PDA

View Full Version : Các thể thơ Việt Nam



ngayxua
22-01-2007, 09:55 AM
CÁC THỂ THƠ VIỆT NAM

Quy tắc của văn vần ( Thơ )

- Thơ phải chú trọng ở luật bằng, trắc, văn, đối và niêm.


Vần bằng ( B ) là những tiếng có thanh cao mà ngắn, như những tiếng đoản- bình –thanh ( tiếng có, hay không có dấu giọng huyền ) hay là có thanh thấp mà dài như những tiếng tràng-bình – thanh ( có dấu giọng huyền )

Vần trắc ( T ) là những tiếng có thanh thấp mà ngắn, như những tiếng thượng thanh ( có dấu giọng sắc ) hồi thanh ( có dấu giọng hỏi ) khứ thanh ( có dấu giọng ngã ) hạ thanh ( có dấu giọng nặng )

Vần là những tiếng cùng có một âm và một thanh giống nhau, hay khác âm khác thanh nhưng đọc lên cũng hơi giống nhau. Chú ý là tiếng bằng phải đi theo tiếng bằng, tiếng trắc phải đi theo tiếng trắc.

Lối gieo vần
Việt Văn có lối gieo vần khác với Hán Văn : câu trên vần ở tiếng cuối cùng, câu dưới thì vần lại không nằm ở tiếng cuối cùng. Lối này trong những câu ca dao.

Cơn đằng đông
Vừa trông vừa chạy
Cơn đằng nam
Vừa làm vừa chơi

Hay :
Nhất sĩ nhì nông
Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.

Lối gieo vần ở tiếng thứ 5, sau biến thành lối song thất.
Lối gieo vần ở tiếng thứ 6, sau biến thành lối lục bát.

THỂ THƠ LỤC BÁT

Là thể văn có vần mà không đối nhau. Thể văn này phát nguyên từ các ca dao, phương ngôn hay ngạn ngữ thời kỳ cổ. Kỳ thỉ mỗi câu, có thể có 4, 5 hay 8, 9 tiếng nhưng sau đó chọn lọc ra câu 6 tiếng và 8 tiếng đọc nghe êm tai, thuận miệng. Nên gọi là thơ Lục Bát

Cách gieo vần trong thể lục bát

Thơ lục bát bao giờ cũng khởi đầu dùng vần bằng. Tiếng thứ sáu ở cuối câu lục ( câu 6 chữ ) và tiếng thứ sáu ở câu bát ( câu 8 chữ ) theo cùng một vần. Tiếng thứ sáu ở câu tám nối vần với tiếng cuối của câu 6 tiếp theo.

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
( Truyện Kiều )

CÁCH ĐẶT TIẾNG BẰNG VÀ TIẾNG TRẮC TRONG THỂ THƠ LỤC BÁT :

- Vì âm điệu của tiếng đan âm, cho nên ta phải chú ý ở tiếng bằng và trắc. Trong câu 6 thì tiếng thứ tư bao giờ cũng là vần trắc, tiếng thứ nhì phần nhiều dùng là dùng tiếng bằng. Song không phải là luật nhất định, vì có khi dùng tiếng trắc cũng được.

- Trong câu 8, thì tiếng thứ nhì là tiếng bằng, tiếng thứ tư là tiếng trắc, tiếng thứ sáu là tiếng bằng, tiếng thứ tám là tiếng bằng. Tiếng thứ sáu và thứ tám tuy cùng là thanh bằng nhưng không được giống nhau ( một thanh có dấu huyền, và một thanh không dấu )

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Hay :
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
( Kiều )

*************************

THỂ SONG THẤT LỤC BÁT

Song thất lục bát là lối văn có vần hai câu song thất phát nguyên ra từ những câu phương ngôn, ngạn ngữ, cho nên tuy là 2 câu bảy tiếng, nhưng lại không phải là 2 câu theo luật, do không đúng luật thơ.
- Câu 7 trên : tiếng thứ 3 là tiếng trắc, tiếng thứ năm là tiếng bằng, tiếng thứ 7 là tiếng trắc. Song tiếng thứ 3 có khi dùng tiếng bằng.
- Câu 7 dưới : tiếng thứ ba là tiếng bằng, tiếng thứ năm là tiếng tiếng trắc, tiếng thứ 7 là tiếng bằng.


Cách gieo vần :
Tiếng thứ bảy câu 7 trên và tiếng thứ năm câu 7 dưới cùng theo một vần


Trải phách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui mệnh bạc nằm trong má đào
( Vịnh Kiều )

Hay :

Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay bể Bắc đi tìm bể Đông
Tìm bể Đông, thấy lông chim nhạn
Nơi bể cạn thấy đàn chim bay
Hôm qua là chín, hôm nay là mười
Tìm em đã muớt mồ hôi
Lại đứt nút áo, lại rơi khăn đầu
Tìm hoài chẳng thấy em đâu.
Lội sông thì ướt, quanh cầu thì xa.
( ca dao VN )

ngayxua
22-01-2007, 09:56 AM
THƠ CỔ PHONG.

Là lối thơ có vần mà không đối nhau. Nếu có đối nhau là tùy ý nhà thơ chứ không theo luật nhất định.

Như :

Rừng lau gió lác đác
Chim hôm bay xào xạc
Gánh củi lững thững về
Đường quen không sợ lạc

Hay :
Năm ngoái ruộng được mùa
Nhà ba bốn cốt thóc
Ăn tiêu hãy còn thừa
Bán cho con đi học
Năm nay trời hạn hán
Mười phần thu được ba
Ăn tiêu đang lo thiếu
May ra mua được cà
Con học không có tiền
Bố phải đi vay nợ
Nhà nghèo con học được
Còn hơn tiền chôn lỗ.
( Bùi Ưu Thiên )


THƠ ĐƯỜNG LUẬT


Thơ Đường Luật là lối thơ làm theo qui tắc mới đặt ra từ thời Đường. Thơ Đường luật cũng gọi là thơ luật.

Thơ luật là lối thơ có vần, có đối nhau và hạn định tiếng bằng tiếng trắc trong câu thơ. Tiếng nào bằng, tiếng nào trắc phải theo đúng . Nếu không thì gọi là thất luật.

Thơ luật chỉ dùng vần bằng và bao giờ cũng là lối độc vận ( là cả bài thơ chỉ dùng có 1 vần )

Như :

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
Tiệt nhiên đã định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại thư
( Lý Thường Kiệt )

hay như bài Thương vợ của Tú Xương :

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không

Thơ Đường Luật chủ yếu theo một qui tắc sau :

“ Nhất , tam , ngũ - bất luận “
“ Nhị , tứ, lục – phân minh “

Có nghĩa là các chữ thứ 1, 3, 5 của mỗi câu thơ không câu nệ thanh bằng hay trắc. Riêng những từ thứ 2, 4, 6 của mỗi câu bắt buộc phải theo đúng luật bằng trắc. Nếu không, sẽ làm mất đi tính nhạc điệu trong bài thơ.

Thu điếu

Ao thu (B) lạnh lẽo (T) nước trong (B) veo
Một chiếc(T) thuyền câu(B) bé tẻo(T) teo
Sóng biếc(T) theo làn(B) hơi gợn(T) tí
Lá vàng(B) trước gió(T) khẽ đưa(B) vèo
Tầng mây(B) lơ lững (T) trời xanh(B) ngắt
Ngõ trúc(T) quanh co(B) khách vắng(T) teo
Tựa gối(T) ôm cần(B) lâu chẳng(T) được
Cá đâu (B) đớp động (T) dưới chân(B) bèo
( Nguyễn Khuyến )

Nhưng bên cạnh đó, ta có thể làm ngược lại luật này :

Vụng khéo (T) nào ai(B) chẳng có(T) chi
Khó khăn(B) phải lụy(T) đến thê(B) nhi
Được thời(B), thân thích(T) chen chân(B) đến
Thất thế(T), huơng lân(B) ngoảnh mặt(T) đi
Thớt có(T) tanh tao(B), ruồi mới(T) đậu
Chảo không(B) mật mỡ(T), kiến bò(B) chi ?
Đời nay(B) những trọng(T) người nhiều(B) vị
Bằng đến(T) tay không(B) mấy kẻ(T) vì.


Với bất cứ bài thơ Đuờng luật nào cũng chỉ có 2 cách gieo vần ở đầu hay cuối câu như trên mà thôi.

Với hai câu 3 và 4, ta phải chú ý đến sự đối nhau và giao vần với nhau cho thật chặt chẽ.

Lại có những cách chọn vần rất đặc biệt, sẽ làm cho bài thơ mang một sắc thái lạ, mạnh mẽ. Đó là các vần cuối những câu 1, 2, 3, 4, 6, 8 điều là vần trắc.

…..Vành mâm sôi đề “thằng Lạc”
Nghĩ mình ti tiện, không đài các
Văn chương chẳng phải bợm mèo quào,
Danh lợi không ra các cóc rác....
( trích bài "Tạ Hương đảng" của Học Lạc )


Để hiểu rõ hơn cách gieo vần trong thơ Đường Luật. vào đây

ngayxua
22-01-2007, 10:11 AM
Ngoài ra, còn những loại thơ khá phổ biến với quy tắc giống như thể Đường Luật.

Ngũ ngôn tám câu bốn vần :

Tuổi mới non sông cũ
Người xưa vận hội nay
Trải bao cơn nóng rét
Đeo mãi cái râu mày
Tháng năm mòn con mắt
Năm năm bấm đốt tay
Trẻ thơ khôn lớn mãi
Tuổi tác vẫn còn đây
( Năm mới, Bùi Ưu Thiên )

Thơ tứ tuyệt : là lối thơ 4 câu, hoặc hai vần hay cả bốn câu đối nhau, hay hai câu trên đối nhau, hay hai câu dưới đối nhau. Hay cả 4 câu đều đối nhau.

Ba vần không đối nhau
Cảnh mặt nước

Bốn mùa cảnh vắng teo
Một vùng nước trong veo
Phấp phới thuyền ai đó
Xa xa một mái chèo
( Nguyễn Khuyến )

Hai vần, hai câu trên đối nhau
Đời người

Người hết danh không hết
Đời người việc vẫn còn
Tội gì lo tính quẩn,
Lập những cuộc con con
(không nhớ tên tác giả)

Ba vần, hai câu dưới đối nhau
Viếng Bạn

Ta cùng bác quen nhau đã lâu
Khi thơ lưng túi, rượu lưng bầu
Trời đất yêu ta, ta ở lại
Non sông nhớ bác, bác đi đâu ?
( Bùi Ưu Thiên )

Hai vần, bốn câu đối nhau
Tự thán

Mê quá nên quên dại
Tỉnh dậy mới biết say
Gần đèn cũng sáng mắt
Xa dao không đứt tay
( không nhớ tên tác giả )

******************************

Thơ Tràng Thiên : là thơ làm nhiều câu, phần nhiều theo lối cổ phong( đã nói ở phần trên ) nhưng theo luật cũng được. Khi nào gặp những chuyện bao la, phải nói nhiều mới hết ý thì nên dùng theo lối này :

Như :
Phong Cảnh Kiếp Bạc

Trời Nam riêng một cõi doanh bồng
Sơn thủy thiên nhiên cảnh lạ lùng
Bắc đẩu Nam tào chia tả hữu
Huyền đăng trăm ngọn đá chông vông
Mấy vùng cổ thụ bóng sầm uất
Một dãy ca phong thế trập trùng
Bãi cỏ se sè hình luỡi kiếm
Nuớc trong leo lẻo một dòng thông
Ráng toả chiều hôm chim ríu rít
Mây tuôn ban tối khói mịt mùng
Phong cảnh bốn mặt đẹp như vẽ
Một toà lâu đài cao sát không
Rèm ngọc sáng choang mây núi bắc
Gác hoa bóng lộn sóng chiều đông
Đại vương khi nhàn rê phuợng trúc
Theo sau một vài đứa tiểu đồng
Thủng thỉnh cuộc cờ khi gió mát
Thung dung ngâm vịnh lúc trăng trong
Nghĩ mình hứng thú vui ngày sót
Ngắm cảnh non sông thoả tấc lòng
Tuổi già cảnh thú công danh trọn
Than ôi ! Đại vương thật anh hùng
( Phan Kế Bính )



mệt wá, mai mốt post tiếp. Ai có gì hay thì cứ post dùm BĐ hén. Thank

**. Tư liệu lấy trong Việt Nam Văn Phạm của Trần Trọng Kim ( 1954 )và Thơ Luật Đường Tiếng Việt -2002-

ngayxua
22-01-2007, 10:13 AM
Thơ Yết Hậu

Là thơ làm câu sau cùng chỉ dùng một tiếng, như tiếng kêu.

Anh nghiện rượu

Sống ở nhân gian đánh chén nhè
Thác về âm phủ giắt kè kè
Diêm Vương phán hỏi : mang gì đó ?
Be !

( Chiêu Lý tức Phạm Huy Hổ )

*****************************

CÁC BIẾN THỂ CỦA THƠ

Những lối văn vần như minh, trâm, tán, từ-khúc, đều là lối văn vần, tuy tên đặt ra khác nhau, song đều bởi cổ thi mà ra, cho nên gọi là biến thể của thơ.

Minh

Là bài văn đối nhau hay không đối nhau. Khắc vào vật gì hay viết để ghi nhớ một chuyện gì đó. Làm bao nhiêu cũng được, cốt nhất là lời đặt cho gọn, rút, cứng rắn.
Mấy câu được đặt ở cuối tấm bia đá cũng gọi là minh

Bài minh tu thân

Người xấu chớ nên nói
Mình hay chớ nên khen
Làm ơn chớ nên nhớ
Chịu ơn chớ nên quên
Lời khen không đủ mến
Chỉ lấy đức làm nền

( Bia đá )


Trâm

nghĩa là răn, là bài thơ dùng để khuyên răn người. Lối văn này cũng giống như minh

Bài trâm cẩn ngôn

Lòng người phát động
Bởi nói mà ra
Lòng chớ nóng nảy
Trước giữ khoan hoà
Cái máy đầu lưỡi
Nên hay nên vạ
Lành dữ nhục vinh
Bởi tự đó cả
(Phan Kế Bính )

Tán

nghĩa là khen. Dùng để khen ngợi một ai đó, hay mình tự làm cho mình.

Bài tán tự thán

Lấy ngu làm khôn
Lấy vụng làm khéo
Vào đâu cũng hợp
Không tròn không méo
Biết mình đỡ lo
Nhường người khỏi hận
Tị được ganh hơn
Không bằng yên phận
(Bùi Ưu Thiên )