PDA

View Full Version : Chó hoang Đingô (hay câu chuyện mối tình đầu)



haminhvan
11-04-2009, 11:25 AM
CÂU CHUYỆN VỀ VẺ ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
(Thay cho lời bạt)
Trang cuối cùng của cuốn sách đã đọc xong, và trong trí tưởng tượng của chúng ta vẫn còn lưu lại mãi với từng chi tiết nhỏ nhất những cảnh gặp gỡ và chia tay giữa các nhân vật đang bước vào tuổi thanh niên nhưng đã hiểu được cái tình cảm ban đầu trong sáng và rụt rè của tình yêu. Chúng ta dường như còn nghe thấy tiếng dào dạt không thôi của dòng sông xa đang vội vã đổ về biển cả. Các nhân vật chính của cuốn truyện chia tay nhau, có lẽ là mãi mãi. Và do vậy mà có đôi chút buồn buồn. Nhưng đồng thời cũng xuất hiện niềm vui sướng vì những người trẻ tuổi đang yêu, xuất hiện niềm tin rằng ánh sáng không bao giờ tắt của mối tình đầu sẽ luôn luôn rọi sáng cho họ trên đường đời, trong mọi thử thách, qua mọi khó khăn và đau khổ, thành đạt và lo âu.
Đọc cuốn sách này, chúng ta đắm mình trong ánh sáng, trong cái tâm trạng thơ mộng của nó khi bất giác nhớ lại tuổi thơ của riêng mình, cái giai đoạn trưởng thành đầy dằn vặt của con người.
Tại sao câu chuyện viết trong cuốn sách lại gần gũi và dễ hiểu đến thế? Có lẽ bởi vì một thời nào đó, chính cái ấy hay một cái gì giống như thế cũng đã âm vang trong trái tim chúng ta.
“Chó hoang đin-gô, hay là Câu chuyện mối tình đầu” được Ru-vim I-xa-ê-vích Phra-er-man viết từ hơn bốn mươi năm trước. Con cái của những đứa con của những nước là bạn đọc đầu tiên của nó bây giờ đang đọc nó. Trẻ em khi đọc cuốn sách này học được cách hiểu cái thiện và cái đẹp của con người, trở nên cao thượng hơn và mơ mộng hơn. Người lớn khi đọc và đọc lại cuốn truyện cũng có một khoái cảm như vậy, dường như trở lại con đường mùa xuân của đời mình, cảm thấy trào lên những ý tưởng tươi sáng, những ước mơ và sự trìu mến.
Nguyên nhân bất tử của “Câu chuyện mối tình đầu” là ở trong cách giải quyết dũng cảm và thực sự mới mẻ một đề tài vĩnh cửu. Tác giả không chỉ kể về việc “tuổi thơ đã bỏ đi”, ông đã trình bày một cách sáng rõ và sâu sắc tất cả những cung bậc tình cảm phức tạp và mâu thuẫn nảy sinh ra khi ấy.
Mới ngày hôm qua đối với cô bé Ta-nhi-a mọi điều trong cuộc sống còn quen thuộc và dễ hiểu theo kiểu trẻ con: nào trại hè thiếu niên, nào thức giấc lúc rạng đông, nào tiếng kèn đồng “rúc lên như tiếng nai” trong rừng, nào những bài hát vui bên đống lửa trại, nào những người bạn mà trong đó người trung thành nhất và can đảm nhất là cậu bé Phin-ca người dân tộc Na-nai, con trai một người thợ săn vùng rừng tai-ga Viễn Đông. Và bỗng nhiên tất cả đều bất ngờ thay đổi.
Dòng sông chảy cạnh nhà lôi cuốn em đến những vùng đất chưa từng biết, ngọn lửa trại lung linh trước gió thức dậy những ước mơ, và không rõ vì sao em lại muốn nhìn thấy một con chó Úc đin-gô nào đó. Còn Phin-ca thì lại kể cho em nghe lúc thì về bầy gấu, lúc thì về việc trong vùng họ có rất nhiều chó lai-ca kéo xe “thắng bộ yên cương lộng lẫy bọc dạ và da”, và chúng chẳng tồi hơn lũ chó Úc tí nào. Phin-ca tôn sùng Ta-nhi-a. Nhưng lúc đầu cậu bé không hiểu lắm cái điều mà em cứ tưởng là tính kỳ quặc của Ta-nhi-a. Đúng, các cô bé lớn nhanh hơn các cậu bé! Tác giả đã miêu tả điều đó một cách thật tâm lý!
Ta-nhi-a đau khổ cố gắng phân tích chính mình, cố hiểu những tình cảm đang xâm chiếm em. Trong cách xử sự của mình, Phin-ca ngây thơ hơn nhưng cũng độ lượng hơn và vô tư, trung thực hơn. Em sẵn sàng nhón chân đi theo dấu vết của Ta-nhi-a.
Trong những hồi ức của mình, R. Phra-er-man thú nhận: “Tôi cũng như nhiều nhà văn đã bị cái tình cảm thức dậy trong thời kỳ “buổi sáng của cuộc đời” này lôi cuốn từ lâu... Tôi đã nghĩ về nó (về cuốn truyện) trong những năm đầy lo âu trước chiến tranh. Tôi muốn chuẩn bị tâm hồn của những bạn trẻ cùng thời với tôi trước những thử thách của cuộc đời trong tương lai. Kể cho họ một cái gì đó đẹp đẽ, kể rằng trong cuộc đời có biết bao nhiêu cái tuyệt vời mà vì nó có thể và cần phải hy sinh, đi lập chiến công và đi đến cái chết. Chỉ ra vẻ quyến rũ của những cuộc gặp gỡ rụt rè đầu tiên, chỉ ra sự ra đời của một tình yêu cao đẹp và trong sáng, sẵn sàng chết vì hạnh phúc của người yêu và của bạn bè, vì những người đã kề vai sát cánh cùng với bạn, vì mẹ, vì Tổ Quốc.”
Cái đặc biệt của cuốn truyện là ở chỗ tác giả đã dẫn dắt các nhân vật của mình theo một con đường chưa từng đi. Những tình huống mà họ rơi vào thường phức tạp và đôi khi đầy kịch tính. Thiên nhiên khắc nghiệt, số phận những con người xung quanh Ta-nhi-a và Phin-ca cũng khắc nghiệt. Mẹ Ta-nhi-a ít nói và thường buồn. Bà không có một cuộc sống gia đình, Ta-nhi-a sống thiếu cha. Và thế là có cuộc gặp gỡ với cha, một người dũng cảm và bản chất là hiền hậu. Trong những phút giây suy nghĩ cay đắng, người mẹ có quyền nói với con gái: “Người ta sống với nhau khi yêu nhau, còn khi không yêu thì người ta không chung sống nữa - họ chia tay nhau”. Cô con gái xúc động mạnh. Trong mắt mẹ, em đọc thấy một điều khác hẳn. “Mẹ ơi - Ta-nhi-a kêu lên - cho đến giờ mẹ vẫn yêu bố!”
Con người phải như thế nào? Phải sống sao cho xứng đáng? Nhà văn không đưa ra những câu trả lời có sẵn, không giãi bày những lời khuyên. Ông dõi theo dòng đời tự nhiên, viết về những cái mà chính ông đã trải qua, đã cảm nhận, đã nhìn thấy, đã gặp gỡ.
Có lẽ bởi vậy mà trong truyện có nhiều góc cạnh. Bố Ta-nhi-a không trở về một mình mà cùng với Cô-li-a - người sẽ trở thành địch thủ của Phin-ca.
Cuộc cãi nhau đầu tiên. Nỗi ghen tuông đầu tiên. Tai hoạ đầu tiên khi lũ trẻ suýt nữa thì chết cóng vì gặp bão tuyết.
Có thể truyền đạt trọn vẹn nỗi xúc động của nhân vật trẻ tuổi bằng một hình ảnh so sánh: Phin-ca ngồi trong lớp sau lưng Ta-nhi-a và nhìn thấy gáy cô bạn “mảnh dẻ như một cọng cỏ đơn độc”. Có biết bao nhiêu vẻ duyên dáng, hiền hậu và sự phong phú tâm hồn ở đấy.
Trong mỗi lời nói, mỗi cử chỉ đều có không khí xúc động của cái thi vị không được kể ra, có cuộc luận chiến ngấm ngầm với thái độ đạo đức giả đối với bản thân đề tài tình yêu của tuổi trẻ - một thái độ xưa kia đã từng tồn tại trong giới một số nhà văn và nhà sư phạm nào đó. Tác giả không xóa nhoà cái gì cả khi chỉ ra tất cả tính chất phức tạp của tình yêu. Say mê vô hạn, quyền lực vô hạn, êm đềm và dữ dội. Hãy nhớ lại xem Ta-nhi-a đã khắc phục nỗi sợ hãi và hoài nghi như thế nào để đi ra mũi đất gặp Cô-li-a. Không một chướng ngại nào có thể giữ chân cô thiếu nữ, có một cái gì đó không kìm được đã thu hút em.
Hình như đã lâu em tưởng rằng Cô-li-a chiếm mất bố của em. Em căm ghét Cô-li-a, nói với bạn cục cằn và châm chọc. Căm ghét chuyển thành yêu thương, cục cằn thành êm dịu.
Bình minh của mối tình đầu thật ngắn ngủi. Ta-nhi-a hy sinh nó cho sự yên tĩnh và hạnh phúc của mẹ. Sự khôn ngoan đã trưởng thành và tràn đầy trong những lời nói của em với người yêu: “Và thế là mình đã đến với Cô-li-a. Còn bây giờ mình sẽ đi.”
Tác giả nói về tình yêu bằng ngôn ngữ của thơ ca, bởi vì chỉ bằng ngôn ngữ ấy mới có thể diễn tả say đắm và tâm tình đến thế thứ tình cảm ấy.
Những đặc điểm địa phương chính xác, những dụng cụ sinh hoạt, óc thông minh của nhân dân được dệt một cách hữu cơ vào tấm vải của tác phẩm, đem lại những sắc màu không lặp lại.
Cuốn truyện có tính dân tộc, tính quốc tế sâu sắc. Phin-ca là người Na-nai, và trong ngôn ngữ của cậu bé vang lên những danh ngôn của dân tộc em. “Trước lúc đi câu mà cãi nhau thì tốt nhất là ở lại nhà” - em nói với các bạn. Và mọi người đồng ý với em. “Nếu người ta chỉ còn lại một mình, người ta sẽ mạo hiểm lao vào con đường xấu” - một câu thành ngữ cũ đã gợi ý cho em trong giây phút khó khăn. Âm điệu chung của tác phẩm này hết sức trữ tình. Truyện vừa của R. Phra-er-man là một bài học về tình người. Cả những điều đôi khi không được nói thành lời cũng mang vào truyện âm thanh, màu sắc, hình tượng.
Lứa tuổi bước ngoặt là giai đoạn khó khăn nhất trong đời người. Tuổi thơ rời bỏ. Những cậu bé lớn lên. Ta-nhi-a lớn lên... “Vậy mà sao em vẫn muốn bơi theo dòng sông, sao tiếng nước dội vào vách đá cứ vang mãi trong tai em, và sao em lại muốn có những đổi thay trong cuộc sống đến thế?...” - chúng ta lặp lại theo tác giả và lại nhớ đến cho chó hoang đin-gô bí ẩn - biểu tượng lãng mạn của cái sẽ có ở phía trước, cái làm xao xuyến và khiến cho những trái tim tuổi trẻ đang yêu phải đập gấp hơn.
Cần chú ý là “Câu chuyện mối tình đầu” đã được viết hầu như đồng thời với những tác phẩm của các nhà văn Xô Viết viết cho thiếu nhi như “Ti-mua và đồng đội” của A.Gai-đa, “Trê-rê-mư-sơ - em trai người anh hùng” của L.Cát-xin, “Thuyền trưởng và đại uý” của I.V.Ca-vê-rin - những tác phẩm đã tạo ra nhân vật tích cực mới về chất, sinh ra trong xã hội Xô Viết, trong những điều kiện củng cố đạo đức xã hội chủ nghĩa trong nhận thức của thế hệ đang lớn lên.
R.Phra-er-man thán phục bút pháp trau chuốt trong tác phẩm của một nhà văn tuyệt vời khác - C.Pau-xtốp-xki. Có lần ông đã nói với Pau-xtốp-xki: “Cô-xta ạ (bạn bè thường gọi Pau-xtốp-xki như vậy), anh viết thoải mái như chim hót.” Cũng thoải mái như chim hót, ông đã viết “Câu chuyện mối tình đầu”, về cái tình cảm kỳ lạ và không bao giờ lặp lại như khu rừng cổ thụ trầm lặng, như làn gió giá buốt trong lành bay đến từ một vùng biển khắc nghiệt và tuyệt đẹp.

Nguồn: http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?t=6148