PDA

View Full Version : Loạn ngữ thời @ !



Diệp lục
29-12-2006, 02:40 PM
Là câu nói vui của những người... không còn trẻ khi tiếp xúc với loại ngôn ngữ ngoài luồng - tạm gọi là ngôn ngữ @, ngôn ngữ chat hay ngôn ngữ mạng - khởi phát từ Internet và dần lan vào đời sống.


Càng… lùng bùng càng sành điệu

Khó thể khẳng định ngôn ngữ @ xuất hiện chính xác từ bao giờ nhưng chắc chắn là sau khi Internet trở nên phổ biến ở nước ta. Giới trẻ đã và đang tự tạo ra thứ ngôn ngữ “đặc chủng”, tin nhắn cũng như blog là những công cụ mới nhất để họ thể hiện điều đó.

Các công dân mạng bây giờ hầu như ai cũng hiểu rõ Mu không phải là… CLB bóng đá Anh Manchester United mà là Miss you (nhớ anh/em); hay Cu tức See you (gặp lại sau); hay Bít lùm chít lèn không phải “ngoại ngữ khu vực” mà là… biết làm chết liền. Theo đó, Chít rùi nghĩa là Chết rồi (!)…

Kiểu viết tắt tiếng Anh như đánh đố hay kiểu viết tiếng Việt trại âm nghe lạ tai trên vẫn còn ở đẳng cấp… la đà bởi dân sành điệu bây giờ là phải viết sao cho người khác đọc vô càng cảm thấy “lùng bùng” mới càng sành điệu.

“Zô năm học òi, full fải off nick thôi, hè năm sau sẽ típ tục fát chiển sự nghiệp spam zĩ đại ^_^, mọi chi tiết xin liên hệ …@ da heo chấm cơm vào mỗi són chủ nhẹt (zống wảng cáo wá zậy chòy). hè năm nay zui thẹt, wen dc méi chục bạn online ^_^ bb all, giờ này hè năm sau giang hồ sẽ lại típ tục đẫm máu –> giống fin kiếm hiệp trung bông (wa) wá >”< Kakaka!!!”.

"... Nhưn coá ai noái fin coan heo là tồ tệ, xấu xe, kinh zị đến thế đư, tại mí cha coan chai làm choa noá xấu chứ pộ, tui đê cũng cóa lèn coai rùi mừ đu théi cóa sao đu?!”; “Trùi oy, coan ghía mè bèi đẹt coai fin coan heo. Coai mụt lìn dzị roài ngịn, kể như thoai, tiêu me, kệ nó lun, từ nay tụi en chưi xẻ léng sén dậy súm ^^! blah blah blah!!!”…

Những câu thoại trên người viết tình cờ “chộp” được khi dạo qua forum (diễn đàn) của vài trường trung học phổ thông khá có tiếng trong thành phố.

Đoạn đầu chưa đến nỗi khó hiểu lắm nhưng đến ba đoạn dưới thì nhiều người đã bắt đầu… lùng bùng, kể cả vài chatter chuyên nghiệp! Tuy nhiên, khi đưa những câu trên cho nhiều người đa số nhăn trán suy nghĩ một chút rồi cũng cười, một số ít chỉ vừa đọc vài dòng đã trả lại, vẻ bực bội: “Nhảm nhí, ngôn ngữ đường phố, không thể chấp nhận được…”

Thử lý giải nguyên nhân

Chuyện dùng tiếng lóng hoặc viết tắt thực ra không mới, thời nào cũng có và nước nào cũng có. “Ở nước ngoài, các chatter cũng nói lóng và viết tắt như điên!” - bạn Lê Hoàng H., lớp 11 Trường Lê Quý Đôn, nickname badboy nói, và hùng hồn đưa ra dẫn chứng: “Khi tụi nó viết Paw có nghĩa là: Parents are watching - ba mẹ đang theo dõi đấy (!), Mos tức Mom over shoulder - mẹ đang đứng sau lưng tớ.

Theo đó, Omg là Oh my God - lạy chúa tôi; Lol: laughing out loud - cười to lên nào; Brb: Be right back - tớ sẽ quay lại ngay; Ttul: Talk to you later - nói chuyện sau nhé; hay Wu: what’s up - gì thế?... và còn rất rất nhiều, không thể nhớ hết, cũng không thể hiểu hết”.

Ở Việt Nam, ngay từ khi xuất hiện, những từ ngữ vừa lạ lẫm, vừa khiến người ta “chóng mặt” trên đã lập tức lây lan rất nhanh, không chỉ trong giới học sinh, sinh viên mà trong cả những người lớn rảnh rỗi, chuyên “ngồi đồng” trong các quán cà phê Internet hoặc loay hoay tít mù với chiếc mô-bai nơi quán cóc vỉa hè.

Và do đa số phải dùng tiếng Việt không dấu khi chat hoặc nhắn tin, do phải “tung hứng” với nhiều Instal Message (cửa sổ chat) cùng lúc nên các chatter phải thường xuyên viết tắt mới kịp tốc độ, “không thì đối tượng sẽ phải ngủ gật vì chờ!” - một chatter lý giải.

Còn tin nhắn thì bị giới hạn bởi số ký tự, vì vậy để chuyên chở nhiều nội dung trong một tin, người nhắn phải tìm cách viết tắt tối đa nếu không muốn bị… tính tiền 2 tin.

Nhưng có lẽ, nguyên nhân chính là xu thế hấp thu những cái mới trong cuộc sống liên tục diễn ra theo hướng mở của giới trẻ, điều này làm nhiều bậc phụ huynh đau đầu, lo lắng, khi thỉnh thoảng liếc qua màn hình vi tính hoặc lén đọc tin nhắn của con.

Nhiều người chau mày khó chịu khi nghe những câu mà theo họ là so sánh khập khiễng, nhảm nhí, vô bổ từ miệng con em mình như: “buồn như con chuồn chuồn”, “chán như con gián”, “nhỏ như con thỏ”, “lớn như con lợn”, v.v…

Khi được hỏi vì sao thích dùng ngôn ngữ loại này thì phần lớn các em đều lắc đầu không giải thích, một số em khác nói đơn giản chỉ vì thấy vui vẻ, thoải mái khi nói như vậy, thế là bắt chước nhau nói thôi.

“Nếu chat mà dùng lời lẽ nghiêm túc giống như… làm văn trong nhà trường thì sẽ rất “lúa” (nhà quê), khi đó không ai thèm chat với mình nữa!” - nhiều em khác nói. Còn các bậc phụ huynh? “Thật không thể hiểu nổi thứ ngôn ngữ méo mó, được viết một cách vô tội vạ như vậy” - đa số phụ huynh bày tỏ.

Một giáo viên của Trường Nguyễn Du, Q1, tỏ ra rất bức xúc: “Nếu làm ngơ, căn bệnh này sẽ rất khó trị”. Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM đặt vấn đề một cách nghiêm trọng hơn: “Tình trạng này lan rộng sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em, các em sẽ mất đi năng lực cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ…”.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Diệp lục
29-12-2006, 02:45 PM
Ngôn ngữ @ kiểu này, thỉnh thoảng nói cho vui thì cũng hay đấy, chứ nếu nói cửa miệng như thế thì khó hiểu, tiếng mẹ đẻ đang bị bóp méo ! Tôi ko hề có ý nói ngược cách nói trại kiểu này, nhưng hãy suy nghĩ về cách bạn đang nói trên giới online, hãy là một TEEN VĂN MINH nhé ^_^

hanvanhuynh
29-12-2006, 02:52 PM
Ngôn ngữ @ kiểu này, thỉnh thoảng nói cho vui thì cũng hay đấy, chứ nếu nói cửa miệng như thế thì khó hiểu, tiếng mẹ đẻ đang bị bóp méo ! Tôi ko hề có ý nói ngược cách nói trại kiểu này, nhưng hãy suy nghĩ về cách bạn đang nói trên giới online, hãy là một TEEN VĂN MINH nhé ^_^
Diệp lục có vẻ yêu Tiếng Việt quả nhỉ? Chắc thấm nhuần tư tưởng của bác Đồng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) về gữi gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Hoan hô. Tuổi trẻ khi khái đấy.
"Yêu sao tiếng mẹ Việt Nam
Hội nhập xin chớ hoà tan theo người"

ngayxua
29-01-2007, 09:39 AM
Giới trẻ và sự biến tướng của ngôn ngữ thời nay


Để ca ngợi cái đẹp thì “đẹp dã man”, đi ăn quà hoặc khen một cô gái thì bình luận “hơi bị ngon”, còn “vụ này có vẻ lục tốn đấy nhỉ” là để nói về một vụ chi tiêu tiền bạc. Đó là một vài ví dụ trong vô vàn chuyện về sử dụng ngôn ngữ hiện nay mà đại đa số nằm trong giới trẻ Hà Nội.

Nửa Tây nửa ta trong giao tiếp

Xuất hiện hiện tượng sính ngoại ngữ qua cách sử dụng tiếng lóng, tiếng bồi một cách vô tội vạ gây phản cảm. Nào là “búc phòng” (đặt phòng), “chếch ao, chếch in”(làm thủ tục trả hoặc lấy phòng khách sạn), “thanh kiu anh”, “so-ri anh, em pho-ghét mất” (xin lỗi anh, em quên mất). Tệ hơn, anh P. Hải công tác tại một đơn vị viễn thông không hiểu vì quen miệng hay vô ý hỏi xin một người công nhân làm nghề quét dọn đường phố chiếc “nêm cạc” (name card - danh thiếp) khiến chị chẳng hiểu anh muốn lấy cái gì, và khi hiểu ra thì chị đã đỏ mặt tưởng anh chơi xỏ mình.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, công tác tại một tổng đài bưu điện ở Hà Nội, đã gặp phải một tình huống khó xử khi trong buổi ra mắt đã giới thiệu bạn gái với mẹ mình bằng ngôn ngữ nửa Anh nửa Việt. Bạn của anh vốn làm nghề quan hệ công chúng (tiếng Anh gọi là PR, phát âm chuẩn là pi-a). Do nghe không rõ hoặc vì lạ lẫm với ngôn từ khiến bà cụ hiểu là cô gái làm ở quán bi-a và cho rằng con gái làm ở những nơi đó không ra gì, đã ngăn cấm Tuấn và cô bạn đi lại với nhau.

Theo tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Văn Ngọ, hiện tượng nói năng, phát ngôn bừa bãi này đã trở thành “bệnh”. Nó làm mất đi những nét đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt. Còn theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, công tác tại một trường đại học ở Hà Nội, những cách nói năng này đang làm tiếng Việt của chúng ta trở nên méo mó đáng thương hơn bao giờ hết.

Ngôn ngữ bị biến tướng

Thói “a dua” sử dụng tiếng lóng trở nên phổ biến ở bất kỳ đâu, nhất là trong giới thanh niên, học sinh. Để khen một người nhiều tiền thì “thầu giầu nhỉ”. Đi xe máy luồn lách trên phố thì: “mày thấy tao xà lách tởm không”, là lời mấy cậu choai choai phấn chấn khoe khoang “thành tích” với nhau.

Một số cánh đàn ông thì dùng từ “hàng” để gọi phái nữ dù những người con gái ấy rất đàng hoàng, đứng đắn, không phải dân chơi. Biến tướng hơn cả là những từ hằng ngày ta có thể thường xuyên nghe thấy: uống bia, rượu thì gọi là “bú”, hỏi ăn cơm chưa thì “đớp chưa”... Hỏi thăm sức khỏe người lớn thì: “Bác thấy sức khỏe đã ngon chưa?”, hoặc “Thằng cu nhà em ngủ ác lắm, mấy con muỗi đột nhập vào trong màn mà nó vẫn ngủ tít”.

Ngôn ngữ công sở ra chợ búa

Phóng viên có dịp tiếp xúc với chị Hải Hiền, kinh doanh tại một kiôt chợ Trung Hòa (Hà Nội). Chị ăn nói khá bài bản với một vị khách mua vật liệu xây dựng: “Dạ, báo cáo anh, hàng hóa tôi đã nhập về đầy đủ cả, chỉ cần anh có chỉ đạo tôi sẽ cho xe chở tới tận nơi ngay ạ”. Đến các chợ cóc, chợ tạm ở nhiều nơi trong thành phố ta cũng có thể gặp và nghe tiếng những bà bán hàng đon đả mời chào khách đi chợ mua thức ăn: “Chào thủ trưởng, thủ trưởng ký hợp đồng giải quyết giùm em nốt mấy lạng thịt đi”.

Ngôn ngữ chợ búa vào công sở

Ngoài những tiếng nói tục ra thì ngôn ngữ “chợ búa” cũng âm vang khắp các văn phòng, công ty. “Chào đại ca, chiều nay đội hình mình đi làm tí máu nhỉ (ăn tiết canh động vật)” hay: “Này, đang ở đâu, ‘lết’ đến chuồng tao rồi đi hít, bắn mấy bi nhé”( ý muốn rủ bạn sang cơ quan rồi đi uống nước, hút thuốc).

Jimmy Page
22-02-2007, 06:01 PM
Đó là cái giá phải trả cho 1 xã hội phát triển.
Nhưng thôi, cái gì cũng qua quá trình thử thách, nếu không được chấp nhận sẽ bị đào thải. Thời gian sẽ trả lời
There will be an answer, let it be
Không thể bắt bọn trẻ con theo chúng ta được