Căn nhà 8 Võ Tánh - Huế được xem là "Tổ đình", là "Cái nôi", là "Quê hương" của Karate Việt nam. Từ lâu, nhiều du khách, nhất là du khách người Nhật rất muốn biết địa chỉ này. Nhưng tiếc rằng, nó lại đang là nhà ở của một số hộ dân cư thay vì là nơi phục vụ cho nhu cầu thăm viếng của khách du lịch.

Đó là căn nhà hình ống, bề ngang 6,5 m, bề dài 30 m, chia thành 5 ngăn: phần trước, khoảng 49 m2, gồm tầng dưới làm văn phòng giao dịch, gác gỗ dùng để ở, ngăn 3 và 4, mỗi ngăn khoảng 40 m2, là phòng tập Karate và Judo. Căn nhà ở số 8 Võ Tánh - Huế, nay là 8 Nguyễn Chí Thanh, thuộc khu phố cổ Gia hội. Nguyên chủ nhân căn nhà nầy là một võ sư Karate: Ông Suzuki Choji. Võ sư Suzuki đến Huế định cư từ cuối năm 1954. Ông là người Nhật đầu tiên đem môn Karate truyền vào Việt nam. Ông được xem là "Ông Tổ" của làng Karate Việt nam.

Từ cái nôi 8 Võ Tánh - Huế, các môn đồ của võ sư Suzuki đem Karate phát triển trên nhiều tỉnh thành phía Nam. Sau 1975, môn võ được phát triển ra nhiều tỉnh thành phía Bắc. Hiện nay, môn Karate do ông truyền thụ có hằng vạn thanh thiếu niên tham gia tập luyện. Nhiều môn đồ của ông trở thành huấn luyện viên giỏi, vận động viên xuất sắc của làng Karate và của đội tuyển Karate quốc gia như: Võ sư Đoàn Đình Long, Lê Công, Lê Văn Thạnh, Anh Tuấn, Hồng Hà, Văn Thông, Kiều Trang...

Sau khi võ sư cùng gia đình hồi hương về Nhật năm 1977, căn nhà là cơ sơ của hợp tác xã mây tre chổi đót. Gần đây, căn nhà trở thành nơi trú ngụ của 3 hộ gia đình không biết từ đâu nhảy vào. Trừ căn gác gỗ không ai ở, các ngăn còn lại đã biến dạng nhiều so với ngày trước khi còn là một võ đường lừng lẫy.

Ngoài những người quan tâm trong nước, nhiều người Nhật coi căn nhà số 8 Võ Tánh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Mới rồi, đã có kiến nghị của ủy ban nhân dân phường Phú Cát, thành phố Huế, đưa căn nhà này vào danh mục địa chỉ tham quan của du khách dịp Festival 2002 nhưng không thành. Rất có thể, theo thời gian, căn nhà này sẽ mất đi dấu ấn của cái nôi võ thuật mà còn lại chỉ là bóng dáng của cuộc sống đời thường.