PDA

View Full Version : 10 sụ kiện tiêu biểu của thế giới



Reddevils
22-12-2007, 11:32 AM
10 sự kiện thế giới tiêu biểu 2007
2007 tiếp tục là năm nhiều biến động trên thế giới. Bên cạnh các vấn đề chiến tranh và hòa bình, những dấu hiệu ảm đạm của nền kinh tế thế giới, thể hiện qua giá dầu và giá vàng tăng cao kỷ lục, là những điểm đáng chú ý.

1- ASEAN ký kết Hiến chương đầu tiên
Văn kiện này được lãnh đạo các nước ASEAN ký ngày 20/11 tại Singapore nhân Hội nghị thượng đỉnh 13 nhằm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối, xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và đưa ASEAN trở thành một tổ chức liên chính phủ ở khu vực có tư cách pháp nhân.

Sau 40 năm thành lập, văn kiện trên là bước tiến lớn đưa ASEAN phát triển thành một cộng đồng có liên hệ chặt chẽ và bước đầu mang dáng dấp một EU thứ hai.

2 - Hội nghị hòa bình Trung Đông Annapolis
Hội nghị này do Mỹ bảo trợ và được tổ chức vào cuối tháng 11 tại thành phố Annapolis, bang Maryland, Mỹ.

Tuy thành công đạt được chỉ ở ''mức độ vừa phải'' nhưng về cơ bản đây cũng có thể xem là một bước đột phá trong tiến trình hòa bình Trung Đông sau nhiều năm quan hệ Israel và Palestine chìm trong bạo lực và bế tắc.

Tại Hội nghị, Israel và Palestine thống nhất sẽ cố gắng ký được Hiệp định hòa bình vào cuối năm 2008 để tiến tới xây dựng một nhà nước Palestine độc lập tồn tại bên cạnh nhà nước Israel.

Tuy nhiên, đã có không ít hoài nghi từ chính những người trong cuộc về cơ hội thành công của lộ trình này bởi sự suy yếu quyền lực trong nội tại của những người đứng đầu Palestine - Tổng thống Mahmoud Abbas, và Israel - Thủ tướng Ehud Olmert.

3 - Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc
Đại hội diễn ra từ 15 đến 21/10 tại Bắc Kinh, được xem là Đại hội tổng kết 30 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới và có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới theo đánh giá của World Bank.

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhất trí đề ra phương hướng toàn diện xây dựng Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trên cơ sở xã hội hài hòa và phát triển một cách khoa học.

Đại hội 17 của ĐCS Trung Quốc cũng đã giới thiệu một số gương mặt mới được xem là thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc và sẽ lên nắm quyền tại Đại hội sau.

Hai gương mặt nổi bật nhất là Tập Cận Bình, được cho là sẽ thay thế Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Lý Khắc Cường, người được xem là có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

4 - Đảng thân Putin thắng áp đảo trong Bầu cử Duma quốc gia Nga
Cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga ngày 2/12 kết thúc với thắng lợi áp đảo nghiêng về đảng “Nước Nga Thống nhất” ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin.

Việc giành đa số ghế lập hiến tại Duma, tức Hạ viện Nga, (315/450 ghế) cho phép đảng “Nước Nga Thống nhất” duy trì đường lối và ảnh hưởng chính trị của ông Putin sau bầu cử Tổng thống.

Thắng lợi của Đảng ''Nước Nga thống nhất'' trong cuộc bầu cử Duma quốc gia được đánh giá là một nền tảng quan trọng để dự đoán các diễn tiến tiếp theo trên chính trường Nga trong năm 2008, năm có cuộc bầu cử Tổng thống tìm người kế nhiệm ông Putin.

Cũng từ thắng lợi này, kịch bản ông Putin tiếp tục ở lại chính trường trở nên rõ ràng hơn khi Đảng ''Nước Nga thống nhất'' và ông Putin ủng hộ Phó Thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev ứng cử Tổng thống còn ông Medvedev lại đề cử Putin làm Thủ tướng một khi trở thành ông chủ của Điện Kremlin.

5 - Giá dầu và giá vàng tăng kỷ lục

Năm 2007 là năm đầy bão tố với giá dầu và giá vàng. Đã có những thời điểm giá dầu tăng lên đến gần 100 USD/thùng còn giá vàng lên tới 850 USD/ounce.

Trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mất giá nghiêm trọng, nhiều nước có dự trữ ngoại tệ lớn bằng đô la Mỹ và các nước OPEC phải tính đến khả năng chuyển dần sang sử dụng các ngoại tệ mạnh khác để tính giá dầu.

OPEC cũng từ chối việc tăng sản lượng nhằm bình ổn giá với lập luận giá dầu tăng do những nguyên nhân khác chứ không phải do năng lực sản xuất của các nước thành viên OPEC.

Giá dầu cao và nguy cơ cạn kiệt nguồn nhiên liệu đã làm bùng lên cuộc tranh chấp giữa các cường quốc về chủ quyền đối với các vùng đất và đáy biển ở Bắc cực và Nam cực.

6 - Vụ thảm sát tại trường ĐH Công nghệ Virginia

Cuộc thảm sát bằng súng trong học đường đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ cướp đi sinh mạng của 33 người, trong đó có cả hung thủ Cho Seung Hui.

Hung thủ, con một gia đình nhập cư gốc Hàn, đã bị chứng hoang tưởng nặng nề trong những năm đi học, đã được cảnh báo về mức độ nguy hiểm nhưng không một ai để ý cho đến khi xảy ra vụ thảm sát.

Mức độ nghiêm trọng của vụ thảm sát khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Bush chịu áp lực nặng nề phải siết chặt các dự luật về sử dụng súng trong thường dân.

Ở một góc độ khác, sự thất bại của một công dân nhập cư như Cho Seung Hui cũng đặt ra cho nước Mỹ nhiều câu hỏi về việc giúp đỡ những người nhập cư hòa nhập vào cộng đồng.

7 - Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có đột phá
Sau một thời gian rơi vào bế tắc do thiếu sự nhượng bộ từ các bên, cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã đạt được bước đột phá trong năm 2007.

CHDCND Triều Tiên cam kết vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của mình để đổi lại việc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga viện trợ về năng lượng và tài chính, bảo đảm về an ninh và công nhận về ngoại giao.

Cuối tháng 11/2007, đại diện của các bên tham dự Đàm phán 6 bên đã đến Bình Nhưỡng để bắt tay vào giám sát việc dỡ bỏ các cơ sở năng lượng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Bước đột phá trong đàm phán 6 bên cũng là cú hích quan trọng thúc đẩy quan hệ liên Triều cải thiện tích cực. Hai miền Nam, Bắc Triều Tiên đã có cuộc Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 2 trong lịch sử tại Bình Nhưỡng và kết thúc thành công với những thỏa thuận hợp tác kinh tế, quân sự.

8 - Chính trường Pakistan bất ổn triền miên
Chính trường Pakistan, cường quốc hạt nhân ở Nam Á, rơi vào bất ổn triền miên trong gần cả năm 2007 do những bất đồng gay gắt giữa Tổng thống Pervez Musharraf và các phe phái đối lập liên quan đến việc nắm giữ quyền lực của ông Musharraf.

Nhằm bảo vệ thắng lợi áp đảo của mình trong cuộc bầu cử Tổng thống đầu tháng 10, ông Musharraf đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, trước sức ép của các đồng minh lớn như Mỹ, Anh... cũng như của dư luận trong nước, ông Musharraf đã phải từ bỏ vị trí Tổng tư lệnh quân đội để trở thành một Tổng thống dân sự.

Thỏa hiệp chia sẻ quyền lực giữa ông Musharraf và cựu Thủ tướng Benazir Bhutto cũng đổ vỡ. Bà Bhutto trở về nước sau 8 năm sống lưu vong và tuyên bố hợp tác với một cựu Thủ tướng khác là Nawaz Sharif để chống lại ông Musharraf. Các nhà phân tích nhận định chính trường Pakistan sẽ còn phức tạp và khó dự đoán trong một thời gian tương đối dài.

9 - EU thông qua Hiệp ước Lisbon
Hiệp ước Lisbon được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/10 tại Bồ Đào Nha. Hiệp ước này thay thế dự thảo Hiến pháp EU bị bác bỏ trước đó và là bước đi quan trọng trong quá trình thể chế hoá EU với 27 thành viên.

Trước đó, vì những bất đồng trong nội bộ các nước thành viên, cụ thể là ở Pháp và Hà Lan, bản Hiến pháp EU đã ''chết yểu'' khiến lộ trình khu vực hóa của khối này lâm vào bế tắc.

Đến cuối tháng 12/2007, Hiệp ước Schengen chính thức có hiệu lực với 9 nước thành viên mới, giúp các công dân EU tự do di chuyển và sinh sống trong không gian EU.

10 - Thiên tai tiếp tục tàn phá
Bão, lốc xoáy tàn phá ngày 15/11 đổ bộ vào Bangladesh với sức gió lên tới 250km/h, gây triều cường cao hơn 5m, cướp đi sinh mạng của trên 3.300 người, làm bị thương hơn 40.000 người khác.

Một trong số 75 cơn lốc xoáy tàn phá 6 bang miền Trung nước Mỹ trong 24 giờ từ ngày 5 đến 6/5 đã xóa sổ cả một thị trấn ở bang Kansas.

Tại Peru, trận động đất mạnh hơn 8 độ richter cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và phá hủy hoàn toàn nhiều thị trấn.

Tại Việt Nam, trận lũ lịch sử ở miền Trung gây ra thiệt hại nặng nề về tài sản.

letienquana12
22-12-2007, 01:50 PM
Schengen :
hiệp ước vừa được áp dụng đêm hôm kia,tất cả các biên giới giữa các nước thành viên coi như ko tồn tại,có thể đi từ nước nọ sang nước kia tùy ý ko câng giấy tờ gì,hôm qua bọn tây bên này ăn mừng ghê lắmc:big_smile:

magaden_c8
20-04-2008, 10:42 AM
việt nam phóng thành công tàu vũ trụ vinasat-1 bà con ơi , tốt quá đi mất , vịnh hạ long lại đang đc bầu bình n` nữa chứ , càng tốt , ha ha ha