là già thứ hai trên thế giới là một cây lá kim ở Mỹ, với tuổi đời 5.000 năm.

Khác với thực vật hoặc động vật thân mềm, động vật đa bào scolymastra joubini không có các vòng tuổi (như ở thân cây hoặc trên vỏ trai, sò). Bởi thế, các nhà khoa học Đức đã xác định tuổi của nó dựa vào lượng ôxy mà nó sử dụng. Nếu càng sử dụng ít ôxy, thì có nghĩa là tốc độ trao đổi chất của nó càng giảm và quá trình sinh trưởng càng chậm lại.


Minh Hy (theo dpa)

Pisces
27-12-2006, 04:31 AM
Thăm dò sự sống dưới đáy hồ nước ngọt cao nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/10/3B9C1AD9/lake.jpg
Núi lửa Licancabur.

Các nhà khoa học đang chuẩn bị thám hiểm hồ nước ngọt ở độ cao 6,4 km, trên đỉnh núi lửa Licancabur, thuộc dãy Andes (Chile), nhằm tìm hiểu sự sống trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt ở đây. Thông tin thu được sẽ là chìa khóa cho công cuộc tìm kiếm sự sống ở các hành tinh khác, như Hỏa tinh.

Licancabur là một ngọn núi lửa đang ngủ. Hầu hết thời gian trong năm, phần lớn bề mặt hồ trên đỉnh núi bị một lớp băng dày 0,6 mét bao phủ. Tuy nhiên, trong mùa xuân, đôi chỗ băng tan ra và người ta có thể lặn xuống trong thời gian đó. Theo đánh giá của các nhà khoa học, chiếc hồ này là một trong những nơi có điều kiện tương đồng nhất với môi trường trên sao Hỏa, do có hàm lượng ôxy cực thấp và bức xạ cực tím rất cao. Một thách thức nữa đối với các sinh vật trong hồ là áp suất thấp của khí quyển. Do hồ nằm trên đỉnh núi cao, nên áp suất khí quyển ở đây chỉ bằng nửa so với ở mặt biển.

Nhóm nghiên cứu, gồm các nhà khoa học của NASA và Viện nghiên cứu các nền văn minh ngoài trái đất (SETI), dự kiến sẽ lặn xuống đáy hồ và tìm kiếm những sinh vật sống ở đó. Họ hy vọng những thông tin thu được sẽ trả lời cho 3 câu hỏi quan trọng: Bằng cách nào các sinh vật sống sót trong môi trường không hiếu khách này?, Đâu là giới hạn dưới của sự sống trên trái đất?, và cuối cùng, đó là tại sao nước ở đáy hồ vẫn tồn tại ở dạng lỏng trong khi hầu hết bề mặt hồ đóng băng quanh năm?

Tiến sĩ Nathalie Cabrol, một thành viên của đoàn thám hiểm, nhận định: “Nếu sự sống từng xuất hiện trên Hỏa tinh 3,5 tỷ năm trước đây, thì có thể các sinh vật đó đã sử dụng một cơ chế tự vệ, tương tự như của các sinh vật đang sống trong hồ núi lửa Licancabur”. Nếu giả thuyết này được kiểm nghiệm, thì các nhà khoa học có thể tìm ra những kỹ thuật và các chiến lược thăm dò mới, phục vụ cho việc tìm kiếm sự sống trên các hành tinh.


B.H. (theo BBC)

Pisces
27-12-2006, 04:34 AM
Chạy đua cứu sống loài chim hiếm nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/11/3B9C2D49/chim.jpg
Chim po`ouli trông như thể đeo mặt nạ đen.


Ba con chim po`ouli duy nhất còn tồn tại trên trái đất, đang sống ở Hawaii (Mỹ), sẽ được đưa vào nuôi nhốt, trong nỗ lực cuối cùng của các nhà khoa học nhằm kéo loài chim này ra khỏi thảm họa tuyệt chủng.

Chim po`ouli có lẽ là loài chim hiếm nhất trên thế giới. Lần sinh sản cuối cùng của chúng xảy ra cách đây khoảng 5 năm. Loài chim nhỏ màu nâu này có cái đầu đen tuyền, trông như thể đang đeo mặt nạ của tướng cướp, chính vì thế, nó còn có tên Hawaii là “mặt đen”. Chim po`ouli được các sinh viên Đại học Hawaii tìm ra lần đầu tiên vào năm 1973, trong một cuộc thám hiểm. Ước tính dân số của chúng khi đó còn khoảng 200 con.

Nhưng nay, người ta tin rằng chỉ còn 3 con sống sót. Chúng sống cách nhau khoảng 2,5 km trong một khu rừng rậm ở Maui (Hawaii), và các nhà khoa học phỏng đoán chúng chưa hề gặp nhau. “Nếu không nhốt lại bây giờ, thì chim po`ouli sẽ không có cơ hội sinh sản nữa, và chúng ta có thể không bao giờ còn gặp lại chúng”, Michael Buck, một người quản lý của Ủy ban Lâm nghiệp và Thú hoang Hawaii, cho biết.

Chính quyền bang Hawaii, Sở Cá và Thú hoang Mỹ cùng Vườn thú San Diego đang hợp tác bảo vệ loài chim này.


B.H. (theo AP)

Pisces
27-12-2006, 04:36 AM
Băng tan đạt mức kỷ lục ở Bắc Cực

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/12/3B9C33B0/bangtan.jpg
Diện tích băng tan ở Greenland bằng
diện tích của Đức và Áo cộng lại.


Mùa hè năm 2002, lượng băng tan ở Greenland và Bắc Cực đã đạt mức kỷ lục (cao gấp đôi năm 1992). Hiện tượng này dẫn tới những thay đổi lớn về hệ sinh thái ở khu vực này. Đó là thông báo của các nhà khoa học Mỹ trong buổi họp thường niên của Hội địa vật lý Mỹ ở San Francisco, hôm qua.

Tiến sĩ Konrad Steffen, Đại học Colorado (Mỹ), cho biết riêng ở Greenland, diện tích băng tan đã đạt đến 685.000 kilomét vuông. Băng tan tạo ra các dòng chảy lớn, mở ra môi trường sinh thái cho nhiều động vật như cá, chim, côn trùng. Tuy nhiên, nó cũng làm cho nhiều động vật khác, như gấu Bắc Cực, cảm thấy ngột ngạt.

Nguyên nhân của sự gia tăng nhiệt độ trong mùa hè vừa qua là do sự dao động của khí quyển Bắc Cực. Một đợt áp thấp kéo dài đã đưa hơi ấm từ châu Âu tràn lên phía bắc, khiến cho nhiệt độ ở đó tăng lên 1,5 độ C so với mức trung bình của mùa hè năm 2001.


Minh Hy (theo Nature)

Pisces
27-12-2006, 04:38 AM
Tìm thấy sự sống trong lòng hồ mặn và lạnh nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/12/3B9C373F/ho2.jpg (http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/12/3B9C373F/ho1.jpg)
Mặt cắt qua hồ: bên trên là lớp băng dày 19 mét.
Đã khoan xuống độ sâu 12 mét.


Với độ mặn xấp xỉ biển Chết và nhiệt độ âm 10 độ C, hồ Vida tại Nam Cực là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất. Mới đây, ở độ sâu 12m trong hồ, người ta đã tìm thấy vi khuẩn và tảo đóng băng, và chúng sống lại khi băng tan chảy. Điều đó chứng tỏ sự sống có thể tồn tại trong những điều kiện cực hại của các hành tinh.

Hồ Vida được phát hiện từ những năm 1950, nhưng nhanh chóng bị lờ đi do người ta cho rằng nó chỉ là một tảng băng lớn. Tuy nhiên, những năm 1990, Peter Doran và cộng sự, Đại học Illinois tại Chicago (Mỹ), khi gửi các tín hiệu radar xuyên qua lớp băng, đã ngạc nhiên phát hiện thấy ở độ sâu 19 mét là một hồ nước lỏng, có độ mặn gấp khoảng 7 lần so với nước biển bình thường. Các nhà khoa học lý giải, chính độ mặn cực lớn này đã hạ thấp điểm đóng băng của nước xuống dưới mức bình thường, khiến cho ở âm 10 độ C, nước vẫn trong trạng thái lỏng.

Năm 1996, nhóm nghiên cứu đã quay lại vùng đất này và khoan sâu xuống 12 mét, mang lên các mẫu vật tảo và vi khuẩn. Mới đây, khi hâm nóng mẫu vật cho băng tan ra, các nhà khoa học nhận thấy các sinh vật đã hoạt động trở lại, sau hơn 2.800 năm sống tiềm sinh.

Doran cho biết sự sống này quả là kỳ lạ, vì môi trường nước cực mặn như vậy có thể xem là độc tố đối với hầu hết các dạng sống. Trong những điều kiện tương tự như ở biển Chết hay hồ Muối Lớn ở Utah, chỉ một vài sinh vật đơn bào còn thoi thóp được. Hơn thế nữa, Vida còn là môi trường cực lạnh, mà nhiệt độ quá thấp thường có xu hướng làm phân rã các phân tử protein và làm mất chức năng của chúng. Do đó, nhóm nghiên cứu phỏng đoán các sinh vật sống trong hồ Vida đã phải sử dụng đến một cơ chế chống đóng băng đặc biệt nào đó.

Doran cho rằng nếu tìm được cơ chế sống sót trong điều kiện cực hại này, các nhà khoa học sẽ có thêm cơ hội và hy vọng tìm thấy sự sống trong những hành tinh khác của hệ mặt trời. Ông nói: “Các nhà khoa học vẫn tin rằng sao Hỏa là một hành tinh giàu nước, và nếu sự sống đã từng nảy nở ở đó, thì có thể, một hệ sinh thái giống như trong hồ Vida đã từng ngự trị trên vùng đất này trước khi nước bị hóa rắn”.

Hiện nhóm nghiên cứu đã tạm ngừng khoan ở độ sâu 12 mét, nhằm giữ cho mặt băng của hồ còn nguyên vẹn. Họ hy vọng sẽ trở lại vào năm 2004, với những thiết bị đã được khử trùng, và khoan sâu tới lớp nước trong hồ. Những mẫu nước cũng sẽ được phân tích để xem liệu chúng có chứa sự sống hay không. Các nhà khoa học tin rằng nếu có, thì chúng sẽ có niên đại già hơn nhiều so với sự sống trong lớp vỏ băng trên mặt hồ.


B.H. (theo BBC, CNN)

Pisces
27-12-2006, 04:41 AM
Phát hiện cá thể trưởng thành của loài cá voi hiếm nhất


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/12/3B9C3BD4/whale.jpg
Con vật xấu số đang được cần cẩu trục vớt lên.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản tuyên bố con cá voi chết cạn, được tìm thấy trên bờ biển phía nam thành phố Kagoshima hồi tháng 7 (2002), chính là cá thể trưởng thành đầu tiên của một loài vật đặc biệt hiếm trên thế giới mà xác còn nguyên vẹn.

Các chuyên gia khẳng định con cá cái dài 6,5 m này thuộc loài cá voi có mỏ Longman. Nó đã chết ngay sau khi mắc cạn trên bờ biển phía nam của Kagoshima và được chôn tại bãi biển.


Nhà nghiên cứu Nobutaka Kubo, Viện sinh học thành phố Kagoshima, phát biểu: "Thật ngạc nhiên là chúng tôi đã tìm được một con cá voi quý hiếm như vậy. Khi chôn, chúng tôi không biết chính xác nó thuộc loài gì, và một tuần sau chúng tôi đã quay lại đào lên để phân tích".

Bộ xương và sọ con vật này rất giống những gì còn sót lại của loài cá voi có mỏ Longman. Kết quả phân tích ADN cũng khớp với những con cùng loài hiện được trưng bày tại Đại học Auckland ở New Zealand.

Cho tới nay, người ta đã tìm thấy 5 con cá voi có mỏ Longman tại Australia, Somalia và Nam Phi, nhưng phần lớn chúng chỉ còn xương hoặc là những con chưa trưởng thành. Các nhà khoa học chưa bao giờ tìm thấy một con Longman còn sống.

Cá voi Longman có một cái mỏ và trông giống như những con cá heo thân dài. Hàm răng dưới của chúng chìa ra. Rất nhiều chi tiết về loài cá voi này vẫn còn là bí ẩn, chẳng hạn chúng còn bao nhiêu con hay phân bố ở đâu.


Minh Thi (theo AP)

Pisces
27-12-2006, 04:46 AM
Bí ẩn của cây tầm gửi

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/12/3B9C3CA8/tamgui.jpg
Tầm gửi khi được buộc vào một cái nơ trông rất đẹp...

Vào mùa này trong năm, những chùm cây tầm gửi với quả trắng mọng và lá xanh mướt thường được treo lên cửa ra vào các ngôi nhà, gợi cảm hứng cho những đôi bạn trẻ trao nhau nụ hôn. Nhưng không phải ai cũng biết rằng đó là một trong những loài cỏ dại độc hại nhất.

Có khoảng hơn 1.300 loài tầm gửi, bao gồm 2 loài phổ biến nhất luôn được treo trên cửa nhà trong ngày lễ mùa đông, như một biểu hiện của sự thiện chí và tình bằng hữu. Nhưng thực tế, tất cả bọn chúng lại là những kẻ ăn bám trên các cành cây và cây bụi, ăn cắp thức ăn và nước của "chủ nhà".

"Qua thời gian, chúng làm tổn hại tới sự phát triển của cây và thậm chí giết chết cây đó", Robert Bennetts, nhà khoa học tại Florida, Mỹ, cho biết. Hầu hết các loài tầm gửi có lá xanh giúp chúng tự tạo ra năng lượng nhờ quá trình quang hợp. Vì thế các nhà khoa học gọi nó là loài bán ký sinh.

Từ Mistletoe (cây tầm gửi) bắt nguồn từ thực tế rằng loài này thường xuất hiện ở những nơi chim muông để lại chất thải của mình. Theo tiếng Anglo-Saxon, mistel có nghĩa là phân, và tan có nghĩa là cành cây. Vì vậy tên thông thường của nó có nghĩa "phân trên cành cây". Tên khoa học của tầm gửi cũng không hay ho gì hơn. Trong tiếng Hy Lạp, phoradendron có nghĩa là "kẻ trộm trên cành cây".

Hạt của tầm gửi được phát tán qua mỏ, chân và cơ quan tiêu hoá của loài chim. Đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi: Nhiều loài chim sử dụng tầm gửi để làm tổ.


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/12/3B9C3CA8/caytamgui.jpg
... Nhưng là một kẻ phá hoại khi treo trên các cành cây.

Trong các loài tầm gửi, tầm gửi lùn là một kẻ nguy hiểm cho ngành lâm nghiệp. Chỉ riêng ở Colorado (Mỹ), nó có thể làm giảm một nửa sản phẩm gỗ hằng năm. Loài thực vật này bám rễ vào những cây to trưởng thành, làm suy yếu chúng bằng cách hút chất dinh dưỡng và nước. Khi quả của tầm gửi lùn chín, chúng sẽ nổ tung và bắn các hạt đi xa tới 15m. Những hạt đó lại đọng trên cành cây non và sau khi nảy mầm lại tiếp tục đánh cắp chất dinh dưỡng từ những nạn nhân mới.

Các nhà lâm nghiệp và công ty lấy gỗ đã phải vật lộn nhiều năm để ngăn chặn sự phát tán của loài cây nhỏ bé mà nguy hiểm này. "Việc ngăn cản nó khó hơn cả ngăn côn trùng", Todd Watson, Đại học Texas A&M (Mỹ), cho biết.

Bất chấp nỗi kinh hoàng do tầm gửi gây ra, loài thực vật này đã đưa con người xích lại gần nhau hơn theo truyền thống lâu đời. Do cây tầm gửi ra quả vào mùa đông, các nền văn hóa thường coi nó là biểu hiện của sự phì nhiêu, màu mỡ. Việc trao nhau nụ hôn dưới cây tầm gửi có nguồn gốc từ thời cổ đại của người Druid. Khi kẻ thù chạm trán nhau dưới cây tầm gửi trong rừng, họ phải hạ vũ khí và ngừng bắn cho tới ngày hôm sau. Từ truyền thống này mà dẫn tới việc treo cây tầm gửi lên cửa nhà và hôn nhau dưới tán lá xanh. Và theo Bennetts, "cây tầm gửi đã xuất hiện từ hàng nghìn năm nay rồi, chúng là một phần không thể thiếu của khu rừng".



Minh Thi (theo N.G, ABC)

Pisces
27-12-2006, 04:48 AM
Nhân giống loài thông hiếm nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/03/3B9C5A50/thong.jpg
Wollemia nobillis.

Australia đã quyết định xóa bỏ nguy cơ tuyệt chủng đang treo lơ lửng trên đầu loài thông Wollemi, bằng việc nhân giống số cá thể còn chưa đầy 100 của chúng và thương mại hoá thành cây cảnh. Phát hiện về loài cây này vào năm 1994 được ví với việc tìm thấy 'khủng long' còn sống.

Năm 1994, một loài cây kỳ lạ chỉ được biết tới qua những chiếc lá hoá thạch 120 triệu năm đã được phát hiện còn sống trên một hẻm núi gồ ghề ở phía tây Sydney, Australia. Loài cây này có thể cao tới 38 mét, với lớp vỏ kỳ lạ giống như các bong bóng chocolate. Thân cây nhiều nhánh và lá cây giống lá dương xỉ mọc theo hình xoáy trôn ốc. Tháng 12/1994, nó được công bố trước thế giới với tư cách là một chi thực vật mới, có một loài duy nhất là Wollemia nobillis.

Hiện gần 100 cây Wollemi còn lại đang cheo leo trên một cao nguyên cực kỳ khó tiếp cận, với hơn 400 khe núi dốc đứng và phủ đầy băng giá.


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/03/3B9C5A50/thong2.jpg
Thân cây có thể cao 38 mét.


Các mẫu phấn hoa cổ đại cho thấy thông Wollemi đã thống trị những cánh rừng ở nam bán cầu trong hơn 100 triệu năm. Tuy nhiên, một đợt biến đổi khí hậu khắc nghiệt cách đây khoảng 2 triệu năm đã tiêu diệt hàng loạt cá thể của loài, chỉ để sót lại một nhóm nhỏ trên vùng đất hoang vu này.

Thông Wollemi được xem là một trong những loài cây hiếm hoi nhất thế giới. Các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt đã được đặt ra để bảo tồn loài thực vật tiền sử này, trong đó có việc giữ bí mật tuyệt đối vị trí phân bố của chúng, và khoản tiền phạt 133.000 USD sẵn sàng chờ những kẻ chặt phá. Chỉ một số rất ít các nhà nghiên cứu được phép đến tham quan, và họ phải tuân theo những biện pháp cách ly nghiêm ngặt, như thay quần áo để tránh hạt cây mắc vào bộ đồ rồi phát tán đi xa, hoặc truyền bệnh cho cây.

Các quan chức Australia cũng quyết định nhân giống loài cây này để làm cảnh. Dự án do công ty tư nhân Birkdale Nursery và Ủy ban lâm nghiệp bang Queensland đảm trách. Năm 2000, hơn 400 cây con đã được gieo trồng. Ước tính tới năm 2005-2006, hơn một nửa triệu cây sẽ sẵn sàng được tung ra thị trường.


B.H. (theo National Geographic)

Pisces
27-12-2006, 04:50 AM
Tìm thấy hóa thạch kỳ nhông lâu đời nhất ở Trung Quốc

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/03/3B9C64EC/kynhong.jpg
Hóa thạch mới tìm thấy còn giữ nguyên
hình dạng và dấu vết mô mềm.


Các nhà khoa học Trung Quốc mới phát hiện một hóa thạch kỳ nhông có niên đại 161 triệu năm. Nó không chỉ tiết lộ một loài kỳ nhông mới mà còn cung cấp bằng chứng về việc phần lớn quá trình tiến hoá của loài này diễn ra ở châu Á.

Hoá thạch cổ đại trên thuộc loài Chunerpeton tianyiensis, được các nhà khoa học tại Đại học Chicago (Mỹ) và Bắc Kinh (Trung Quốc) tìm thấy cùng với 4 loài kỳ nhông mới khác, trong cuộc khai quật kéo dài hơn 3 năm trên 7 khu vực ở Mông Cổ và Trung Quốc. Hoá thạch của chúng nằm trong lớp trầm tích của một trận phun trào núi lửa xảy ra cách đây 161 triệu năm ở Trung Quốc. Đợt phun trào đó đã quét sạch cả cộng đồng kỳ nhông nhưng để lại những hoá thạch được bảo tồn nguyên vẹn. Trước đó, các xác kỳ nhông cổ đại nhất được biết đến chỉ có niên đại khoảng 65 triệu năm.

Những hoá thạch của Chunerpeton tianyiensis bao gồm ấu trùng giống nòng nọc và những cá thể non, trong đó còn nguyên hình dáng của mô mềm trong mắt, mang và khoang bụng. Một trong những hoá thạch đó còn cho thấy bữa ăn cuối cùng của nó là một con tôm.

Chunerpeton tianyiensis rất giống hellbender Bắc Mỹ, một loài kỳ nhông đầu to, dẹt sống ở dãy núi Allegheny gần Pittsburgh, Pennsylvania (Mỹ). Nó cũng giống một loài kỳ nhông khổng lồ đang bị đe doạ ở châu Á, dài 152 cm.

Sự tương đồng giữa Chunerpeton tianyiensis và kỳ nhông ngày nay bao gồm đặc điểm ở xương sườn, lưng và mặt sau của xương sọ. Phần khác biệt chủ yếu nằm ở mặt trước của xương sọ và ngón chân. Một đặc điểm độc đáo của loài mới tìm thấy là nó có những xương sườn chỉ có một đầu nối với đốt sống, trong khi đa số kỳ nhông ngày nay đều có xương sườn gắn cả 2 đầu.

Những phát hiện này cho thấy châu Á là nơi diễn ra sự tiến hoá đầu tiên của kỳ nhông. Nó khẳng định hầu hết những thay đổi chủ chốt của kỳ nhông diễn ra trong thời kỳ đầu của lịch sử tiến hoá, khoảng hơn 160 triệu năm trước đây.


Minh Thi (theo Sciencedaily, N.G.)

Pisces
27-12-2006, 04:51 AM
Tìm thấy hóa thạch linh trưởng 40 triệu năm tuổi

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/03/3B9C6632/bushbaby.jpg
Một con vượn mắt to đuôi dài ở châu Phi.


Các nhà khoa học vừa phát hiện hóa thạch răng và hàm cổ nhất của một trong ba dòng linh trưởng chính. Bằng chứng này cho thấy tổ tiên của vượn mắt to đuôi dài và culi đã xuất hiện trong kỷ Eocene, cách đây khoảng 34-55 triệu năm, gấp đôi thời gian các nghiên cứu trước đây nhận định.

Những hoá thạch này đại diện cho nhóm tiền hầu răng lược (toothcombed prosimian), trong đó bao gồm cả vượn cáo Madagascar (http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/01/3B9C496E/). Hai nhóm còn lại gồm vượn người (gồm khỉ, khỉ hình người và con người) và tarsier (những con vật nhỏ hoạt động về đêm, treo mình trên cây với đuôi mỏng dài, mắt to, sống ở Indonesia và Philippines).

"Các nhà khoa học đã thu thập được một lượng lớn hoá thạch tiền hầu thời Eocene trên khắp thế giới, nhưng trong số những hoá thạch lâu đời nhất, không có cái nào thuộc loài có hàm răng giống chiếc lược", chuyên gia Elwyn Simons nói. "Linh trưởng răng lược cổ đại nhất được tìm thấy cho đến nay là ở Đông Phi, chỉ có độ tuổi từ 17 đến 20 triệu năm". Hàm răng lược là một dãy gồm 6 chiếc răng cửa xít vào nhau ở hàm dưới, thường được sử dụng để chải lông và vốc hoa quả.

Xét nghiệm hoá thạch răng cho thấy các con linh trưởng răng lược trên thuộc 2 loài. Một là vượn mắt to đuôi dài nguyên thuỷ và loài kia là vượn cáo (di chuyển chậm chạp trong các khu rừng ở Trung Phi và Nam Á). Vượn mắt to đuôi dài là những con vật hoạt động về đêm, có kích thước như sóc chuột, thường được thấy ở Cận Sahara, châu Phi.

"Lịch sử tiến hoá trước đây cho thấy linh trưởng răng lược vẫn là một mắt xích bí ẩn trong quá trình tiến hoá của linh trưởng ở thời kỳ đầu. Cuối cùng, sau hơn một thế kỷ nghiên cứu ở châu Phi, hoá thạch mới đã mở ra một tia sáng cho vấn đề này", chuyên gia Erick Seiffert nói.


Minh Thi (theo ENS)

Pisces
27-12-2006, 04:54 AM
Thế kỷ 20 không phải nóng nhất từ trước tới nay

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/04/3B9C6BA3/alaska.jpg
Băng tan ở Alaska.


Một tổng hợp các nghiên cứu khí hậu đã bác bỏ quan điểm của phần lớn giới khoa học xưa nay rằng, thế kỷ 20 là khoảng thời gian có khí hậu nóng nhất hay khắc nghiệt nhất trong một nghìn năm qua.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian (Mỹ) đã phân tích hơn 240 nghiên cứu thời tiết trong 4 thập kỷ, tập trung vào khoảng 10 năm trở lại đây, để xây dựng nên một bản tổng hợp khí hậu toàn cầu trong cả thiên niên kỷ.

Nghiên cứu khẳng định rằng ảnh hưởng của giai đoạn Medieval Warm Period (800-1300) và Little Ice Age (1300-1900) không chỉ giới hạn ở châu Âu và Bắc Mỹ mà tới cả thế giới. Trong khi nhiệt độ của thế kỷ 20 cao hơn nhiều so với giai đoạn Little Ice Age, thì nhiều nơi trên thế giới trong giai đoạn Medieval Warm Period nóng hơn rất nhiều so với thế kỷ 20.

Nghiên cứu này do NASA hỗ trợ và đã gây ra nhiều tranh cãi. Để có thể tìm ra thông tin chính xác, các nhà khoa học đã phải dựa vào những chỉ thị thời tiết như lõi băng, vòng tuổi của cây, sông, hồ, trầm tích đáy biển, san hô, hoá thạch, bụi, măng đá, phấn hoa...


Minh Thi (theo Discovery)

Pisces
27-12-2006, 04:55 AM
Tìm thấy sinh vật vĩ đại nhất thế giới?

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/04/3B9C6BA4/nam.jpg
Nấm Armillaria chỉ để lộ trên
mặt đất những quả thể.


Đó là một thân nấm khổng lồ có niên đại gần 8.500 năm, lan rộng trên khoảnh rừng rộng gần 10 km2 ở bang Oregon (Mỹ), tương đương với khoảng 1.600 sân bóng đá. Phát hiện này đã thách thức khái niệm truyền thống về cá thể đơn lẻ của các nhà khoa học.

Tiến sĩ Catherine Parks, một chuyên gia bệnh học thuộc Bộ nông nghiệp Mỹ, khi nghiên cứu về loài nấm hoại sinh Armillaria ostoyae ở vùng đông bắc bang Oregon, đã phát hiện thấy cá thể kỳ lạ này trong rừng quốc gia Malheur. Có thể nói nó là cá thể nổi tiếng nhất của loài được biết tới nay, với kích cỡ khổng lồ đến vậy.

Armillaria ostoyae chuyên sống bám theo rễ cây để hút chất dinh dưỡng và phá huỷ chúng, chỉ lộ ra trên mặt đất những quả thể, còn được biết đến với tên gọi là nấm mật ong. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn cho rằng loài nấm này mọc thành các cụm riêng biệt, để lại dấu ấn là những khoảng rừng chết hình tròn, rất dễ nhận thấy từ trên không.

Tuy nhiên, khi thu thập mẫu nấm từ một khoảng rừng có cây chết không liên tục, rộng 9,65 km2 ở rừng Oregon, và nuôi trong đĩa thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy các mẫu nấm này không tiêu diệt lẫn nhau, như chúng thường làm với các cá thể lạ. Phân tích ADN thì thấy, tất cả chúng đều có cùng một bộ gene. Điều đó có nghĩa là chúng thuộc cùng một cá thể!

“Nếu bạn có thể bóc đi lớp đất bề mặt và quan sát, bạn sẽ thấy nó chỉ là một thân nấm duy nhất với tất cả các cánh tay phụ bò lan dưới mặt đất”, Parks nói. Nhóm nghiên cứu cũng phỏng đoán nó có tuổi khoảng từ 2.000 đến 8.500 năm.

Sinh vật lạ lùng này đã gợi nên một cái nhìn mới về vai trò của nấm trong hệ sinh thái. Các nhà nghiên cứu giờ đây tin rằng nấm là một phần không thể thiếu trong chu trình tái sinh và suy thoái tự nhiên của rừng, và chúng cũng phổ biến ở cả những nơi không có dấu hiệu của cây chết.


B.H. (theo ABConline)

Pisces
27-12-2006, 04:58 AM
Mẫu ADN cổ nhất của thực vật lộ diện ở Siberia

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/04/3B9C6FDE/tv1.jpg
Trầm tích băng hà có thể chứa dữ
liệu ADN của toàn bộ hệ sinh thái.


Chúng được lấy lên từ lòng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Siberia, thuộc về ít nhất 19 họ thực vật như cỏ, cây lách và cây bụi..., có niên đại từ 300.000 đến 400.000 năm. Trước đó, thực vật cổ nhất được xác nhận cũng chỉ có tuổi khoảng 20.000 năm.

Cho tới nay, mặc dù giới khoa học đã có bằng chứng về những loài động, thực vật đã sống từ hàng trăm triệu năm trước, nhưng người ta không thể xác định được ADN từ các mẫu vật đó vì chúng hầu như đã bị phân huỷ hoàn toàn.

Nhóm nghiên cứu của Eske Willerslev, một chuyên gia về sinh học phân tử tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), đã tìm đến một nơi mà họ phỏng đoán là có thể có những đoạn ADN chưa thực sự bị gãy nát - một vùng ở đông bắc Siberia. Khi khoan lên các mẫu đất từ độ sâu 2-30 mét, nằm giữa hai con sông Kolyma và Lena, họ đã tìm ra những mảnh ADN của lục lạp thực vật (lục lạp là cơ quan sản sinh năng lượng của tế bào thực vật, nó chứa vật liệu di truyền riêng, không liên quan gì đến ADN ở trong nhân).


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/04/3B9C6FDE/tv2.jpg
Bờ biển phía đông Siberia được
tạo bởi các khối băng hình nêm.


Thông thường, phấn hoa cổ đại vẫn được các nhà khoa học xem là một nguồn gene quan trọng. Tuy nhiên, phấn hoa thường phát tán đi xa nhờ gió, nên không phản ánh nơi sống của loài. Willerslev cho rằng việc nghiên cứu lục lạp sẽ bổ sung cho thông tin thiếu hụt này. Ông và cộng sự đã có được bằng chứng cho thấy, cây lách và cây bụi từng thống trị vùng đông bắc Siberia cho tới khoảng 10.000 năm trước đây.

Cũng tại địa điểm nghiên cứu, các nhà khoa học còn tình cờ phát hiện thấy các mảnh ADN của một số loài động vật ăn cỏ, như voi ma mút, bò rừng bison và ngựa, đã sống ở đây trong thời kỳ băng hà gần đây nhất (khoảng 18.000 năm trước).

Phát hiện này đã mở ra cho các nhà khảo cổ một cửa sổ mới để nhìn lại quá khứ, nhằm tái hiện bức tranh sinh động về thế giới tự nhiên trong thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, do các ADN tìm được đều đã bị đứt vụn thành nhiều mảnh nhỏ, nên cơ hội để khôi phục lại một loài nào đó là rất mong manh.

Các nhà nghiên cứu cũng đã có kế hoạch lập lại thí nghiệm trên ở những vùng đất đóng băng vĩnh cửu khác và trong các hang động. Tiếp đó họ sẽ tới các vùng có môi trường ấm hơn để tìm hiểu liệu có còn ADN cổ đại ở đó.


B.H. (theo Nature)

Pisces
27-12-2006, 05:01 AM
Kỷ lục mới về tuổi thọ của chim hoang dã

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/04/3B9C743D/haiau.jpg
Hải âu.


Một con hải âu Manx mới bị bắt trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi xứ Wales có thể là con chim hoang dã cao tuổi nhất được ghi nhận. Cụ chim này (tên khoa học là Puffinus puffinus) lần đầu tiên được các nhà điểu học bắt và đeo vòng vào tháng 5/1957, khi được khoảng 4-6 tuổi.

Steve Stansfield, người trông coi trên đài quan sát chim của đảo Bardsey, đã tìm thấy nó hôm 22/4. Trước đó, con chim được gắn thẻ già nhất thế giới là một con hải âu lớn, khoảng hơn 50 tuổi. Nhưng con hải âu lần này có thể đoạt mất ngôi vị của nó, với 52 năm sống.

Các chuyên gia thuộc tổ chức British Trust for Ornithology (BOT) phỏng đoán rằng, cụ chim đã phải bay ít nhất 8 triệu kilomet trong cuộc đời, tương đương 200 vòng quanh trái đất. Mark Grantham, một chuyên gia của BTO cho biết, nó đều đặn thực hiện các chuyến di cư hàng năm kéo dài gần 800.000 km tới và đi khỏi các vùng đất trú đông ở Nam Mỹ. Thời gian còn lại, nó thường thực hiện các chuyến bay dài 900 km ra biển để kiếm thức ăn. Con hải âu này đã được bắt lại trước đó vào các năm 1961, 1978 và 2002.

Cho đến nay, con chim già nhất thế giới được ghi nhận là một con vẹt, thọ 102 tuổi, trong điều kiện nuôi nhốt.

Hiệp hội Hoàng gia Bảo vệ chim của Anh ước tính tuổi thọ trung bình của hải âu Manx là 29. Nhưng nhìn chung, tất cả các loài chim biển dường như đều có tuổi thọ cao hơn các loài chim khác. Theo Grantham, điều đó có thể là do chúng sống trong môi trường gần như vắng mặt các kẻ thù tự nhiên.

95% loài hải âu Manx trên thế giới sống trên các hòn đảo nhỏ không người ở ngoài khơi Anh và Ireland. Các quần thể còn lại sống trên các hòn đảo biệt lập của Pháp. “Trên đất liền, chúng là những kẻ lóng ngóng, vụng về. Vì thế, chúng phải tìm nơi ở không có dã thú trên mặt đất”, Grantham nói. Hải âu cũng là loài chim sống về đêm, và trong thời kỳ sinh sản, chúng làm tổ dưới mặt đất, giúp nâng cao khả năng tự vệ. Mối đe dọa lớn nhất với loài chim này ô nhiễm môi trường và nguy cơ bị rơi vào lưới đánh cá.


B.H. (theo NewScientist)

Pisces
27-12-2006, 05:03 AM
Phát hiện loài cá ngựa nhỏ nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/05/3B9C7A4E/seahorse.jpg
Con cá ngựa tí xíu này được đặt
tên là Denise Tackett, có nghĩa
là hoang dại và điên cuồng.


Các nhà khoa học Canada hôm qua cho biết đã tìm thấy loài cá ngựa nhỏ nhất ở Thái Bình Dương, sau khi nhận thấy rằng chúng không phải là con cháu của một loài mà họ từng biết đến.

Con cá ngựa tí hon này có kích cỡ 16 mm và sống ở rạn san hô tại vùng nước nhiệt đới ở miền đông Thái Bình Dương. Sara Lourie, nhà sinh vật học tại Đại học McGill, Canada, cho biết họ đã nhìn thấy những sinh vật biển màu da cam này từ trước, nhưng nghĩ rằng chúng là con cháu của một loài cá ngựa to hơn.

Loài mới được phát hiện này là bậc thầy về ngụy trang, giúp chúng tránh khỏi việc khai thác bừa bãi của con người. Nhưng Lourie cho biết chúng vẫn đối mặt với mối đe dọa tiềm ẩn khác như dịch vụ du lịch dưới nước. "Thợ lặn và thợ chụp ảnh có thể yêu mến những con vật này đến mức khiến chúng ngạt thở", bà nói.

Cá ngựa là sinh vật duy nhất được biết đến mà con đực mang thai (http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/05/3B9C7947/). Trước khi phát hiện ra loài mới này, đã có 32 loài cá ngựa được tìm thấy trên thế giới, nhưng một số nhà khoa học tin rằng phải có đến 50 loài.


Minh Thi (theo Reuters)

Pisces
27-12-2006, 05:05 AM
Phát hiện con cá xương nặng nhất đại dương

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/05/3B9C7C5E/sunfish.jpg
Cá thái dương Mola mola.


Các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy một con cá thái dương (Mola mola) có thể phá vỡ kỷ lục về cân nặng trong thế giới cá xương ở đại dương. Con vật được bắt bên bờ biển Kamogawa ở Nhật Bản nặng tới 2,3 tấn, trong khi chỉ dài có 2,7 mét.

Cá xương là một nhóm lớn, gồm hai vạn loài cá nước ngọt và nước mặn, cỡ nhỏ từ cá khổng tước đến cỡ lớn như cá tầm, nặng đến trên một tấn (các loài sinh vật biển khổng lồ như cá voi, cá nhám voi... có thể nặng đến chục tấn, nhưng chúng lại thuộc về lớp thú, hoặc lớp cá sụn). Trong nhóm đó, cá thái dương có thể dài tới 4,2 m tính theo chiều dọc (từ đỉnh vây lưng tới chót vây hậu môn) và 3 m theo chiều ngang.

Con cá thái dương siêu nặng trên được tìm thấy vào năm 1996. "Đó không phải là con vật dài nhất, nhưng có thể là con nặng nhất được biết tới", nhà sinh vật học Tierney Thys nói.

Kỷ lục về cân nặng trước đó thuộc về một con Mola mola, được bắt vào năm 1908. Con này có chiều ngang 3,1 m, chiều dọc 4,25 m và nặng 2,2 tấn.

Thys và cộng sự đang thực hiện một dự án thu thập thông tin về loài cá thái dương, để tìm hiểu chúng di cư như thế nào và sinh đẻ ra sao. Họ đã gắn thẻ thu phát tín hiệu vệ tinh lên 9 con cá thái dương và sẽ công bố kết quả tìm kiếm trong vài tháng tới.

Thys lo lắng rằng loài cá đồ sộ này đang bị suy giảm do tai nạn mắc và lưới đánh bắt cá. Nhóm nghiên cứu hy vọng dự án của họ sẽ giúp bảo tồn được loài cá ít người biết đến này trước khi chúng biến mất hoàn toàn.


Minh Thi (theo N. G.)

Pisces
27-12-2006, 05:07 AM
Cây cao nhất Australia chết cháy

Các nhà môi trường Australia khẳng định, lửa đã thiêu rụi thân cây lớn nhất trên đảo Tasmania. Cao 79 mét, cây gỗ cứng khổng lồ có tên gọi là El Grande, đã chống chọi với thiên nhiên trong gần 4 thế kỷ qua, nhưng cuối cùng vẫn phải khuất phục trước sự tàn phá của con người.



http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/06/3B9C8618/anh1.jpg
El Grande là nạn nhân của một vụ
đốt rừng không kiểm soát được.

Tasmania là một trong những khu bảo tồn cây cổ thụ nổi tiếng nhất ở Australia. Rừng ở đây đang là nguồn cung cấp gỗ dăm xuất khẩu lớn, nơi các nhà khai thác thường phát quang bằng cách đốt bỏ “có kiểm soát” những cây bụi ở tầm thấp.


Giới chức lâm nghiệp thừa nhận cây cổ thụ El Grande đã bị đốt cháy trong một lần phát quang như vậy, khi lửa vượt khỏi tầm khống chế của con người.


Phản ứng trước vụ việc này, các chuyên gia môi trường tỏ ra rất tức giận và yêu cầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm, đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ nguyên nhân.



B.H. (theo BBC)

Pisces
27-12-2006, 05:08 AM
Cây 4.600 tuổi vẫn tiếp tục sinh sản

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/06/3B9C8E59/cay.jpg
Cây Methuselah có tuổi khoảng 4.600 năm.


Cây thông nón gai Methuselah, được mệnh danh là thân cây lâu đời nhất thế giới, vừa chứng tỏ sự trường tồn của sự sống, bằng việc cho ra đời một thế hệ mới sau gần 5.000 năm sống cheo leo trên vách núi. Chúng gồm một chục cây thông non cứng cáp, cao khoảng 20 cm, xanh ngắt, với những cái rễ dài và khỏe mạnh.

Bám vào một đỉnh núi cao hơn 3 km trong rừng quốc gia Inyo ở trung đông bang California (Mỹ), Methuselah có thể tự hào vì đã được chứng kiến lịch sử trái đất từ thời con người xây dựng kim tự tháp Ai Cập. Và cho đến nay, nó vẫn trụ vững ở nơi chỉ có đá và đất nghèo dinh dưỡng, với gần hết tháng ngày trong năm vùi trong tuyết, và rang mình dưới ánh mặt trời trong thời gian còn lại.


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/06/3B9C8E59/cay2.jpg
Một trong số cây thông con của Methuselah.


Mùa thu năm ngoái, một người trồng rừng tên là Jared Milarch đã thu nhặt các mảnh gỗ vụn và những nón quả thông từ cây Methuselah với sự cho phép đặc biệt của Cơ quan lâm nghiệp liên bang Mỹ. Sau khi thất bại trong việc nhân bản cây này, ông Milarch đã gieo các hạt cây lấy từ nón, và chúng đã nảy mầm. Tháng tới, một cây thông con trong số này sẽ được giới thiệu tại vườn bách thảo quanh Trụ sở quốc hội Mỹ.

Các chuyên gia không rõ liệu Methuselah có nhân giống được trong điều kiện tự nhiên hay không, bởi rất ít hạt của nó có thể sống sót trong môi trường khắc nghiệt ở đó. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của con người, Methuselah đã từng sinh sản ít nhất là một lần, vào thập kỷ 1970. Cũng theo các nhà nghiên cứu, trong khi động vật và thực vật càng già càng mất dần khả năng sinh sản, thì dường như những cây thông nón gai có khả năng sinh trưởng mãi mãi.


B.H. (theo NYT)

Pisces
27-12-2006, 05:10 AM
Phát hiện loài linh trưởng nhỏ nhất thế giới?

Các nhà nghiên cứu Mỹ mới đây đã xác nhận sự tồn tại của một loài vượn cáo mới, có thể là loài linh trưởng nhỏ nhất thế giới, trên đảo Madagascar.


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/06/3B9C93E7/lt.jpg
Mayor và một con vượn cáo tí
hon mà cô và cộng sự tìm thấy.


Mireya Mayor và Ed Louis, từ vườn thú Henry Doorly của thành phố Omaha (Mỹ), đã tìm thấy một con linh trưởng bé nhỏ như vậy lần đầu tiên vào năm ngoái, khi nó đang cuộn mình trong một cái bẫy có hình dáng đặc biệt của họ. Xét nghiệm ADN chứng tỏ đó là một loài mới trong họ microcebus, hay vượn chuột cáo. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn cần thêm chứng cớ để xác nhận điều đó.

Mới đây, Mayor đã quay trở lại hòn đảo xa xôi ngoài khơi Ấn Độ Dương này để tiếp tục tìm kiếm các mẫu vật, nhằm bổ sung dẫn liệu cho phát hiện. Và lần đầu tiên, máy quay phim của họ đã ghi hình được những con linh trưởng tí hon. "Chúng tôi giờ đây đã có đủ thông tin để mô tả đó là một loài mới", Mayor nói.

Cho đến thế kỷ 21 này, con người vẫn còn biết rất ít về vượn cáo. Chúng thuộc về phân họ Prosimian - một trong hai nhánh chính của cây gia đình linh trưởng (nhánh còn lại là Anthropoid - vượn người -bao gồm khỉ, người, khỉ hình người và các loài khác). Hiện tại, có khoảng hơn 60 loài vượn cáo đã được nhận dạng và hơn một nửa trong số đó thuộc diện nguy cấp. Chúng là sinh vật đặc hữu chỉ sống ở Madagascar (dù nay một số trong đó đã được phân tán đi các nơi khác). Loài vượn cáo lớn nhất cũng là loài đầu tiên bị tuyệt chủng kể từ khi con người đặt chân đến hòn đảo này, theo sau nó là 15 loài khác.

Mayor cho biết mối đe dọa lớn nhất với vượn cáo lúc này là nạn phá rừng. Chưa đầy 10% rừng nguyên sinh ở Madagascar còn tồn tại, và chúng đang tiếp tục co hẹp hơn nữa. Rất nhiều khu bảo tồn được đánh giá là hiệu quả trên giấy tờ, nhưng sự thực lại đang biến mất. Một lý do khác khiến vượn cáo khó mà thoát khỏi tuyệt chủng ở Madagascar, đó là chúng được dùng như một món ăn ưa thích của người dân. Những người dân nghèo nơi đây ít có sự lựa chọn, vì thế, thói quen săn vượn cáo khó mà có thể thay đổi được.


B.H. (theo National Geographic)

Pisces
27-12-2006, 05:12 AM
Nhận diện loài khủng long sauropod cổ nhất

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/07/3B9C9600/dino.jpg
Hoá thạch Antetonitrus ingenipes.


Hoá thạch xương của một con khủng long nặng 2 tấn đã nằm tại Đại học Nam Phi trong hơn 20 năm, nhưng chỉ đến hôm nay các nhà nghiên cứu mới nhận ra rằng nó là tổ tiên lâu đời nhất của nhóm khủng long sauropod khổng lồ đã từng xuất hiện trên trái đất.

Các nhà khoa học cho biết bộ xương được khai quật vào năm 1981 là bằng chứng cổ nhất của sauropod, nhóm bò sát ăn thực vật thống trị kỷ Jura vào khoảng 205-145 triệu năm trước. Hoá thạch này có niên đại 215 triệu năm, đại diện cho một loài sauropod mới, có thể là động vật trên cạn to nhất thời đó, nặng gần 2 tấn, dài 8-10 m.

Antetonitrus ingenipes, tên của con vật được tìm thấy, chỉ là kẻ tí hon so với con cháu của nó. Argentinosaurus, loài sauropod lớn nhất, được cho là động vật trên cạn nặng nhất mọi thời đại - 100 tấn. Con sauropod cổ nhất được biết đến trước đó là Isanosaurus, 210 triệu năm tuổi, được tìm thấy ở Thái Lan.

Trước đó, người ta đã phân loại Antetonitrus ingenipes vào nhóm prosauropod và bỏ quên nó trong lớp bụi tại Đại học Nam Phi. Sauropod là nhóm khủng long đầu tiên đi bằng 4 chân ngắn và đều, trong khi đó hậu duệ của chúng là prosauropod có 2 chân trước ngắn hơn và ăn cả thịt lẫn cỏ.

Nhưng nhà cổ sinh vật học Adam Yates đã nhận thấy xương sống của con vật này có những đặc điểm của sauropod. Sau khi cùng cộng sự nghiên cứu chuyên sâu, ông đã xếp loại nó vào nhóm sauropod và công bố kết quả tìm kiếm trên tạp chí Proceedings of the Royal Society: B .


Minh Thi (theo Reuters)

Pisces
27-12-2006, 05:44 AM
Bộ thực vật cổ nhất thế giới có nguy cơ biến mất

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/07/3B9C969A/cycad.jpg
Encephalartos woodii thuộc bộ cây mè.


Cây mè (cycad), bộ thực vật có hình dáng giống cây cọ xuất hiện cách đây 300 triệu năm, đang có nguy cơ tuyệt chủng cao gấp 4 lần thực vật nói chung. Một trong những mối đe dọa tồi tệ nhất với chúng là việc buôn bán các loài hoang dã phục vụ cho ngành làm vườn.

Có khoảng 297 loài và phụ loài cây mè, sống rải rác ở châu Á, châu Phi, Australia và châu Mỹ, từ những cây tí hon sống dưới tán rừng đến những cây cao lớn mọc chồi lên. Mặc dù có dòng dõi đáng kính nể, 53% số loài cây thuộc bộ mè đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, so với 12,5% thực vật nói chung. Hai loài đã thực sự tuyệt chủng trong hoang dại. Sức ép của môi trường sống hiện đại sẽ còn đẩy nhiều loài hơn nữa tới bờ vực diệt vong.

Những mối đe dọa chính với bộ thực vật này bao gồm việc phá huỷ môi trường sống để trồng trọt, khai thác mỏ và phát triển đô thị, sử dụng lấy thuốc và còn do bị các loài thực vật khác xâm lấn. Ngoài ra, việc lấy hạt giống của cây từ thiên nhiên để trồng trong vườn cũng là nguy cơ đáng lo ngại.

Cây mè là bộ thực vật khác gốc phát triển chậm (có cây đực và cây cái khác nhau), sinh sản không đều đặn và phụ thuộc vào những chuyên gia thụ phấn. Điều này có nghĩa là mỗi cây cần phải sống gần nhau để có thể thụ phấn và sinh sản. Một số loài cây mè như Albany sống phụ thuộc vào con người, bởi loài bọ cánh cứng chuyên thụ phấn cho cây này không còn tồn tại. Đối với nhiều loài khác, hy vọng sống sót duy nhất là bảo tồn trong các vườn thực vật và ngân hàng hạt giống.


Minh Thi (theo BBC)

Pisces
27-12-2006, 05:45 AM
Điểm sâu nhất thế giới có đối thủ cạnh tranh

Các nhà khoa học đã xác định được một vị trí mới trên rãnh Mariana (nơi đáy biển ở độ sâu khoảng 11 km) có thể tranh ngôi vị vô địch với Challenger Deep, điểm được xem là thấp nhất trên bề mặt trái đất hiện nay.

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/07/3B9C9C32/hinh2.jpg (http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/07/3B9C9C32/hinh1.jpg)
Các vùng sâu nhất trên trái đất.


Điểm cực sâu này được các nhà khoa học gọi là HMRG Deep, nằm cách Challenger Deep 200 km về phía đông, dọc theo rãnh Mariana ở tây Thái Bình Dương. Các nhà khoa học Hawaii (Mỹ) đã khám phá ra nó trong một dự án lập bản đồ đáy biển bằng phương pháp định vị hồi âm, được thực hiện từ năm 1997 đến năm 2001. Việc đo đạc chính xác độ sâu của nó hiện rất khó thực hiện, nhưng theo các nhà nghiên cứu, nó cũng phải xấp xỉ với Challenger Deep.

Challenger Deep được phát hiện vào năm 1951, mang tên của con tàu tìm ra nó - tàu hải quân hoàng gia Challenger 2. Từ đó tới nay, nơi này chỉ được đón một con tàu có người lái vào năm 1960, khi hai nhà khoa học thực hiện cuộc lặn 4 giờ trong một chiếc tàu ngầm, chạm đáy ở độ sâu 10.915 mét. Vị trí này sâu đến nỗi nếu có thể đặt đỉnh Everest xuống đó, thì vẫn còn lớp nước dày 1,6 km phía trên.

Hiện tại, không có tàu ngầm nào có thể chạm tới Challenger hay HMRG Deep. Chiếc tàu duy nhất gần đây có thể làm điều đó - con tàu không người lái của Nhật, từng tới đáy Challenger Deep vào năm 1995 - đã bị mất hồi tháng 5 vừa qua do đứt dây chằng trong một cơn bão.

Rãnh Mariana là vùng sâu nhất trên Thái Bình Dương, nằm ở ranh giới giữa hai mảng thạch quyển: mảng Philippines ở phía đông và mảng Thái Bình Dương. Khi chúng trôi giạt, mảng Thái Bình Dương bị chìm xuống dưới mảng Philippines. Sự chuyển dịch này đã tạo cho rãnh Mariana độ sâu khổng lồ đó.


B.H. (theo BBC)

Pisces
27-12-2006, 05:47 AM
Số sao trong vũ trụ nhiều hơn cát trên trái đất

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/07/3B9C9EA8/stars.jpg


Có 70 sextillion (1 sextillion = 1.000 luỹ thừa bảy) ngôi sao trong tầm nhìn của chúng ta, lớn gấp 10 lần tổng số hạt cát trên bãi biển và sa mạc của trái đất, các nhà thiên văn học Australia công bố. Họ vừa hoàn thành cuộc đếm sao được coi là chính xác nhất từ trước tới nay.

Từ những nơi tối tăm nhất trên trái đất, mắt thường có thể nhìn thấy khoảng 5.000 ngôi sao. Từ một con phố thắp đèn sáng trưng thì chỉ thấy khoảng 100, nhưng với những chiếc kính viễn vọng hiện đại thì lại hoàn toàn khác.

Các nhà thiên văn học Australia đã sử dụng những thiết bị tối tân nhất thế giới để đo đạc độ sáng của tất cả thiên hà trong một khu vực của vũ trụ, và tính toán có bao nhiêu ngôi sao trong đó. Từ đó, họ tiếp tục tìm ra tổng số ngôi sao của cả vũ trụ thuộc tầm nhìn của chúng ta. Nhóm nghiên cứu tin rằng kết quả của họ chính xác hơn rất nhiều so với những ước đoán trước đây.

Con số được công bố trong hội nghị của Liên đoàn thiên văn học quốc tế ở Sydney đầu tuần là: 70 sextillion, tức số 7 đi kèm 22 số 0. Con số này lớn hơn mọi hạt cát trên bờ biển và sa mạc của trái đất cộng lại. Nhưng đó vẫn chỉ là những ngôi sao trong vũ trụ mà chúng ta có thể nhìn thấy được, tức là trong tầm nhìn của kính viễn vọng.

Tiến sĩ Simon Driver, tác giả nghiên cứu, cho rằng con số thực tế sẽ phải lớn hơn gấp bội, thậm chí không thể xác định được. Ông tin rằng rất nhiều ngôi sao trên đó có hành tinh, và rất có thể một số hành tinh trong đó có sự sống.


Minh Thi (theo BBC)

Pisces
27-12-2006, 05:49 AM
Kẻ Bàng - khối đá vôi lớn nhất bán đảo Đông Dương

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/07/3B9C9FFF/pn1.jpg (http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/07/3B9C9FFF/pn2.jpg)
Bên ngoài động Phong Nha.

Nhà địa lý nổi tiếng Lê Bá Thảo đã từng đánh giá khối núi đá này rộng đến 10.000 km2, nằm vắt vẻo trên đỉnh Trường Sơn, nơi có đường biên giới Việt - Lào cắt qua. Phần phía Việt Nam, nơi có di sản thế giới (http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2003/07/3B9C9584/) Phong Nha - Kẻ Bàng, chỉ chiếm non nửa, phần còn lại thuộc Lào.

Khối đá vôi khổng lồ này còn rất hoang sơ, hầu như không có điểm quần cư của con người. Không có đường đi dù là đường mòn. Việc nghiên cứu địa chất hay lâm học chủ yếu được thực hiện trên ảnh hàng không và ảnh vệ tinh. Cũng không có dòng sông hay suối nào lộ mặt, không có mặt bằng nào đáng kể. Gần chục nghìn kilomét vuông đá tai mèo lởm chởm, chỉ có ven rìa mới xuất hiện các thung lũng suối nhỏ bao quanh bằng những vách dựng dứng. Độ cao trung bình của khối núi này là 800 mét, đôi chỗ nhô lên những ngọn núi cao trên nghìn mét, cao nhất là đỉnh Phu Et Va (1.512m).

Đá vôi của khối núi Kẻ Bàng có tuổi địa chất từ 380 triệu đến 240 triệu năm. Trải qua nhiều biến động địa chất, đá bị gãy vỡ, rạn nứt, tạo điều kiện cho nước xâm thực, hòa tan thành vô vàn dạng địa hình karst: những thung lũng, phễu, giếng, hố karst, những hang động ngầm khô hay có nước đủ loại kích cỡ. Vùng Kẻ Bàng lại có lượng mưa khá lớn, khoảng 3.000 mm mỗi năm. Phần lớn lượng nước này đổ vào các hang động ngầm, mà Phong Nha chỉ là một trong vô số các hang động đó.

Ở gần cửa động Phong Nha, các nhà địa chất đã tìm ra những hóa thạch thực vật thân gỗ, thuộc các nhóm thực vật cạn đầu tiên trong lịch sử trái đất có tên là thực vật Lộ trần (Psylophyta) và thực vật Cây vảy (Lepidophyta). Những dạng thực vật cạn này cho thấy đã từng tồn tại một lục địa rất cổ mà đá vôi vùng Kẻ Bàng là những thành tạo biển tiến nằm ở ven rìa lục địa này. Có thể thấy dấu ấn của thành tạo ven rìa lục địa đó qua hình ảnh tầng đá vôi dày đến 4.000 mét của khối Kẻ Bàng, giống như một tấm nệm đá khổng lồ, phủ bên trên các đá kiểu cung đảo núi lửa (giống như các quần đảo Nhật Bản hay Philippines ngày nay).

Nhiều nhà khoa học từ lâu cũng đã nghi ngờ rằng mảng lục địa trên là một mảnh vỡ của lục địa Australia, bị trôi giạt về phía bắc. Bằng chứng cho giả thuyết đó là tại vùng Quy Đạt, huyện Minh hóa, Quảng Bình, vào những năm 1980, các nhà khoa học đã phát hiện thấy một loài động vật Tay cuộn hóa thạch Australia 30 triệu năm tuổi. Đó là loài Veervesia suchana, có quê quán ở vùng Fitzoy phía tây bắc Australia.

Ngoài những giá trị về địa chất, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn có các quần thể động, thực vật được bảo tồn khá tốt mà nhiều vùng khác đã ít hay không còn được gặp nữa. Do đặc thù là rừng nhiệt đới trên núi đá vôi, nên ở đây có rất nhiều loài động thực vật lạ, quý hiếm, như sến mật, kim giao, trầm hương, dương xỉ thân gỗ, cu li, bò tót, mèo rừng, cheo cheo Nam Dương… Một số nơi trong vườn có những khu rừng rộng hàng trăm hecta chỉ thuần một vài loài cây như lát hoa, lát da đồng. Ở đây còn có thể gặp những đàn khỉ vàng hàng trăm con, hay vào mùa sinh sản của rắn, có thể thấy hàng trăm con rắn đen quấn bện vào nhau trong những hốc đá vôi nhỏ hẹp...

Trong một vài buồng đá ở động Phong Nha, còn gặp di tích các miếu thờ thần với những bài văn khắc trên đá bằng chữ Chăm cổ. Đây chắc chắn chưa phải là chứng tích cổ duy nhất của con người ở vùng đất này, bởi vì thế giới hang động ở vùng Kẻ Bàng còn chưa được khám phá hết.

Thắng cảnh nổi tiếng động Phong Nha thực ra gồm hai động: động khô (Lâu đài Vua) và động ướt (Thủy tề Tiên). Động được đánh giá là có 7 cái nhất: hang nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát và đá rộng và đẹp nhất, hồ ngầm đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam (13.969m) và hang khô rộng và đẹp nhất. Riêng động Phong Nha do một con sông ngầm tạo thành, nhiều đoạn có những hồ nước và bãi bồi rộng lớn. Động chính gồm 14 buồng nối liền bằng một hành lang dài đến 1.500m. Toàn bộ động nằm sâu dưới đỉnh núi 800-900 m.


(Theo Khoa học và Đời sống)

Pisces
27-12-2006, 05:50 AM
Phát hiện bọ vô địch nhảy cao mới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/07/3B9CA2C6/spittlebug.jpg
Spittlebug dường như biến mất
trước mặt kẻ thù khi nó nhảy đi.


Thế giới tự nhiên đã có nhà vô địch nhảy cao mới - loài bọ spittlebug có thể nhảy cao gấp 100 lần chiều dài cơ thể nó, vượt xa kỷ lục đương thời của bọ chét. Kỳ tích này tương đương với việc một người nhảy quá toà nhà cao 70 tầng.

Spittlebug (Philaenus spumarius),còn gọi là froghopper, dài 6 mm, có thể nhảy cao tới 700 mm. Nó phóng lên với tốc độ 3,1 m/giây, gấp 3 lần bọ nhảy. Do vậy, cơ thể con bọ chịu một lực gấp 400 lần trọng lực.

"Khả năng nhảy cao của spittlebug thật là phi thường. Hầu như không gì có thể bắt được nó. Tôi không thể tin rằng lại chưa có ai đo đạc khả năng này", Malcolm Burrows tại Đại học Cambridge (Anh), đứng đầu nghiên cứu, nói. Ông cho rằng khả năng điền kinh nổi trội của spittlebug có thể giúp chúng thoát khỏi sự tấn công của chim và nhiều loài côn trùng khác.

Thông thường, những động vật như ếch và kanguru có chân dài để tạo đòn bẩy, cho phép chúng vượt qua các quãng đường dài giống động vật chân ngắn, nhưng cần ít lực hơn. Ngược lại, những động vật chân ngắn lại giải phóng năng lượng dự trữ trong bắp chân để có thể phóng vọt lên.

Spittlebug có chân ngắn, nhưng lại đạt được khả năng phi thường của mình bằng cách sử dụng một cơ cấu khoá chân đặc biệt. Bình thường lực cần thiết để có thể nhảy cao như vậy không thể tạo ra trực tiếp từ cơ trong một thời gian ngắn. Thay vào đó, lực phải được tạo ra và lưu trữ trước khi nhảy. Spittlebug làm được điều này bằng cách gấp chân sau vào dưới ngực và khoá lại bằng một móc ở chân nhét vào một lỗ dưới bụng.

Khi cơ bắp tạo ra đủ lực, spittlebug thả chân ra và phóng lên trời. Lượng cơ ngực tiếp sức cho cú nhảy chiếm 11% trọng lượng cơ thể chúng. Chân bọ mỏng và nhẹ, có thể dễ dàng tăng tốc và nâng cao cú nhảy.

Spittlebug có rất nhiều trong các khu vườn ở Anh. Nó có khả năng tạo ra thứ bọt, còn được gọi là cuckoo spit, bao quanh mình để tự bảo vệ khỏi những kẻ ăn thịt.


Minh Thi (theo New Scientist)

Pisces
27-12-2006, 05:52 AM
Phát hiện sợi tơ nhện lâu đời nhất

Một sợi tơ nhện dài 4 milimét, có niên đại khoảng 130 triệu năm, vừa được tìm thấy nguyên vẹn trong tầng hổ phách gần Jezzine ở Libăng, một nhà khoa học Thụy Sĩ cho biết. Trên sợi tơ, người ta còn thấy rải rác những giọt keo nhỏ xíu, cũng được tiết ra từ tuyến tơ.


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/08/3B9CA65C/soi.jpg
Sợi tơ cổ đại được tìm thấy với những giọt keo.


“Mẫu vật không chỉ cho thấy tình trạng cổ xưa của thứ sợi dính này, mà nó còn lâu đời hơn 90 triệu năm so với thứ chất dính cổ nhất từng được tìm thấy trong lớp hổ phách vùng Baltic trước đây”, Samuel Zschokke, thuộc Đại học Basel, Thụy Sĩ, nhận xét.

Từ những mẫu hoá thạch, các nhà khoa học đã biết rằng những con nhện 410 triệu năm trước đã có tuyến tơ, nhưng họ không biết từ khi nào chúng bắt đầu dệt mạng. Sợi tơ cổ đại vừa tìm thấy có thể sẽ giúp làm sáng tỏ thời điểm đầu tiên đó.


K.H. (theo Reuters)

Pisces
27-12-2006, 05:53 AM
Sinh vật phá kỷ lục về sống ở nhiệt độ cao

Giới hạn trên của nhiệt độ mà ở đó sự sống có thể tồn tại đã được mở rộng tới 121 độ C, cao hơn 8 độ so với kỷ lục trước đây. Vi khuẩn kiên cường này, tạm gọi là Strain 121, được tìm thấy tại một “ống khói đen”- hố thoát nhiệt (http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/08/3B9CA644/) - ở đáy biển phía đông bắc Thái Bình Dương.

Theo nhà vi sinh vật học Derek Lovley và Kazem Kashefi, tại Đại học Massachusetts (Mỹ), phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học xác định ở đâu và khi nào sự sống bắt đầu tiến hóa trên trái đất, và chúng có thể tồn tại ở độ sâu bao nhiêu.

Trước tiên, hai nhà nghiên cứu lấy mẫu vi khuẩn từ "ống khói" này, rồi nuôi cấy chúng ở nhiệt độ 100 độ C trong phòng thí nghiệm để mô phỏng môi trường nóng nực của "ống khói". Khi tăng nhiệt độ để tìm giới hạn sống của chúng, nhóm khoa học sửng sốt nhận thấy các sinh vật vẫn tiếp tục tăng trưởng, dường như không có gì bất thường xảy ra với chúng.

Nhóm nghiên cứu lại đặt các sinh vật trên vào nồi hấp - loại lò thường được dùng để khử trùng thiết bị y tế ở 121 độ C. “Ngay cả khi ở trong điều kiện đó 10 tiếng, chúng vẫn kiên gan chịu đựng”, Lovley nói. Những con bọ này cũng sống sót sau khoảng 2 giờ ở 130 độ C, nhưng chúng không sinh sản cho đến khi được trở về nhiệt độ thấp hơn.

Bằng cách nào các sinh vật này có thể chịu đựng nhiệt độ cao đến vậy vẫn còn là bí ẩn, bởi trong khi protein của chúng có thể tồn tại ở 121 độ C thì protein của những loài khác đã tan rữa? Lovley quyết định sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ điều bí mật đó.

Kỷ lục chịu nóng trước kia thuộc về loài vi khuẩn có tên gọi Pyrolobus fumarii. Nhưng người khám phá ra nó, Karl Stetter tại Đại học Regensburg, Đức, cho biết ông không tin rằng Strain 121 có thể tăng trưởng ở 121 độ C trong môi trường tự nhiên của chúng. Karl đã chỉ ra rằng các sinh vật này lớn nhanh nhất ở khoảng 106 độ C và mất một giờ để nhân đôi số lượng. Còn ở 121 độ, quá trình này phải mất 25 tiếng.


B.H. (theo NewScientist)

Pisces
28-12-2006, 03:40 AM
Chuột cổ đại to bằng con trâu

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/09/3B9CB96A/rodent.jpg
Chuột cổ đại ăn cỏ bên
những bờ sông ở Orinoco.


Kỷ lục về cân nặng trong thế giới loài gặm nhấm mới được khám phá. Một loài chuột cổ đại có họ hàng với chuột lang ngày nay nặng tới 700 kg. Con vật dài 3 m, cao 1,3 m và sống cách đây 8 triệu năm, từng đi dạo trên những bờ sông màu mỡ của đồng bằng Orinoco cổ đại, thuộc tây bắc Venezuela.

Loài gặm nhấm Phoberomys pattersoni đã tuyệt chủng có cuộc sống nửa dưới nước, nửa trên cạn, nhai cỏ nước và lẩn trốn các sinh vật khổng lồ khác như cá sấu dài 3 m, mèo túi to bằng sư tử, chim ăn thịt không biết bay.

"Hãy thử tưởng tượng một con chuột lang có kích cỡ của một con trâu với cái đuôi dài ngoẵng và hàm răng gớm ghiếc. Nó nặng gấp 10 lần so với loài gặm nhấm to nhất ngày nay - chuột capybara Nam Mỹ", Marcelo Sánchez-Villagra tại Đại học Tübingen, Đức, đứng đầu nhóm nghiên cứu, phát biểu.

Sánchez-Villagra cho biết, đã phát hiện được bộ xương nguyên vẹn của con vật ở Urumaco, Venezuela, sau khi một trong những sinh viên của ông tình cờ nhìn thấy một chiếc xương chồi lên trong lớp trầm tích. Bộ xương được đặt tên Goya, lấy tên từ khu vực mà nó được phát hiện ra.

Trước đó, người ta chỉ biết đến Phoberomys qua những chiếc răng riêng lẻ và vài mẩu xương, vì vậy không ai hình dung được nó to cỡ nào. Nhưng cuộc phân tích bộ xương Goya đã cho phép nhóm nghiên cứu hình dung về trọng lượng cơ thể cũng như cuộc sống của con vật.

Alexander cho biết, để mang trên mình trọng lượng gấp 1.400 lần so với chuột lang ngay nay, Goya phải có một dáng đi khác. "Chuột và các loài gặm nhấm nhỏ khác đứng như kiểu chúng đang chống đẩy. Nhưng các con có thú lớn hơn thì giữ cho chân thẳng. Capybara đứng như cừu và Goya thì còn đứng thẳng hơn nữa. Nếu bạn nhìn thấy con vật từ xa trong một ngày mù sương thì trông nó sẽ giống trâu hơn là chuột lang".

Ngoại hình quá cỡ của Goya cũng có thể khiến con vật gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một lượng thức ăn khổng lồ. Nhưng chính kích cỡ của nó đã giúp lên men một cách hiệu quả lượng cellulose của thực vật trong khoang bụng giống như cái chum.

Alexander cho rằng, Phoberomys không còn tồn tại là do chúng chậm chạp và không linh hoạt như linh dương để có thể trốn thoát kẻ thù. Trong khi đó, những loài gặm nhấm nhỏ hơn với móng ngắn thì có thể đào hang để trốn thoát.


Minh Thi (theo Newscientist)

Pisces
28-12-2006, 03:42 AM
Phát hiện con bướm lớn nhất thế giới ở Trung Quốc

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/09/3B9CBBEE/atlas-moth1.jpg
Atlas moth.


Một nhà nông học hàng đầu Trung Quốc tuyên bố đã tìm thấy một con bướm lớn nhất thế giới với sải cánh rộng 22,6 cm, tại khu tự trị Quảng Tây ở phía nam Trung Quốc.

Jiang Shaofang, thuộc trường Nông nghiệp Quảng Tây, đã phát hiện ra con bướm thuộc loài Atlas Moth ở núi Hanshan thuộc thành phố Yulin và ép xác nó để lưu thành mẫu vật.

Jiang cho biết, sải cánh con bướm dài hơn 26 mm so với bướm cánh chim của Canada, có sải cánh 20 cm. Con bướm này là to nhất thế giới tính về chiều dài đôi cánh.

Jiang đã sưu tầm các loài bướm ở Yulin từ nhiều năm nay. Ông từng phát hiện một con bướm có hình chữ viết cổ "gu", có nghĩa là thung lũng hoặc bắp ngô, trên mỗi cánh.


Minh Thi (theo Xinhuanet)

Pisces
28-12-2006, 04:28 AM
Tìm thấy hạt lúa đầu tiên trên thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/10/3B9CC8AF/rice.jpg
Gạo cũng nằm trong thực đơn của người thượng cổ.


Một nắm thóc đã bị cháy khô có niên đại 15.000 năm mới được các nhà khảo cổ phát hiện ở Hàn Quốc. Độ tuổi này đã thách thức quan điểm trước đây rằng việc trồng lúa bắt đầu ở Trung Quốc 12.000 năm trước.

Gạo ngày nay là thức ăn chính cho một nửa dân số trên toàn cầu, với 576.280.000 tấn được sản xuất trong năm 2002. Đặc biệt châu Á là nơi chịu trách nhiệm tạo ra 1/3 lượng calo cho mọi người dân.

Những hạt lúa cổ đại đã được Lee Yung-jo và Woo Jong-yoon tại Đại học Quốc gia Chungbuk, Hàn Quốc, phát hiện trong một cuộc khai quật ngôi làng Sorori ở Chungbuk. Cuộc phân tích ADN của 59 hạt thóc cho thấy chúng khác với những hạt lúa đang được trồng ngày nay. Điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm ra nguồn gốc tiến hoá của lúa.

Khu vực miền trung Hàn Quốc, nơi những hạt lúa được tìm thấy, là địa điểm khảo cổ quan trọng để tìm hiểu sự phát triển của con người thời kỳ đồ đá ở châu Á.


Minh Thi (theo BBC)

Pisces
28-12-2006, 04:30 AM
Chim lớn nhất tạo ra âm thanh thấp nhất

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/10/3B9CCC9F/dadieu.jpg
Đà điểu đầu mèo nổi tiếng
với những cú đá hậu chí tử.


Đà điểu đầu mèo, loài chim nặng nhất thế giới sống trong những khu rừng rậm ở Papua New Guinea, phát ra những âm thanh cực thấp - thấp hơn hầu hết các loài chim khác - thấp tới mức con người khó có thể nghe thấy.

Đà điểu đầu mèo là những con chim không biết bay, có bộ lông sặc sỡ và nặng khoảng 57 kg. Chúng rất quan trọng đối với nền văn hoá Papua New Guinea và là nguồn thực phẩm dồi dào cho cư dân ở đây. Đà điểu còn đóng vai trò quan trọng trong việc phân tán hạt giống và tái tạo rừng.

Nhà khoa học Andrew Mack, tại Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã ở New York, đã nhận ra những âm thanh khác thường khi đang nghiên cứu về đà điểu đầu mèo. Ông thu lại những âm thanh đó, phân tích âm phổ và phát hiện ra tần số của nó là quá thấp đối với loài chim nói chung.

Những con đà điểu tạo ra các giai điệu có tần số thay đổi từ 23 Hz tới 300 Hz. Tuy rằng những tần số này được tạo ra đồng thời, chúng khó có thể được nghe thấy cùng một lúc.

"Tần số càng thấp thì nó càng vang xa, vì vậy nếu bạn ở cách xa một con chim, phần giai điệu cao có thể bị cây cối làm tắt dần đi, nhưng những âm thấp thì vẫn tiếp tục truyền đến", Mack cho biết. "Khi đó âm thanh chỉ là những tiếng ầm ầm rất nhỏ và khó nhận biết".

"Nhiều lúc bạn tưởng như đó là một chiếc máy bay hay phương tiện nào đó đang chạy ầm ầm từ xa. Với tần số này thì bạn khó có thể xác định nó bắt nguồn từ đâu".

Mack cho rằng âm thanh ầm ầm của chim nhằm giúp chúng liên lạc từ những khoảng cách lớn trong rừng rậm. Đà điểu sống rải rác trong những khu vực rộng hàng trăm hecta, vì vậy những âm thanh cao hơn khó có thể tiếp cận được mục tiêu.

Một trong những khó khăn trong việc nghiên cứu đà điểu đầu mèo là chúng rất bí ẩn. "Mọi người chỉ nhìn thấy chúng thoáng qua và không hiểu biết gì nhiều về chúng. Vì vậy chúng tôi rất vui mừng với phát hiện này bởi từ đó có thể tiến hành điều tra dân số đà điểu bằng những thiết bị hỗ trợ thính giác", Mack phát biểu.


Minh Thi (theo ABC Online)

Pisces
28-12-2006, 04:31 AM
Bắt được con rắn lớn nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/12/3B9CE808/python1.jpg
Con trăn dài 15 m, nặng 450 kg.


Một con trăn dài 15 m và nặng 450 kg đã được những người dân làng ở Indonesia bắt hôm qua. Nếu được công nhận, đây sẽ là con rắn nuôi lớn nhất từng được biết đến tới nay.

Hàng trăm người đã kéo đến xem con vật trong vườn thú tại ngôi làng Curugsewu, trên hòn đảo Java của Indonesia. Theo sách kỷ lục Guinness, con rắn dài nhất từng được biết đến dài 9,75 m. Con nặng nhất là con trăn Burma ở Gurnee, Illinois, nặng 182,76 kg.

Theo các quan chức địa phương, con trăn mới thuộc loài có lớp da hình mắt lưới, có thể ăn 3-4 con chó mỗi tháng. Trăn có hình mắt lưới là loài rắn dài nhất thế giới. Chúng có thể ăn những con vật to như cừu, thậm chí ăn thịt cả người. Loài này bắt nguồn từ những đầm lầy và rừng rậm ở Đông Nam Á.

Minh Thi (theo AP)

Pisces
28-12-2006, 04:33 AM
Làm sáng tỏ bí ẩn về loài hoa lớn nhất thế giới

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2004/01/3B9CEE62/hoa.jpg
Bông hoa Rafflesia khổng lồ.


Những đoá hoa có bề rộng hàng mét và bốc mùi thịt thối - thuộc nhóm 20 loài Rafflesia - lại là họ hàng của những chùm hoa nhỏ xíu tỏa hương ngọt ngào như hoa trạng nguyên, violet, lạc tiên và các thành viên khác trong bộ Malpighiales.

Thông báo vừa được các nhà khoa học Mỹ công bố trên số mới nhất của tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Các nhà nghiên cứu cũng thử đưa ra một vài giả thuyết hấp dẫn về việc tại sao Rafflesia có mùi hương kinh khủng như vậy, rằng tạo sao những bông hoa của nó chỉ bùng nở một lần mỗi năm và chỉ tồn tại trong 5-7 ngày, rằng tại sao bông hoa này lại thuộc nhóm thực vật ăn bám, và vì cớ gì nó thích thu hút những loài ruồi thường đến viếng thăm các xác chết.

Rafflesia là loài thực vật ký sinh, không hề có rễ, gốc và lá, sống tầm gửi trên các thân cây nho. Mỗi năm, chúng chỉ bộc lộ mình một lần duy nhất bằng những đoá hoa khổng lồ. Thông thường, các nhà nghiên cứu thường phân loại bộ thực vật theo tế bào lục lạp, nhưng vì Rafflesia thiếu hẳn nhóm tế bào này. Do vậy, Todd Barkman và cộng sự tại Đại học Tây Michigan đã phân tích ADN ty thể của nó - một loại nội quan tương đương với các tế bào lục lạp.

Nghiên cứu ADN ty thể đã tiết lộ rằng những bông hoa vĩ đại và hôi thối lạ lùng là bà con với nhiều loài hoa có bé nhỏ, hương thơm ngát dễ chịu. Chẳng hạn, Rafflesia dường như rất giống với hoa lạc tiên, bởi cả hai đều có nhị và nhụy hoa hợp nhất trong một ống trung tâm, và đều sản sinh ra một vành trang trí bên trên trông như chiếc vương miện.

Theo các nhà nghiên cứu, Rafflesia không bắt đầu cuộc sống như một sinh vật ký gửi, nhưng trong quá trình tiến hóa ở Đông Nam Á, nó đã tìm thấy dạng sống này bằng cách gửi thân trên nhiều loại nho khác nhau.

"Theo tiêu chuẩn của con người, ngoại hình hôi thối, sần sùi, vằn vện của các bông hoa có thể được hiểu như là một cách bắt chước dạng thịt thiu. Và thực tế là những con ruồi rất dễ bị thu hút bởi những bông hoa này, điều đó chứng tỏ chúng tin rằng đó là những miếng thịt thối thật sự", Barkman nói.

Barkman cho rằng những bông hoa này có cuộc đời ngắn ngủi đến vậy là do kích cỡ của chúng: "To đùng và lồ lộ đập vào mắt kẻ khác trong một thời gian dài có thể khiến nó trở thành mồi cho những động vật ăn cỏ, những kẻ sẽ ăn mất phần hoa sinh sản của nó", ông giải thích. Nhiều loài hoa trong nhóm Rafflesia đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Các nhà khoa học lo ngại về số phận của chúng bởi tình trạng tàn phá rừng nhiệt đới ngày càng tăng trong vùng Đông Nam Á.


B.H. (theo Discovery)

Pisces
28-12-2006, 06:49 AM
Con vẹt biết gần 1.000 từ

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2004/01/3B9CF13A/parrot.jpg
Vẹt N'kisi rất ham học hỏi.


Một con vẹt với khả năng giao tiếp vô song với con người đã làm kinh ngạc các nhà khoa học. Chú vẹt màu xám gốc Phi có tên N'kisi, sống tại New York, Mỹ, có một kho từ vựng gồm 950 từ và cả một óc hài hước.

N'kisi còn có thể tự sáng tạo ra từ và nhóm từ nếu gặp phải những tình huống mà vốn ngôn ngữ sẵn có không đủ để xử lý - cũng giống như những đứa trẻ thường làm. Khả năng độc đáo của con vẹt đã được miêu tả trong tạp chí Cuộc sống hoang dã số mới nhất của BBC. N'kisi được cho là một trong những nhân vật sử dụng tiếng người thông thạo nhất trong thế giới động vật.

Thông thường cần khoảng 100 từ là có thể đọc được một số tài liệu bằng tiếng Anh, vì vậy nếu N'kisi biết đọc thì nó có thể đọc được khối chuyện. Con vật còn có thể sử dụng từ trong các hoàn cảnh khác nhau, với thời quá khứ, hiện tại, tương lai và rất sáng tạo.

Một trong những từ của riêng N'kisi là flied thay cho flew và pretty smell medicine để miêu tả loại dầu trị liệu có mùi thơm mà ông chủ của nó, một hoạ sĩ tại New York, sử dụng.

Con vật tỏ ra khá hài hước. Khi nhìn thấy một con vẹt khác treo lộn ngược trên cành cây, nó bình luận: "Cần phải quay phim con chim này".

Trong một thí nghiệm, khi nhìn thấy bức ảnh một người đàn ông cầm điện thoại, nó hỏi: "Bạn đang làm gì với cái điện thoại đấy?", hoặc "Tôi có thể ôm bạn được không?" với bức hình một đôi đang ôm nhau.

Tiến sĩ Jane Goodall, chuyên gia động vật nổi tiếng, nhận định ngôn ngữ sắc sảo của N'kisi là một "bằng chứng nổi bật về khả năng giao tiếp giữa các loài".
Còn giáo sư Donald Broom, tại Đại học Cambridge, thì phát biểu: "Càng tìm hiểu khả năng nhận thức của loài vật thì chúng ta lại càng thấy chúng xuất sắc, và bước nhảy lớn nhất chính là với loài vẹt".
Minh Thi (theo BBC)

moitruongxanhvn
14-07-2017, 05:13 PM
nước nay đã giàu rồi mà còn có mỏ vàng lớn nhất thế giới nữa à

heriquon
08-08-2017, 10:40 AM
Một con vẹt với khả năng giao tiếp vô song với con người đã làm kinh ngạc các nhà khoa học. Chú vẹt màu xám gốc Phi có tên N'kisi, sống tại New York, Mỹ, có một kho từ vựng gồm 950 từ và cả một óc hài hước.

N'kisi còn có thể tự sáng tạo ra từ và nhóm từ nếu gặp phải những tình huống mà vốn ngôn ngữ sẵn có không đủ để xử lý - cũng giống như những đứa trẻ thường làm. Khả năng độc đáo của con vẹt đã được miêu tả trong tạp chí Cuộc sống hoang dã số mới nhất của BBC. N'kisi được cho là một trong những nhân vật sử dụng tiếng người thông thạo nhất trong thế giới động vật.

Thông thường cần khoảng 100 từ là có thể đọc được một số tài liệu bằng tiếng Anh, vì vậy nếu N'kisi biết đọc thì nó có thể đọc được khối chuyện. Con vật còn có thể sử dụng từ trong các hoàn cảnh khác nhau, với thời quá khứ, hiện tại, tương lai và rất sáng tạo.

Một trong những từ của riêng N'kisi là flied thay cho flew và pretty smell medicine để miêu tả loại dầu trị liệu có mùi thơm mà ông chủ của nó, một hoạ sĩ tại New York, sử dụng.

Con vật tỏ ra khá hài hước. Khi nhìn thấy một con vẹt khác treo lộn ngược trên cành cây, nó bình luận: "Cần phải quay phim con chim này".

Trong một thí nghiệm, khi nhìn thấy bức ảnh một người đàn ông cầm điện thoại, nó hỏi: "Bạn đang làm gì với cái điện thoại đấy?", hoặc "Tôi có thể ôm bạn được không?" với bức hình một đôi đang ôm nhau.

Tiến sĩ Jane Goodall, chuyên gia động vật nổi tiếng, nhận định ngôn ngữ sắc sảo của N'kisi là một "bằng chứng nổi bật về khả năng giao tiếp giữa các loài".
Còn giáo sư Donald Broom, tại Đại học Cambridge, thì phát biểu: "Càng tìm hiểu khả năng nhận thức của loài vật thì chúng ta lại càng thấy chúng xuất sắc, và bước nhảy lớn nhất chính là với loài vẹt".
Minh Thi (theo BBC)


Mình thua cả vẹt :((

luatthienma12
11-09-2017, 04:38 PM
loài người luôn vĩ đại nhấtc:sweet_kiss:c:sweet_kiss:c:sweet_kiss:c:swe et_kiss:

phuongxinhdep
14-11-2017, 11:20 AM
Loài người vẫn là tạo hóa tuyệt vời nhất