Xoa bóp phòng và chữa cận thị
Với tác dụng thông kinh hoạt lạc, thúc đẩy lưu thông khí huyết ở vùng mắt, cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng của thần kinh thị giác và võng mạc, phương pháp xoa bóp của y học cổ truyền giúp cải thiện tình trạng mắt của người bị cận thị. Nên tiến hành đều đặn, mỗi ngày 2 lần sáng và tối.

- Day huyệt Toản trúc: Vị trí huyệt: chỗ lõm đầu lông mày. Dùng hai ngón tay day đồng thời hai bên từ nhẹ đến mạnh, chậm rãi trong vòng nửa phút sao cho có cảm giác căng tức là được.



- Ấn huyệt Tình minh: Vị trí huyệt: ở trong khoé mắt trong 0,1 tấc. Người bệnh nhắm mắt, dùng hai ngón tay trỏ ấn day hai huyệt Tình minh trong nửa phút sao cho đạt cảm giác căng tức là được.



- Ấn day huyệt Tứ bạch: Vị trí huyệt: ở thẳng con ngươi xuống 1 tấc. Dùng hai ngón tay trỏ ấn day đồng thời hai huyệt từ nhẹ đến mạnh trong nửa phút sao cho đạt cảm giác căng tức là được.



- Day nhãn cầu: người bệnh nhắm mắt, đặt ngón tay trỏ lên mi mắt, day nhẹ nhãn cầu 10 lần.

- Day huyệt Thái dương: Vị trí huyệt: ở đuôi mắt đo ngang ra phía sau một tấc. Dùng hai ngón cái hoặc hai ngón trỏ day đồng thời hai huyệt từ nhẹ đến nặng trong nửa phút đến khi đạt cảm giác căng tức.



- Xoa vòng quanh mắt: Dùng hai ngón trỏ và giữa để cạnh nhau, bắt đầu từ hai phía cánh mũi men theo hai phía sống mũi đẩy ngược lên tận trán, sau đó thuận theo trán kéo xuống huyệt thái dương rồi trở về chỗ cũ. Hoặc dùng ngón tay cái bắt đầu từ đầu trong lông mày men theo phần trên ổ mắt tiến ra đuôi mắt, rồi lại từ khoé mắt trong kéo ra đuôi mắt, làm như vậy 50 lần.

- Day ấn huyệt Phong trì: Vị trí huyệt: ở trong góc lõm do đáy hộp sọ và bờ ngoài khối cơ phía sau cổ (cơ thang) tạo nên, mỗi bên một huyệt. Dùng ngón tay trỏ cả hai bên day ấn đồng thời hai huyệt với một lực tương đối mạnh để tạo cảm giác căng tức.

Thạc sĩ Xuân Mai, Khoa học và Đời sống