PDA

View Full Version : Hoàng tử nhỏ - Antoine de Saint-Exupéry



Jimmy Page
31-12-2006, 04:45 PM
Gửi Léon Werth

Tôi xin lỗi các bé con, vì đã đề tặng cuốn sách này cho một người lớn. Tôi có một lẽ chân xác để tự bào chữa, và xin được thứ lỗi: người lớn nọ là người bạn chí thiết trong đời tôi. Tôi còn một lẽ nữa: người lớn nọ có thể hiểu hết mọi sự, ngay cả những cuốn sách viết cho bé con, người ấy cũng hiểu nốt. Tôi còn một lẽ thứ ba để được tha thứ: người lớn nọ hiện sống ở Pháp, và đang chịu đói và rét. Y thật cần được an ủi. Nếu tất cả những lẽ đó không đủ để bào chữa cho mình, thì tôi rất muốn đề tặng cuốn sách này cho đứa bé con mà xưa kia người lớn nọ đã từng là nó vậy. Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con (nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia). Vậy tôi xin sửa chữa lời đề tặng:


Gửi Léon Werth
Thuở ông ta còn là bé con

I

Thuở lên sáu, một lần nọ tôi thấy một bức tranh lộng lẫy, trong một cuốn sách viết về Rừng Thẳm nhan đề là “Sự tích đã sống.” Bức tranh đó họa một con trăn đương nuốt một con mãnh thú. Trên đây là bản mô phỏng bức họa kia.





Trong cuốn sách người ta nói: “Giống trăn nuốt toàn thể con mồi, không nhai nghiền gì cả. Rồi sau đó, giống trăn không còn có thể rục rịch nữa, nên nằm ngủ ròng rã suốt sáu tháng trời là thời gian tiêu hóa.”

Từ đó, tôi đã suy gẫm rất nhiều về những trận lưu ly mạo hiểm của rừng sâu và, tới phen mình, tôi cũng đã dùng một cây bút chì màu mà vẽ nên bức họa đầu tiên. Bức họa số 1. Nó như thế này.





Tôi có đưa cho những người lớn xem kiệt tác của mình, và hỏi họ có kinh khiếp trước bức họa không.

Họ đáp: “Làm sao một cái mũ lại có thể xui người ta kinh khiếp?”

Bức họa của tôi không thể hiện một cái mũ. Nó vẽ một con trăn đương nằm tiêu hóa một con voi. Tôi bèn vẽ cái phía trong của cái bụng con trăn, cốt là để cho những người lớn dễ lĩnh hội. Người lớn bao giờ cũng cần có những sự giảng giải thì họ mới hiểu. Bức họa số 2 của tôi nó như thế này.





Những người lớn đã khuyên tôi nên gác lại một bên những thứ họa trăn, trăn mở bụng, hoặc trăn khép bao tử, và hãy chuyên tâm vào bài học địa dư, sử ký, tính toán và văn phạm. Thế là thuở lên sáu, tôi đã đành bỏ dở một tiền đồ sự nghiệp họa sĩ huy hoàng. Tôi đã chán nản vì sự thất bại của bức họa số 1 và bức họa số 2. Những người lớn chẳng bao giờ tự mình hiểu được cái gì cả, và trẻ bé nếu cứ phải giải thích đi giải thích lại, mãi mãi, hoài hoài, cho họ hiểu, quả thật là một điều mệt nhọc vô cùng.

Thế là tôi đành phải chọn một nghề khác, và tôi đã học lái máy bay. Tôi đã bay lăng quăng khắp chốn trên địa cầu. Và quả thật, môn địa dư đã có giúp ích tôi nhiều. Tôi chỉ cần thoáng nhìn qua một cái, là nhận ra được đất Trung Hoa từ quận Arizona. Sự đó rất cần ích, nếu ta lạc nẻo giữa ban đêm.

Và như thế, trong đời tôi, tôi đã từng tiếp xúc hàng đống bự, với hàng khối bự những nhân vật nghiêm trọng bảnh bao. Tôi đã từng sống nhiều ngày nơi nhà những người tai to mặt lớn. Tôi nhìn họ ở sát nhãn quan mình. Và điều đó chả có canh cải ý kiến của tôi được mấy chút.
Lúc nào tôi gặp một kẻ nào trong bọn họ, xem ra có vẻ sáng suốt một tí, thì tôi lại thử làm cuộc thí nghiệm về họ với bức họa số 1 của mình mà tôi vẫn còn giữ luôn luon. Tôi muốn rõ xem họ có thật quả là sáng ý hay không. Hay vẫn tối dạ như lẽ hằng. Nhưng họ luôn luôn bảo tôi: “Đấy là một cái mũ.” Vậy thì tôi chẳng nói gì nữa với họ, chẳng nói gì về giống trăn, về rừng hoang, rú thẳm, chẳng nói gì về những ngôi sao trên trời. Tôi hạ mình xuống cho ngang tầm khả năng của họ. Tôi nói về cách đánh bài, đánh cầu, về chính trị và về những màu ca-vát, những lối thắt nơ. Và người lớn đã rất hài lòng được quen biết một con người sao mà thiệp liệp thấu lẽ thị phi đến thế.

Jimmy Page
31-12-2006, 04:52 PM
II

Thế là tôi đã sống cô đơn như vậy đó, không ai để chuyện trò thật sự, cho tới ngày phi cơ hỏng máy rơi tòm giữa sa mạc Sahara, cách đây sáu năm. Một cái trục, một cái chốt nào đã gãy lìa trong máy. Và vì lúc lên phi cơ không có đem theo thợ máy, cũng không chở hành khách, tôi phải một mình lo toan cuộc chữa chạy hì hục khó khăn. Một vấn đề sống chết. Tôi chỉ còn đủ nước để dùng giỏi lắm là trong tám ngày thôi.

Đêm đầu, tôi đành phải ngủ trên cát ở ngàn ngàn dặm đất cách biệt với mọi miền có người ta cư trú. Tôi đã chịu biệt lập còn hơn một kẻ đắm tàu, bó gối ngồi trên chiếc bè giữa sóng gió đại dương. Thì hẳn bạn cũng hình dung ra cơn ngạc nhiên của tôi, lúc bình minh đến, chợt một giọng nói nhỏ lớ ngớ kỳ lạ bỗng đánh thức tôi dậy:

- Nếu vui lòng… hãy vẽ cho tôi một con cừu!
- Hả!
- Vẽ cho tôi một con cừu…

Tôi nhảy nhổm dậy một cái trên hai chân như bị sấm sét đập vào lưng. Tôi dụi hai tay lên mắt. Tôi mở to mắt ra nhìn. Và tôi thấy một chú chàng tí hon rất mực kỳ lạ đương chằm chặp trầm trọng nhìn tôi. Đây là bức chân dung khá nhất về chú bé mà sau này tôi đã cố gắng thực hiện được. Nhưng cố nhiên, bức tranh của tôi, đẹp là thế đó, vẫn còn thua xa dáng dấp tuyệt vời của chú bé. Đó chẳng phải lỗi của tôi. Từ lâu, từ thuở mới lên sáu, tôi đã quá nản lòng trong nghề nghiệp hội họa bởi tại những người lớn, và nào tôi có học vẽ được cái gì đâu, ngoài những con trăn khép bụng và những con trăn mở bao tử.

Thế là tôi chằm chặp nhìn sự đột hiện huyền ảo nọ, nhìn với hai con mắt tròn xoe kinh ngạc. Đừng quên rằng lúc đó, tôi hiện đang ở cách xa những miền cư trú của con người, xa đến ngàn ngàn dặm đất. Thế mà chú bé tí hon của tôi lại chẳng có vẻ gì lạc lối, chẳng có vẻ gì là mỏi mệt, hoặc chết đói, hoặc chết khát, hoặc chết vì kinh hoàng. Chú bé chẳng có vẻ gì một đứa trẻ lạc lõng giữa sa mạc, ở cách cõi sống của con người ngàn ngàn dặm đất. Cho tới lúc tôi gắng gỗ thốt được lời ra tiếng, thì tôi bảo:

- Nhưng… nhưng mà chú bé làm cái gì tại đây vậy?

Và chú bé dịu dàng lặp lại lời cũ, như dường coi đó là một sự vụ rất trang trọng:

- Nếu ông vui lòng… xin vẽ cho tôi một con cừu…

Khi sự huyền bí nó quá mức kích động, thì người ta không dám bất tuân. Dẫu sự vụ kia xảy ra có vẻ phi lý bao nhiêu đi nữa ở cách xa ngàn dặm mọi chốn cư trú của con người và đứng trước hiểm họa thập tử nhất sinh, tôi vẫn rút trong túi ra một tờ giấy và một cây bút máy. Nhưng tôi chợt nhớ ra là mình vốn nghiên cứu nhiều nhất là môn địa dư, sử ký, toán tính, và văn phạm, và tôi bảo với chú bé (với một chút bực dọc) rằng tôi đâu có biết vẽ. Chú đáp:

- Không hề gì. Vẽ cho tôi một con cừu đi.

Vì tôi vốn từ xưa chẳng bao giờ có vẽ một con cừu, nên tôi đành vẽ lại cho chú một trong hai cái loại tranh trong vòng khả năng của tôi. Đó là bức tranh con trăn khép bụng. Và tôi đờ đẫn kinh ngạc khi nghe chú bé tí hon đáp:

- Không! Không! Tôi không muốn, tôi không thích cái con voi trong bụng cái con trăn. Một con trăn, thật là nguy hiểm, và một con voi, thì thật là lịch kịch rầy rà. Quê tôi thì bé tí. Tôi cần một con cừu. Hãy vẽ cho tôi một con cừu đi.

Và tôi đã vẽ.

Chú bé chăm chú nhìn, rồi nói:

- Không! Con này coi đã ốm yếu quá. Vẽ một con khác đi.

Tôi vẽ.
Người bạn nhỏ mỉm cười một cách thật dễ thương, với giọng bao dung:

- Bác thấy đó… đó không phải là một con cừu, đó là một con dê đực, nó có hai cái sừng…

Vậy là tôi phải vẽ trở lại.

Nhưng bức này cũng bị từ khước, như mấy bức trước:

- Con này coi già nua cọm rọm quá. Tôi muốn một con cừu sống sao cho thật lâu.

Vậy là tôi mất kiên nhẫn, vì bận lo khởi sự vội vã tháo máy ra xem, tôi nguệch ngoạc vẽ bừa bức tranh sau đây.

Tôi văng ra một lời:

- Đó, đó là cái thùng. Con cừu chú muốn, nó nằm ở trong ấy.

Nhưng tôi kinh ngạc xiết bao khi nhìn thấy gương mặt chú “quan tòa” nhỏ dại bỗng rạng ngời ra:

- Thật đúng y như hệt! Đó là cái tôi muốn đó! Bác nghĩ có cần nhiều cỏ cho con cừu nó ăn?
- Vì sao hỏi vậy?
- Vì quê tôi, thật bé tí…
- Không hề gì. Vẫn đủ được lắm, chắc chắn vậy. Tôi cho chú một con cừu thật bé tí đó mà.

Chú nghiêng đầu nhìn bức tranh:

- Không thật bé tí lắm đâu… Coi kìa! Nó đã ngủ rồi.

Và như vậy đó, tôi đã làm quen với hoàng tử bé.