Với tư cách là một nhà giáo dục Đài Loan rất quan tâm tới sự phát triển của giáo dục Việt Nam, tôi xin bày tỏ với Bộ trưởng một số suy nghĩ cũng như kinh nghiệm của mình về vấn đề thi trắc nghiệm ở kỳ thi tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh ĐH.

Đây là những tâm sự của bà Ding Ya Wen, một người có 10 năm làm công tác cải cách phương pháp ra đề thi ở Đài Loan gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

Bà Ding Ya Wen đã đưa ra 5 nguyên tắc cần chú ý đối với hình thức thi trắc nghiệm, đó là:

1. Đề thi phải có độ khó hợp lý, tránh những đề thi kiểu kiểm tra trí nhớ để đánh đố các em học sinh.

2. Không nên ra đề thi kiểu phải học thuộc lòng, học vẹt. Mà ra đề thi làm sao đánh giá được khả năng lí giải, ứng dụng, phân biệt và phán đoán của học sinh.

3. Nội dung của đề thi phải bao hàm đầy đủ các cấp độ của nhận thức. Chẳng hạn, trong cấu trúc đề thi, 6 cấp độ của nhận thức có thể được phân theo tỉ lệ như sau: 10%, 20%, 30%, 20%, 10%, 10%.

4. Có thể đưa vào đề thi một tỉ lệ nhất định loại trắc nghiệm kép (loại trắc nghiệm có nhiều hơn 1 đáp án đúng). Như vậy sẽ có thể kích thích sự tư duy, khả năng phân biệt ở trình độ cao của các em học sinh.

5. Với đề trắc nghiệm chọn 1 trong 4 đáp án, xác suất đúng sẽ là 25%. Có những học sinh sẽ “đoán mò”. Do đó sẽ có hiện tượng “ăn may” . Vì thế chúng ta sẽ khó đánh giá một cách chính xác học lực của từng em. Nếu chúng ta sử dụng phương pháp “trừ điểm ngược” (đưa ra đáp án sai, sẽ bị trừ điểm), ở mức độ nhất định có thể hạn chế kiểu chọn bừa đáp án của học sinh.

“Trong suốt quá trình phát triển cách ra đề theo kiểu trắc nghiệm, nếu chúng ta nắm vững 5 nguyên tắc trên, trong một chừng mực nhất định sẽ có thể làm thay đổi được phương pháp giảng dạy của giáo viên. Sự truyền thụ những kiến thức một chiều theo kiểu truyền thống sẽ dần dần bị tẩy chay.

Tôi tin, một kỷ nguyên mới của giáo dục Việt Nam sẽ được mở ra nếu ngay từ bây giờ Bộ GD-ĐT đầu tư nhiều cho công cuộc cải tổ phương pháp dạy học của giáo viên. Có như vậy, học sinh - những chủ nhân tương lai của chúng ta, sẽ được trang bị được những kiến thức toàn diện để bước vào cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu hoá” - bà Ding Ya Wen bộc bạch.

Nguồn Bộ GD&ĐT