Cửa sổ tình yêu: Nơi bạn trẻ tâm sự những điều thầm kín...

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1999, “Cửa sổ tình yêu” là chương trình phát thanh nhằm cung cấp những thông tin và tư vấn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho vị thành niên Việt Nam. Sau 4 năm phát định kỳ, chương trình tiếp tục phát sóng trên Đài PT-TH HN, Đài TNND TP. HCM với tên gọi “Hành trình cùng bạn” và “Alo, chúng tôi nghe”. Có thể nói, “Cửa sổ tình yêu” đã trở thành người bạn tâm tình của các bạn trẻ trên cả nước, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo với hàng nghìn lá thư hỏi, điện thoại hỏi về những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày như sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS, thai nghén, tình bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình...

1001... thắc mắc cần tư vấn.

Theo thông lệ, 9h30’ sáng thứ 7 hàng tuần, chương trình phát thanh “Hành trình cùng bạn” (tên gọi khác của chương trình “Cửa sổ tình yêu”) của Đài PT-TH HN lại bắt đầu. Buổi tư vấn mở đầu bằng một cuộc điện thoại gọi đến chương trình. Một bạn trai giọng ngập ngừng muốn hỏi chuyện tế nhị “Mới hơn 13 tuổi mà... lớn hơn chúng bạn trong lớp quá nhiều. Nhiều lúc em ngượng chín người khi chúng nó nhìn thấy “cái” của em đang dần trở thành người lớn. Em phải làm gì để “cái đó” giống như các bạn thôi?”. Một bạn gái khác, giọng lo sợ hỏi các chuyên gia về vấn đề: Năm nay em 15 tuổi, một hôm ngủ dậy thấy ở quần lót bị ướt và nhờn. Lúc đầu em cứ nghĩ mình “dấm đài” nhưng lại thấy nó xuất hiện thường xuyên, kèm theo đau ngực. Em bị ung thư có phải không?
10h ngày chủ nhật, chương trình “Cửa sổ tình yêu” vừa mới lên sóng Đài tiếng nói VN. Một cuộc điện thoại đường dài gọi đến, đầu dây bên kia giọng nữ khóc nức lên khi các chuyên gia hỏi tên bạn. 5 phút sau bạn gái mới lấy lại bình tĩnh và tâm sự: “Em vừa qua tuổi 16, vậy mà cách đây 1 tháng, em đi họp chi đoàn về muộn. Hắn, một người ngay gần nhà đã cưỡng bức em. Em đã tát hắn nhưng hắn vẫn thực hiện hành vi đó”. Một bạn trai khác viết thư đến chương trình nhờ tư vấn về tình trạng thủ dâm của mình. Theo nội dung lá thư, bạn trai này 17 tuổi, cách đây 2 năm được các anh lớn dạy cho cách tự sờ vào “chỗ đó”. Từ đó trở đi, mỗi lần buồn buồn bạn lại làm điều đó và thấy thích thú. Hiện tại, bạn thấy lo bởi không biết làm vậy, sau này có con được không....?

Đồng hành cùng “Cửa sổ tình yêu” và “Hành trình cùng bạn”, đến 22h30’ đêm chủ nhật là chương trình “Alô, chúng tôi nghe” (tên chương trình “Cửa sổ tình yêu” trên sóng đài TNND TP.HCM) phát sóng. Reng, reng... “Alô, chúng tôi nghe...” “Em muốn hỏi anh chị một vấn đề. Quan hệ tình dục chỉ một lần với người nhiễm HIV có thể bị lây không. Em rất lo bởi lần đó, sau khi uống rượu say, bị bạn bè lôi kéo nên em đã không dùng bao cao su. Việc đó xảy ra hơn 1 tháng rồi. Anh chị có cách nào giúp em...

Những thắc mắc trên là một trong số hơn 50 cuộc gọi điện thoại và gần 100 bức thư gửi đến mỗi chương trình trong buổi tư vấn. Với mỗi tình huống cụ thể, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tư vấn sẽ lắng nghe và đưa ra các giải pháp để tùy vào tình hình thực tế các bạn lựa chọn.

Cửa sổ tình yêu: Luôn sẵn sàng chia sẻ.

Anh Thành Văn, người dẫn chương trình “Cửa sổ tình yêu” trên Đài Tiếng nói VN cho biết: Bắt đầu từ ý tưởng lãng mạn, một chương trình hoàn toàn khác với các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. ở đó sẽ đề cập đến vấn đề kín đáo nhất, tế nhị nhất mà người á Đông chúng ta ngại đề cập đến. Lúc đầu chúng tôi nghĩ thực hiện dự án này rất khó khăn. Bởi vì không dễ dàng để các bạn trẻ tin tưởng và tâm sự những điều thầm kín về tình bạn, tình yêu, tình dục trên sóng phát thanh... Nhưng chỉ sau 2 buổi phát sóng, nghe những giọng nói run run, dè dặt của những thính giả là thanh thiếu niên gọi đến tham gia chương trình, chúng tôi mừng khôn xiết. Như vậy là chương trình đã sống trong lòng thính giả. Gần đây, những người thực hiện chương trình tiếp tục nhận được tin vui. Một thính giả ở Bắc Cạn chuẩn bị đi đến cái đích cuối cùng của tình yêu. Bạn đã mời cả ê kíp đến dự đám cưới của mình. Anh Văn cho biết: Đây là một trong hàng trăm tin vui chúng tôi nhận được trong gần 7 năm qua. Có nhiều bạn khi gọi điện đến chương trình rất bi quan, muốn tìm đến cái chết nhưng sau khi được tư vấn họ đã tìm lại được niềm tin và hiện rất thành đạt.

BS Hoàng Thúy Hải, cộng tác của chương trình “Cửa sổ tình yêu lại” không thể quên được tâm sự của một bạn gái người Hòa Bình. Cô bé đã phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng từ sáng sớm lên bưu điện huyện để hỏi những điều thắc mắc trong lòng. Hay một bạn gái khác lặn lội hơn 200 km từ một vùng núi tỉnh Thanh Hóa ra Hà Nội với ước nguyện được gặp trực tiếp người tư vấn của chương trình và tặng anh chị ít quà quê. Điều này cho thấy, chương trình không chỉ đến được với những thanh thiếu niên thành phố mà còn đến được đông đảo người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc của nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Bà Nguyễn Thị Lan Minh, Phó GĐ thường trực dự án “Cửa sổ tình yêu” cho biết: Chương trình ra đời với mục đích trở thành địa chỉ quen thuộc, thân thiết và đáng tin cậy, là nơi có thể giải đáp những thắc mắc của thính giả trẻ về các vấn đề liên quan đến SKSS đồng thời thông qua đó tuyên truyền, giáo dục và cung cấp cho lứa tuổi vị thành niên những kiến thức cơ bản về SKSS, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý lứa tuổi. Từ đó có những điều chỉnh hành vi, thái độ trong việc bảo vệ SKSS cho bản thân, xây dựng lối sống đẹp, nếp sống lành mạnh và an toàn.

Ngoài việc tư vấn qua điện thoại, các chuyên gia tư vấn còn tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tiếp với các bạn nghe đài ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc như Gia Lai, Đắc Lắk... Từ đó, những người thực hiện chương trình có thể học hỏi thêm từ các em cách nhìn cuộc sống, các dùng từ ngữ sao cho dễ nghe, dễ hiểu, phù hợp với trình độ dân trí của vùng đồng bào ít người. Trong thời gian hoạt động, “Cửa sổ tình yêu” không chỉ là chương trình của vị thành niên, thanh niên mà rất nhiều phụ huynh, ông bà cũng đã gọi điện đến hỏi các chuyên gia về cách chăm sóc, ứng xử với trẻ, từ đó nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, giúp họ thoải mái, tự tin khi phải đề cập, giải thích cho con trẻ những vấn đề tế nhị này.
Theo Giáo dục & thời đại