PDA

View Full Version : Giáo dục giới tính cần được coi là một môn khoa học



ngayxua
26-12-2006, 05:49 PM
Giáo dục giới tính cần được coi là một môn khoa học

Giờ thảo luận kỹ năng sống của HS lớp 9 trường THCS Ngô Sĩ Liên - HN

Theo kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên (SAVY) do Bộ Y tế, Tổng Cục thống kê, UNICEF và WHO, tuổi dậy thì của vị thành niên và thanh niên (VTN-TN)Việt Nam hiện nay xuất hiện sớm hơn so với trước kia (độ tuổi trung bình của nữ giới đến tuổi dậy thì là 13-15 và nam giới là 14-16). Như vậy, so với năm 1970 thì độ tuổi dậy thì của VTN-TN hiện nay sớm hơn 1 năm. Dậy thì sớm đồng nghĩa với việc các em cần có kiến thức cơ bản để ứng xử với những biến đổi về tâm lý, hình thể. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của SAVY, cho đến thời điểm này, giáo dục tính dục và sức khỏe sinh sản (SKSS) ở nước ta vẫn bị coi là vấn đề nhạy cảm; Một số cha mẹ và nhà giáo dục vẫn coi giáo dục giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy”. Quan điểm trên hoàn toàn sai lầm vì thực tế không vẽ thì đến tuổi hươu nó vẫn chạy. Vậy tại sao chúng ta không nhìn vào sự thật để cung cấp cho chúng kiến thức cơ bản về SKSS giúp chúng chạy đúng hướng, TS tâm lý Trương Thị Bích Hà (GĐ TT tư vấn truyền thông sức khỏe và phát triển cộng đồng- Hội KHHGĐ VN) cho biết.

Trách nhiệm của cha mẹ với con cái, không chỉ là vấn đề ăn uống!

Đã từng tham gia vào nhiều chương trình tư vấn (qua điện thoại và tiếp xúc trực tiếp), bà có nhận xét gì về nhu cầu tìm hiểu giới tính cũng như SKSS của VTN -TN hiện nay?

Mặc dù TT chưa có thống kê cụ thể nhưng qua hình thức tư vấn qua điện thoại, qua hệ thống 1088, đặc biệt là qua những buổi tiếp xúc trực tiếp với các em, chúng tôi khẳng định rằng nhu cầu tìm hiểu về giới tính cũng như SKSS của các em là rất lớn. Bằng chứng là năm 2005-2006, chúng tôi đã thực hiện tư vấn trực tiếp tại 100 trường THPT, CĐ và ĐH trên toàn quốc. Trung bình mỗi trường có 300-500 HS đến tham dự và đặt câu hỏi. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là thay vì những câu hỏi về kinh nghiệm học tập, cách ứng xử với cha mẹ, thầy cô...như dự định ban đầu thì lại có tới 2/3 số câu hỏi trực tiếp và phiếu câu hỏi đề nghị các bác sĩ và chuyên gia tâm lý giải đáp thắc mắc về giới tính, SKSS và sức khỏe tình dục. Cụ thể là tại buổi tư vấn ở trường THPT Hồng Bàng (Hải Phòng), có tới 78% số HS muốn biết về các biện pháp tránh thai, quan hệ giới tính, tình yêu ở tuổi học trò.

Có thể nói, với 5000-6000 câu hỏi nhận được sau 2 năm thực hiện tư vấn trực tiếp tại các trường, trong đó 1/3 thắc mắc liên quan đến SKSS cùng với lượng lớn số em gọi điện thoại cho thấy nhu cầu tìm hiểu về lĩnh vực này của các em là rất lớn. Và chúng ta không thể phủ nhận điều này.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tuổi dậy thì của VTV-TN Việt Nam ngày càng sớm. Theo bà, chúng ta nên cung cấp kiến thức cho chúng ở độ tuổi nào là phù hợp nhất?

Mỗi độ tuổi có nhu cầu và khả năng tiếp nhận khác nhau. Với trẻ từ 1-10 tuổi, ý thức phân biệt giới tính chưa rõ ràng nên việc dạy cho trẻ kiến thức về giới tính nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải, đôi khi nếu trẻ quá tò mò thì cũng cần giải thích cho trẻ hiểu. Nhưng khi trẻ chuẩn bị đến tuổi dậy thì thì cha mẹ cần cho trẻ biết chúng thuộc giới tính nào, cách vệ sinh thân thể và quan trọng là nói cho trẻ biết một số thay đổi của cơ thể khi trẻ đến tuổi dậy thì để chúng chuẩn bị tinh thần đón nhận, tránh gây hoang mang, lo sợ ở trẻ.

Tuy nhiên, do trẻ ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nên khi trẻ còn nhỏ nhưng muốn khám phá thì cha mẹ không nên né tránh và hãy giải thích ở mức độ vừa phải như vì con nhỏ quá nên mẹ để con ở trong bụng, khi lớn thì con ra ngoài... Như ở một trường tiểu học của Philippin, HS lớp 3 đã có môn học riêng về giáo dục giới tính thông qua tranh vẽ giúp các em phân biệt bạn trai và bạn gái có những điểm khác nhau như thế nào... Điều này cho thấy, chúng ta có thể đề cập đến việc giáo dục giới tính ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Và ở mỗi độ tuổi khác nhau, chúng ta sẽ cung cấp cho các em những kiến thức phù hợp với tâm, sinh lý.

Nhiều em nói rằng khó khăn nhất với chúng ở tuổi dậy thì chính là việc nói chuyện với bố mẹ về các mối quan hệ khác giới cũng như vấn đề giới tính và SKSS. Cha mẹ phải làm gì để con cái có thể chia sẻ thắc mắc thầm kín này?

Ở nước ta hiện nay, rất nhiều người cho rằng giáo dục giới tính là gắn với tình dục nên bị coi là xấu xa và cấm kỵ. Để bảo vệ con tránh khỏi những nguy cơ tình dục không an toàn, các biện pháp được áp dụng là răn đe, cấm đoán. Chính cách dạy dỗ trên đã làm hạn chế môi trường giao tiếp, cản trở quá trình nhận biết và phát triển giới một cách tự nhiên của trẻ. Kết quả của cách làm trên đôi khi mang lại hậu quả nặng nề (trẻ mang thai ngoài ý muốn, quan hệ tình dục bừa bãi...). Lúc này, không chỉ đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả mà bản thân cha mẹ cũng bị tổn thương.

Theo tôi, các bậc phụ huynh nên tỉnh táo để biết rằng tìm hiểu kiến thức về giới tính là nhu cầu của các em. Với đặc điểm sinh lý của tuổi mới lớn, các em luôn tò mò muốn biết mọi chuyện trong khi đó có quá nhiều thông tin trên báo chí, mạng internet nói về vấn đề này. Vậy tại sao chúng ta không cung cấp cho các em kiến thức cơ bản (qua trao đổi trực tiếp hoặc tặng chúng sách báo nói về vấn đề này) để chúng có nhận thức và hành vi đúng đắn. Việc làm này không chỉ tốt cho trẻ ở tuổi dậy thì mà còn trong suốt cuộc sống sau này.

Các bà mẹ thường than phiền do quá bận rộn nên họ không có thời gian dành cho con cái. Với tư cách là TS tâm lý và là người mẹ, bà nhận xét gì về quan điểm trên?.

Tại phòng tư vấn trực tiếp, chúng tôi đã gặp trường hợp một sinh viên đi kế hoạch 2-3 lần/năm. Hỏi thì em cho biết là không biết phải dùng biện pháp tránh thai nào. Hay cũng có trường hợp, mẹ là giảng viên đại học nhưng con gái có bầu đến tháng thứ 5 mới phát hiện ra. Bà mẹ cho biết do mùa đông nên cháu mặc áo rộng nên không để ý... Tất cả những trường hợp trên cho thấy nhiều bà mẹ quá vô tình với con cái. Theo quan điểm của tôi, cha mẹ sinh con ra không chỉ lo ăn uống, học hành cho chúng mà phải hiểu rằng xung quanh chúng có nhiều cám dỗ, hiểm họa đang rình rập trong khi cha mẹ lại không thể ở bên cạnh chúng 24/24h. Điều tốt nhất họ làm được lúc này là cần cung cấp kiến thức cần thiết cho chúng, thường xuyên hỏi han xem chúng có khúc mắc gì không.

Đúng là công việc xã hội đã lấy đi nhiều thời gian của phụ nữ nhưng tôi khẳng định không vì thế mà họ không có thời gian dành cho con. Thay vì ca cẩm mệt mỏi, chỉ cần dành ra 15 phút mỗi tối trước khi đi ngủ để trò chuyện với con cái là bạn có thể biết được những tâm tư, suy nghĩ của trẻ và có thể đưa ra định hướng cho chúng.

GD giới tính phải là môn học chính khóa trong nhà trường!

Nhà trường là một trong hai kênh thông tin quan trọng trong việc GD giới tính và SKSS cho trẻ. Theo bà kênh thông tin này đã làm tròn trách nhiệm của mình?

Hiện nay, giáo dục giới tính trong trường học chưa được coi trọng. Chúng ta chưa có bộ môn riêng về vấn đề này nên ở nhiều nơi xảy ra tình trạng mỗi môn dạy một ít. Và cũng do không có chương trình chuẩn nên đôi khi mỗi giáo viên lại... dạy theo những kiểu khác nhau. Tôi đã tiếp xúc với nhiều giáo viên dạy môn Sinh học và nhận thấy rằng ngay bản thân họ cũng rất ngại ngùng khi phải giảng dạy cho HS về các vấn đề liên quan đến giới tính. Giáo viên đã vậy thì chắc chắn cách tiếp cận của HS cũng không đến nơi đến chốn.

Để cải thiện tình hình, chúng ta cần thay đổi những gì?

Theo tôi, chúng ta cần coi giáo dục giới tính là bộ môn khoa học thực sự, có tính nhân văn và phục vụ lợi ích tức thời cho HS. Để giáo dục giới tính thực sự mang lại hiệu quả, cần coi đây là bộ môn độc lập, không lồng ghép với các môn khác như hiện nay. Đi kèm theo đó là việc đào tạo giáo viên sinh lý và tâm lý cho các trường PTCS và THPT. Hiện nay, các trường sư phạm mới chỉ có khoa Tâm lý, khoa Sinh chứ chưa có khoa Tâm sinh lý. Đây là lý do khiến cho việc giảng dạy giáo dục giới tính cứ “nhập nhằng” như hiện nay. Bên cạnh đó, việc các cô giáo tâm lý không được đào tạo về sinh lý hoặc ngược lại nên không có kiến thức cũng như kinh nghiệm ứng xử trước các tình huống học trò yêu nhau hoặc học trò mang thai. Thực tế cho thấy có nhiều giáo viên khi biết học trò mang thai đã tỏ thái độ khinh bỉ, bêu giếu chúng trước đám đông làm cho chúng xấu hổ với bạn bè, mặc cảm với thầy cô giáo. Hậu quả tất yếu là chúng bỏ học và chẳng ai dám chắc chúng sẽ tỉnh táo trước những cám dỗ của cuộc sống.

Theo Giáo dục & thời đại