ộ chính xác trong các tài liệu luyện thi trắc nghiệm ra sao, mức độ khó dễ của đề phân chia theo tỷ lệ nào, điều gì không thể thiếu khi chuẩn bị cho thi trắc nghiệm?... Những thắc mắc này đã được các thầy cô giáo phổ thông tư vấn.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình (GV chuyên Lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM): Điều quan trọng là phải học lý thuyết và có kỹ năng làm bài tập vững, không cần phải tìm nhiều bài tập quá, bởi hiện nay có rất nhiều bài tập được phổ biến rộng rãi nhưng chưa chính xác. Hiện nay, ngoài thị trường có rất nhiều sách trắc nghiệm, nhưng rơi vào 2 trường hợp sau:

1, Là quá cũ, đã tái bản nhiều lần, với nội dung khoa học không còn phù hợp.

2, Một số sách trắc nghiệm vừa mới ra, thì hoặc là biên soạn rất vội vã, hoặc là người biên soạn vẫn còn bám theo kiến thức cũ, cách ra đề cũ. Do đó, khi mua sách trắc nghiệm để tham khảo, tốt nhất thấy câu nào không yên tâm nên trao đổi lại với thầy cô.

Có thể nói, hiện nay chưa có cuốn sách trắc nghiệm nào là tốt trên thị trường. Chưa kể, cách thức ra trắc nghiệm của Bộ cũng chưa biết rõ.

Hiện nay, các Sở GD-ĐT cũng như các trường đang tập hợp các đề thi tương đối chính xác để cùng nhau chọn lựa, sau đó sẽ phát hành cho các trường trong tỉnh, thành của mình. Khi đó chúng ta có thể tham khảo để rèn luyện thêm.

Mức độ khó - dễ trong đề trắc nghiệm


Phan Kỳ Nam (tổ trưởng tổ Sinh học, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM): Việc làm cho đầy đủ các câu trắc nghiệm trong đề dĩ nhiên quan trọng nhất phải là kiến thức. Sau đó, mới tính đến cách làm cho phù hợp, chẳng hạn, mỗi câu hỏi sẽ có thời gian trung bình 1-2 phút. Do đó, HS phải biết đọc nhanh mà vẫn hiểu đúng. Nếu cần vẫn phải ghi chú những ý nhấn trong câu hỏi.

Chẳng hạn, nếu câu hỏi yêu cầu chọn câu trả lời "không đúng", câu nào do dự thì hãy bỏ qua, sau cùng hãy quay lại để tìm hiểu tiếp. Quan điểm ra đề thi của Bộ là rải đều trong chương trình và có thể phân loại được HS nên các câu hỏi sẽ có cả câu dễ lẫn câu khó. Làm được nhiều câu dễ trong đề thi tuyển sinh không đủ để đảm bảo thi đậu. Do đó, mục đích chính khi làm bài là giải quyết được càng nhiều câu khó thì khả năng đậu càng cao.

Do thời gian không có nhiều nên đọc câu nào, HS hãy suy nghĩ cẩn thận đọc từng từ chính xác và quyết định ngay, nếu không quyết định được thì để lát sau xem lại. Lưu ý đừng để bị mắc những mẹo là mồi nhử hoặc những từ chưa rõ,

Môn Hóa: Sẽ thi lý thuyết nhiều hơn so với bài tập.

Thạc sĩ Nguyễn Bác Dụng (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM - GV chuyên Hóa): HS cần học đầy đủ và có sự hệ thống hóa toàn chương trình.

Do đặc thù của môn Hóa có sự liên kết với nhau nên phải học hiểu từng phần và có sự liên kết các phần với nhau. HS không cần phải luyện những câu hỏi khó, vì kiến thức ra rộng và không sâu, đặc biệt lưu ý những câu hoặc từ là "mồi nhử". Ví dụ, những câu có vẻ sai là đúng, ngược lại những câu có vẻ đúng lại là sai.

Dạng bài tập trắc nghiệm hóa có 3 loại chính: Thứ nhất, trắc nghiệm lý thuyết hóa học, bao gồm cấu tạo, tính chất, điều chế, định luật, nguyên lý, quy tắc... Thứ hai là trắc nghiệm thực hành hóa học, bao gồm kỹ năng thực hành thí nghiệm, ứng dụng hóa học trong thực tiễn... Thứ ba là trắc nghiệm về tính toán hóa học, là giải những bài tập ngắn.

ThS Dụng đã trấn an: Phần câu hỏi về ứng dụng rất ít, câu hỏi sẽ hỏi những ứng dụng quen thuộc trong chương trình đã có, chỉ cần học kỹ lý thuyết và đọc sơ qua các ứng dụng. VD: Ứng dụng của các polime, nhôm, gang, thép... là có thể làm bài tốt.

HS nên làm những bảng hệ thống hóa từng chương. Ví dụ: Chương Hidro cacbon (so sánh các loại Hidro cacbon: No, không No, Thơm), mối liên quan giữa rượu Andêhit, axít... sẽ giúp cho em dễ nhớ bài và có được độ so sánh.

Gợi ý một số cách dạy và làm bài trắc nghiệm


Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình: Khi đổi từ cách học để làm bài tự luận sang cách học để làm bài trắc nghiệm, HS cần lưu ý các điều sau:

1. Mạnh dạn loại bỏ những đề bài tập dài dòng, mô tả hiện tượng phức tạp, đòi hỏi phải chứng minh nhiều giai đoạn mới có được kết quả.

2. Không học giáo khoa theo lối trả bài đầy đủ, mà thay bằng cách đọc nhiều lần một bài giáo khoa để hiểu là chính. Đặc biệt, với những hiện tượng vận dụng giáo khoa thì phải xem cho kỹ thay vì chỉ đọc lướt như trước đây.

3. Tập thói quen khi đọc xong đề bài thì khẩn trương giải quyết ngay, không suy nghĩ lâu như làm bài tự luận.

4. Cố gắng hỏi thầy cô một số câu, dạng trắc nghiệm cơ bản để làm quen.

5. Tập giải những bài toán liên quan đến những vấn đề ngắn, cụ thể.

3 mức độ của đề thi:

Ông Phan Kỳ Nam (tổ trưởng tổ Sinh học, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM).

1. Kiến thức:

Phần lớn là những thông tin có chủ đề, chủ điểm được nêu trong chương trình. Loại này hầu hết nhằm đo lường trí nhớ. Tuy nhiên, nếu HS biết nhận xét sẽ có lợi điểm hơn để nhớ.

Ví dụ: Trong kỹ thuật cấy gen, vi khuẩn đường ruột E.Coli thường được dùng làm tế bào nhận nhờ đặc điểm:

A) Sinh sản nhanh

B) Chứa Plasmit có khả năng nhân đôi

C) Có cấu tạo đơn giản

D) Cho phép thực thể khuẩn xâm nhập

Do trí nhớ, HS có thể nhận ra đó là đáp án A. Nhưng có thể do dự vì các đặc điểm còn lại đều có liên quan đến việc cấy gen vào vi khuẩn. Vì vậy, nếu biết nhận xét là sự sinh sản nhanh của tế bào nhân là vi khuẩn mới làm gia tăng gen ghép để sản xuất nhiều sản phẩm thì HS không còn do dự khi chọn đáp án đó.

2. Thông hiểu:

Bao gồm cả kiến thức nói trên nhưng phải giải thích được kiến thức đó, kể cả việc minh họa kiến thức tương tự. Sự giải thích chứng tỏ hiểu rõ mà nhớ chứ không phải do học vẹt. Thông hiểu kiến thức còn thể hiện bằng thông hiểu ví dụ minh họa cũng như hình vẽ.

Ví dụ: Noãn cầu bình thường của một cây hạt kín có 12 NST. Hợp tử chính ở noãn đã thụ tinh của cây này chứa 28 NST. Bộ NST của hợp tử đó thuộc dạng đột biến nào?

A) 2n+1

B) 2n +1 =1

C) 2n + 2

D) 2n + 2 + 2

Nếu liên hệ đến hiện tượng thụ tinh kép (học lớp 10), HS biết noãn cầu chứa n = 12 NST thì suy ra được 2n = 24. Phối hợp kiến thức lớp 12 về dạng dị bội, hợp tử có 28 NST nói trên thuộc dạng 28 = 24 + 4 thì nhận ra được đáp án 2n + 2+ 2 là đúng.

3. Vận dụng:

Đòi hỏi HS có khả năng dùng kiến thức đã nhớ, đã thông hiểu để nắm bắt nội dung và giải quyết vấn đề mới, tình huống mới. Để đạt được điều đó HS phải có: Mức độ tư duy tương xứng, biết chuyển kiến thức trong bối cảnh quen thuộc sang bối cảnh lạ lẫm (cần áp dụng điều gì đã biết, như thế nào, trong giới hạn nào?)

Do vậy, việc giảng dạy và học tập của HS phải có điều mới cho phù hợp:

* Phải dạy và học đầy đủ theo chương trình quy định, tránh học tủ, học vẹt...

* Không những phải biết hệ thống hóa, chú trọng trọng tâm mà còn phải giúp HS hiểu những hình vẽ, những dòng lệnh mà sách giáo khoa yêu cầu.

* Dù có tham khảo tài liệu ôn thi nào, thì việc học từ SGK, bài giảng của thầy cô phải là hàng đầu. Các câu hỏi trắc nghiệm phải được xem là để luyện tập sau khi đã học theo bài theo chương ở SGK, ở bài giảng thầy cô. Đặc biệt là đối với những kỳ thi không nên xem các câu hỏi trắc nghiệm là khuôn mẫu để căn cứ vào đó là ôn tập, mà xem là những câu hỏi để tham khảo, kiểm tra sự hiểu biết của mình ở những bài, chương đã học.
Theo Thanh niên