PDA

View Full Version : Thi nhân Việt nam



alex
25-02-2006, 04:41 PM
Tác giả Anh Thơ :


Tên thật là Vương Kiều Ân (Vuơng là họ cha, Kiêù họ mẹ). Sinh năm 1919 tại Ninh Giang (Bắc Việt). Ông thân sinh là nhà nho, đậu tú tài, làm trợ tá. Vì ông là công chức, thuyên chuyển nay đây mai đó nên con cái thường phaỉ đôỉ trường luôn. Do đó, Anh Thơ thay đôỉ tơí ba trường (Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang) mà vẫn chưa qua bậc tiểu học.

Lười học, nhưng rất thích văn chuơng, tập làm thơ từ nhỏ. Thoạt đâù, lâý bút hiệu Hồng Anh, sau mơí đôỉ thành Anh Thơ.

Từng đăng thơ trên các tuần baó: Hà Nội báo, Tiểu Thứ Năm, Ngày Nay, Phụ Nữ, Bạn Đường. Được giaỉ thưởng khuyến khích về thơ của Tự Lực Văn Đoàn năm 1939 vơí thi phẩm Bức Tranh Quê.

Đã xuất bản: Bức Tranh Quê (Đời Nay 1941); Xưa (hợp tác với Bàng Bá Lân - Sông Thuơng, 1941); Răng Đen, tiểu thuyết (Nguyễn Du, 1942)

alex
25-02-2006, 04:42 PM
Tác giả Bàng Bá Lân :



-Sinh vào tháng 12 năm 1912 tại Tân Sinh, Bắc Giang, chánh quán Hà Nam;
tổ tiên họ Nguyễn Xuân, về sau đổi ra họ Bàng, vào nam năm 1954; mất ngày
21 tháng 10 năm 1988 tại Sài gòn.

tác phẩm:

Tiếng Thông Reo
Xưa (cùng với Anh Thơ)
Tiếng Võng Ðưa
Người Vợ Câm
Kỷ Niệm Văn Thì Sĩ Hiện Ðại
Vào Thu
Cái Hay Của Tiếng Việt qua Tục Ngữ, Ca Dao
Câu Ðố Dân Gian

alex
25-02-2006, 04:43 PM
Tác giả Bích Khê :


Ô ! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông...

Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24 tháng 3 năm 1916 tại quê ngoại là làng Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãị

Ông xuất thân trong một gia đình nho học, có học trung học ở Huế, Hà Nội, nhưng rồi bỏ dở. Bích Khê sau dạy dọc tư ở Phan Thiết, Huế. Ông mất đêm 17 tháng 1 năm 1946 vì bệnh lao phổị

Các phẩm tiêu biểu: tập thơ Tinh Huyết (1939, tác phẩm duy nhất được xuất bản trong sinh thời của tác giả); tác phẩm chưa in bao gồm các tập thơ Mấy Dòng Thơ Cũ (thơ viết 1931-1936), Tinh Hoa (thơ viết 1938-1944), Đẹp (viết 1939).

Dòng thơ Bích Khê bao gồm ba mạch chính: thơ tượng trưng, thơ huyền diệu, và thơ trụy lạc. Ông đến với thơ mới với nhiều sáng tạo và cách tân độc đáo; nhiều tìm tòi trong nghệ thuật tạo hình, cấu trúc, ngôn từ; và nhiều cảm xúc lạ, đẹp. Một số bài có ý thơ phóng túng và lời thơ táo bạọ

Nhận xét của Chế Lan Viên: "Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc thì Bích Khê là một đỉnh núi lạ. Có những nhà thơ làm thơ. Có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước. Có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực. Lại có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống mới trên tay. Khê thuộc vào hạng thứ hai".

Tài liệu tham khảo:

Tinh Huyết, Bích Khê, NXB Hội Nhà Văn tái bản, 1995.

Tổng Tập Văn Học Việt Nam, tập 27, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990.
Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh & Hoài Chân.
Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng.

Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, Trần Tuấn Kiệt.
Đời Bích Khê, Quách Tấn.
Tuyển Tập Thơ Tiền Chiến, Hoài Việt biên soạn.

Thơ Mới -- Những Bước Thăng Trầm, Lê Đình Kỵ.

Tạp chí Tác Phẩm Văn Học số 8.

alex
25-02-2006, 04:44 PM
Tác giả Bùi Giáng :




Sinh năm 1926 tại Quảng Nam
Mất lúc 14 giờ ngày 7 tháng 10 năm 1998 tại Sàigòn

Tác phẩm:

Một vài nhận xét về bà huyện Thanh Quan
Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, quan Âm Thị Kính
Vài nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần
Lá Hoa Cồn
Mưa Nguồn
Màu Hoa Trên Ngàn
Ngàn Thu Rớt Hột
Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại
Ði vào Cõi Thơ
Sa Mạc Phát Tiết
Mùa Thu Trong Thi Ca
Ngày Tháng Ngao Du

và các tuyển tập thơ khác được các bạn văn ở hải ngoại ấn hành

alex
25-02-2006, 04:44 PM
Tác giả Bằng Việt:

Bằng Việt (tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng) sinh năm 1941 tại phường Phú Cát, thành phố Huế. Lớn lên ở Hà Tây. Học phổ thông tại Hà Nội. Năm 1961 được cử đi học luật tại Matxcơva (Liên Xô). Từng làm việc ở Hội Luật học, Hội nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội.

Đã in các tập thơ: Hương Cây - Bếp Lửa (chung với Lưu Quang Vũ), Những gương mặt - Những khoảng trời, Đất sau mưa, Khoảng cách giữa lời, Phía nửa mặt trăng chìm, Ném câu thơ vào gió...

Những năm giữa thập kỷ sáu mươi, công chúng văn học đã chứng kiến sự xuất hiện của một loạt cây bút mới mà chỉ ít lâu sau đã trở thành chủ lực của thi đàn. Đó là Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Bế Kiến Quốc, Vương Anh, Phan Thị Thanh Nhàn... Vài năm sau lại là Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc... Trong đội ngũ đông đúc này, Bằng Việt là một gương mặt riêng, có một chất riêng, không bị khuất lẫn, 'mất hút' trong một dàn đồng ca. Cái chất riêng ấy là gì? Nhiều người từng biểu dương phần 'trí tuệ', phần suy tưởng mà vẫn sinh động, gần gũi với cuộc sống của một cây bút trí thức sớm bộc lộ từ phần 'Bếp lửa' in chung với Lưu Quang Vũ. Thật ra Bằng Việt chỉ thật sự khẳng định được mình ở tập thơ thứ hai: tập Những gương mặt - Những khoảng trời (1973). Đây có thể coi là kết quả của chuyến 'đi thực tế' nhớ đời của nhà thơ trẻ vốn được số phận ưu đãi này. Cả tập thơ là một sự ngạc nhiên lớn, một sự cảm động chân thành của người trí thức trẻ khi tham gia trực tiếp vào cuộc sống rộng lớn của nhân dân, đất nước, trước hết là với cái tập thể trẻ trung, dũng cảm ở Trường Sơn. Thơ Trường Sơn của Bằng Việt khác với những nhà thơ lính vô danh đã đành, cũng rất khác với thơ của 'ông vua' thơ Trường Sơn là Phạm Tiến Duật. Phạm Tiến Duật là một người lính thực sự đã sống đủ, sống kỹ cái đời sống Trường Sơn, từ đó cất lên tiếng thơ độc đáo không thể trộn lẫn. Bằng Việt là người của hậu phương đến với Trường Sơn. Anh không thể hiểu cảnh và người Trường Sơn bằng những người lính làm thơ, nhưng anh có những lợi thế của người mới đến, các giác quan chưa bị mòn nhẵn, trơ lì. Khoảng cách giữa 'người hậu phương' và người Trường Sơn không xa như giữa các nhà thơ 'tiền chiến' và người lính chống Pháp nhưng dù sao vẫn là khoảng cách. Khoảng cách này cắt nghĩa vì sao Bằng Việt hay dùng giọng bình luận, thuyết minh trong nhiều bài thơ, chẳng hạn 'Có gì cảm động đơn sơ lắm: Cái ngủ thời nào vẫn ngủ trưa nay!' (Nhà giữ trẻ); hoặc 'Thế đấy, cuộc đời/ Có những phút bất thần thành hạnh phúc!' (Trước cửa ngõ chiến trường)... Bằng Việt bình luận, thuyết minh, thuyết phục ai? Cho những 'người hậu phương' như anh, nhiều khi là cho chính anh, một Bằng Việt của mơ mộng, của thi ca, sách vở 'ngày xưa', đôi khi chưa là một với một Bằng Việt hôm nay đang hào hứng, quyết tâm đi vào cuộc sống chiến đấu của hàng triệu, hàng triệu người. Khi hai con người ấy hòa làm một, Bằng Việt đã có bài thơ 'Mẹ' (1972), một trong những bài thơ hay nhất của anh và cũng là một bài thơ xứng đáng trong mọi tuyển tập Thơ về giai đoạn ấy. Khác với giọng kể lể đôi khi dài dòng ở một số bài mang tính 'triết luận' vu khoát, mông lung, ở bài 'Mẹ', Bằng Việt khá gọn gàng, mực thước. Tình cảm chân thật khiến anh không cần nhiều lời mà giọng thơ vẫn thấm thía, lay động lòng người:

Con bị đau, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng. Tiếng chân đi rất nhẹ
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua...

Hình bóng mong manh của người mẹ nghèo, tuổi già, bản vắng, đường xa, chiến tranh, cuộc gặp gỡ tình cờ... đặt giữa khung cảnh Trường Sơn khắc nghiệt khiến đứa con - tác giả - tiên liệu trước cuộc từ biệt cũng là vĩnh biệt. Sự biết ơn trước tấm lòng cao cả của nhân dân trong chiến tranh không cần nói ra người đọc vẫn cảm nhận được đầy đủ. Bài thơ đạt đến độ hàm súc, 'ý tại ngôn ngoại'.

Trong Tuyển Thơ 135 bài đương soạn, Bằng Việt tự xếp thơ mình vào ba phần. Phần I có tên chung 'Chứng tích một thời', phần II 'Tự bạch', phần III 'Những trải nghiệm'. Anh giải thích: làm như thế là học cách kết cấu của một bản giao hưởng, mở đầu là sôi nổi, cuốn hút, tiếp theo là trầm lắng, trữ tình và phần cuối là đúc kết. Nếu cần chọn một đại diện cho phần II, có lẽ bài 'Nghĩ lại về Pauxtôpxky' là thích hợp hơn cả. Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà văn Nga - Xô-viết Pauxtôpxky là thần tượng của cả một lớp thanh niên Việt Nam vào đời với đầu óc thấm đẫm tình cảm lãng mạn (tích cực). Bài thơ của Bằng Việt, như thường thấy, là sự tranh biện với chính mình và thế hệ mình. Về lý trí, dường như tác giả muốn 'dứt khoát' với những ảo tưởng lãng mạn kiểu Pau 'Đưa em đi...

Tất cả thế xong rồi
Ta đã lớn.

Và Pauxtôpxky đã chết!' Nhưng cả bài thơ tỏ ra rằng, tác giả sẽ còn luyến nhớ lâu lắm, có lẽ là mãi mãi, 'cái thời lãng mạn' ấy.

'Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu...'. Nghe nói, nhờ bài thơ này và nhiều bài thơ dịch của Onga Bécgôn mà Bằng Việt trở thành thần tượng của cánh sinh viên khoa văn các trường đại học một thời. Những câu thơ chấm phá rất 'sương khói', sự hiểu biết và đồng cảm về một chân trời văn học đương có sức hấp dẫn lớn, giọng thơ là lạ và mới vào thời điểm ấy (1969) là những nguyên nhân khiến bài thơ neo được vào tâm trí bạn đọc. Cần nói thêm về giọng thơ: Bằng Việt có cái kiểu dàn trải rất 'Bằng Việt', ở người khác thì có thể là một nhược điểm nhưng ở anh thì lại tạo ra một cái duyên riêng. Cái giọng ấy có từ bài thơ nổi tiếng 'Trở lại trái tim mình' (1967), Bằng Việt tự nhận là 'viết theo giọng Nêruđa'. Từ cái tứ rất bình thường, trở lại với Thủ đô là 'trở lại trái tim mình', Bằng Việt đã có những câu thơ, đoạn thơ rất giàu hình ảnh, tinh tế, một nhạc điệu tha thiết tuy chưa đến mức nồng nhiệt nhưng chân thành, nhờ thế bài thơ đã đứng được với năm tháng. Anh còn một số bài khác thành công theo kiểu này nhưng cũng không ít bài sự dài dòng, nhiều lời khi cảm xúc không đủ độ chín khiến bạn đọc hờ hững. Tôi có thiện cảm với thơ lục bát của Bằng Việt. Thật ngạc nhiên là một cây bút 'Tây' như thế lại có thể vận dụng thể thơ dân tộc rất nhuần nhị. Đó là 'Truông nhà Hồ', 'Cuối năm',

'Về Huế đêm rằm'... nhất là 'Về Hương Sơn năm sơ tán ấy' (1974) và 'Lục bát cầu may' (2000). Lục bát của Bằng Việt viết thoải mái, cứ như là phóng bút viết chơi, không kỳ khu chặt chẽ quá cả về cấu tứ lẫn vần điệu, không đẩy tâm trạng đến mức độ đau đớn, cực đoan mà chỉ bàng bạc, khơi gợi 'Lanh tanh vẫn nước lòng khe/ Ngẩn ngơ chim núi se se dặm rừng'; hoặc 'Nếu em là kiếp bềnh bồng/ Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du/ Nếu em khoát mở sa mù/ Thì tôi vĩnh viễn hóa bờ bến xa'... Phải chăng tâm hồn phóng túng mang đậm dấu vết của văn hóa Nga được dồn nén trong 'khuôn phép' của thể thơ cổ truyền Việt Nam đã làm nên phong vị riêng cho lục bát của Bằng Việt?

Trong 'thế hệ sáu mươi', 'thế hệ Trường Sơn' trên văn đàn, Bằng Việt có vị trí khá ổn định và vững chắc. Tập thơ mới nhất 'Ném câu thơ vào gió' (2000) chứng tỏ sức sáng tạo của anh còn dồi dào. Có được một tiểu sử văn học phong phú như anh không phải là điều dễ dàng.

alex
25-02-2006, 04:45 PM
Tác giả Cao Xuân Tứ :



Lương Sơn Thi Đàn Thơ Mới »» Cao Xuân Tứ
.Tiểu sử tác giả
.Tiểu sử tác giả


Sinh năm 1943 tại Huế, học tại trường Quốc Học.
Du học ở Mỹ 1960-1965.
Làm việc ngành ngoại giao VNCH 1965-1975.
Từ 1975 sinh sống ở Amsterdam, Hòa Lan.
Ba bài thơ đầu tiên được đăng trên cùng một số của tạp chí Văn (Sài Gòn) năm 1965 với lời giới thiệu của Nguyễn Đình Toàn.
Hai bài thơ mới nhất vừa đăng trên liên mạng Văn Học Nghê Thuật (Mỹ) số tháng 10, 2003.

alex
25-02-2006, 04:47 PM
Tác giả Cao Đồng Khánh

Tên thật Cao Đông Khánh
Sinh năm: 1941 tại An Phú Ðông Gia Ðịnh

Du học tại Hoa Kỳ năm 1966-1971
Vượt biển đến Mã Lai tháng 6-1979
Đinh cư tại Hoa Kỳ từ cuối năm 1979
Là cây bút của nhiều tạp chí hải ngoại - từng chủ trương Echo of VietNam cho đài KQED San Fransico năm 1969 - từng ngồi tù của cộng sản VN nhiều năm...

Mất lúc 10 giờ 30 ngày 12 tháng 12 năm 2000 vì tai biến mạch máu não.

alex
25-02-2006, 04:48 PM
Tác giả Chế Lan Viên :

Chế Lan Viên tên thật Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920, quê ở Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành Chung thì thôi học, đi dạy tư.
Chế Lan Viên bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi; đến năm 17 thì xuất bản tập thơ đầu tay Điêu Tàn mà lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn".
Sau 1954, Chế Lan Viên nằm trong Ban lãnh đạo Hội Nhà Văn Việt Nam, là đại biểu Quốc hội, viết nhiều thơ, bút ký, tùy bút, tiểu luận văn học. Sau 1975, ông vào Sài Gòn, ở quận Tân Bình, mất tại đấy ngày 19 tháng 6 năm 1989.
Tác phẩm tiêu biểu: tập văn xuôi Vàng Sao (1942), các tập thơ Điêu Tàn (1937), Gửi Các Anh (1954), Ánh Sáng và Phù Sa (1960), Hoa Ngày Thường -- Chim Báo Bão (1967), Hoa Trên Đá (1984)...
Người ta thường biết Chế Lan Viên qua tập thơ Điêu Tàn, một trong những tác phẩm nổi bật trong thi đàn tiền chiến. Đọc Điêu Tàn là bước vào một thế giới ma quỉ, kinh dị, âm u và huyền bí. Tập thơ mượn những lời rên rỉ, khóc than nghẹn ngào, chất chứa bao u uất lẫn căm hờn của một dân tộc bị diệt vong để bộc lộ lòng yêu nước một cách kín đáo.

alex
25-02-2006, 04:49 PM
Tác giả Cung Trầm Tưởng :

Tên thật Cung Thúc Cần. Sinh năm 1932 tại Hà Nội. Vào Sài gòn năm 1949. Du học tại Pháp và Hoa Kỳ. Cựu trung tá không quân VNCH. Tù Cộng Sản 10 năm. Hiện sống tại Saint Paul, Minnesota, USA. Hội viên liên kết của Văn Bút Pháp.

Tác phẩm đã xuất bản :

Tình Ca (Cùng Phạm Duy, Nguyễn Cao Uyên)
Lục Bát Cung Trầm Tưởng (Con Ðuông)
Thám Hiểm Không Gian (dịch, Dziên Hồng)
Lời Viết Hai Tay (thơ 1999)

Chiều thơ Cung Trầm Tưởng

Một buổi giới thiệu hai thi phẩm “Lời Viết Hai Tay” và “Bài Ca Níu Quan Tài” của thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã được nhóm thân hữu của ông tổ chức tại nhà hàng Hoa Biển 2, Saint Paul, ngày 26-8-01, và đã hái gặt được kết quả mĩ mãn.

Khoảng trên 200 người tham dự đã vào ngồi chật phòng ăn của Hoa Biển 2, khiến vài chục người đến chậm đã phải bỏ về. Tổng cộng lại, theo một giới thông thạo, đây là một buổi ra mắt thơ có số người tham dự cao nhất ở Minnesota, thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ một cháu bé còn nằm nôi đến một lão phụ 75 tuổi.

Một đặc điểm khác là số các bạn thanh nam nữ đến tham dự là khoảng 60 người, một con số kỉ lục đối với một buổi ra mắt thơ tại Minnesota. Tuyệt đại đa số nhóm trẻ này, tuy đã được giáo dục, đào tạo, tốt nghiệp đại học ở Hoa Kì, nhưng vẫn không quên cái nguồn gốc Việt tộc của mình, được như thế là nhờ sự dạy bảo của các bậc phụ huynh của họ và sự trân quý lẫn lòng yêu mến của bản thân họ đối với truyền thống và nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Họ cảm thấy, như thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã viết trong lời bạt của Bài Ca Níu Quan Tài, khi ông đề cập đến động cơ của phong trào làm thơ của người Việt Nam tại hải ngoại, “làm thơ trong tình huống (lưu vong) này căn bản là để tái lập cho bản thân mình sự toàn vẹn tinh thần đã bị phá vỡ (vì mặc cảm lạ nước lạ cái của thân phận lưu vong), và cũng đồng thời là một phương thức về nguồn tuyệt diệu, vì với việc sử dụng ngôn ngữ thơ Việt Nam, ta có được một con đường về gần nhất với cái tinh hoa của tiếng Việt mà cũng là của hồn Việt Nam”.

Với cái tên “Chiều thơ Cung Trầm Tưởng và những khúc phổ nhạc thơ ông”, buổi thơ nhạc giao duyên này gồm một chương trình biểu diễn phong phú nhưng cô đọng, phản ánh những mốc điểm quan trọng của hành trình thơ ca Cung Trầm Tưởng, gồm khoảng 15.000 câu thơ trải suốt một chiều dài nửa thế kỉ đầy đảo động của lịch sử Việt Nam hiện đại.

Khởi đầu, thi sĩ Mạc Ly Hương, người phối hợp chương trình, nói đến sự chuyển biến từ Tình ca đến Bài ca Níu Quan Tài của mạch thơ Cung Trầm Tưởng. Theo ông, đây là một chuyển cung bậc gắn liền với dòng chảy của lịch sử đất nước, ở đó tình yêu lứa đôi, nhuộm sắc dị chủng của những “Mùa Thu Paris”, “Chưa Bao giờ Buồn Thế” thuở nào, nay trở thành một thứ tụng ca dâng lên những người vợ - người tình Việt Nam tuyệt vời.

Tiếp đến, giáo sư Nguyễn Ngọc Diễm đưa ra những nhận xét tinh tế và độc đáo về hai thi phẩm “Lời Viết Hai Tay” và “Bài Ca Níu Quan Tài”, đặc biệt là sự hoà quyện vào nhau của hai dòng ai vãn và nộ khí ca mà ông đã phát hiện ở hai thi phẩm trên. Theo ông, với sự lồng vào cho thơ mình một kích thước phẫn nộ ắt phải có trước một lịch sử đất nước đầy bạo lực và bất công, Cung Trầm Tưởng đã mở ra cho thi ca Việt Nam một chân trời mới rộng hơn, can dự hơn, quyết liệt hơn và tích cực hơn. Những nhận xét uyên bác này của giáo sư Diễm đã được cử toạ nhiệt liệt hoan nghênh.

Sau phần phát biểu lí thuyết về thơ Cung Trầm Tưởng, chương trình biểu diễn thơ nhạc bắt đầu với bản “Vạn Vạn Lí”, thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Bùi Kim Cương, được cô Hoàng Kim Chi, người điều khiển dàn nhạc Việt Nhạc, viết hoà âm cho năm bè (nam) và phối khí cho một violin, một piano, một guitar, một saxophone (tenor) và một flute. Điệu nhạc được tấu lên trầm bổng, láy luyến, ngân nga, khi chậm khi nhanh, khi âm u huyền mặc, khi sôi bừng ngạo nghễ, phù điêu, hoành tráng, hành ca pha với ballad… Tất cả những chuyển động đa chiều này hoà quyện vào nhau và tỏ ra ứng hợp với cái khí hậu sử thi, bi hùng của nguyên tác thơ, đã được Cung Trầm Tưởng viết ra để vinh tụng những tù hữu đã tuẫn tử trong lao ngục cộng sản. Bản “Vạn Vạn Lí” đã gây xúc động mạnh cho giới cử toạ, được họ vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng và yêu cầu hát lại một lần nữa, trước khi bế mạc buổi ra mắt thơ Cung Trầm Tưởng.

Những bản phổ nhạc thơ Cung Trầm Tưởng khác được biểu diễn là những sáng tác nổi tiếng của Phạm Duy, như “Tiễn Em” (thơ: “Chưa Bao Giờ Buồn Thế”), Mùa Thu Paris, Chiều Đông ( thơ: “Khoác Kín”), “Kiếp Sau”, “Bên Ni Bên Nớ” ( thơ: “Tương Phản”), và “Đường Vào Thiên Thu” do Bùi Kim Cương phổ nhạc.

Đình Luân nam tính, tình tứ một cách vững vàng với “Tiễn Em”. Phương Uyên sang quý với “Mùa Thu Paris”, với sự hỗ âm kín đáo mà hữu hiệu của Nguyên Phố, khiến bài nhạc có thêm chiều sâu. Quỳnh Trâm biết ứng xử với những chuyển động tinh tế, khá kiêu kì và giàu ấn tượng của một “Kiếp Sau” mà trước đây chỉ có Thái Thanh và Thái Hiền mới dám đụng tới. Triết Bình da diết, đa năng, gần gũi với cái khí hậu lãng mạn, vừa lí tưởng vừa man mác nhục cảm, khi lạnh như tha ma, khi ấm như căn phòng đôi vợ chồng trẻ của bài “Bên Ni Bên Nớ”. Quang Danh (cũng là giọng giới thiệu rất ấm của toàn ban nhạc Việt Nhạc) tê tái, hoang vắng, trầm mặc, hoài cảm với một “Chiều Đông” trên một vùng tuyết vắng bóng người yêu. Rồi Kiều Hữu Chiến nam trầm, ngân nga, sung thiệm, vương thoảng opera và nhạc nhà thờ, lung linh trữ tình với “Đường Vào Thiên Thu”.

Về diễn ngâm, Ái Trinh tha thiết, truyền cảm với “Bóng Mẹ Chiều Thu” và “Đường Vào Thiên Thu”, được hỗ đệm bởi tiếng đàn tranh trong, giòn, linh hoạt của Hồng Châu.Trước khi trình tấu, mỗi bài nhạc đều có một lời mào đầu (chapeau) do anh Nguyễn Trọng Cảnh viết và do Quang Danh đọc, để tóm lược ý nghĩa và hoàn cảnh của bài thơ được phổ nhạc. Và tất cả những cầm thủ như Quỳnh Trâm (violin), Thủy Tú (piano), Lê Phú (saxophone tenor kiêm flute), Hồng Châu (tranh), Châu Dũng (Guitar) được đặt dưới sự phối khiển của đầu đàn Hoàng Kim Chi, ngoài viết hoà âm và phối khí còn thủ guitar. Trong tay cô, nhạc cụ này đã trở thành linh hồn của nhóm Việt Nhạc, quán xuyến, đa hiệu, vừa dây vừa gõ, điều nhịp cho toàn ban, và tạo thêm âm tầng, âm sắc cho bài nhạc.

Cuối cùng là phần phát biểu của nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Sau phần cám ơn cử toạ, ban tổ chức và nhóm Việt Nhạc đã làm cho buổi sinh hoạt văn hoá cộng đồng này được thành công mĩ mãn, ông đề cập đến một mục đích chính của buổi sinh hoạt là vinh danh người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện đại của lịch sử đất nước.Ông nói, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại đã là một chủ đề quan trọng của hai thi phẩm “Lời Viết Hai Tay” và “Bài Ca Níu Quan Tài” của ông. Ngoài là một người vợ thủ tiết chờ chồng (bị cộng sản cách li trong những trại tù hẻo lánh), một người mẹ rất mực chăm thương con cái, tần tảo để chúng có miếng cơm độ nhật, họ còn là một nàng dâu hiếu thảo, như:

Đứng thế làm cha nuôi con dại
Để nhà có nóc lúc chồng xa
Em đứng thay nam tròn chữ hiếu
Thờ cha phải đạo, dưỡng mẹ già

Theo ông, họ còn là “một người tình trọn vẹn tuyệt vời”

Chải gió dầm mưa chưa hết hạ
Vai chồng em thử áo ngừa đông
Cắn chỉ luồn kim may gấp gấp
Vuông khăn còn ấm lệ đưa chồng

Và đây là “tác dụng mầu nhiệm của những lá thư (em) gửi cho chồng”:

Mỗi chữ thư em gầy nét liễu
Anh ôm trên núi, ấp trong khe
Em là lửa ấm đêm đông rét
Trận gió đem mưa giữa hạn hè

Ông nói, “tình yêu lứa đôi thuở nào, với Người em mắt nâu / Tóc vàng sợi nhỏ / Mong em chín đỏ trái sầu, nay khoác một kích thước trữ tình bao la như vũ trụ”:

(Em) Là nắng thu hanh, mây lững thững
Thông reo trầm vút đỉnh trời cao
Em giăng mộc thảo xanh triền núi
Li cách lòng anh khỏi lũ trào

Vẫn với chữ của ông, “Rồi tất cả âm dương kết tụ thành một hạt gạo trắng nõn, biểu tượng của một luyến ái quan tích cực, có khả năng bồi tổn và cứu rỗi thật là kì diệu”:

Biển động thuyền lay em vững lái
Anh thương hạt gạo xẻ làm đôi
Tình nghĩa em như sau bão thổi
Bãi yên bể lặng, cát về bồi “Bởi vì là đá của tượng, như nàng Tô Thị, em đã đi vào huyền sử ngay lúc sinh thời”:

Phố ấy Đồng Đăng trùng điệp núi
Đá mòn thành tượng của tình chung
Em đứng ôm con, bồng mưa nắng
Sắt son, dũng cảm đến Kì Cùng
Rồi ông kết thúc với một ước nguyện, “để được mãi mãi ở với em, anh sẽ làm một hoá thân”:

Mai sau ngủ gốc cây sồi
Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em

Bài phát biểu trên của nhà thơ Cung Trầm Tưởng được cử toạ nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng nhiều lần. Sau đó họ yêu cầu ban Việt Nhạc biểu diễn lại các bản “Vạn Vạn Lí”, “Đường Vào Thiên thu”, “Tiễn Em”, và “Mùa Thu Paris”.Về truyền thông đại chúng, có sự tham dự của báo “Ngày Nay”, “Bút Việt”, của “Việt Minnesota Radio” và “Voice of America”.

alex
25-02-2006, 04:50 PM
Tác giả Du Tử Lê :

Tên thật Lê Cự Phách, sinh năm 1942 Bắc Việt.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Du Tử Lê (1964)
Năm Sắc Diện Năm Ðịnh Mệnh (1965)
Tình khúc Tháng Mười Một (1966)
Tay Gõ Cửa Ðời (1970)
Chung Cuộc (cùng viết với Mai Thảo)
Mắt Thù (1969)
Ngửa Mặt (1969)
Vốn Liếng Một Ðời (1969)
Qua Hình Bóng Khác (1970)
— Một Ðời Riêng (1972)
Khóc lẻ loi Một Mình (1972)
Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi (thơ 1997)
Thơ Tình (1996)
Tiếng Kêu Nào Bên Kia Thời Tiết (truyện)
em và, mẹ và tôi là một nhé (bán hồi ký)
Chỗ Một Ðời Em Vẫn Ðể Dành
Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi
Chấm Dứt Luân Hồi Em Bước Ra
Ði Và Về Cùng Một Nghĩa Như Nhau

alex
25-02-2006, 04:51 PM
Tác giả Hà Huyền Chi:


-Hà Huyền Chi tên thật là Đặng Trí Hoàn, sinh năm 1935 tại Hà Đông và trưởng thành tại Hà Nội.

Năm 1954 di cư và Nam một mình.
Năm 1957 nhập ngũ khóa 14 BVQGVN.
Năm 1964 lập gia đình, hiện đã có 5 con trưởng thành.
Năm 1975 đào thoát sang Hoa Kỳ.

Tác phẩm đầu tay: "Sault" Đêm, thơ, 1963.
Đã in 16 tập thơ, 8 truyện dài

trích VHNT Tuyển Tập 2

alex
25-02-2006, 04:52 PM
Tác giả Hà Nguyên Du:




Tuổi Canh Dần. Sinh quán : Tây Ninh
Nguyên ký giả, thuộc nghiệp đoàn ( viết báo)
ký giả VN do Nguyễn Khánh Giư làm chủ tịch
SQTB/ Tác chiến / SQ/ CTCT ...
Làm thơ lúc vừa lên trung học.
Thơ khởi đăng nhiều từ 1968 qua một bút hiệu khác...
Nguyên ( CTNCT )
Sang Hoa Kỳ năm 1990 - H.O 5
Thường đăng thơ trên các tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Hải Ngoại :
Khởi Hành, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Tạp Chí Thơ, Chủ Ðề, Tinh Hoa, Hương Văn, Văn Phong, Phố Văn, Nguyệt San Nghệ Thuật (Canada.

Tác phẩm đã in:

Trong Mùa Lá Xanh 1970 - thơ (in chung)
Lối Khác 1998 - thơ
Thơ Hà Nguyên Du ( Anh Biết, Em Yêu Dấu ) 2001

alex
25-02-2006, 04:53 PM
Tác giả Hà Thúc Sinh:

Ông tên thật Phạm Vĩnh Xuân. Sinh ngày 7-7-1943 tại Thanh Hoá. Di cư vào Nam năm 1954. Sĩ quan. Ông bắt đầu viết từ năm 1964 trên một số tạp chí ấn hành tại Sài Gòn. Sau tháng 5-1975 bị giam giữ hơn năm năm. Ông vượt biển sang Mỹ 30-4-1981.

Ông chủ trương tạp chí văn học nghệ thuật Tân Văn (đình bản sau 8 số vì thiếu thì giờ lẫn tài chính).

Ông cùng Nguyễn Khoa (giám đốc nhà in Kim) thành lập nhà xuất bản Văn Mới tại miền Nam California.

Ông được xếp vào phần Thi Sĩ và Văn Sĩ trên Thư Viện Việt Nam vì ông đã có công đóng góp đáng kể trong cả hai lãnh vực này.

Tác phẩm đã ấn hành gồm 4 thi tập, 6 dịch phẩm văn và sử trước năm 1975. Ở Mỹ, ông ấn hành thêm 2 thi tập, 1 tiểu thuyết, 1 ký sự, 2 dịch phẩm (đăng báo), 1 biên khảo (hợp soạn), 2 album băng (cassette) ca khúc và 4 tập truyện.

Quyển Đại Học Máu của ông được nhiều người Việt hải ngoại lẫn trong nước đọc.

Tác phẩm đã xuất bản:

Trí Nhớ Ðau Thương (thơ 1967)
Ðá Vàng (thơ 1069)
Tuyển Tập truyện Âu Châu (dịch 1970)
Ðiệu Buồn Chúng Ta (thơ 1972)
Dạo Núi Mình Ta (thơ 1972 tb 1973)
Tình Em Vỗ Cánh (dịch 1973)
Nàng Nô Lệ (dịch 1973)
Trận Chiến Trong Thành Phố (dịch 1973)
Cát Bụi Trần Gian (dịch 1974)
Kiếp Người Cô Quạnh (dịch 1974)
Ðại Học Máu (hồi ký 1985)
Vầng Thái Quê Nhà (dịch1988)
Thơ Viết Giữa Ðường (thơ 1988)
Chị Em (truyện dài 1988)
Ông H.O (truyện 1993)
Cố Hương (truyện 1994)
Dưa Cà Mắm Muối (truyện 1996)
Về (truyện 1966)
Ðêm Hè (truyện 1997)

alex
25-02-2006, 04:54 PM
Tác giả hà Nguyên Dũng :

Tên thật Nguyễn Dũng, sinh năm 1946 tại Hà Mật Ðiện Bàn Quảng Nam. Khởi viết từ 1964 với bút hiệu Hà Mật Thương. Hiện cư ngụ tại Sài gòn Việt Nam

Tác phẩm đã xuất bản:

Quê Tình (thơ 1992)
Hột Muối Bỏ Sông (thơ 1996)

alex
25-02-2006, 04:55 PM
Tác giả Hàn Mặc Tử :


Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22-9-1912 ở Lệ Mĩ (Đồng Hới), mất ngày 11-11-1940, trú ngụ ở Qui Nhơn từ nhỏ. Nhà nghèo, cha mất sớm. Học trường Qui Nhơn đến năm thứ ba. Làm sở Đạc điền một độ, bị đau rồi mất việc. Vào Nam làm báo ít lâu lại trở về Qui Hoà. Kế đó mắc bệnh hủi, đưa vào nhà thương Qui Hoà rồi mất ở đó.
Làm thơ từ ngày mười sáu tuổi (Lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thành. Đến năm 1936 khi chủ trương báo Sài Gòn mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử.
Đã đăng thơ: Phụ nữ tân văn SaiGon, Trong khuê phòng, Đông Dương tuần báo, Người mới.
Đã xuất bản: Gái quê (1936).
Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mạc Tử nhiều lắm. Có người bảo:"Hàn Mạc Tử, Thơ với thẩn gì! Toàn nói nhảm" . Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: "Thơ gì mà rắc rối thế! M ình tưởng có ý nghĩa khuất khúc, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!" Xuân Diệu có lẽ cũng nghĩ đến Hàn Mạc Tử trong khi viết đoạn này: "Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây!- Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống".
Nhưng tôi cũng đã nghe những người ca tụng Hàn Mạc Tử. Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mạc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mạc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mạc Tử đâu có phải chuyện dễ.
Đã khúc mắc mà lại nhiều: tất cả đến sáu bảy tập. Họ thuộc hết và chọn những lúc đêm khuya thanh vắng họ sẽ cao giọng ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vị giáo chủ. Chế Lan Viên nói quả quyết:
"Tôi xin hưa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ tan biến đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử".
Ngót một tháng trời tôi đã đọc thơ Hàn Mạc Tử. Tôi đã theo Hàn Mạc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch bằng thơ Quần Tiên Hội. Và tôi đã mệt lả. Chính như Hàn Mạc Tử nói trong bài tựa Thơ điên, vườn thơ của người rung rinh không bờ bến càng đi xa càng ớn lạnh.
Bây giờ đã ra khỏi cái thế giới kỳ dị ấy và đã trở về với cuộc đời tầm thường mà ý nhị, tôi thử xếp đặt lại những cảm tượng hỗn độn của tôi.

Thơ Đường Luật: - Theo ông Quách Tấn, Phan Sào Nam hồi trước xem thơ Đường luật Hàn Mạc Tử có viết trên báo đại khái nói: "Từ về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm cũng khá nhiều, song chưa gặp bài nào hay đến thế... Ôi hồng nam nhạc bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười lên một tiếng lớnlà thoả hồn thơ đó". Thơ Đường luật Hàn Mạc Tử làm ra nhiều nhưng bị thất lạc gần hết, tôi không được xem mấy bài. Song trong những bài tôi được xem, tôi cũng đã gặp ít câu hay, chẳng hạn như:


Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngầm tràn cho đỡ chút buồn thôi.


Dầu sao tôi vẫn nghĩ cái khuôn khổ bó buộc của luật Đường có lẽ không tiện nẩy nở một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng như nguồn thơ Hàn Mạc Tử.

Gái Quê: - Nhiều bài có thể là của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị. Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào trong khung cảnh những vườn tre, những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi. Ông Phạm Vằn Kỳ đề tựa tập thơ ấy là phải lắm; Gái quê, và Une voix sur la voie đều bắt nguồn trong tình dục.

Thơ Điên: - Thơ điên gồm có ba tập

1. Hương thơm
2. Mật đắng
3- Máu cuồng và hồn điên

Hương Thơm:- Ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra hương khói. Một trời tình ái mới dựng lên đâu đây. Tuy có đôi vần đẹp, cảm giác chung nhạt tẻ thế nào.

Mật Đắng:- Ta vẫn đi trong mờ mờ. Nhưng thỉnh thoảng một luồng sáng lạ chói cả mắt. Nguồn sáng toả ra từ một linh hồn vô cùng khổ não. Ta bắt gặp dấu còn hoi hóp của một tình duyên vừa chết yểu. Thất vọng trong tình yêu, chuyện ấy trong thơ ta không thiếu gì, nhưng thường là một thứ buồn rầu có thấm vẫn dịu đi. Chỉ trong thơ Hàn Mạc Tử mới thấy một nỗi đau thương mãnh liệt như thế. Lời thơ như dính máu.

Máu Cuồng Và Hồn Điên: - Đến đây ta đã hoàn toàn ra khỏi cái thế giới thực và cả thế giới mộng của ta. Xa lắm rồi. Ta thấy nhữnng gì chung quanh ta? Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao, ghê tởm linh động như một người hay đúng hơn như một yêu tinh, và cũng nao nức dục tình. Hàn Mạc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra và rú lên những tiếng ghê người... Ta rùng mình, ngơ ngác, ta đã lục lọi khắp trong đáy lòng ta, ta không thấy có tí gì giống cái cảnh trước mắt. Trời đấy này thực của riêng Hàn Mạc Tử ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô đọc. Đã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp. Hàn Mạc Tử chắc cũng biết thế nên lúc sinh thời người có thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn. Ta chỉ biết ta đang đứng trước một người sượng sần vì bệnh hoạn, điên cuồng vì đã quá đau khổ trong tình yêu. Cuộc tình duyên ra đời với tập Hương thơm, hấp hối với Mật đắng, đến đây thì đã chết thiệt rồi, nhưng khí lạnh còn toả lên nghi ngút.
Một nhà chuyên môn nghiên cứu những trạng thái kỳ dị của tâm linh người ta xem tập Máu cuồn và Hồn điên có lẽ sẽ lượm được nhiều tài liệu hơn một nhà phê bình văn nghệ. Tuy thế, đây đó ta gặp những câu rất hay.
Như tả cảnh đồi một đêm trăng có câu:

Ngả nghiên đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang.


Lên chơi trăng có câu:

Ta bay lên! Ta bay lên.
Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm
Ta ở cõi cao nhìn trở xuống
Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm.

Đọc những câu ấy có cái thú vị ở xứ lạ gặp người quen, vì đó là những cảm giác ta có thể có. Lạc có khi những cảm giác ở ta rất thường mà trong trí Hàn Mạc Tử rất dễ sợ. Một đám mây in hình dưới dòng nước thành ra:

Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên.


Cái ý muốn mượn lời thơ để tả tâm sự mình cũng trở nên điên cuồng và đau đớn dị thường:

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,
Như mê man chết điếng cả làn da.
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh;
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.

Tôi chỉ trích ra vài đoạn có thể thích được. Còn bao nhiêu đoạn nữa tuy ta không thích vì nó không có gì phù hợp với lòng ta nhưng ta cũng biết rằng với Hàn Mạc Tử hẳn là những câu tuyệt diệu. Nó đã tả đúng tâm trạng của tác giả. Lời thơ có vẻ thành thực, thiết tha lắm:

Xuân Như Ý: - Mùa xuân Hàn Mạc Tử nói đây có khi ở đâu hồi trời đất mới dựng lên, có khi ra đời một lần với Chúa Jesus, có khi hình như chỉ là mùa xuân đầu năm. Nhưng dầu sao cũng không phải là một mùa xuân thường với những màu sắc những hình dáng ta vẫn quen biết. Đây là một mùa xuân trong tưởng tượng, một mùa xuân theo ý muốn của thi nhân, đầy rẫy những lời kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ. Với Hàn Mạc Tử thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế mà cũng để nói người ta với Thượng Đế, để ban phước cho cả thiên hạ. Cho nên mỗi lần thi sĩ há miệng - sao lạ há miệng? - Cho thơ trào ra, là chín từng mây náo động, muôn vì tinh tú xôn xao. Người ta sẽ thấy:

Đường thơ bay sáng láng như sao sa
Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc
Thêu như rồng phượng kết tinh hoa.


Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo không có gì giống như vậy. Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ không thể cùng quỳ lạy với thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngợp cái vẻ huy hoàng, trang trọng, lung linh, huyền ảo của lâu đài kia? Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như tưới vào hồn một nguồng sáng láng. Xuân như ý rõ ràng là tập thơ hay nhất của Hàn Mạc Tử.
Với Hàn Mạc Tử Chúa gần lắm. Người đã tìm lại những rung cảm mạnh mẽ của các tín đồ đời Thượng cổ. Ta thấy phảng phất cái không khí Athalic. Cho nên mặc dầu thỉnh thoảng còn sót lại một hai dấu tích Phật giáo, chắc những người đồng đạo chẳng vì thế mà khó dễ chi với di thảo của thi nhân.
Huống chi thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể.

Thượng Thanh Khí: - Một vài bài đặc sắc ghi lại những cảnh đã thấy trong chiêm bao, ở đâu giữa khoảng các vì tinh tú trên kia. Đại khái không khác cảnh Xuân như ý mấy, chỉ thiếu tính cách tôn giáo, huyền bí nhưng không thiêng liên.

Cẩm Châu Duyên: - Một hai năm trước khi mất, sự tình cờ đưa đến trong đời Hàn Mạc Tử hình ảnh một giai nhân có cái tên khả ái: nàng Thương Thương. Nàng có lẽ chỉ yêu thơ Hàn Mạc Tử và Hàn Mạc Tử hình như cũng không biết gì hơn hai chữ Thương Thương. Nhưng như thế cũng đã đủ để thi nhân đưa nàng vào "Tháp thơ". Nàng sẽ luôn luôn đi về trong những giấc mơ của người. Có khi người mơ thấy mình là Tư Mã Tương Như đương nghe lời Trác Văn Quân năn nỉ:

Đã mê rồi! Tư Mã chàng ôi!
Người thiếp lao đao sượng cả người.
Ôi! Ôi! Hãm bớt cung cầm lại
Lòng say đôi má cũng say thôi.


Song những phút mơ khoái lạc đó có bao lâu. Tỉnh dậy, người thấy:

Sao trìu mến thân yên đâu vắng cả?
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai!
Bức thư kia sao chẳng viết cho dài,
Cho khắng khít nồng nàn thêm chút nữa.


Ta tưởng nghe lời than của Huy Cận.
Nhưng cuộc đời đau thương kia đã đến lúc tàn, và nguồn thơ kia cũng đã đến lúc cạn, Hàn Mạc Tử chốc chốc lại ra ngoài biên giới thơ, lạc vào thế giới đồng bóng.
Duyên Kỳ Ngộ Và Quần Tiên Hội: - Mối tình đối với nàng Thương Thương còn khiến Hàn Mạc Tử viết ra hai vở kịch bằng thơ này nữa. Quần tiên hội viết chưa xong và không có gì. Duyên kỳ ngộ hay hơn nhiều. Đây là một giấc mơ tình ái, ngắn ngủi nhưng xinh tươi, đặt vào một khung cảnh tuyệt diệu. Thi nhân dẫn ta đến một chốn nước non thanh sạch chưa từng in dấu chân người. Ở đó tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng tiêu ngân đều biến thành những lời thơ tình tứ. Ở đó Hàn Mã Tử sẽ gặp nàng Thương Thương mà người không mong được gặp ở kiếp này, nàng sẽ nói với người những lời nồng nàn âu yến khiến chim nước say sưa. Nhưng rồi người sẽ cùng tiếng tiêu đi giữa lúc nàng gục đầu khóc, cảnh tiên lại rộn rã tiếng suối ca.
Trong thi phẩm Hàn Mạc Tử có lẽ tập nàng là trong trẻo hơn cả. Còn từ thơ Đường luật với những câu thơ:

Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối;
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.


Cho đến Gái quê, Thơ điên, Xuân như ý và các tập khác, lời thơ thường vẫn đục.

*
* *

Tôi đã nói hết cảm tưởng của tôi trong lúc đọc thơ Hàn Mạc Tử. Không có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựa che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao n hiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn tan rã...
Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn.