Làm công ty nước ngoài nên Vân luôn bận. Lần giỗ bà nội chồng, mẹ chồng giao cho Vân chuẩn bị 6 mâm mời họ hàng. Chẳng có thời gian, lại không giỏi nội trợ nên ngày hôm đó, Vân đặt cỗ ở nhà hàng rồi thuê chở tới tận nhà, bày biện, sắp xếp đâu ra đó.




Cỗ ngon nên họ hàng, khách khứa ai cũng khen. Ăn xong lại có nhà hàng lo dọn dẹp nên cánh chị em phụ nữ bớt được khoản rửa bát. Tuy nhiên ngay hôm đó, Vân đã bị mẹ chồng phàn nàn, cấm lần sau không được như thế nữa. Mẹ chồng Vân cho rằng, cơm cúng ông bà tổ tiên thì nên tự chuẩn bị mới thành tâm, với cả thuê đặt cỗ bàn kiểu đó rất tốn kém, tuy món ăn có đa dạng và ngon.



Vân cố thuyết phục mẹ chồng để đám giỗ lần sau, không đặt “trọn gói” nữa mà sẽ đặt theo món rồi đem về bày mâm cúng. Một số món như xôi và thịt gà thì Vân có thể tranh thủ cùng mẹ chồng chuẩn bị. Mẹ chồng Vân cũng xuôi nên không ý kiến nữa.



“Nhà chỉ có bố mẹ chồng cao tuổi hay đau ốm, với hai người đàn ông nữa là chồng và chú em chồng. Họ hàng, cô bác thì cũng chẳng giúp mình cỗ bàn được mấy, nếu tự làm thì mình lo không kịp. Bởi thế, nên cứ đặt cho tiện, có đắt một chút cũng… không thành vấn đề”, Vân chia sẻ.



Vân bảo bây giờ ăn uống chẳng được bao, phụ nữ như Vân thì bận rộn từ sáng tới tối, người già như bố mẹ thì không đủ sức khỏe nên giỗ chạp, Tết nhất, thậm chí nhà có khách cứ đặt ở hàng cho tiện. Muốn món gì có món đó, miễn là có tiền. Tuy nhiên, dù hiện đại thế nào thì nàng dâu vẫn cần thu xếp thời gian để chăm lo gia đình, giữ gìn văn hóa tổ tiên chứ không phải vô trách nhiệm hay đến ngày giỗ lại bày cỗ bằng món Tây Tàu.



Cũng có thu nhập “ngất ngưởng”, trong khi chồng chỉ làm một cơ quan nhà nước, có địa vị nhưng lương thưởng không bằng là Hòa (Kim Mã, Hà Nội). Thường ngày Hòa đi làm nên chuyện cơm nước trong nhà đều do mẹ chồng đảm nhiệm. Hòa muốn thuê giúp việc đỡ đần cho mẹ nhưng mẹ chồng từ chối, bảo vẫn còn khỏe vẫn làm được, với cả bà không thích có người lạ trong nhà. Dù được mẹ chồng chiều nhưng Hòa vẫn luôn giữ ý. Đi làm về dù có muộn và đã ăn cơm ở ngoài, Hòa vẫn tranh thủ ít thời gian quét nhà, dọn dẹp. Sáng ra, Hòa cũng cố dậy sớm hơn để đi mua bữa sáng và giặt giũ, phơi phóng.



“Mình chẳng có thời gian nấu nên sáng dậy toàn đi mua về cho cả nhà ăn. Được cái bố mẹ chồng dễ tính, không ý kiến gì nên mình cũng thấy dễ chịu”, Hòa bộc bạch.



Có hôm mẹ chồng ốm, Hòa đành gọi điện về nhờ bố chồng cắm cơm hộ. Sau đó hai vợ chồng Hòa ra hàng mua đồ ăn, mang về ăn. Cẩn thận hơn, Hòa còn mua cháo trong một nhà hàng cho ngon để tẩm bổ cho mẹ chồng.



Theo Hòa, dù hiện đại và bận bịu đến mấy thì con dâu vẫn nên biết tự cân bằng giữa công việc gia đình và xã hội. Khi đó sẽ được nhà chồng và chồng yêu thương, thông cảm. Con dâu cũng nên biết phân công, tổ chức công việc hợp lý cho người thân trong nhà. Không quá mê kiếm tiền mà xao nhãng gia đình. Ngược lại, cũng không nên vì quá lo lắng việc nhà mà không dám cống hiến cho xã hội.
http://www.vtin.info/nang-dau.html