Đầu thế kỷ 20, có một người tên là Tế Công, người đương thời thường gọi là Tài Cống hay Cống Xếnh Xáng. Ông sang Việt Nam vào khoảng 1907, tung tích được khép trong bí mật cho tới những năm của thập kỷ 40 nhiều người mới biết tới. Ông là một trong những cao nhân võ học của thế kỷ 20 với rất nhiều huyền thoại.

Tôn sư Tế Công, người được coi là tôn sư của Vịnh Xuân Việt Nam. Một thời gian khá dài Cống Xếnh Xáng bảo tiêu một số chuyến đường dài, mạn Vân Nam – Quý Châu sang ta . Trong các chuyến đi bảo tiêu và buôn bán qua biên giới, có một người Việt tháp tùng và coi đó như là học trò đầu tiên của Tài Cống. Ông có dạy một số học trò và đều là bậc thày cả. Ở Hà Nội, ông Tài Cống có truyền cho một số học trò, trong đó có 7 người gộp lại làm một lớp chính qui đầu tiên. Ngoài những người trong bức ảnh lịch sử mà anh Đỗ Tuấn còn lưu trữ được, ông Tài Cống còn dạy cho bác Ngô Sỹ Quý, một nhạc công mà sau này chi phái Vịnh Xuân của Ngô gia cũng khá phát triển ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong 15 năm trở lại đây.

Trong ảnh: người đứng cạnh ông Cống là anh con trai, người đứng đầu tiên bên trái, lớn tuổi nhất là bác Phùng (Độc Long Nhỡn) vốn cũng từng làm bảo tiêu, tính khí khảng khái, nóng như lửa, cuối đời bác có làm bảo vệ cho trường PTTH Việt Nam – Cu Ba. Bác Phùng qua đời năm 1986, thọ hơn 90 tuổi và truyền ngôi cho Đỗ Tuấn chấp chưởng, đó là một hoạ sĩ, thương binh, học trò cưng của bác. Cạnh bác Phùng là bác Lâm, bác Nghi... người đứng cuối cùng trong ảnh là bác Tiển ở 35 Gia Ngư, người đóng góp về bộ môn Vịnh Xuân nhiều nhất ở Hà Nội, vốn vóc người nhỏ bé, khuôn mặt hiền từ lại ít tuổi nhất. Có lẽ các dụng cụ tập luyện như mộc nhân, mộc thủ... xuất hiện ở Hà Nội là từ bác Phùng và bác Tiển. Trước năm 1954, bác Tiển có dạy một số môn sinh. Lớp lớn nay còn “chơi” như võ sư Phan Dương Bình, tục danh là Bình Bún không rõ do dẻo hay dính mà thành tên. Lại có giai thoại là có lần Phan tiên sinh biểu diễn Xúc cốt công thu nhỏ người chui vào nằm vừa trong cái thúng đựng bún mà thành tên (!), hai đại đệ tử được làng võ Hà Nội biết đến danh là anh Nhâm và anh Lễ, sau đó là lớp các anh sắp lục tuần như ông Sinh (con trai bác), anh Xuân Thi...

Năm 1955, tôn sư Tế Công theo dòng người di cư vào miền nam Việt Nam, ông có thu nhập thêm một số môn đồ nữa và ít năm sau qua đời. Các truyền nhân của ông Cống ở phía nam bành trướng môn phái yếu hơn phía bắc.

Lần theo dấu vết của tôn sư Tế Công môn Vịnh Xuân, tôi còn gặp được nhiều người có dính dáng đến con đường ông đi qua, lưu lại những dấu vết mà những môn sinh Vịnh Xuân đầy trân trọng.

(Huyền Tâm)