PDA

View Full Version : Lệ phí tuyển sinh 2009: Trường muốn tăng, Bộ không đồng ý



Candy
18-02-2009, 10:53 PM
TTO - Ngày 17-1-2009, những vấn đề “nóng” trong đổi mới thi và tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2009 do Bộ GD-ĐT tổ chức bằng hình thức cầu truyền hình tại sáu điểm đặt tại Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.

Theo đó, hơn 1.300 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ, TCCN, các sở GD-ĐT trong cả nước đã cùng nhau nêu ý kiến xung quanh việc sửa đổi quy chế tuyển sinh, nên tăng lệ phí tuyển sinh? Tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm, chấm thi chéo để đảm bảo khách quan, công bằng? Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải công khai mức thu học phí trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009…

Đề nghị tăng lệ phí tuyển sinh

PGS-TS Nguyễn Khắc Sinh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội - nêu ý kiến số lượng thí sinh dự thi “ảo” hằng năm đều không giảm. Số lượng thí sinh dự thi tại trường hằng năm khối A chỉ trên 60%, khối V và H khá hơn với trên 80%. Theo ông Sinh, việc nộp lệ phí đăng ký dự thi cùng với hồ sơ đăng ký dự thi, rồi sau đó đến ngày thi mới nộp lệ phí dự thi đã dẫn đến tình trạng “ảo”.

Để tránh tình trạng thí sinh ảo, theo ông Sinh, cần phải nộp lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi một lượt; điều này cũng để các trường không phải bù lỗ quá nhiều. Thêm vào đó, ông đề nghị các trường thi khối năng khiếu phải được tăng lệ phí dự thi, do khối năng khiếu ít thí sinh dự thi, trong khi thời gian thi dài, rồi phải thuê người mẫu…

Đồng tình với ý kiến trên, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hợi - hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - cho rằng nên nộp cùng lúc lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi. Vì có rất nhiều thí sinh nộp đến 11 hồ sơ (bình quân một thí sinh nộp ba hồ sơ vào trường), nhưng chỉ có thể thi tối đa hai ngành của hai khối thi. Trường hợp thí sinh chỉ thi một ngành mà nộp hàng chục hồ sơ là không hiếm. “Như vậy, mỗi hồ sơ là một số báo danh, một phòng thi. Chúng tôi phải lo đến 11 chỗ ngồi cho một thí sinh, điều này thật vô lý!” - ông Hợi nói.

Ông Hợi cho biết thêm, chưa có năm nào tỉ lệ các trường vượt quá 70% thí sinh dự thi, thông thường chỉ từ 54-67%. Chưa kể việc phòng thi chỉ có hai, ba thí sinh nhưng vẫn có hai cán bộ coi thi trong phòng thi và một cán bộ hành lang. Lượng thí sinh “ảo” từ 30-40% thế này thì các trường không chịu nổi, điều này thâm hụt rất nhiều cho các trường.

Ông đề nghị Bộ GD-ĐT nhắc nhở thí sinh trước khi nộp hồ sơ, cân nhắc trước khi chọn trường chọn ngành để các trường ĐH không phải thâm hụt và đề nghị thu cả hai lệ phí cùng lúc để thí sinh biết cân nhắc. Ông cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tăng lệ phí dự thi cho trường tổ chức thi đối với những trường hợp thi nhờ. Vì trách nhiệm của trường tổ chức thi đã rất nặng, nay phải gồng gánh thêm thí sinh thi nhờ của trường khác, trong khi các trường đó chỉ xét tuyển!

PGS-TS Nguyễn Văn Toàn, giám đốc ĐH Huế, cũng ủng hộ việc tăng lệ phí tuyển sinh. Theo ông, lệ phí dự thi là 20.000 đồng, còn lệ phí đăng ký dự thi là 40.000 đồng, vị chi chỉ có 60.000 đồng, không đủ chi phí mà các trường đã bỏ ra. Ông đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính cần có chủ trương sớm cho lệ phí tuyển sinh để các trường đưa vào dự toán.

“Tránh hồ sơ ảo chỉ bằng cách này. Do lệ phí dự thi ít nên thí sinh tha hồ nộp nhiều hồ sơ mà không cần biết mình thi gì, trong khi các trường cứ nhận một hồ sơ đăng ký dự thi là cấp một số báo danh tương ứng nên chúng tôi phải lo phòng thi. Tình trạng “ảo” năm nào cũng xảy ra. Tôi đề nghị Bộ có giải pháp là thí sinh phải nộp luôn lệ phí dự thi cùng với lệ phí đăng ký dự thi để các trường lấy tiền đó lo cơ sở vật chất và cán bộ coi thi” - ông Toàn nói.

Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết việc tăng lệ phí tuyển sinh phải có sự phối hợp với Bộ Tài chính. Do đó, không tăng lệ phí và không nộp gộp hai lệ phí cùng lúc.

Đổi chéo chấm thi THPT các tỉnh liệu có đảm bảo an toàn, bảo mật?


Bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi từ các sở GD-ĐT cho các trường ngày 7-5 tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 - Ảnh: QUỐC DŨNG
Hầu hết các đại biểu đều đồng ý việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm (mỗi cụm có ít nhất ba trường THPT (hoặc ba trung tâm giáo dục thường xuyên), tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi). Trong mỗi hội đồng coi thi, danh sách thí sinh được lập theo ba ban: ban Khoa học tự nhiên, ban Khoa học xã hội và nhân văn, ban Cơ bản; trong từng ban, lại xếp lần lượt các ngoại ngữ; cuối cùng tên thí sinh được xếp theo thứ tự a, b, c,..., sau đó mới xếp lần lượt vào các phòng thi. Những phòng thi cuối cùng có thể được xếp ghép các ban với nhau.

Tuy nhiên, việc đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh để chấm thi khiến nhiều đại biểu lưu tâm. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc thực hiện đổi chéo bài thi giữa các tỉnh lân cận nhau để chấm như sau: tỉnh A chấm bài cho tỉnh B, tỉnh B chấm bài cho tỉnh C…(những tỉnh lớn có nhiều thí sinh dự thi có thể sẽ chấm thi cho một số tỉnh nhỏ có ít thí sinh). Bộ GD-ĐT quyết định cụ thể việc đổi chéo bài thi giữa các tỉnh.

TS Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng chấm chéo là việc làm mới, tuy nhiên đặc điểm mỗi nơi mỗi khác. Từ trước đến nay hội đồng chấm thi là hội đồng khép kín, mọi thứ từ an toàn, bảo mật cho đến chất lượng, công bằng, khách quan phải đạt được. Nay lại mở rộng ra các tỉnh khác, bài thi sẽ được vận chuyển trên đường. Theo ông Minh “Bài thi khó đảm bảo bảo mật, an toàn!”.

Ông Minh cho biết ở TP.HCM khâu kiểm bài phải điều động 100 người và thường là hiệu trưởng các trường, sau đó làm phách trước khi chấm. TP.HCM phải chấm trong 10 ngày do thí sinh rất nhiều, trong khi các tỉnh đã chấm xong. Theo dự thảo này thì các tỉnh sẽ đưa bài thi về TP.HCM nhiều, có thể bài TP.HCM đưa nhiều tỉnh chấm, và TP.HCM lại chấm của nhiều tỉnh. Việc kiểm bài đồng bộ, làm phách thế nào cho phù hợp đòi hỏi phải chính xác về thời gian, tiến độ? Tôi lấy ví dụ như vậy để kiến nghị Bộ hết sức quan tâm để có hướng dẫn cụ thể việc này.

Ngoài ra, theo ông Minh, chưa kể việc phúc khảo bài thi sau này cũng rất rắc rối. Ví dụ sẽ có đơn vị nói phải giữ bài thi ở đơn vị chấm, nhưng người giải quyết với phụ huynh là đơn vị gửi bài chấm chứ không phải người chấm bài. Như vậy phải làm gì cho tốt thì cần có sự hướng dẫn thật tốt từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).

Các trường ngoài công lập phải công bố mức học phí

PGS-TS Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi thì không biết đâu là trường công lập, đâu là trường tư thục, dân lập vì các trường ngoài công lập đã được bỏ từ “tư thục, dân lập”. Chính vì vậy mà khi dự thi rồi thí sinh mới biết không có khả năng học do học phí quá cao.

Do đó, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT sẽ được áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh năm 2009 là các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải công bố công khai mức thu học phí hằng tháng đối với khóa tuyển sinh năm 2009 (hoặc năm học, khóa học) trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2009.

Theo bà Hà, quy định này nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh có đủ thông tin cần thiết, chủ động trong việc chọn lựa trường đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển phù hợp với điều kiện kinh tế và nguyện vọng của mình.
-----------------------------------------
Vẫn tổ chức thi hệ CĐ, học sinh trung cấp nghề được thi ĐH, CĐ


Cán bộ coi thi gọi thí sinh vào phòng thi trước giờ làm bài thi môn hóa học sáng 5-7 tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008 - Ảnh: QUỐC DŨNG
Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 vẫn tổ chức thi cho các trường CĐ (trước đây dự kiến sẽ không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển theo điểm thi ĐH) và học sinh trung cấp nghề vẫn được dự thi ĐH, CĐ (trước đây có ý kiến không được thi).

Đối với thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009

Điều kiện dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 là thí sinh đã tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và tương đương (sau đây gọi chung là THPT).

Nguyên tắc ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009: Bộ GD-ĐT ra đề thi chung cho các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi. Các môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học và sinh học đề thi theo phương pháp trắc nghiệm, các môn còn lại đề thi theo phương pháp tự luận. Các trường tự ra đề thi các môn năng khiếu (các môn tự luận thi 180 phút; các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm thi 90 phút).

Nội dung đề thi bám sát chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, quá phức tạp, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài, có khả năng phân loại thí sinh.

Cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.

+ Đối với các môn: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm hai phần: Phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; thí sinh nào làm cả hai phần riêng thì bài làm bị coi là phạm quy, cả 2 phần riêng đều không được chấm. Chỉ chấm điểm phần chung.

+ Đối với các môn ngoại ngữ: đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.

Xét tuyển trung cấp chuyên nghiệp (TCCN)

Năm 2009, việc tuyển sinh TCCN tiếp tục thực hiện theo hình thức xét tuyển (không tổ chức thi) để tuyển sinh, trừ các ngành đào tạo năng khiếu. Đối tượng tuyển sinh vào TCCN bao gồm: học sinh đã tốt nghiệp THPT và THCS hoặc tương đương (tùy theo đối tượng tuyển của từng trường).

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường xét tuyển những thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp được vào học TCCN. Đối tượng này sẽ được cơ sở đào tạo TCCN xét công nhận chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện ở phổ thông và miễn trừ không phải học lại, thi lại các môn văn hóa phổ thông đã có điểm tổng kết, điểm thi tốt nghiệp đạt từ 5,0 trở lên.

Quy trình và thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi

Học sinh đang học lớp 12 THPT, bổ túc THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi (ĐKDT) tại trường đó, không nộp tại các điểm thu nhận hồ sơ của sở GD-ĐT. Học sinh sẽ nộp hồ sơ từ ngày 10-3 đến 10-4-2009.

Thí sinh tự do, thí sinh vãng lai nộp hồ sơ ĐKDT tại các điểm thu nhận hồ sơ của sở GD-ĐT, từ ngày 10-3 đến 10-4-2009. Sau thời hạn này, từ ngày 11-4 đến 17-4-2009, thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi.

Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT ở đâu sẽ nhận giấy báo dự thi (và sau này là giấy báo điểm hoặc giấy báo trúng tuyển) từ nơi đó.

Theo lịch thi dự kiến của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh 2009 sẽ có hai đợt thi ĐH bao gồm:

- Đợt 1: Ngày 4 và 5-7-2009 thi ĐH khối A và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn toán, lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến ngày 7-7-2009.

- Đợt 2: Ngày 9 và 10-7-2009 thi ĐH khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi văn theo đề thi khối C; khối M thi văn, toán theo đề thi khối D; khối T thi sinh, toán theo đề thi khối B; khối R thi văn, sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến 13-7-2009.

- Đợt 3: Đối với hệ CĐ: Các trường CĐ tổ chức thi sẽ thi trong ngày 15 và 16-7-2009 (trừ các môn năng khiếu kéo dài đến 22-7-2009)....