PDA

View Full Version : Tiếng vĩ cầm giang dở ( sưu tầm )



duongyhoa
20-12-2008, 11:20 AM
Như thường lệ, sáng nay, ông già lại chơi đàn. Sau chén trà buổi sáng, ông đến vách nhà lấy cây đàn treo trên giá xuống, lấy nó ra khỏi hộp đàn bằng nhung màu đỏ đã lỗ chỗ sờn rách. Có vẻ như đêm qua con chuột mẹ trên nóc nhà lại đến gặm một ít vải nhung đem về làm cái tổ đang dang dở của nó
Ông đặt đàn lên vai và chơi một bản vĩ cầm độc tấu. Giai điệu buồn bã, ma mị. Gã đạp xe xích lô chạy ngang nhà nhìn ông qua ô cửa sổ chậc lưỡi than vãn bâng quơ. Ông già ơi! Đừng chơi những bản nhạc não nề như vậy nữa. Sáng nào ông cũng toàn chơi những âm thanh nghe rầu đến thúi ruột, tụi tui không còn tâm trạng để làm việc nữa. Vợ con chắc có nước chết đói. Ông già cười cười, xen lẫn cơn ho. Bản nhạc đột ngột phải dừng lại. Thi thoảng, bản nhạc ông chơi phải dừng lại vì những lý do hết sức vô duyên như vậy. Chẳng trách họ được. Họ cần âm thanh gì đó vui tươi khỏa lấp đi cuộc sống đói khổ, buồn bực và tủi hờn của mình. Còn những âm thanh ông sắp xếp vừa đơn độc vừa khiến người ta thấy cô đơn khôn tả.
Ông dừng đàn, nhấm thêm một tách trà gừng. Ông không thấy buồn khi người ta cắt ngang mạch cảm xúc. Những người đó không phải là đối tượng nghe nhạc của ông. Ông không cần họ. Ông ngân lên những khúc đàn như vậy, nghe họ nhắc nhở, chỉ để biết rằng ông vẫn còn đang tồn tại quanh họ, trong cuộc sống này, ở cạnh nhiều người. Dù sao, khi đang sống, biết mình sống và kiểm soát được mình vẫn là điều tốt.
Vị gừng cay nồng phả vào mũi khiến ông tỉnh táo hơn giữa buổi sáng mùa đông rét buốt như thế này. Đêm qua, ông không chợp mắt được chút nào. Cơn lạnh nhức nhối từ trong xương lan ra đến bên ngoài. Có lẽ ông đã già thật rồi. Không còn chịu nổi cái lạnh này nữa. Mùa đông trước, ông và gã bạn già vẫn thường ngồi trước công viên, chơi những khúc đàn song tấu với nhau. Chơi cho đến đêm, khi sương xuống, rủ lên vai ướt lạnh. Người qua đường ném vào chiếc mũ những đồng xu leng keng. Gã bạn bảo, đó là những đồng xu lấp lánh được ban tặng bởi lòng yêu nhạc hoặc lòng thương hại hai lão già khốn khổ. Ông bảo, ông sẽ nhận những đồng xu được ban phát bằng lòng yêu âm nhạc, không phải là những đồng xu thương hại. Gã bạn bảo, những đồng xu đã lẫn vào nhau, không thể nào phân biệt tách bạch được. Ông phẩy tay, vậy ta không lấy bất cứ đồng xu nào. Hình như ông nghe gã bạn khóc. Gã rấm rứt, tủi thân, vì thế âm thanh trở nên lạc điệu.
Bây giờ, ông không ra đường được nữa, không còn có thể ngồi trên ghế đá và kéo đàn. Gã bạn già đã yên nghỉ dưới nấm mồ vô danh nào đó, ông không sao biết được. Sự gắn kết giữa ông và gã chỉ bằng tiếng đàn. Khi không còn làm công việc gắn kết những âm thanh, không ai còn biết về nhau nữa. Thi thoảng, ông tự hỏi về âm thanh của những đồng xu leng keng ấy, liệu có theo gã không. Dù gì, với người nghệ sĩ chơi đàn, mang theo những âm thanh nào đó cũng tốt hơn là chết một cách rỗng tênh.
Một thời gian dài, ông không hề *****ng đến đàn. Ông không còn biết chơi cho ai nghe nữa. Con mèo già thường trốn trong đống chăn mền lùng bùng ngao ngao, lừ đừ dụi người vào chân ông càng làm âm thanh phát ra từ cây đàn buồn tẻ, mệt nhọc hơn. Ông biết mình nên dừng việc này lại. Ông rũ mạnh đám lông mèo bám trên mền. Nó làm cơn ho lụ khụ của ông bắt đầu và kéo dài hơn. Con mèo đã già rồi. Nó quẩn quanh chân ông cả ngày, nằm liu thiu nhìn ông uống trà, hơi nghiêng tai nghe tiếng chuột kêu và cụp đuôi ngủ khi thấy bữa trà của ông quá lâu. Nhưng nếu không nấn ná với những việc nhàm chán đó, ông biết làm gì?




***


Ông đã không chơi đàn một thời gian, cho đến khi con bé đến.


Con bé mê mẩn với tiếng đàn buồn bã, ma mị dù nó chẳng biết ông đang chơi bài gì và như thế nào là những nốt nhạc. Không cần thiết lắm về những điều đó. Nó là người bạn duy nhất của ông. Mỗi khi nghe ông chơi đàn tim nó run bằn bặt, nghẹn lại, xót xa, khấp khởi vui mừng. Nó gọi ông là nghệ sĩ già, biết sắp đặt âm thanh. Sự sắp đặt đầy tuyệt diệu, làm mê mẩn.

Ông đặt cây vĩ cầm lên vai. Ông đã nghe thấy tiếng chân con bé. Sẽ nhanh chóng thôi, nó có mặt ở đây. Con bé đang chạy sầm sập từ bên mé bờ kênh bên kia chạy sang. Không hiểu sao nhưng ông nghe trong tiếng chân nó nỗi niềm hoang hoải lo sợ.

Con bé con chất gạch thành đống cao cạnh cửa sổ. (Rất ngớ ngẩn là ngày nào nó cũng chất gạch thành đống cao rồi xô đổ đống gạch đó đi, hôm sau lại bắt đầu xếp tiếp. Lặp đi lặp lại như thế. Dường như nó muốn có việc gì đó để làm, gọi là điều kiện để được nghe nhạc, như người ta xếp hàng dài trước cửa rạp chờ mua vé xem một danh cầm nào đó đang chơi nhạc).

Nó đứng trên đống gạch xếp vuông vức ấy, thò đầu vào cửa sổ căn gác của ông. Lần đầu tiên gặp, nó thò đôi mắt trong veo vào, chăm chăm nhìn cây đàn treo trên vách nằn nì ông chơi vĩ cầm cho nó nghe. Sau này, bao giờ nó cũng bảo ông chơi đúng ba bản nó đã nghe ông chơi lần đầu và chỉ lặp đi lặp lại ba bản ấy khiến đôi khi ông cảm thấy âm nhạc, cuộc sống của mình và nó đang trì đọng đi. Song ông vẫn chơi theo lời yêu cầu của nó. Khi ông chơi xong nó vỗ tay khen tấm tắc. Nó hỏi, ông ơi, ông ở đâu tới đây? Ông chơi đàn lâu chưa? Nó hỏi đi hỏi lại câu ấy. Và ông cũng trả lời không biết bao nhiêu lần cùng một câu trả lời. Ta từ miền xa xôi tới đây, nơi ấy có núi rừng, có biển cả, có mọi thanh âm tươi đẹp nhất. Đó là thiên đường. Ta chơi đàn cả cuộc đời ta, cháu ạ! Ông ơi! Mỗi khi nghe tiếng đàn, cháu lại thấy mình được đứng giữa cánh đồng cỏ bao la rộng lớn. Cháu mặc một bộ váy áo màu trắng, xinh đẹp như công chúa và cháu chơi đàn. Cháu chơi đàn giống như ông. Cháu chơi đàn cho tai cháu, lòng cháu nghe.


Ông dừng tay, treo đàn lên cái giá treo tường. Ông dỏng tai hỏi con bé con.
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi
- Cháu mười lăm tuổi.
- Tuổi mười lăm là tuổi của mơ mộng đấy cháu ạ! Rồi ngày nào đó, cháu sẽ thực hiện được.

- Cháu không biết nữa. Đêm nào cháu cũng nằm mơ. Khi tỉnh dậy, giấc mơ chẳng bao giờ thành hiện thực cả nên cháu không còn tin vào giấc mơ nữa.
Giọng con bé chùng xuống. Nó ngoáy móng tay trên tấm vách sột soạt. Nhà cháu ở phía đằng kia. Khi nào ông đến nhà cháu chơi nhé!

Con bé chỉ tay về mé bên kia bờ kênh. Nó hồn nhiên. Nó quên rằng ông già mù, dĩ nhiên là không thấy đường. Ông già cười. Khi nào ta thật khỏe, ta sẽ đến. Nó cũng cười. Rồi nó tụt xuống khỏi đống gạch, lại sầm sập chạy qua cây cầu ván nhỏ bắc qua bờ kênh.



***
Sáng nay, con bé không yêu cầu ông chơi đàn. Nó lắng nghe âm thanh lơ đãng, dường như chỉ mong chóng hết. Quả vậy, ông vừa ngưng tiếng đàn, nó đã hỏi ông.

- Ông ơi! Nếu mẹ cháu yêu ông, ông có yêu mẹ cháu không? Cháu có thể được ở với ông và mẹ cháu không? Cháu yêu hai người lắm.



Giọng con bé thành khẩn. Kèm trong đó là nỗi ước muốn rất lớn lao. Ông già biết, con bé không đùa.
- Thế cha cháu đâu? Cha cháu sẽ không để cho một lão già như ta đi yêumẹ cháu đâu.
- Cháu không có cha!
Đôi mắt ông hấp háy khó nhọc.
- Nhưng mẹ cháu sẽ không yêu ông. Ông đã già rồi. Chúng ta không đùa như thế này nữa, cháu nhé!

Ông biết mình nên kết thúc câu chuyện ngay lúc này. Bởi tình yêu, hai tiếng đó, nó thường khơi gợi lại vết thương nhoi nhói trong ông.

- Mẹ cháu sẽ yêu ông. Mẹ cháu sẽ yêu tất cả đàn ông trên thế gian này. Chỉ cần ai có tiền là mẹ cháu sẽ yêu. Mẹ cháu là đĩ đấy ông ạ! Ông có tiền để yêu mẹ cháu không?
- Không! Ông là lão già nghèo kiết xác.
Ông ngạc nhiên, tại sao con bé lại nói như thế? Ai đã dạy cho nó những lời nói về mẹ mình như thế?

Một tuần sau buổi sáng con bé hỏi ông câu hỏi lạ lùng ấy, ông không thấy con bé quay lại. Ông chờ mãi, chờ mãi. Ông chờ con bé thò đầu vào ô cửa, ông sẽ chơi cho nó nghe bản nhạc cuối cùng của cuộc đời ông. Bản nhạc trọn vẹn và hay nhất. Bỗng dưng, một buổi sáng thức dậy, ông thấy mình đã già và quá đơn độc bởi những thanh âm, tựa hồ những con ve sầu cuối hạ, đã cạn kiệt sức lực cho bài ca râm ran. Ông muốn tặng con bé cây vĩ cầm, bảo nó rằng giấc mơ đôi khi có thật trong đời.

Ngày thứ tám, con bé lại thập thò bên cửa sổ. Mùi tóc khét nắng báo cho ông biết nó đã đến. Ông lấy cây đàn trên giá. Dây đàn đã cũ. Có lẽ sẽ đứt sau khi ông kết thúc bản nhạc. Ông hào hứng đàn. Chưa bao giờ nó thấy ông đàn hay như thế.

- Về mau! Hóa ra sáng nào mày cũng chạy biến đi là để đến đây đấy à? Về nhà sẽ biết tay tao.
Âm thanh chua lè, cáu bẳn phát ra từ giọng một người đàn bà.

Dây đàn đứt phựt bởi người chơi không đủ tịnh tâm để điều khiển nó. Bản nhạc cuối cùng đã không được chơi trọn vẹn. Ông nhướn đôi mắt mù lòa về phía cửa sổ. Tiếng bước chân đã xa dần. Không nghe tiếng con bé. Mẹ nó không ngừng nhiếc móc và hình như có cả véo tai, đánh vào người nó. Con bé chạy đi.

Con bé không còn đến nữa. Ông già lên cơn sốt li bì, không ăn uống mấy ngày liền. Ba ngày sau thì ông mất. Khi chôn ông ở rìa đất dành cho mấy người nghèo vô gia cư, người ta không nói với ông, con bé đó đã đi mãi rồi. Nó không có cha mẹ. Nó là trẻ lang thang lại bị bệnh tâm thần phân liệt, thích đóng hai vai. Khi thì đóng vai con, khi thì đóng vai mẹ. Đêm đêm, đi ngang qua khu để ống cống xi măng của mấy ông làm đường, người ta vẫn nghe nó khóc, rồi thấy chính nó giả làm mẹ nó, vừa dỗ dành nó vừa la mắng, hăm dọa hoặc phét vào mông nó. Hẳn nó thèm khát và nhớ mẹ.

Cây vĩ cầm, người ta đã hóa tro mang xuống cho ông. Dây đàn đứt rồi, liệu linh hồn ông có chơi trọn vẹn một bản nhạc?
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Yến Linh