Thực tế là dòng nhạc teen đang dần trở thành một “thế lực” trong làng nhạc Việt với cả một “rừng” “hoàng tử”, “công chúa”, “búp bê” đẹp long lanh, nhiều màu sắc và rất chi là ồn ào. Ồn ào nên mới nhận lắm khen chê. Nhưng khen thế nào, chê ra sao lại là điều cần phải nghĩ thêm một chút. Rõ ràng nếu nhạc teen chán òm thì nó đã chẳng phát triển được như bây giờ.


Điểm cộng

Sau khoảng lặng im của thị trường năm 2005, 2006, nhạc Việt loay hoay tìm cách bật dậy tìm lại thuở vàng son. Hip hop suy yếu, rock còn lận đận, nhạc xưa để dành cho các “cụ”, nhạc “sốc” bị phê bình tơi bời trên báo chí. Nhạc teen đã ra đời như một cách đáp ứng khoảng hổng trong giới trẻ. Bằng những ca từ nhẹ nhàng, lối trình bày giản dị xoay quanh những câu chuyện học trò, những mối tình lãng đãng, các ca sĩ thế hệ @ đã hát lên tâm trạng của tuổi trẻ hôm nay. Vậy nên họ giành được sự cộng hưởng của tuổi mực tím cũng đâu có chi là lạ.

Từ phục trang đến phong cách các ngôi sao teen, công bằng mà nói, cũng không khác mấy so với khán giả của mình. Xem một chương trình ca nhạc “pho tinÓ, sự gần gũi giữa khán giả và ca sĩ hẳn phải “ăn đứt” các chương trình của các sao người lớn.

Điều quan trọng nhất là các show ca nhạc dành cho teen thường free. Nếu các khán giả khác phải trả cả triệu đồng để xem Đàm Vĩnh Hưng thì teen xem “ché Hữu”, “Min Hee” bằng vé tặng. Thưởng thức văn hóa hợp túi tiền cũng là yếu tố đáng quan tâm chứ. Lại nói, khi teen đang là đối tượng mà nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhắm đến thì nhạc teen chính là lựa chọn tối ưu để tài trợ.

Ca sĩ có đất diễn. Tài trợ hài lòng. Teen được nghe nhạc, được chơi, được vui thay vì sa đà vào tệ nạn. Tóm một cục lại là điểm cộng và điểm cộng. Có gì mà chê?


Điểm trừ


Không có gì đáng chê thì đã chẳng ai chê! Điểm trừ đầu tiên dành cho nhạc teen là sự thiếu cá tính trầm trọng của ca sĩ. Nghĩ xem! Từ tên đến quần áo, từ clip đến album đều “Hàn hóa”. Xem clip của Candy Thu Thủy sẽ thấy - hết cõng đến đụng xe, thêm mục mất trí nhớ nữa và... y như phim.

Một ngôi sao không nhất thiết phải là người hát hay nhất. Nhưng một người hát không hay được “bơm” lên như sao sẽ không giúp ích gì cho sự phát triển của nhạc Việt cả trong thì hiện tại lẫn tương lai. Nhìn vào lớp ca sĩ teen hôm nay - chăm lo sắc vóc nhiều hơn chuyên môn âm nhạc. Không khó hình dung ở 10 năm nữa nhạc Việt sẽ như thế nào. Giả tỉ lúc ấy có một cuộc thi đấu giữa ca sĩ các nước trong khu vực thì việc ta về trắng tay như trong cuộc thi Asian Idol chắc cũng “bình thường thôi”.

Nhiều fan trẻ tỏ ra ấm ức khi thần tượng của mình hay thế, giỏi thế mà không giành được giải thưởng âm nhạc nào làm... “vật gia bảo”. Đấy cũng là điều đáng nghĩ. Không trao giải cho các thần tượng tuổi teen hay các ca khúc nhạc teen cũng là cách các giải thưởng nhắn nhủ rằng dòng nhạc ấy đang chứa trong nó nhiều bất ổn. Đã bao giờ các ca sĩ teen chịu nhìn lại hay vẫn tiếp tục đường ta ta cứ đi?

Nhìn ra thế giới, những Christina Aguilera, Justin Timberlake... sau khi sống trọn vẹn với “khi xưa ta bé” cũng đã phải lớn lên để chinh phục lớp công chúng đông đảo cùng những vị phê bình khó tính. Rồi thế hệ Miley Cyrus sẽ kế thừa... Nhưng ở ta, tình trạng ca sĩ “hết teen” lấn át teen thật phần nào cho thấy tình trạng thiếu thốn tài năng trẻ. Do đó, dường như nhạc dành cho giới teen vẫn còn thiếu hơi thở... teen khi chỉ chăm chăm vào tình iu, đôi khi hơi não tình. Đội ngũ sáng tác cho dòng nhạc này cũng là một lỗ hổng chưa thể lấp bằng ngay.

Những giấc mơ màu cổ tích của một thế hệ dường như đã đi qua. Thay vào đó là hình ảnh của những chàng hoàng tử, công chúa thời hiện đại chuyên xài hàng hiệu, thoáng vui, chợt buồn, và đôi lúc... tưng tưng. Đấy là mẫu tuổi teen đời mới?


Nguồn: Mực Tím Online