PDA

View Full Version : Mỗi ngày một cuốn sách



bức tường
10-01-2009, 05:21 PM
Dấu vết của mẹ



"Dấu vết của mẹ" mang đến một hình dung về thế hệ trẻ, một thế hệ lạc loài của một xã hội đang đổi thay. Những vấn đề của Anna là những vấn đề chung của con người, dù nó ở Ba Lan hay Việt Nam.

Tên sách: Dấu vết của mẹ - di sản của nỗi đau
Tác giả: Marta Dzido
Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Thư
Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn ấn hành

" - Mẹ ơi, có phải đàn ông đều giống nhau và họ chỉ nghĩ đến mỗi một chuyện? Mẹ cũng không biết nữa, mẹ có biết hết đàn ông đâu. Thế còn những người mà mẹ biết? Những người mà mẹ biết thì đúng là như vậy".

"- Mẹ ơi, trẻ con từ đâu mà có? Từ tình yêu... Từ tình yêu hoặc là do sai lầm. Thế con thì do sai lầm hay tình yêu?"

"- Mẹ ơi, người ta sinh ra tốt hay là xấu? Tốt. Thế thì cái xấu từ đâu ra? ... Cái xấu... Cái xấu giống như là lớp mỡ cứ dầy lên theo tuổi tác”... Những đoạn đối thoại ấy mở ra, bắt đầu và cứ treo lửng lơ bất kỳ trong một phần nào đó của cuốn sách, như sự bất chợt sáng lại của ký ức tưởng đã được rũ sạch.
Bìa cuốn sách 'Dấu vết của mẹ'.

"Dấu vết của mẹ" mang bóng dáng của một tự truyện, với những trải nghiệm giật mình của tuổi mười chín. Cô gái ấy thản nhiên đau.

Khi một mầm sống bắt đầu hình thành trong cô gái mười chín tuổi, điều gì sẽ xảy ra? Cầm chắc là những cơn hoảng loạn. Sau đó, có người đã tìm được niềm an ủi sau cuộc sinh nở đau đớn. Người khác lại dấn tâm trí vào cơn tuyệt vọng triền miên và chối bỏ phôi thai trong dạ mình để rồi thao thức hoài về cảm giác tội lỗi. Mỗi người chọn một con đường khác nhau. Nhưng có một sự luôn giống nhau, sai lầm thế hệ sau chồng lên sai lầm của thế hệ trước, đó là cả đời họ bị đàn ông dẫn dụ, đẩy vào hết bi kịch này đến những cơn đau khác, nhưng liều thuốc an thần thực sự với họ vẫn là những điều tốt đẹp còn lại trong những người đàn ông hiếm hoi... Có thể coi “Dấu vết của mẹ” là một cuộc tự vấn và đeo đuổi những nghĩ suy như thế.

"Có những người đàn bà mà việc nạo thai không để lại nơi họ một dấu vết nào. Họ nạo thai, thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục đi. Nhưng với những phụ nữ không thể sống với cái bụng bỗng nhiên trống rỗng của mình thì sao? Với họ, cùng với cái thai bị nạo đi là cả trái tim nữa? Sẽ ra sao với những phụ nữ mà bên cạnh việc nạo thai, tâm lý của họ cũng bị nạo sạch trơn?"... Anna, nhân vật tôi trong truyện, là dạng phụ nữ thứ hai. Cô luôn mơ thấy mầm sống của mình, nơi nghĩa địa với nấm mồ bé nhỏ. Cô tin nó là một linh hồn. Mà cô đã kiệt quệ trong vũng xoáy của tội lỗi và buộc phải không có nó. Người yêu cô, cậu bạn cùng tuổi cùng lớp, người luôn nghĩ có tiền là giải quyết được tất cả. Và cô đã phải một mình đến căn phòng của bác sĩ, để tẩy đi giọt máu của mình.

Cô cũng từng là một giọt máu như thế, khi mẹ cô cũng đã khờ dại ở tuổi mười chín. Anna đi tìm kiếm sự yên ổn trong tâm hồn bằng ma tuý, bằng những viên thuốc "tăng tốc", bằng sự vuốt ve mơn trớn của tình yêu đồng tính, bằng những câu chuyện và những giấc mơ trộn lẫn. Nhưng càng đi càng thấy mình rơi vào hố vực của tuyệt vọng. Cả hai mẹ con Anna đều tức giận, nhiều mối hận với đàn ông. Nhưng người cứu vớt họ trong những cơn tuyệt vọng lại chính là Albert, người thợ ảnh cho những tạp chí lá cải, người đàn ông tử tế còn sót lại trong thành phố Varsava mòn vẹt thất vọng. Mẹ Anna đã yêu và sống với người đàn ông này. Và chính cô cũng tìm được sự nương tựa tâm hồn từ người đàn ông này. Sự nương tựa đó hình như có cả tình yêu. Nhưng hình như, lớn hơn cả tình yêu...

Marta Dzido, nữ đạo diễn và nhà văn Ba Lan viết cuốn sách này ở tuổi 19, góp thêm một màu sắc khác của văn học Ba Lan tại Việt Nam. Nội dung cuốn sách không mới, có thể chúng ta từng gặp nó trong những Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ... của thập niên 90. Nhưng điều đặc biệt thuộc về một giọng văn điềm tĩnh đến ngạc nhiên, những trải nghiệm đặc biệt ở một cô gái trẻ. Cuốn hút, những đoạn thoại thú vị, không sa đà vào thê lương bi luỵ, Dấu vết của mẹ mang đến một hình dung về thế hệ trẻ, một thế hệ lạc loài của một xã hội đang đổi thay. Những vấn đề của Anna là những vấn đề chung của con người, dù nó ở Ba Lan hay Việt Nam.
-----------------------------------------
Cuộc chiến ngầm

Bob Woodward

Cuốn thứ tư trong bộ sách gần đây nhất của Woodward về nhiệm kỳ của Tổng thống Bush với cuộc chiến Iraq ra mắt công chúng vào ngày 8/9 tại Mỹ. Những thâm cung bí sử Nhà Trắng bị tiết lộ.

Tên sách: Cuộc chiến ngầm - Bí sử Nhà Trắng 2006-2008
Tác giả: Bob Woodward
Dịch giả: Đức Anh - Yên Minh
NCB Văn hóa Thông tin

Với 487 trang, độc giả có thể nhận thấy ý thức muộn màng của chính quyền Tổng thống Bush trước thất bại ban đầu của Mỹ tại Iraq. Đồng thời, những hồi ức về sự sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam cũng luôn được nhắc tới và hình ảnh Việt Nam có ảnh hưởng khá sâu rộng trong từng bước tiến quan trọng của cuộc chiến rối ren, đầy thương vong và bất ổn tại đất nước Trung Đông nhỏ bé này.

Năm 2006, làn sóng bạo loạn tại chiến trường Iraq leo thang tới mức đáng báo động. Đồng thời, ngay trong nội bộ chính quyền Bush, một cuộc chiến thứ hai, một cuộc chiến ngầm nóng bỏng cũng ập xuống. Những cuộc đấu đá quyền lực không chỉ bùng nổ giữa các đảng đối lập mà ngay cả trong đảng Cộng hòa.

Trước tình trạng sa lầy của cuộc chiến Iraq, Nhà Trắng đã tiến hành đánh giá chiến lược một cách bí mật mà không hề có sự tham gia của quân đội. Lúc này, Tổng chỉ huy mặt trận Iraq, Tướng George Casey nghi ngờ Tổng thống Bush chưa thực sự hiểu thấu tình hình chiến sự Iraq. Ông và nhiều tướng lĩnh khác muốn từ từ rút lực lượng Mỹ về và chuyển giao trách nhiệm cho người Iraq. Vị Tổng tham mưu đồng thời bí mật tiến hành đánh giá lại chiến lược song chẳng thu được kết quả gì. Đối mặt với nguy cơ nổi loạn, các nhân vật chóp bu của quân đội Mỹ thực sự lo ngại rằng quân đội sẽ phải chịu trách nhiệm trước thất bại tại Iraq.
Trang bìa cuốn sách.
Trang bìa cuốn sách.
Bề ngoài, Tổng thống Bush và nhiều người ủng hộ Tổng thống công khai cho rằng mọi diễn biến của cuộc chiến đều rất tốt và không có kế hoạch thay đổi chiến lược. Tuy nhiên, sự thật không hề như vậy. Nhiều cố vấn hầu như không dám bày tỏ quan điểm thẳng thắn với Tổng thống. Thậm chí, chính Phụ tá của Hội đồng An ninh Quốc gia, sau nhiều lần quanh co nói dối, cuối cùng, đã phải thú nhận sự thực với Tổng thống rằng Iraq là “địa ngục”. Còn về phía Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã phản đối gay gắt quyết định tăng quân.

Lòng tin giữa Tổng thống Bush và các Tư lệnh Mỹ tại chiến trường bị rạn nứt. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ bất hòa đến mức ông trùm của Lầu Năm Góc Donald Rumsfeld phải nhường chiếc ghế Bộ trưởng cho Robert Gates.

Bush, các cố vấn thân cận của ông và Nhóm nghiên cứu Iraq đã có nhiều ngày tháng nghiên cứu tranh luận, băn khoăn liệu rút quân khỏi Iraq có đúng không? Có nhất định phải từ bỏ cuộc chiến này không? Và Thủ tướng Nouri Al-Maliki có phải là con ngựa ngoan để giật dây không? Trong số các lựa chọn trên bàn thảo luận, việc xây dựng lực lượng tạm thời để tăng cường an ninh trong và xung quanh Baghdad, thường được biết đến như là “chiến dịch tăng quân”, giành được sự ủng hộ rộng rãi nhất ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong thực tế, quyết định dẫn đến việc tăng quân xuất phát từ Nhà Trắng và các cố vấn hàng đầu của Bush, chứ không phải từ Hội đồng Tham Mưu trưởng Liên quân hoặc từ các Tướng ở Iraq. Và mùa xuân năm 2007, chiến dịch tăng quân được thực hiện dưới sự chỉ huy của tướng H. Petraeus. Bạo lực tại Iraq giảm đi đáng kể.

Cuốn sách còn vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về tình hình cực kỳ phức tạp ngay tại Iraq. Xung đột ngay trong nội bộ Iraq khiến đất nước này rơi vào thảm cảnh giết chóc. Cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái tôn giáo, giữa người Shia và Sunni, những người thuộc Đảng Baath của tổng thống Saddam, bạo loạn do các phần tử cực đoan, những phần tử vũ trang được sự hậu thuẫn từ Iran….

Ngay sau khi xuất hiện trên văn đàn và trên chính trường, quả bom tấn Cuộc chiến ngầm đã gây xôn xao dư luận. Để viết được cuốn sách này, nhà báo Bob Woodward đã phải tiến hành 2 cuộc phỏng vấn Tổng thống Bush vào tháng 5/2008 và hơn 150 cuộc phỏng vấn với những nhân vật chủ chốt khác có liên quan tới cuộc chiến Iraq. Trong đó, một quan chức giấu tên tiết lộ với nhà báo rằng, Chính phủ Mỹ biết rõ tất cả những gì Thủ tướng Nouri al-Maliki và Chính phủ Iraq đã tuyên bố và hành động.

Bằng việc tung ra một tác phẩm như thế này, Bob Woodward thêm một lần nữa khẳng định tài năng viết về thể loại điều tra và an ninh quốc gia của mình. Sau khi khui ra scandal về sự kiện Watergates dẫn đến việc từ chức của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ông đã viết 12 cuốn sách chính luận được ưa chuộng và có báo cáo đóng góp gấp đôi vào những nỗ lực nhằm giành giải thưởng Pulitzer cho tờ Washington Post nơi ông đang giữ trọng trách Phó Tổng biên tập.
-----------------------------------------
Nhật ký bí mật của Chúa

Raymond Khoury

Cuốn tiểu thuyết ly kỳ có nhịp điệu nhanh đến chóng mặt, mỗi trang đều như sẵn sàng một bước ngoặt khiến người đọc phải nín thở, sững sờ…

Tên sách: Nhật ký bí mật của Chúa
Tác giả: Raymond Khoury
Dịch giả: Lê Trọng Nghĩa
NXB Văn hóa Sài Gòn tháng 12/2008

Với những độc giả yêu thích truyện trinh thám, cuốn sách này hoàn toàn đáp ứng niềm mong đợi của bạn. 500 trang sách khổ lớn được viết với nhịp điệu nhanh đến chóng mặt, thậm chí, đôi khi chúng khiến bạn muốn ghìm tốc độ lại để nắm rõ hơn những điểm thắt nút trong câu chuyện.

Mở đầu là một vụ án hình sự với những đầu mối quá lạ lùng, giữa trung tâm thành phố New York. Bốn kỵ sĩ cưỡi ngựa với trang phục thập giá đỏ trên áo choàng trắng đã đột nhập vào Viện Bảo tàng Metropolitan. Năm xác chết, ba cảnh sát, một bảo vệ và một thường dân, trong đó có người bị chặt đầu lìa khỏi cổ. Vụ án gây chấn động không chỉ đối với cảnh sát, FBI, CIA, mà còn ảnh hưởng đến cả những người đứng đầu Vatican. Bởi phía sau vụ án hình sự này liên quan đến một bí mật vô cùng trọng đại, mà mắt xích là cái máy mã hóa trục quay đa hộp số bị lấy cắp.

Cuộc truy đuổi dấu vết của những tên tội phạm diễn ra đầy căng thẳng với các dự đoán táo bạo, chính xác của cảnh sát kèm theo một thế lực bí mật luôn đi trước một bước, sẵn sàng ra tay lạnh lùng để bịt đầu mối. Nhưng điều khiến độc giả say sưa đắm mình trong những chương sách còn do chiều sâu hiếm gặp đối với một tác phẩm trinh thám đơn thuần. Đó là những nghiên cứu về tôn giáo - lịch sử dưới một câu chuyện cổ kính, bí ẩn về chiếc tráp nhỏ cùng các hiệp sĩ Đền Thánh từ thế kỷ mười ba.
Trang bìa cuốn sách.
Trang bìa cuốn sách.

Cuốn sách chạm đến những vấn đề sâu xa mà hẳn không ít người từng đối thoại với chính bản thân. Sự thật là gì và cần phải làm gì để thay đổi mọi thứ? Vance, một giáo sư đại học đã trở thành Hiệp sĩ thế kỷ 21 đưa ra cách lý giải: “Hàng nghìn năm trước, con người thời bộ lạc sơ khai luôn sợ hãi, họ cần đến tôn giáo để cố hiểu được những bí ẩn của cuộc sống và cái chết, để chấp nhận và đối mặt với sự thất thường của bệnh tật, thời tiết, những vụ mùa bấp bênh và thiên tai… Chúng ta có thể cầm di động lên, nói chuyện với ai đó ở phía bên kia hành tinh. Chúng ta có thể đặt một chiếc xe điều khiển từ xa lên Sao Hỏa. Chúng ta có thể tạo ra sự sống trong ống nghiệm… Chúng ta đã trở thành cái mà con người của thời cách đây vài trăm năm từng xem là Thượng đế”. Chính điểm xuất phát rối loạn do cái chết của vợ cùng cô con gái đã khiến Vance muốn xoay chuyển sức mạnh của tôn giáo. Đó là lý do khiến Vance trở thành một tên cướp của, một kẻ giết người không run tay, một người với quyết tâm sắt đá lần theo bí mật của Chúa để chứng minh huyền thoại về Chúa là không có thực.

Với những tri thức khoa học mới nhất, Nhật ký bí mật của Chúa hé lật những tấm màn bí mật khi mở ra những ý tưởng mới mẻ về tôn giáo. Không chỉ có Vance mà ngay cả Tess, nhà khảo cổ học cũng ôm mộng khát khao về “một thế giới mà mọi người không bị lừa gạt bởi bất kỳ trò dối trá nào trong lịch sử”. Chính vì thế, không ít lần cô đã bỏ ngoài tai những dặn dò của đặc vụ Reilly, thậm chí còn bỏ rơi anh một thân một mình trong hoàn cảnh nguy hiểm với bộ đồ lặn trên người. Trong cái nhìn phản biện quá khứ ấy, con người ta đứng trước sự lựa chọn, giống nhân vật Tess: nên nhìn giáo hội theo những mặt trái của lịch sử đẫm máu, lòng tham, những giáo điều hủ lậu, tính không khoan dung…. hay nhìn vào những gì giáo hội thực hiện được: tình thương, lòng trắc ẩn và sự độ lượng mà nó khơi gợi nên? Và khi đó, Bí mật của Chúa, một cuốn nhật ký được viết từ một con người, có thật hay bị làm giả có trở thành điều quan trọng?

Tác phẩm với những vấn đề thời sự nóng bỏng này là tiểu thuyết đầu tay của Raymond Khoury. Khoury là người gốc Libăng, theo gia đình chuyển sang sinh sống tại New York, Mỹ từ năm 1975. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông trở về Libăng sinh sống. Ông từng theo học ngành kiến trúc tại Mỹ. Sau một thời gian làm kiến trúc sư ở đây, ông sang Pháp giành được học bổng MBA của Học viện quản trị Kinh doanh Châu Âu. Sau khi tốt nghiệp, ông sang London và làm trong ngành ngân hàng. Raymond Khoury chính thức đến với nghiệp viết lách từ năm 1996, bằng cách viết kịch bản phim. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Nhật ký bí mật của Chúa được hình thành dựa trên kịch bản phim cùng tên. Tác phẩm được phát hành đầu tiên ở Anh năm 2005 rồi nhanh chóng trở thành best-seller trên tờ New York Times suốt 11 tuần liên tiếp.

meo_hoang
12-01-2009, 04:10 PM
Em thay quyen sach "Hoa huong duong ko can mat troi " cung hay day
Neu co dieu kien thi anh post len cho moi nguoi cung xem

bức tường
14-01-2009, 11:51 AM
Giới Thiệu Sách: Chiến Tranh Tiền Tệ

Ngay từ nhỏ, chúng ta đã có khái niệm về tiền bạc. Chúng ta hân hoan chờ đón những đồng tiền mừng tuổi mới keng khi năm hết Tết đến. Lớn lên, bước vào con đường mưu sinh, chúng ta mong muốn kiếm được nhiều tiền, vì khái niệm tiền bạc nhiều khi gắn liền với sự thành công trong cuộc sống.


Tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta hiểu được cội nguồn tiền bạc cũng như sự sinh tồn và phát triển của đồng tiền, vì sao những tờ giấy có in hình những con số lại có giá trị đến thế nhưng cũng với tờ giấy đó, chúng ta gần như không mua được món hàng hóa nào trong những giai đoạn khủng hoảng tiền tệ siêu cấp. Phần lớn chúng ta thường nghĩ rằng, sự hiện diện của đồng tiền trong cuộc sống là một lẽ đương nhiên, như không khí hay nước vậy.

Cho đến khi đọc cuốn sách “Cuộc chiến tranh tiền tệ”, chúng ta mới chợt giật mình nhận ra một điều kinh khủng rằng, đằng sau những tờ giấy bạc chúng ta chi tiêu hàng ngày là cả một thế lực ngầm đáng sợ - một thế lực bí ẩn với quyền lực siêu nhiên có thể điều khiển cả thế giới rộng lớn này.

“Cuộc chiến tranh tiền tệ” đề cập đến một cuộc chiến khốc liệt, không khoan nhượng và dai dẳng giữa một nhóm nhỏ các ông trùm tài chính – đứng đầu là gia tộc Rothschild - với các thể chế tài chính kinh tế của nhiều quốc gia. Đó là một cuộc chiến mà đồng tiền là súng đạn và mức sát thương thật là ghê gớm.

Nhóm tài phiệt ngân hàng này đã tạo ra một cơ chế kiểm soát nguồn cung ứng tiền tệ xuyên quốc gia, thực hiện các chính sách bơm tiền vào các nền kinh tế đang tăng trưởng để rồi chích nổ quả bong bóng kinh tế để thu lợi. Nguồn tài sản họ thu được có thể là dầu khí, bất động sản, nền công nghiệp quốc phòng, đất nông nghiệp...Tất cả có thể được quy đổi thành vàng hay tiền mặt tùy theo vận trù của họ. Kết quả là sau mỗi lần “xén lông cừu”, các nhà tài phiệt này lại giàu có hơn, uy lực càng ngày càng được củng cố hơn trên thì trường tài chính quốc tế.

“Cuộc chiến tranh tiền tệ” giúp chúng ta hiểu nhiều điều, rằng Bill Gates chưa phải là người giàu nhất hành tinh, rằng tỉ lệ tử vong của các tổng thống Mỹ lại cao hơn tỉ lệ tử trận của binh lính Mỹ trong chiến dịch Normandie, vì sao Phố Wall lại mạo hiểm đổ hết vốn liếng của mình cho việc “đầu tư” vào Hitler.

Hiện nay, Việt Nam vừa mới hội nhập vào nền kinh tế thế giới và mặc dù đồng tiền chưa được chuyển đổi tự do, nguồn vốn đầu tư quốc tế còn hạn chế nhưng đã xuất hiện tình trạng lạm phát về kinh tế, hiện tượng bong bóng trên thị thị trường chứng khóan và thị trường bất động sản. Những hiện tượng này xảy ra khốc liệt chưa từng thấy và đang tạo ra tình trạng bất ổn trong đời sống xã hội. Theo ước tính, trong vòng mấy tháng cuối năm 2006 và đầu năm 2007 đã có tới 10 tỉ đô la Mỹ được rót vào thị trường chứng khóan và kéo theo hơn 350 nghìn tỉ đồng của các nhà đầu tư trong nước tạo ra hiện tượng bong bóng chứng khoán cực lớn. Khi hai thị trường chứng khoán và bất động sản được bơm vốn quá lớn tạo ra hiện tượng bong bóng và gây lạm phát cao, Chính phủ buộc phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Và đây cũng là lúc các tổ chức tài chính nước ngoài thu hồi đầu tư khiến thị trường chứng khoán mau chóng sụp đổ và thị trường bất động sản đi vào giai đọan đóng băng nặng nề nhất. Hậu quả thiệt hại trong lĩnh vực chứng khoán chỉ tính trong vòng 40 ngày cuối quý 1/2008 là thị trường mất tới 347 điểm, tương đương 100 nghìn tỉ đồng, bình quân mỗi ngày “bay hơi” trên 1.000 tỉ, còn nếu tính theo mốc giá ngày 12/3/2007 thì nhiều công ty đã “rớt giá” 70-80%, gây ra khoản thua lỗ hơn 300 nghìn tỉ đồng. Quả thật đây là một thảm họa đối với các nhà đầu tư. Hiện tượng này mới xảy ra lần đầu tại Việt Nam, tuy nhiên, rất ít người biết được rằng, kịch bản này đã được dàn dựng thành công tại nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh những âm mưu của các nhà tài phiệt thế giới trong việc tạo ra những cơn hạn hán hay bão lũ về tiền tệ để thu lợi, cuốn sách cũng đề cập đến sự phát triển của các định chế tài chính được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vũ bão của nền kinh tế thế giới. Họat động sản xuất kinh doanh hiện đại và họat động dịch chuyển dòng vốn xuyên quốc gia là hai bộ phận cấu thành nền kinh tế tòan cầu mà bất cứ quốc gia nào nếu tách riêng ra cũng khó lòng phát triển. Như vậy, vấn đề không phải là việc cắt đứt mối quan hệ với dòng vốn quốc tế vốn được điều khiển bởi các tập đòan tài chính khổng lồ mà là làm thế nào để sử dụng nguồn vốn ngọai lực một cách có hiệu quả trong sự phối hợp với các nguồn lực nội tại để tạo ra sự phồn vinh cho nền kinh tế quốc da.

Gấp cuốn sách lại, có thể bạn đọc sẽ có nhiều tâm trạng khác nhau. Đối với một số người, đó có thể là sự sợ hãi thế lực tài chính quốc tế và cảm giác bất an về sự chi phối của thế lực này. Với một số khác thì đó có thể là một cảm giác thú vị khi khám phá ra sự thật trần trụi để từ đó có cách nhìn nhận khác nhằm xây dựng cho mình những kế họach đầu tư một cách hiệu quả nhất.

Và cho dù bạn có lo sợ hay cảm thấy tò mò, thú vị thì “cuộc chiến tranh tiền tệ” cũng là một cuốn sách đáng đọc. Một cuốn sách bổ ích cho các chuyên gia quản lý tài chính, các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhỏ, các giáo viên giảng dạy về tài chính-ngân hàng cũng như sinh viên các trường kinh tế.

ThS. Đinh Thế Hiển

Giám đốc Viện nghiên cứu tin học & Kinh tế ứng dụng