PDA

View Full Version : Chợ xưa…Chợ nay…



LANG DU
28-11-2008, 02:05 PM
Câu tục ngữ “Nhất cận thị, nhì cận giang” đã góp phần khẳng định vai trò của chợ trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi người dân Việt. Nhẩm xem nước ta có bao nhiêu loại chợ thì nhiều lắm, bởi mỗi tên gọi thường gắn với những đặc trưng của chợ: “Chợ phiên” phảng phất nét hoài cổ xa xưa. “Chợ quê” giản dị với những bánh đa, bánh đúc. “Chợ tạm” xô bồ những bán mua trao đổi…

Ngày xưa, mỗi lần mẹ dắt tay đi chợ, đôi mắt trẻ thơ trong veo là tôi lại được một chuyến du chơi kỳ thú. Những viên kẹo bột trắng phau. Những trái chuối cau mầm mẫm. Thứ quà quê là những chiếc bánh khúc, bánh nếp, bánh lá… nóng hổi mẹ thường mua cho tôi mỗi khi đi chợ về.

Xưa , ba mươi sáu phố phường của Hà Nội được xem như ba mươi sáu chợ. Nay, mỗi góc phố, từng ngõ nhỏ, khu tập thể nào cũng có thể là chợ. Siêu thị hào nhoáng mọc lên nhưng không giống chợ từ âm thanh, cách chọn hàng cũng như sắp xếp hàng hóa. Chính điều này khiến du khách nhìn thấy sự hấp dẫn của Việt Nam khi ngồi trên xích lô dạo lòng vòng Hà Nội. Ngày nay, Hà Nội chỉ còn hai chợ vẫn giữ lệ họp theo phiên. Đó là chợ Bưởi và chợ Mơ.

“Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Ngày tư ngày chín cho duyên đèo bòng”

Các chợ trước kia đều có thể đạp xe vào mua bán dễ dàng, nhưng giờ đây hàng hóa nhiều đến nỗi chợ nào cũng chật chội. Hầu như chợ nào cũng có biển “cấm xe vào chợ”. Kể từ đó, người thành phố bỏ dần thói quen đi vào các khu chợ lớn. Chợ vỉa hè bung ra. Chợ tạm, chợ cóc, chợ xanh… đủ các tên gọi với các mặt hàng đáp ứng nhu cầu “mua nhanh bán chóng” của người dân. Tan sở, dừng xe một chút bên lề đường, có khi không cần tắt máy là đã có ngay một bữa ăn tươi.

Chợ vỉa hè đua nhau mọc ra. Công an đuổi, họ chạy. Công an đi, họ lại họp. Thôi thì đủ các mặt hàng. Hàng cá ngồi lẫn hàng rau. Hàng quà sáng chen lẫn những phản thịt bò và mấy con gà làm sẵn. Mẹt hàng gia vị tỏa ra đủ hương, đủ màu sắc hội họa của ớt, chanh, gừng, tỏi… Chợ vỉa hè tồn tại trong đời sống người dân thành phố khá sôi động. Giữa những bán mua, cò kè mặc cả, chợt thấy bóng bảo vệ phường. Tiếng hô “Công an”, “chạy đi” dường như đã trở thành một “khẩu lệnh”, một phản xạ có điều kiện của tất cả những ai gắn bó với “chợ di động”.

Tiện thì có tiện thật, nhưng ngày nay kiểu chợ như thế không thể tồn tại trong xã hội công nghiệp và đô thị hiện đại. Đó là kiểu buôn bán vô tổ chức, gây ách tắc giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Xin hãy để những hình ảnh về chợ tạm, chợ cóc, chợ vỉa hè… chỉ tồn tại trong ký ức mỗi chúng ta, như hoài niệm dịu êm về một thời khốn khó.

hrockvn
28-11-2008, 11:41 PM
Mới đây Hà Nội có đề án dẹp các chợ tạm, chợ cóc để quy hoạch làm siêu thị. Thiết nghĩ. Đó thực sự là một đề án không khả thi và không hợp lòng dân.
Chợ nó là nết văn hóa của không chỉ người dân Hà Nội mà là của Việt Nam. Từ lâu trong sâu thẳm chúng ta, chợ nó gắn liền với những gì dân dã, bình yên của cuộc sống.
Hãy thử tưởng tượng chúng ta bước vào một siêu thị rộng lớn và tìm kiếm một chiếc bánh xèo, bánh rán, ... Chợ tạm chợ cóc đôi khi không chỉ là mưu sinh của người bán mà nó trở thành thói quen, cuộc sống của mỗi chúng ta. Điều mà bộ máy lãnh đạo cần làm đó là tìm hướng để quy hoạch và tập trung các hàng quán này lại thay vì loại bỏ.

Cảm ơn chị vì bài viết này. Lâu rồi mới có một bài viết cảm nhận về cuộc sống trên diễn đàn.

LANG DU
29-11-2008, 08:23 AM
cảm ơn những góp ý của em. cũng lâu rồi chị mới trở lại diễn đàn...