PDA

View Full Version : 3 cô giáo đi… lừa đảo



hmt
29-08-2008, 02:55 PM
Oanh, Khải và Hữu là cán bộ giáo viên trường tiểu học. Thông qua người thân, 3 người đã mượn 54 chứng minh nhân dân rồi làm hồ sơ giả để vay tiền của ngân hàng. Vay được 540.000.000 đồng, 3 cô chia nhau “xài” và cho người khác “vay ké”…

Chuyện về các thầy giáo nghiện ma tuý ở Phú Thọ chưa đến hồi quá vãng thì vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phòng giao dịch Cổ Tiết - Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Tam Nông - Phú Thọ mà đối tượng bị khởi tố là các cô giáo lại khiến dư luận thêm một lần xôn xao.

Chuyện bắt đầu từ khi Phòng giao dịch Cổ Tiết - đơn vị trực thuộc Ngân hàng NN&PTNT huyện Tam Nông, có chủ trương cho giáo viên thuộc biên chế Nhà nước vay hỗ trợ đời sống đến 10 triệu đồng.

Từ năm 2004 đến năm 2006, Lê Thị Thu Oanh (38 tuổi), Bùi Thị Khải (51 tuổi) và Trần Thị Hữu (46 tuổi) đều là cán bộ giáo viên Trường Tiểu học xã Tề Lễ, huyện Tam Nông đã cùng bàn bạc, thống nhất làm nhiều hồ sơ giả mang danh là hộ giáo viên của nhà trường để tiến hành vay tiền theo chế độ cho vay đối với giáo viên tại Phòng giao dịch chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Tam Nông.

Thực hiện mục đích trên, Lê Thị Thu Oanh, Bùi Thị Khải và Trần Thị Hữu đã thông qua những người thân quen ở địa bàn các huyện Tam Nông, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Ba (Phú Thọ), tất cả lên đến 54 người đều không phải là giáo viên Trường Tiểu học xã Tề Lễ, huyện Tam Nông để mượn được 54 giấy chứng minh nhân dân của họ.

Sau khi mượn được số chứng minh nhân dân trên, Oanh đã đến Phòng giao dịch Cổ Tiết gặp bà Nguyễn Thị Lịch - cán bộ tín dụng phụ trách cho vay tại địa bàn xã Tề Lễ "đặt vấn đề": "Hiện nay, trường cháu có nhiều giáo viên muốn vay tiền để mua xe máy phục vụ công tác, họ muốn nhờ cháu mua một ít hồ sơ để làm thủ tục vay tiền".

Bà Lịch tin là thật nên đã bán cho Oanh nhiều lần với tổng số 54 bộ hồ sơ xin vay vốn. Có hồ sơ xin vay vốn trong tay, Oanh đã đem về đưa cho Trần Thị Hữu và Bùi Thị Khải cùng "hoá phép" cho những bộ hồ sơ. Đầu tiên, chúng tìm đến những người cho mượn chứng minh để "nhờ" ký khống vào bộ hồ sơ vay vốn.

Sau đó, những bộ hồ sơ được tập hợp tại nhà Oanh để các cô giáo tự điền tên, tuổi, nghề nghiệp của những người này, "tự coi" họ là giáo viên của Trường Tiểu học xã Tề Lễ, huyện Tam Nông và đều có hộ khẩu... tại xã Tề Lễ. Oanh, Khải, Hữu còn tự nghĩ ra tên người thừa kế để viết vào mục người thừa kế trong hồ sơ và ký giả những chữ ký của người thừa kế.

Tiếp thêm một bước, Oanh và Hữu còn... giả cả chữ ký của... hiệu trưởng và hiệu phó nhà trường vào mục "xác nhận của nhà trường" rồi "lấy trộm" con dấu của Trường Tiểu học Tề Lễ đóng vào các bộ hồ sơ giả để hoàn thành một quy trình hợp thức cho 54 bộ hồ sơ xin vay vốn giả.

Sau khi hoàn thành 54 bộ hồ sơ xin vay vốn, Oanh đã đem nộp cho bà Nguyễn Thị Lịch kiểm tra, thẩm định. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra và thẩm định đều không được tiến hành. Cả 54 bộ hồ sơ đều nhanh chóng được bà Lịch ký xác nhận, mỗi hồ sơ được vay 10.000.000 đồng rồi chuyển cho bộ phận nghiệp vụ Phòng giao dịch Cổ Tiết để xét duyệt cho vay vốn. Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Tam Nông đã quyết định cho 54 hồ sơ trên được vay với tổng số tiền 540.000.000 đồng.

Kịch bản lừa đảo xin vay vốn của các cô giáo nêu trên còn hoàn hảo hơn khi ngân hàng thông báo đề nghị những người đứng tên trên khế ước đến nhận tiền vay, Lê Thị Thu Oanh, Trần Thị Hữu và Bùi Thị Khải đều "vận động" những người có tên trong chứng minh nhân dân đến Phòng giao dịch Cổ Tiết ký tên, nhận tiền và... đưa lại toàn bộ số tiền vay được cho Oanh, Khải, Hữu "quản lý".

Toàn bộ số tiền vay được, bộ ba cô giáo này đã chia nhau sử dụng, Oanh sử dụng 337.000.000 đồng, Hữu 42.000.000 đồng, Khải 117.000.000 đồng. Số tiền còn lại là 44.000.000 đồng, Oanh và Khải đã đưa lại cho 24 cá nhân muốn "vay ké" đồng thời yêu cầu họ phải trả lãi và gốc khi đến hạn cho Khải và Oanh.

Cho đến ngày 9/2/2007, khi Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT huyện Tam Nông kiểm tra các món vay tại địa bàn xã Tề Lễ mới phát hiện 54 hồ sơ vay vốn của giáo viên Trường Tiểu học xã Tề Lễ đều là hồ sơ giả. Ngân hàng đã làm việc với nhà trường và xác định ba cá nhân Oanh, Khải, Hữu đã làm giả những hồ sơ vay vốn trên đồng thời yêu cầu các đối tượng này phải có trách nhiệm thanh toán số nợ gốc là 506.200.000 đồng đối với ngân hàng.

Dù đã nộp lại ngân hàng một số tiền nhất định nhưng cho đến thời điểm này, ba cô giáo cũng không có khả năng thanh toán với tổng số tiền 375.887.100 đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Phú Thọ thì số tiền các cô giáo trên chiếm đoạt tuy không lớn nhưng cho thấy đây là một vụ án phức tạp bởi quá trình lừa đảo diễn ra trong một thời gian dài, các đối tượng phạm tội đều có học vấn cao, bằng thủ đoạn gian dối tinh vi, các đối tượng đã có sự bàn bạc thống nhất để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, điều đó gây ảnh hưởng xấu không chỉ riêng cho ngành Giáo dục Phú Thọ mà còn gây ra những luồng dư luận không tốt trong xã hội.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đề nghị truy tố các bị can trước pháp luật

kẻ xấu
08-12-2008, 01:40 PM
Híc !!!!
h mới biết ko phải giáo viên nào cũng tốt !!!
Hôm trước em có vào quán cafe bãi rác Trên gần nhà thờ ...
Thấy thầy giáo, cô giáo : có những hành động lời lẽ chả đẹp mắt và thuận ta cái gì cả ???
Đến buồn !!!!
:empty::empty::empty: