Luyện võ có nhiều mục đích khác nhau :

- Luyện võ để tự vệ, để phô bày vẻ đẹp và những khả năng vận động của cơ thể.
- Luyện võ để thân xác khoẻ mạnh, để chữa trị hay phòng ngừa bệnh tật. Đây chính là luyện võ dưỡng sinh. Từ xa xưa dân tộc Việt đã phát triển mạnh loại này, được vua quan các triều đại xưa từ Đinh, Lê, Lý, Trần, ..., khuyến khích và toàn dân hưởng ứng với những kiểu cách đi quyền theo phép "Đạo Dẫn Khước Bệnh ", phép "Khử Bệnh Diên Thọ ", phép "Thái Thượng Lục Tự Khí Quyết ", v.v...

Tuệ Tĩnh, một danh y Đại Việt thế kỷ 14 có lời khuyên:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần,
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

Thủ thân, luyện hình, theo quan niệm người xưa là tập luyện những động tác võ thể dục, bảo tồn sức khoẻ, tránh hay trị các chứng bệnh mãn tính (kinh niên), những chứng bệnh suy khí về Tâm khí, Can khí, Đởm khí, Tỳ khí, Phế khí và Thận khí. Năm Vĩnh Trị nguyên niên, 1676, vua Lê Hy Tông đã chỉ dụ cho Thi Lang Bộ Hình Đào Công Chính cùng các ông Phạm Thế Vinh, Phạm Đình Liêu, Lê Bá Hồng, Nguyễn Đại, và Võ Viết Hiền hợp soạn sách Bảo Sinh Diên Thọ Toản Yếu để dậy cho nhân dân luyện cách gìn giữ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Vào thế kỷ 16 Hoàng Đôn Hòa cũng soạn tập Hoạt Nhân Toát Yếu với thiên nổi tiếng "Khuê Chỉ Tăng bổ " truyền lại cho hậu thế.

- Luyện võ khổ luyện một công phu nào đó, mà thuật ngữ võ học có những từ như Ngoại công, Nội công hay Thần công, hoặc Khí công,v.v..., với sự xác quyết :

Lực bất đả Quyền
Quyền bất đả Công
Luyện võ bất luyện Công
Đáo lão nhất trường không ! (1)

Ngoại công là công phu tập luyện sức lực biểu lộ bên ngoài, luyện tập da thịt, gân xương dắn chắc, luyện sức chịu đựng, bền bỉ, cường lực của thân xác.

Ngoại công lại gồm Nhuyễn công (hay âm kình) và Ngạnh công (hay dương kình).

Nội công là công phu luyện tập, bồi dưỡng sức mạnh, kình lực ẩn tàng bên trong cơ thể, sức mạnh của tinh thần, sức mạnh của khí huyết, của nội tạng. Nội công cũng luyện về khí, nên có lúc được gọi là Khí công.

Ba công cụ chính để luyện nội công là:

a/ Dụng Ý.
b/ Dụng Khí.
c/ Dụng Thế và Dụng Lực.

Luyện Nội công chính là một hình thức luyện võ dưỡng sinh cao cấp và là phép tu dưỡng tâm hồn, tạo niềm tự tin sống mạnh và yêu tha nhân, bồi đắp tư đức và công hạnh.

- Luyện võ để dựng nước và giữ nước. Đây là một ý thức dụng võ cao.

Tất cả các loại luyện võ khác nhau về mục đích đó đều có những qui tắc chặt chẽ, khít khao, giao thoa, xen kẽ, đồng bộ chi li nhiều mặt giữa ngoại thân và nội thân người luyện võ, ví dụ như ức chế hay hưng phấn từng phần hoặc toàn bộ của tư thế, của luật động, gia tốc, của hít thở, của buông lỏng, thư giãn, của ý lực, v.v...

- Còn một đích nữa của luyện võ chỉ được trân trọng cử hành bí mật, với những nghi thức có tính cách tôn giáo hay ma thuật, ít người được tham dự và biết đến, rất xa xưa, ngày nay coi như mật truyền mà tàn dư còn tìm thấy ở những buổi tranh đua tổ chức nhiều trong những hội hè đình đám vụ mùa nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng, lưa thưa trải rộng xuống Nam Á và Á châu hải đảo, chạy dài từ phía nam quần đảo Nam Dương đổ lên vùng đa đảo cực bắc Thái Bình Dương.

Đó là nghi thức "Ra Giàng", hay "Xe Đài", hoặc có nơi gọi là "Múa Hoa", "Múa Hạc", của lối vật cổ truyền Việt Nam, nghi thức Kanbangan của các võ sĩ Pukalam Pentjak cổ điển ở Indonesia, nghi thức Nagdadasal của các đô vật Dommoq nhóm bộ lạc Tagalog vùng đảo Luzon, hoặc nghi lễ cầu nguyện lúc thượng đài của các võ sĩ Thái Lan hay của các đô vật Sumo Nhật Bản, v.v...

Những nghi thức "Ra Giàng" này của các đô vật vùng Kinh Bắc hay Sơn Nam, Thanh Nghệ xa xưa tại đồng bằng sông Hồng, sông Mã, tại các hải đảo Celebes, Sumatra, Luzon, phía Đông Nam và Hokkaido phía Đông Bắc châu Á có hình ảnh mờ nhạt của nghi lễ "Bắt Ấn", "Bắt Quyết" của tu sĩ các tôn giáo phương Đông. Có lẽ nó có nguồn gốc từ lễ nghi tế thần sau những chiến thắng của các nhóm dân tộc ngữ hệ Malayo-Polynesien thuộc văn minh Nam Á, bên những ngọn lửa thiêng bập bùng trên thuyền chiến hay đồng nội ven ao hồ, sông biển.

Tại bán đảo Đông dương, truyền thống thoát tục Malayo-Polynesien đã kết hợp với truyền thống Mon-Khmer thầm lặng và Hán-Tạng căng tràn nhục cảm, lộ rõ trong lối "Ra Giàng" say sưa này.

Điểm đáng ghi nhận là bên cạnh hình thức quyền cước của phong cách Đông Sơn, Hòa Bình, còn vô số những hình thức đi quyền dân gian khác vùng Đông Nam Á với nhiều nhóm dân tộc ít người khác biệt cả từ phong tục đến tiếng nói. Nhưng điều hấp dẫn nhất ở đây là sự tương đồng về mục đích và kỹ thuật của hầu hết các hình thức võ này. Hay nói khác đi, nó giống như những biến tướng hay những dị bản của lối đi quyền cổ điển Đông Sơn, Hòa Bình, với những khác biệt xuất phát từ đặc tính địa phương và môi trường của chúng.

Ngót năm ngàn năm tiến hóa với những thăng trầm của dân tộc, đã khiến cho nghệ thuật đi quyền của Việt tộc không còn hệt như lúc đầu nữa. Những biến động về lịch sử, về tín ngưỡng, v.v..., và ảnh hưởng của các kỹ thuật chiến đấu dân gian, với những giao thoa qua lại về văn hóa giữa vùng Hoàng Hà và Ấn Hà đã làm cho hình thức đi quyền của người Việt cổ, từ một gốc Đông Sơn, Hòa Bình, xum xuê vươn ra nhiều nhánh.

Dưới đây là bài thiệu dị bản của một bài quyền khá cổ, bài Ngọc Trản, chúng tôi sưu tầm được nơi một vị võ sư già người Chăm tại một xóm nhỏ hẻo lánh của đồng bào Chăm Phan Rí, làng Kinh Cựu, và được xem vị võ sư này biểu diễn, nhân chuyến "điền dã Dân tộc học", du khảo về dân tộc Chăm :

Ngọc Trản ngân đài
Tả hữu tấn khai, thập tự
Thối liên diệp, liên huê tọa sát túc.
Tấn đả tam chiến, thối thủ nhị linh
Hoành tả tọa bạch xà lan lộ
Hữu hoành tọa, thanh long biên giang
Phụ tử tương tì, hồi phát địa hổ
Song phi chuyển dực, hạ bàn lôi đoản đả
Hội triển khai cung, quyện địa, tấn khai hổ khẩu
Tả hoành phục hạ, quyện địa, tấn đả song quyền
Đả tý lưỡng diện, bàng phi lập như tiền.