PDA

View Full Version : Đứt đường truyền Internet quốc tế do động đất



Pisces
27-12-2006, 02:37 PM
Kết nối Internet châu Á gián đoạn vì động đất tại Đài Loan

Trận động đất (http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/12/3B9F1C31/) với cường độ ban đầu khoảng từ 6,7 đến 7,2 độ richter hôm qua đã cắt đứt một số tuyến thuộc vành đai cáp quang Hong Kong - Trung Quốc - Đài Loan. Sự cố bất khả kháng này gây ảnh hưởng đáng kể cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ tại châu Á, trong đó có FPT, VDC, Viettel ở VN.


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Vi-tinh/2006/12/3B9F1C80/hgc-cable-300%5B1%5D.jpg
Vòng tròn màu đỏ trong hình là khu
vực có các tuyến cáp quang bị đứt.
Ảnh: FPT Telecom.


Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam bị mất tới 60-70% lưu lượng. Hiện tại, bộ phận kỹ thuật của các công ty này vẫn đang tìm cách xử lý sự cố.

Đại diện VDC cho biết họ đang tiến hành 3 hướng khắc phục. Đầu tiên là khởi động hệ thống mạng dự phòng và liên lạc với đối tác phục hồi cáp biển để nhanh chóng khôi phục. Cán bộ kỹ thuật của VDC cũng đang phân luồng để ưu tiên những khách hàng quan trọng. "Đây là sự cố thiên tai bất khả kháng và sẽ tìm mọi cách, chấp nhận chi phí cao để nhanh chóng khôi phục sự cố", một đại diện ISP này cho biết.

Hiện một số website tại VN vẫn hoạt động bình thường nhưng việc truy cập một số dịch vụ thoại và nội dung, chủ yếu là tới Mỹ, đều bị chập chờn hoặc gián đoạn.

Theo ông Phạm Công Liêm, Phó giám đốc Trung tâm quản trị mạng Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), sự cố này nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà cung cấp Internet. Những ảnh hưởng cụ thể mà người dùng đầu cuối có thể thấy là tốc độ đường truyền sẽ chậm, khó kết nối hoặc không thể kết nối. "FPT cũng có những phương án dự phòng nhưng thực sự thì không thể khắc phục được 100%", ông Liêm cho biết. "Phía đối tác từ Hong Kong của chúng tôi cũng chưa thể xác nhận thời gian khắc phục sự cố này".

Theo ghi nhận sơ bộ của một số nhà điều hành mạng cáp, đây là một sự cố khá nghiêm trọng vì phần lớn lưu thông Internet từ Nam Á tới Bắc Á và Mỹ, đặc biệt là từ Hong Kong và Đài Loan tới Mỹ, sẽ bị tắc nghẽn.

Tuyến Đài Loan - Trung Quốc và Hong Kong - Trung Quốc bị đứt đã khiến toàn bộ lưu thông mạng từ khu vực Nam Á tới Bắc Á tê liệt hẳn. Kết nối từ Hong Kong sang Nam Á vẫn hoạt động nhưng sẽ sớm bị tác động mạnh vì thông lượng từ các kênh còn lại bị dồn sang.

Tuyến Hong Kong tới Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản gần như "chết" hẳn, nhưng lưu thông từ Hong Kong tới Nam Á và Australia không bị tác động. Kết nối từ châu Âu, Trung Đông và Nam Á tới Bắc Á đã bị cắt đứt hoàn toàn.

Năm 2003, động đất tại Đài Loan cũng đã làm đứt 3 tuyến cáp nối từ Trung Quốc đi một số nước khác khiến thông tin bị đình trệ gần 1 tháng. Tháng 5/2004, tuyến cáp quang biển quốc tế nối từ Tây Âu - Trung Đông đến Thái Bình Dương gọi tắt là SE-ME-WE 3 cũng đã bị đứt đoạn tại Hong Kong, khiến việc kết nối từ Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


P.K. - H.H.

hrockvn
28-12-2006, 08:40 PM
Từ sáng 27/12 (khoảng 2 giờ) tất cả các thuê bao Internet tại VN của cả VNPT, FPT, VT đều không thể vào đc Yahoo cũng như truy cập một số website nước ngoài như EBay, Gmail, YahooMail,... Nguyên nhân là do trận động đất 7,2 độ richter diễn ra lúc lúc 19h34 (giờ Việt Nam ngày 26/12 tại phía nam đảo Đài Loan. ôt số tuyến cáp quang thuộc vành đai Trung Quốc - Đài Loan - Hong Kong đã bị gián đoạn. Thời điểm gián đoạn đường Internet quốc tế diễn ra tại Việt Nam chậm hơn 7 tiếng so với thời điểm xảy ra trận động đất, tức vào khoảng 2h sáng giờ Việt Nam.
Cụ thể, hệ thống cáp quang Trans Pacific nối từ châu Á đi Mỹ đã gần như bị tê liệt hoàn toàn. 70% lưu lượng Internet quốc tế của Việt Nam đi qua tuyến cáp quang Trans Pacific, nên bị ảnh hưởng khá nặng nề. Kết nối Internet quốc tế của FPT và Viettel hầu như không còn hoạt động trong buổi sáng nay.
Đường truyền Internet quốc tế của VDC vẫn còn hoạt động "leo lét" trong buổi sáng, nhưng từ sau 9h trở đi cũng rơi vào tình trạng quá tải và nghẽn mạng, khi các hoạt động truy cập quốc tế của các thuê bao ADSL tăng mạnh vào đầu ngày làm việc.

Rất may cho đến 20 giờ ngày 28/12 hôm nay mọi việc đã khắc phục đc phần nào. Yahoo Messenger đã vào lại đc nhưng hình như mất Offline. Internet ở Mỹ, Nhật, Châu Âu đều bị ảnh hưởng. Thế mới thấy giờ chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào Internet. Thiệt hại về người hình như có 2 nhưng kinh tế thì thật khủng khiếp.
May cái nữa là diễn đàn mình đặt server ở VN không thì cũng đi luôn diễn đàn mất một ngày nhẩy :D

culanbk
28-12-2006, 08:46 PM
Đúng thiệt hại về kinh tế khủng khiếp thật. Nay vào mấy trang nước ngoài load rã chậm quá tốn thời gian tiền của . Tiền net không lo nhưng tiền điện đáng ngại.

hrockvn
28-12-2006, 08:49 PM
Thấy bảo phải mất 5-7 ngày mới khắc phục hoàn toàn. Bên VT đã khắc phục đc 80% roài. Mạng VT vẫn khá nhanh

Quanganh
29-12-2006, 08:54 AM
Sự cố đứt mạng cáp quang: Internet “chập chờn” 10 ngày nữa

28-12, ngày thứ hai hệ thống viễn thông VN gián đoạn vì sự cố đứt cáp. Việc truy cập các website có máy chủ ở Mỹ vẫn gần như không thực hiện được. Dịch vụ Yahoo! Messenger hoàn toàn không kết nối được làm hàng triệu thuê bao tiếp tục “mất liên lạc”. Nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại.

Chưa khắc phục được

Tính đến chiều 28-12, hai công ty cho thuê cáp quang lớn nhất VN là Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) và Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đều khẳng định sự cố vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.


Sự cố đứt cáp quang tại Đài Loan khiến kết nối từ VN qua SMW-3 tới Hong Kong sang các khu vực khác qua hướng Đài Loan đã bị gián đoạn.

Đối với VTI, khách hàng chính của doanh nghiệp này đồng thời cũng là nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất VN là VDC đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hữu Khánh, giám đốc VTI, cho biết sự cố khiến khoảng 30% lưu lượng đường truyền Internet đi quốc tế của VDC bị mất.

Về phía Viettel, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc, ngoài việc cung cấp cáp quang truyền dẫn cho các dịch vụ điện thoại quốc tế, Internet của Viettel, đơn vị này cũng cung cấp cáp quang cho dịch vụ Internet của FPT và sự cố đứt cáp đã khiến tổng dung lượng đường truyền bị mất tới 80% (đối với Internet) và tới 90% (đối với điện thoại quốc tế).

Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại Internet cho biết lưu lượng điện thoại Internet (Internet phone) của công ty giảm khoảng 10% (chỉ còn khoảng 108.000 cuộc gọi thành công/ngày). Ông Tôn Minh Thông - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) - cho biết sự cố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn thuê bao ADSL và hàng chục khách hàng thuê kênh riêng của SPT.

Ông Trần Hòa Bình - trưởng phòng dịch vụ khách hàng Trung tâm Điện toán và truyền số liệu khu vực 3 (VDC3) - cho biết khoảng 80.000 khách hàng của VDC3 tại miền Trung đã bị ảnh hưởng bởi sự cố này. “Trong khi chờ khôi phục đường truyền chính quốc tế, chúng tôi đã phải dùng phương án chuyển tải dữ liệu qua một số kênh khác; tuy vậy việc truy cập cũng hết sức chậm và khó khăn” - ông Bình nói.

Trục trặc từ mail đến điện thoại


Người chủ cửa hàng Internet ở đường Hồng Hà (Q.Tân Bình, TP.HCM) giải thích với cô khách hàng duy nhất trong buổi sáng 28-12 về sự cố đứt cáp quang Internet quốc tế nên không thể đăng nhập vào mạng Yahoo! Messenger, cũng như không truy cập được các website ở nước ngoài (ảnh chụp sáng 28-12). Ảnh: N.C.T.

Tiệm net: nơi ế, nơi bình thường

Liên tục trong hai ngày 27 và 28-12, nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ Internet ở khu vực ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, TP Cần Thơ... rơi vào cảnh ế ẩm vì nhiều website không truy cập được. Chủ cơ sở Internet Bảo Trân trên đường Lê Hồng Phong, thị xã Sóc Trăng cho biết bình quân thu nhập của cơ sở khoảng 250.000-300.000 đồng/ngày nhưng trong hai ngày qua chỉ đạt được vài chục ngàn đồng/ngày, chủ yếu là in ấn tài liệu vì mạng bị sập. Tại phòng net của Thư viện Tổng hợp tỉnh Sóc Trăng chiều 28-12, hàng chục chiếc máy tính cũng nằm... trùm mền.

Tương tự hàng trăm dịch vụ Internet công cộng trên địa bàn Đà Nẵng cũng bị tê liệt hoàn toàn. Phần lớn khách hàng của các cơ sở dịch vụ này thường chat với Yahoo! Messenger, nhưng không sử dụng được nên các cơ sở này đều vắng khách.

Trong khi đó, tại TP.HCM, hầu hết các cửa hàng Internet vẫn hoạt động bình thường. Tốc độ truy cập có nhanh hơn chút đỉnh so với ngày hôm trước nhưng vẫn còn chậm so với bình thường.


Một số hãng hàng không quốc tế có đường bay đến VN cho biết ngay thời điểm đầu họ cũng có một số trục trặc về thông tin các chuyến bay, bán vé.Tuy nhiên sự cố đã được khắc phục nhanh chóng, các giao dịch và chuyến bay vẫn diễn ra bình thường. Một số ngân hàng cho biết các giao dịch trực tuyến trong và ngoài nước cũng có ảnh hưởng, tuy nhiên khách hàng đã được tư vấn thay đổi và thực hiện các giao dịch thủ công nên cũng không có ảnh hưởng gì nhiều. Các giao dịch giữa các ngân hàng và chi nhánh đều sử dụng mạng nội bộ của riêng ngân hàng nên ảnh hưởng từ sự cố này cũng không đáng kể.

Theo ông Phan Thanh Sơn, giám đốc kỹ thuật Công ty Cisco VN, một công ty phải thường xuyên làm việc với công ty mẹ ở nước ngoài thì rất nhiều hoạt động của công ty phải đình trệ. Mail thì không kiểm tra được hoặc tốc độ rất chậm, các báo cáo phải làm thông qua web cũng gặp tình trạng tương tự, các cuộc họp qua mạng với các nước bằng hệ thống VoIP hoàn toàn không thực hiện được trong hai ngày qua mặc dù công ty trang bị đường truyền trực tiếp 512kps.

Doanh nghiệp Mabuchi Motor (Nhật Bản) đóng tại KCN Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã không thể trao đổi thư từ được với công ty mẹ tại Nhật Bản. “Lâu nay việc trao đổi đều bằng email hoặc qua chat. Thế nhưng gần ba ngày nay toàn bộ việc trao đổi đều phải sử dụng bằng điện thoại. Chi phí của doanh nghiệp tăng lên” - một đại diện của Mabuchi Motor Đà Nẵng cho biết.

Một công ty tại Cần Thơ cho biết nhiều ứng viên ở xa đã đăng ký tuyển dụng qua mail được công ty chấp nhận nhưng hiện tại công ty không thể nắm được thông tin khiến hoạt động này gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) - cho biết do sập mạng nên hai ngày qua công ty đã gặp rất nhiều trở ngại trong kinh doanh vì muốn gửi mail cho khách hàng nhưng không gửi được. Chính vì vậy mà phải chuyển qua hình thức giao dịch bằng cách gọi điện thoại đường dài ra nước ngoài không chỉ tốn nhiều tiền hơn trước đây mà nhiều lúc vẫn không gọi được vì phía bên kia thường xuyên bận máy.

Giải pháp tạm thời

VTI và Viettel đều tìm cách khắc phục sự cố bằng cách chuyển dung lượng chạy qua tuyến cáp quang bị đứt sang các tuyến khác. Việc san bớt dung lượng sang những tuyến khác không gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên vô hình trung đã tạo nên sự chật chội nên đường truyền không đảm bảo tốc độ như mong muốn, đặc biệt vào thời gian cao điểm.

So với Internet, tính đến chiều qua, dịch vụ điện thoại quốc tế đã được khôi phục tối đa do lưu lượng điện thoại quốc tế không lớn.

Ông Hà Thân - tổng giám đốc Công ty Lạc Việt, một doanh nghiệp làm phần mềm - cho biết: “Chúng tôi phải rất kiên nhẫn để chuyển dữ liệu đến các đối tác nước ngoài qua đường Internet”. Nhiều gói dữ liệu có dung lượng lớn phải phân thành nhiều gói nhỏ mới gửi được, thậm chí có lúc cũng không gửi được.

Ông Nguyễn Hữu Hiền - giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm TP.HCM (SSP) - cho biết ngoài các đường Internet trực tiếp, khu phần mềm này còn sử dụng hệ thống viễn thông qua vệ tinh VSAT. “Vì vậy, chúng tôi không lo ngại về những ảnh hưởng của sự cố Internet do động đất tại Đài Loan” - ông Hiền nói.

10 ngày hay ba tuần?

Theo dự đoán của các chuyên gia, do sự cố trên toàn bộ hệ thống nên việc khắc phục không chỉ phụ thuộc vào riêng VTI và Viettel mà phụ thuộc vào nhiều đối tác quốc tế nên ít nhất phải mất 10 ngày mới khôi phục hoàn toàn.

Theo thông tin từ TeleGeography, đây là sự cố viễn thông lớn nhất từ trước đến nay. Còn theo tin từ Tyco Telecommunications, vị trí các tuyến cáp quang vào khoảng 30m dưới đáy biển nên tàu sửa chữa phải mất vài ngày mới đến được các vị trí cần sửa chữa và thông thường phải mất vài ba tuần, thậm chí lâu hơn nữa mới có khả năng khôi phục hoàn toàn.

Chiều qua ông Phạm Hồng Hải, vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ Bưu chính - viễn thông, cho biết bộ đang đôn đốc các doanh nghiệp liên quan gấp rút khắc phục sự cố. Bộ cũng đã ra một thông báo xung quanh sự cố này. Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan trong trường hợp cần thiết cho phép tàu nước ngoài đi vào hải phận VN để sửa chữa cáp biển, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Quanganh
29-12-2006, 09:41 AM
Đứt cáp quang do động đất, Internet VN chỉ còn 30% lưu lượng

Ngay sau trận động đất ở phía nam Đài Loan tối qua 26-12, hệ thống cáp quang từ châu Á nối đi Mỹ có tên Trans Pacific đã gần như bị tê liệt. Sự cố này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến liên lạc từ châu Á sang Mỹ.

VN bị ảnh hưởng khá nặng khi hơn 70% lưu lượng kết nối đi Mỹ qua đường Trans Pacific đã bị vô hiệu hóa. Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc công ty FPT Telecom cho biết hiện trong 2Gps lưu lượng của đơn vị này đi Mỹ chỉ còn 30% hoạt động cầm chừng. Do đó các kết nối vào các máy chủ ở Mỹ sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên các kết nối đi máy chủ đặt ở VN hay châu Á vẫn bình thường.
Theo ông Lê Hữu Hiền, giám đốc công ty Viettel Internet thì hiện luồng 155Mps nối với NTT của Nhật và Telegros vẫn bình thường nhưng 2 luồng 155Mps đi PCCW của Hong Kong chỉ còn hoạt động 30% còn 3 đường 155Mps đi China Telecom còn 10%. Hiện Viettel đang tìm hướng khác như khởi động lại hệ thống vệ tinh dự phòng tuy nhiên do ở các nước đang mùa nghỉ lễ nên việc khắc phục đang rất khó khăn.

Trả lời hãng thông tấn Bloomberg, hai hãng viễn thông hàng đầu châu Á là Singtel và PCCW đều cho biết đường kết nối Internet đi Mỹ của họ bị đứt do động đất ở Đài Loan.

Thống kê của Trung tâm Internet VN cho biết hiện VN có tổng cộng lưu lượng kết nối Internet là 6,325 Gps.

Hệ thống viễn thông khắp Châu Á bị ngưng trệ nghiêm trọng

TTXVN cho biết, ngày 27-12, hệ thống viễn thông trên khắp Châu Á đã bị ngưng trệ nghiêm trọng sau trận động đất này làm hỏng các đường cáp dưới biển, làm chậm tốc độ đường truyền của các dịch vụ Internet và các giao dịch tài chính.



Lại xảy ra động đất tại Indonesia

Trung tâm khí tượng học Inđônêxia ngày 27-12 cho biết một trận động đất mạnh 5,6 độ richter đã làm chấn động khu vực phía Bắc đảo Sulawesi của Indonesia. Hiện vẫn chưa có thông tin gì về thương vong và thiệt hại.

Theo trung tâm trên, trận động đất xảy ra lúc 6h56' sáng, sâu dưới đáy biển 59 km, tâm chấn cách Manado, thủ phủ của tỉnh Bắc Sulawesi 210 km về phía Bắc Đông-Bắc.

Trận động đất đã gây chấn động tại Manado và các đảo gần Sangihe. Trận động đất này xảy ra sau một trận động đất khác dưới biển diễn ra ngày 26-12 tại vùng biển ngoài khơi Đài Loan, dẫn đến cảnh báo về sóng thần.


Tập đoàn KT, nhà cung cấp dịch vụ cố định và đường truyền băng thông rộng hàng đầu của Hàn Quốc, cho biết sáu đường cáp dưới biển đã bị hỏng trong trận động đất đêm 26-12.

Phát ngôn viên của tập đoàn trên nói: "27 khách hàng của chúng tôi đã bị tác động. Hiện vẫn chưa rõ khi nào thì chúng tôi có thể khôi phục lại các dịch vụ này".

Công ty Viễn thông Chunghwa của Đài Loan cho biết hai trong số bốn đường cáp dưới biển nằm ở ngoài khơi Đài Loan đã bị ảnh hưởng.

Các ngân hàng và các nhà kinh doanh ở khắp khu vực này đều thông báo có vấn đề với hệ thống viễn thông, với việc các đường dây điện thoại và đường truyền Internet bị cắt hoặc có tốc độ đường truyền rất chậm.

Công ty viễn thông Singapore, công ty điện thoại hàng đầu tại Đông Nam Á, cho biết một số khách hàng của công ty này đang gặp khó khăn trong việc truy cập vào các trang Web trên Internet và các dữ liệu khác.

* Sự cố này gây ảnh hưởng tới một số khách hàng Internet, Frame Relay và VPN, việc kết nối liên lạc của khách hàng bị gián đoạn hoặc không ổn định. Tuy nhiên, các kênh đi quốc tế do VDC quản lý không bị gián đoạn hoàn toàn.

Ngay khi phát hiện ra sự cố, các chuyên gia kỹ thuật của VDC và đối tác cung cấp tuyến cáp quang nước ngoài đã nỗ lực tập trung khắc phục. Các kỹ thuật viên của VDC đang khẩn trương lọc và tìm cách ứng cứu kịp thời cho những khách hàng quan trọng theo thứ tự ưu tiên. VDC đã thông tin đề nghị các đối tác Viễn thông nước ngoài của mình sắp xếp chuyển những khách hàng quan trọng qua hướng khác.

Các chuyên gia viễn thông cho biết để sửa chữa cáp quang biển phải đưa tàu chuyên dụng ra biển dò điểm đứt và hàn lại nên có thể mất cả tháng mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Thống kê của Trung tâm Internet VN cho biết hiện VN có tổng cộng lưu lượng kết nối Internet là 6,325Gps. Năm 2003, động đất tại Đài Loan cũng đã làm đứt ba tuyến cáp nối từ Trung Quốc đi một số nước khác khiến thông tin bị đình trệ gần một tháng. Tháng 5-2004, tuyến cáp quang biển quốc tế nối từ Tây Âu - Trung Đông đến Thái Bình Dương (gọi tắt là SE-ME-WE 3) cũng bị đứt đoạn tại Hong Kong, khiến việc kết nối từ VN bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

K.V.

Quanganh
29-12-2006, 10:44 AM
Kẹt xe" như giao thông...

Ông Trương Hoài Trang, giám đốc Trung Tâm Điện Toán và truyền Số Liệu khu vực 2 – VDC2, đại diện một trong những nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (ISP) mạnh nhất Việt Nam - trong một lần trả lời phỏng vấn một tạp chí chuyên ngành đã tránh đề cập đến vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là: “Có phải các nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (ISP) làm ngơ để người dùng "chen" nhau khi cùng “lưu thông” trên Internet hay không”? Câu trả lời của ông Trang: “Xin không bình luận về vấn đề này vì cũng như với giao thông, Internet có những đặc thù riêng”.

Vấn đề rất đơn giản: khi diện tích đường xá chưa được cải thiện mà số phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh thì hiện tượng kẹt xe tắc đường không thể tránh khỏi. Tương tự, khi tổng dung lượng đường truyền tăng theo cấp số cộng mà số lượt truy cập, tải tin và dung lượng tin tải tăng theo cấp số nhân thì tắc nghẽn đường truyền trên Internet là việc ắt đến.

Từ nhiều tháng trước, nhiều người tiêu dùng đã có chung nhận xét: tốc độ đường truyền ADSL vào nhiều thời điểm chỉ như, thậm chí còn kém cả chất lượng đường truyền dial-up vào thời kỳ đầu. Với tốc độ trung bình khoảng 50Kbps (gần 5KB) của dịch vụ dial-up lý tưởng, việc xem tin tức hay tải file thông thường kích thước một vài MB trở lại là tạm ổn, ngoại trừ vấn đề với cước phí kép (tính vào thời gian sử dụng điện thoại và thời gian truy cập Internet).

Trừ những máy chủ dữ liệu yếu không phục vụ được việc duyệt web, tải các tập tin theo tốc độ mà bên tải huy động được, các máy chủ trung bình và mạnh trên Internet đều đáp ứng tối đa khả năng của bên tải. Bên tải đăng ký tốc độ tải xuống bao nhiều thì bên cho phép tải đáp ứng được chừng đó. Thế nhưng, thực tế tải tập tin hiện nay ở các người dùng cuối thật là mờ mịt, bất kể họ sử dụng dịch vụ của ISP nào: tốc độ tải huy động được hiếm khi đạt ba con số, nhiều lúc chỉ được một còn số tức chỉ vài Kbps. Tình trạng đó diễn ra bất kể người dùng cuối truy cập trang web hay nguồn dữ liệu cho tải xuống nào. Và, tải lên cũng thế!

Thanh tra chất lượng ADSL

Cơ quan kiểm tra chất lượng ADSL cần nghiên cứu rà soát lại tất cả các văn bản pháp quy về triển khai ADSL, các điều kiện đặt ra cho nó, nhất là về hệ thống đảm bảo chất lượng tối thiểu. Nếu văn bản chưa đầy đủ thì đề nghị Nhà Nước bổ sung để bảo vệ quyền lợi người dùng.

Tất cả những số liệu về tốc độ tải xuống/tải lên hiện nay của các nhà cung cấp đều không nói lên một điều gì cụ thể ngoài tác dụng để người dùng so sánh, chọn lựa. Những tốc độ 2Mbps/512Kbps tải xuống/tải lên (ví dụ) chỉ là để cho có, người dùng chưa bao giờ huy động được những tốc độ đó. Một chuyên gia công nghệ đã phải mất 3 ngày để tải xuống bản Windows Vista thử nghiệm dung lượng khoảng 3GB trên đường truyền đăng ký 2Mbps/512Kbps. Một ngày có 86.400 giây, nếu một giây tải xuống được 2Mbps thì một ngày, chuyên gia kia có thể tải xuống 21.600MB (1Byte (B) = 8bit (b)) hay 21GB. Chênh chất lượng giữa cam kết từ nhà cung cấp với thụ hưởng được khoảng 21 lần!!

Các ISP thường giải thích lỗi từ người khác, nào là đường truyền ra thế giới chưa đủ rộng, nào là giờ cao điểm có quá nhiều người cùng “lưu thông” nên đường truyền trong nước cũng kẹt luôn. Chưa ISP nào công bố năng lực thật của họ, ví như có khả năng đảm bảo bao nhiêu kết nối cùng lúc. Mọi tính toán để từ đó tung ra số lượng thuê bao có thể phát triển đều dường như vẫn theo cảm tính hoặc một tiêu chuẩn nào đó về sức chịu đựng của người tiêu dùng!

Bỏ phí thuê bao?!

Nhiều người tiêu dùng thật sự hoang mang khi một số ISP công bố mở những dịch vụ trực tuyến ngốn nhiều đường truyền như truyền hình qua Internet - IPTV, xem video theo yêu cầu – VoD. Không phải ai cũng có khả năng thụ hưởng những dịch vụ này vì không có nhu cầu hay không có tiền. Phần lớn người dùng chỉ dùng ADSL để xem tin tức, gửi e-maill và nhóm người này (như người đi xe thô sơ giữa một đô thị phồn hội) sẽ bị “ép chết” vào các lề đường của Internet.

Hoặc là có nhà cung cấp tuyên bố sử dụng cáp quang làm vật truyền dẫn. Cáp quang cho phép truyền dung lượng cực lớn so với cáp đồng, nên, nếu “quỹ lưu thông” chưa phát triển được nhiều thì việc ứng dụng cáp quang sẽ giết chết các ứng dụng cáp đồng và người tiêu dùng như một nhà đầu tư nào đó đang sử dụng cáp đồng sẽ phải hứng chịu tất cả hậu quả của sự “ép chết” mới. Hình tượng người dùng Internet “giẫm đạp” lên nhau vẫn còn nguyên, thậm chí sẽ thê thảm hơn.

Các ISP phải có dịch vụ mới mới có thể gia tăng giá trị và thu hút cũng như giữ được người dùng, nói một cách khác là giữ được số thuê bao và khoản thu từ phí thuê bao. Động cơ này thường dẫn đến cạnh tranh theo chiều hướng bất ổn thiệt cho cả các ISP lẫn người sử dụng. Người dùng hiện nay đang ở trong tình trạng không thể không có ADSL. Có ADSL rồi không thể không dùng. Nhưng khi dùng thì có quá nhiều bực bội, chán chường do chất lượng ngày một suy giảm. Để công bằng, người không dùng không phải trả tiền, một chế độ (nếu đạt được bằng một cách nào đó như một sự phán quyết của nhà nước chẳng hạn) quy định các ISP chỉ được phép thu phí sử dụng thì bài toán chất lượng sẽ được giải quyết trên mức mong đợi!

Khi xoá bỏ phí thuê bao, ISP buộc phải nâng cao chất lượng khiến người dùng thích và dùng dịch vụ đó theo đúng nhu cầu. Việc để nhà khai thác có tiền tạo mới các thuê bao khác hoặc và để ngăn chặn người sử dụng đăng ký cùng lúc dịch vụ của nhiều hay tất cả ISP có thể giải quyết được bằng chi phí lắp đặt và mở cửa dịch vụ. Điều này hôm nay tưởng khó vì các ISP đang quen khuyến mãi người dùng sử dụng dịch vụ của mình rồi hạ hồi toan tính. Nhưng, nếu không cho các ISP thu phí thuê bao thì các ISP phải thu phí lắp đặt. Người dùng đằng nào cũng phải trả tất cả những gì đã và sẽ được khuyến mãi. Cho nên, sẽ không có vấn đề gì ngoài việc nếu người dùng thiếu tiền đầu tư thì vay ngân hàng hay sử dụng dịch vụ trả góp của chính ISP.

Mong thanh tra chất lượng ADSL sẽ ngăn dịch vụ ADSL xuống cấp đồng thời góp phần giải quyết bài toán quy hoạch kết nối trên Internet. Trong môi trường này, người dùng cũng chính là nhà đầu tư vào ISP họ chọn. Quy hoạch chắc chắn không thể đáp ứng được mọi nhu cầu nhưng tối thiểu cũng đề ra được các chuẩn mực nhất định mà các ISP phải đáp ứng được.

Như Dũng