PDA

View Full Version : Văng tục “truyền kỳ”



Quanganh
28-12-2006, 08:44 AM
Văng tục “truyền kỳ”:-?

“Phục” trước các cổng trường Việt - Đức, Phan Đình Phùng, Amsterdam, Trần Phú... (Hà Nội) giờ tan học, sẽ thấy các nữ sinh văng tục nhiều và “bạo” hơn nam sinh. Những “nữ hiệp” tóc vàng và tóc ép “chửi bậy như hát hay” với đủ các thể loại ví von nanh nọc.


Con đường "nhọc nhằn" từ chuyện bị kỳ thị xa lánh, cho đến dần được chấp nhận, rồi trở nên "đại thịnh" của... thói văng tục là một mâu thuẫn khó lý giải đối với các nhà ngôn ngữ học, các nhà tâm lý học và xã hội học.

Ngay ở Hà Nội, người ta cũng văng tục khắp nơi, trong mọi thành phần, ở mọi lứa tuổi. Mọi người điềm nhiên coi văng tục là một điều bình thường trong cuộc sống, thậm chí "sử dụng thành thạo" văng tục nhiều khi được coi là định hình được một phong cách "ấn tượng".

"Nhảm quá", nhà văn Tô Hoài lắc đầu than khi nói về chuyện người ta văng bậy tràn lan ngoài đường phố hiện nay. Trong tâm trí của người gắn bó cùng Hà Nội như ông, trước những năm 45 của thế kỷ trước, với những người thuộc tầng lớp tiểu tư sản trở lên hay được gia đình cho ăn học, văng tục chửi bậy là điều không thể chấp nhận được. Những ai buông lời thô tục ngay lập tức nhận được những ánh mắt xa lạ, bị mọi người xa lánh, khinh miệt.

Nhà văn kể lại, ngay cả hồi ông mới 17 tuổi, thanh niên xích mích không tránh được chuyện ẩu đả đánh nhau, nhưng cấm có thấy thốt ra một câu bậy bạ. Sự xúc phạm nhau bằng ngôn từ khi đó không những bị coi là điều cấm kị, mà ngay đến chuyện nói nhảm, dùng từ thô tục cũng không được phép.

Hơn 60 năm sau, Hà Nội xưa cũ với vỏn vẹn 20 vạn dân của nhà văn Tô Hoài đã trở thành một đô thị với dân số xấp xỉ 4 triệu người. Một cuộc thăm dò ý kiến trong vòng gần 2 tháng của tờ VnExpress về thói quen nói tục, nói đệm với 2.924 người tham gia đưa ra một con số: có 54,2% thường xuyên nói tục, nói đệm; 25% thi thoảng nói và 20,8% không bao giờ sử dụng "những từ thô lỗ".

Với lượng độc giả qua báo mạng được đánh giá là có mặt bằng dân trí khá cao, với cuộc thăm dò tạm coi là đại diện được cho thực trạng văng tục hiện nay, chúng ta có một con số "kinh hoàng": Hơn 50% dân số thường xuyên văng tục! Và tất nhiên, cũng có nghĩa là hơn 50% dân số của thủ đô thanh lịch đang hằng ngày "phun châu nhả ngọc".

Ý kiến của Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, văng tục là một cách xả stress tức thời dễ nhất và ít tốn kém nhất khi phải đối mặt với những căng thẳng tâm lý trong cuộc sống đô thị hiện đại ngày nay. Và với tình trạng xã hội đang thay đổi mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta phải chấp nhận một thực tế như vậy.

Quan điểm đó có cái hợp lý xét trên khía cạnh tâm lý và đứng trên cái gốc của vấn đề. Nhưng chúng ta cũng phải đối diện với một thực tế là hiện trạng văng tục đã vượt quá xa cái gốc giải tỏa tâm lý.

Đối tượng bị chú ý trước tiên khi văng tục chính là giới trẻ, học sinh và sinh viên. Không thể phủ nhận đây là lớp đối tượng văng tục một cách "hồn nhiên" nhất ở khắp mọi nơi, thậm chí ngay cả trong trường học. Cũng chính vì lẽ đó lớp đối tượng này trở thành tiêu điểm nhận được sự "chăm sóc" kỹ càng nhất. Tựu trung, chuyện văng tục trong giới trẻ được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: để gây sự chú ý nổi bật, để khẳng định một tính cách "phóng khoáng và mạnh mẽ", để không bị lạc lõng trong nhóm... rồi dần dần quen miệng lúc nào không biết.

Ngay bản thân các em cũng tự nhận thức, dằn vặt và đấu tranh với thói quen này, nhưng thông thường là đành "thúc thủ" khi ở ngoài đường với bạn bè, chỉ hạn chế tối đa khi về đến gia đình.

Trên website của trường Trung học phổ thông chuyên Amsterdam, “chủ đề văng tục" đã lên tới con số 10 trang với trăm lượt bài tranh luận của các học sinh trong trường. Hầu hết các ý kiến đều thừa nhận rằng điều đó là không tốt, nhưng vì nó quá phổ biến ngoài đường phố, rồi áp lực dư luận và bạn bè cũng không lớn đến độ phải thay đổi...

Một cuộc điều tra chớp nhoáng trong 3 ngày trước các cổng Trường Trung học phổ thông Việt - Đức, Phan Đình Phùng, Amsterdam, Trần Phú... giờ tan học đã đem đến một kết quả khá ngạc nhiên: Số lượng các nữ sinh văng tục, văng tục to tiếng và với tần số dày đặc vượt qua rất nhiều so với số lượng nam sinh. Những "nữ hiệp" tóc vàng và tóc ép "chửi bậy như hát hay" với đủ các thể loại ví von về bộ phận cơ thể, nanh nọc một cách hồn nhiên.

Tuấn, một học sinh nam trường Phan Đình Phùng cho biết, học sinh nam văng tục nhiều khi còn có cảm giác xấu hổ trước mặt bạn gái, nhưng những "đàn chị" mớ ba mớ bảy trong trường thì "công phu võ mồm" đã "xuất chiêu" là không có điểm dừng, nói đến sướng mồm thì thôi.

Mới chỉ cách đây hơn 10 năm, chuyện văng tục tại các trường trung học phổ thông chủ yếu chỉ dành cho giới con trai để thể hiện "chất chát" có tí giang hồ trong quán nước trước cổng trường. Nhưng đến bây giờ, có thể khẳng định về diện rộng thì học sinh nam vẫn chiếm đa số, nhưng về "chiều sâu" văng tục thì một bộ phận học sinh nữ đã chiếm thế thượng phong.

Rảo qua các diễn đàn trên mạng mới thấy nạn văng tục đã thực sự trở thành căn bệnh trầm kha. Từ những diễn đàn lớn như Trái tim Việt Nam online (www.ttvnol.com), Thanh niên xa mẹ, cho đến vô vàn các diễn đàn trung bình cỡ một, hai ngàn thành viên, tình trạng văng tục diễn ra tràn lan đến độ các admin và moderator liên tục nhắc nhở và cảnh cáo thành viên.

Để tránh tình trạng bị khoá nick hay ban IP vì vi phạm quy định, các thành viên đã nghĩ ra vô vàn cách để lách nhằm thỏa mãn tối đa cái thú văng tục trên môi trường ảo này. Và thế là những từ ngữ văng tục kỳ quái ra đời, chủ yếu là biến âm của những ngôn ngữ thô tục: "đ..." thành "éo", "phò" thành "f4", "mẹ" thành "mịa"... cùng vô vàn bộ phận cơ thể cũng biến âm khác, chăng đầy các diễn đàn đến nghẹt thở... Rồi cũng chính từ những biến âm mang tính đối phó ấy, những từ văng tục này lại từ thế giới ảo ùa vào cuộc sống, biến thành những thứ tân ngôn ngữ văng tục được một số bạn trẻ hồ hởi đón nhận...

Dư luận buồn rầu trước cảnh giới trẻ văng tục đầy đường đầy ngõ, nhưng cũng không nhiều luồng dư luận phân tích thấu đáo lý do chuyện người lớn cũng văng tục khiến giới trẻ ít nhiều chịu ảnh hưởng. Trong những quán nước chè bên hè phố, trong những quán bia ngồi tràn ra tận lề đường, trong những lúc va chạm ngoài phố hay tranh cãi nơi công sở, các bậc phụ huynh, các cán bộ Nhà nước, các thầy cô giáo, các văn nghệ sĩ khả kính cũng văng tục nhòe nhoẹt.

Người lớn có nhiều lý do để biện hộ cho chuyện văng tục của mình, nào là xả stress, khẳng định cái "tôi" gai góc, khẳng định tình thân mật... Thậm chí, có những quan điểm còn cổ suý chuyện đưa hẳn những câu văng tục vào... từ điển xuất phát từ những giảng viên đại học chuyên ngành ngôn ngữ. Họ cho rằng nước ngoài đã đưa những từ lóng (slang) vào hẳn từ điển, tại sao chúng ta không đối mặt với sự thật? Vấn đề học thuật rõ ràng rất cần được tôn trọng và bàn bạc kỹ lưỡng, nhưng chuyện từ miệng một thầy giáo dõng dạc phát ngôn những từ ngữ đó một cách thoải mái trên bục giảng là điều khó có thể chấp nhận.

"Đây không phải là điều gì quá khó khăn mà không bỏ được. Cần phải nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc, răn dạy và uốn nắn, không chỉ với lớp trẻ mà còn cả với người lớn, cán bộ Nhà nước", nhà văn Tô Hoài tâm sự.

Ông ủng hộ chuyện Hà Nội không nên tồn tại những hành vi phản cảm như vậy nữa, và phải làm rốt ráo thành một phong trào nghiêm túc, chứ không phải là những cuộc vận động, hô hào chung chung. Ông lấy ví dụ trường hợp Trung Quốc đã tuyên chiến quyết liệt với tật "khạc nhổ" như thế nào khi nhận thấy nó làm xấu đi hình ảnh của đất nước và con người mình. Họ chỉ đích danh tật xấu "khạc nhổ" cần phải loại bỏ, phạt nặng những ai vi phạm, mở những cuộc vận động phê phán nghiêm khắc trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Cũng có một số quan điểm cho rằng, những sự nhếch nhác ở một số khía cạnh và tật văng tục tràn lan ở Thủ đô bắt nguồn từ hiện tượng gia tăng cư dân cơ học một cách đột ngột, và Hà Nội phải gồng mình lên gánh lấy. Nhưng nhà văn Tô Hoài đã nhấn mạnh, người địa phương đến Hà Nội không chỉ mới thời gian gần đây mà là cả một quá trình lâu dài, và họ "không dám mang văng tục đến".

Huống chi nếu là một địa phương có bề dày văn hoá, những cư dân ở nơi khác đến sẽ mặc nhiên thẩm thấu những điều tốt đẹp và thanh lịch ở đây, chứ không phải là quá trình ngược lại. Ông lấy ví dụ những gia đình người Hà Nội vào Nam từ trước năm 1954, đến hàng chục năm sau, lớp con cháu họ vẫn không mất đi cái nét thanh lịch, vẫn đứng trước người lớn mà khoanh tay cúi đầu chào...

Ông phân vân một điều rằng ngày xưa tuy cũng có cảnh văng tục, nhưng chỉ giới hạn ở một thiểu số vô cùng ít ỏi ở giới buôn bán và lao động chân tay, chứ không tràn lan ở mọi giới, mọi cấp như bây giờ. Đó mới chính là điều cần phải lưu tâm và cuộc vận động thay đổi nên bắt đầu từ chính những cơ quan công quyền, yêu cầu đội ngũ cán bộ công quyền phải thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp trước nhân dân.

Theo Công An Nhân Dân