PDA

View Full Version : Portal là gì?



ngayxua
17-01-2007, 04:57 PM
Portal là gì?

Từ Portal (cổng) vốn là một thuật ngữ kiến trúc, chỉ lối vào một tòa nhà lớn. Trong lĩnh vực CNTT, Portal cũng có ý nghĩa tương tự. Có thể coi đó là cổng vào một kho thông tin lớn, đa dạng. Qua Portal, những đối tượng người dùng khác nhau có thể truy cập đến nhiều loại thông tin khác nhau nhưng theo một cách thức thống nhất.

Hiện nay có khá nhiều loại Portal: Portal công cộng, Portal riêng của công ty hoặc tổ chức, Portal chuyên ngành..., và gần đây còn xuất hiện các siêu Portal là Portal dẫn đến các Portal mức dưới. Hãy chỉ đề cập đến các Portal công cộng. Khác với các Portal chuyên ngành thường tập trung vào một lĩnh vực hẹp nhưng sâu hơn, thông tin do một Portal công cộng cung cấp bao trùm nhiều lĩnh vực, hoặc nhiều chủ đề trong một lĩnh vực lớn như kinh tế, khoa học, công nghệ, y học, thể thao, âm nhạc... Portal tích hợp thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ một Portal ở tầm quốc gia phải tích hợp thông tin từ trung ương và các bộ, ngành, địa phương. Portal của một thành phố phải tích hợp được thông tin từ các quận, huyện và các sở, ban, ngành.

Portal phục vụ cho nhiều lớp đối tượng sử dụng với các nhu cầu thông tin khác nhau. Ví dụ một Portal của thành phố phải cung cấp thông tin về thủ tục hành chính cho những người dân thường, thông tin dự án cho các nhà đầu tư, thông tin về bản đồ, thắng cảnh cho khách du lịch... Mọi đối tượng sử dụng đều có thể tìm kiếm và khai thác kho thông tin đa dạng này một cách dễ dàng qua một giao diện thống nhất mà không cần biết thông tin nằm ở đâu, do ai quản lý. Ví dụ, người dân phải tìm thấy và sử dụng được ngay dịch vụ hành chính mà họ cần, chứ không cần quan tâm đến những cấp chính quyền nào, những cơ quan nào liên quan đến các thủ tục hành chính đó.

Một trong các đặc trưng nổi bật phân biệt Portal với một website thông thường là khả năng người dùng giao tiếp trực tuyến, hai chiều để khai thác các dịch vụ công.

ngayxua
17-01-2007, 04:58 PM
Phần 1: .Khái niệm Portal

Portal (trong nhiều tài liệu tiếng Việt dịch là cổng thông tin điện tử tích hợp) là một ứng dụng chạy trên nền web có khả năng tích hợp và cá nhân hoá các ứng dụng, thông tin và các dịch vụ cộng tác. Portal cung cấp cho người dùng một điểm truy cập đơn tới các nguồn dữ liệu, nội dung và các dịch vụ đa dạng của một đơn vị nghiệp vụ hay các tài nguyên trên mạng internet.
Portal cung cấp cho người dùng cuối nhiều loại dịch vụ khác nhau với nhiều nhu cầu khác nhau, có thể phân biệt các loại portal sau:

• Cổng thông tin công cộng (Public Portals): ví dụ điển hình là Yahoo, loại cổng thông tin này được sử dụng để ghép nối các thông tin lại với nhau từ nhiều nguồn, nhiều ứng dụng và từ nhiều người, cho phép các nhân hoá (personalization) các website tuỳ từng đối tượng sử dụng.
• Cổng thông tin doanh nghiệp(Enterprise Portals): được xây dựng để cho phép các thành viên của doanh nghiệp sử dụng và tương tác trên các thông tin và ứng dụng nghiệp vụ tác nghiệp của doanh nghiệp
• Cổng giao dịch điện tử (Marketplace portals): ví dụ như eBay và ChemWeb, cổng thông tin này là nơi liên kết giữa người bán và người mua.
• Cổng thông tin ứng dụng chuyên biệt (Specialized portals): ví dụ như SAP portal, cổng thông tin loại này cung cấp các ứng dụng chuyên biệt khác nhau.

Phần 2:Các tính năng của Portal

Tuy có nhiều loại portal, cung cấp nhiều loại dịch vụ và ứng dụng khác nhau, nhưng tất cả các loại portal đều có chung một số tính năng. Các tính năng này là được sử dụng như một tiêu chuẩn để phân biệt giữa portal với một Web site hoặc một ứng dụng chạy trên nền tảng Web.

Các tính năng đó bao gồm:
• Khả năng cá nhân hoá (Customization hay Personalization): cho phép thiết đặt các thông tin khác nhau cho các loại đối tượng sử dụng khác nhau theo yêu cầu. Tính năng này dựa trên hoạt động thu thập thông tin về người dùng và cộng đồng người dùng, từ đó cung cấp các thông tin chính xác tại thời điểm được yêu cầu.
• Tích hợp nhiều loại thông tin (Content aggregation): cho phép xây dựng nội dung thông tin từ nhiều nguồn khác nhau cho nhiều đối tượng sử dụng. Sự khác biệt giữa các nội dung thông tin sẽ được xác định qua các ngữ cảnh hoạt động của người dùng (user-specific context), ví dụ như đối với từng đối tượng sử dụng sau khi thông qua quá trình xác thực thì sẽ được cung cấp các thông tin khác nhau, hoặc nội dung thông tin sẽ được cung cấp khác nhau trong quá trình cá nhân hoá thông tin.
• Xuất bản thông tin (Content syndication): thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, cung cấp cho người dùng thông qua các phương pháp hoặc giao thức (protocol) một cách thích hợp. Một hệ thống xuất bản thông tin chuyên nghiệp phải có khả năng xuất bản thông tin với các định dạng đã được quy chuẩn, ví dụ như RDF (Resource Description Format), RSS (Rich Site Summary), NITF (News Industry Text Format) và NewsXML. Ngoài ra, các tiêu chuẩn dựa trên XML cũng phải được áp dụng để quản trị và hiển thị nội dung một cách thống nhất, xuyên suốt trong quá trình xuất bản thông tin. Các tiêu chuẩn dựa trên XML này cho phép đưa ra giải pháp nhanh nhất để khai thác và sử dụng thông tin trên các Web site khác nhau thông qua quá trình thu thập và bóc tách thông tin với các định dạng đã được quy chuẩn.
• Hỗ trợ nhiều môi trường hiển thị thông tin (Multidevice support): cho phép hiển thị cùng một nội dung thông tin trên nhiều loại thiết bị khác nhau như: màn hình máy tính (PC), thiết bị di động (Mobile phone, Wireless phone, PDA), sử dụng để in hay cho bản fax…. một cách tự động bằng cách xác định thiết bị hiển thị thông qua các thuộc tính khác nhau. Ví dụ: cùng một nội dung đó, khi hiển thị trên màn hình máy tính thì sử dụng HTML, nhưng khi hệ thống xác định được thiết hiển thị là PDA hay mobile phone, hệ thống sẽ loại bỏ các ảnh có trong nội dung và tự động chuyển nội dung đó sang định dạng WML (Wireless Markup Language) để phù hợp cho việc hiển thị trên màn hình của thiết bị di động.
• Khả năng đăng nhập một lần (Single Sign On): cho phép dịch vụ xuất bản thông tin hoặc các dịch vụ khác của portal lấy thông tin về người dùng khi hoạt động mà không phải yêu cầu người dùng phải đăng nhập lại mỗi khi có yêu cầu. Đây là một tính năng rất quan trọng vì các ứng dụng và dịch vụ trong portal sẽ phát triển một cách nhanh chóng khi xuất hiện nhu cầu, mà các ứng dụng và dịch vụ này tất yếu sẽ có các nhu cầu về xác thực hoặc truy xuất thông tin người dùng.
• Quản trị portal (Portal administration): xác định cách thức hiển thị thông tin cho người dùng cuối. Tính năng này không chỉ đơn giản là thiết lập các giao diện người dùng với các chi tiết đồ hoạ (look-and-feel), với tính năng này, người quản trị phải định nghĩa được các thành phần thông tin, các kênh tương tác với người sử dụng cuối, định nghĩa nhóm người dùng cùng với các quyền truy cập và sử dụng thông tin khác nhau.
• Quản trị người dùng (Portal user management): cung cấp các khả năng quản trị người dùng cuối, tuỳ thuộc vào đối tượng sử dụng của portal. Tại đây, người sử dụng có thể tự đăng ký trở thành thành viên tại một công thông tin công cộng (như Yahoo, MSN…) hoặc được người quản trị tạo lập và gán quyền sử dụng tương ứng đối với các công thông tin doanh nghiệp. Mặt khác, tuỳ vào từng kiểu portal mà số lượng thành viên có thể từ vài nghìn tới hàng triệu. Hiện tại phương pháp phân quyền sử dụng dựa trên vai trò (Role-based security) được sử dụng như một tiêu chuẩn để cung cấp thông tin cho các đối tượng khác nhau trong các portal cũng như các ứng dụng Web.

ngayxua
17-01-2007, 05:00 PM
Phần 3: Kiến trúc nền của Portal

1.Portlets

Portlets là những thành phần giao diện người dùng có thể sử dụng lại được dựa trên nền Java nhằm xử lý các yêu cầu và tạo ra nội dung động.

2.Portlets container

Tất cả các nền portal đều cung cấp một môi trường thực thi thời gian thực cho portlets gọi là Portlets container. Portlets container quản lý các quá trình khởi tạo và huỷ các portles.

3.Portal Servies

Portlets dựa vào portlets container để cung cấp hạ tầng cần thiết hỗ trợ cho môi trường portal
Hạ tầng Portal cung cấp các tập hợp lõi services mà portlets yêu cầu bao gồm:
• Personalization services
• Event notification services
• Communication services
• Content Management services
• Search services
• Collaboration services
• User and Group management services
• Page transformation services

4.Portal Server

Là một ứng dụng phía server cung cấp business logic cho một ứng dụng portal. Một portal server thường hoạt động kết hợp với một web server để đáp ứng những request từ máy khách (client)

Phần 4: Cách phần biệt một Portal với các WEB site thông thường

• Trước hết là một portal không dựa trên những trang thông tin tĩnh, ví dụ HTML hay XML. Một số nội dung trên portal thực thụ có thể vẫn là dạng HTML hay XML, nhưng không phải là tất cả. Một cách hình thức, bạn đọc có thể kiểm tra như sau. Di chuột trên màn hình nhưng không kích chuột, khi đi qua từng mục thông tin hoặc các liên kết (gọi là link) trên trang, nếu thấy có link mà không đi đâu khác trang chủ, hoặc chỉ ra một tên tệp tin ở dòng trạng thái của trình duyệt có đuôi là HTM hay XML, và nếu điều này xảy ra với hầu hết các nội dung trên trang web thì nghi ngờ của bạn là có cơ sở. Vấn đề ở đây là cần có sự nhìn nhận đánh giá để đảm bảo việc ứng dụng CNTT với portal là đúng hướng, mà không giới hạn portal phải theo một công nghệ nào.

• Điều quan tâm thứ hai là cái portal bạn đang tìm hiểu đó có thể mở rộng được không. Nếu việc mở rộng các ứng dụng bổ sung mà phải “bẻ” mã của web site ra để viết thêm mô-đun về màn hình, các liên kết trang, các truy cập cơ sở dữ liệu mới, một hệ thống phân quyền sử dụng mới, v.v... thì hệ thống đó không gọi là có tính mở được, do không có khả năng tích hợp ứng dụng theo kiểu “ghép là chạy” như portal.

• Tiếp theo, những tính năng khác của portal cần đến quyền truy nhập sử dụng ở nhiều mức khác nhau mới có thể kiểm nghiệm được. Một lưu ý ở đây là mỗi portal được phát triển mới hoặc cung cấp từ những hệ thống có bản quyền thương mại đều tập trung giải quyết một lớp bài toán thực tế, vì thế không phải mọi tính năng về portal đều phải có trên portal mà bạn muốn kiểm nghiệm. Các tính năng đó bao gồm: “Đăng nhập 1 cửa” (thuật ngữ gốc là Single-Sign-On, viết tắt là SSO, là đăng nhập một lần vào hệ thống, được dịch là đăng nhập 1 cửa cho sát nghĩa hơn), khả năng phân loại nội dung thông tin dữ liệu và phân loại các ứng dụng trên portal, taxonomy, hệ thống phân quyền sử dụng truy cập các nguồn tài nguyên như mục thông tin hay chương trình ứng dụng dùng chung trên portal, hệ thống tìm kiếm đặc biệt, hệ thống ứng dụng cộng tác, các giao dịch web service, các portlet, khả năng cá nhân hóa để người dùng tự bố trí màn hình với những nội dung và ứng dụng mình cần đến trong từng thời điểm, thích ứng với các hệ thống xác thực không hạn chế (như Active Directory, LDAP, CAS,…).

kukumalu
12-03-2007, 05:47 PM
Bạn ơi bạn có thể chỉ dẩn cụ thể dum mình được ko?
1.Tổng quan Portal Server 2003
2.Tất cả Sofware Portal Server 2003
3.Cách hoạt động forum
4.Các thao tác khi đăng tin (báo) và phỏng vấn trực tuyến
5.Cách dựng forum
6.Cách sử dụng portal server để đăng tin và phỏng vấn trực tuyến
:thiensu:
nếu được thì mình cảm ơn bạn nhiều!