Trước thực trạng lượng hồ sơ ảo lớn khiến nhiều phòng thi chỉ có vài thí sinh trong khi vẫn phải tốn tới 3 giám thị để trông, lãnh đạo nhiều ĐH cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tăng lệ phí tuyển sinh để giảm bù lỗ cho trường.
Sáng 17/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Thi và Tuyển sinh năm 2009 tại 6 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ, với sự tham dự của hơn 1.300 đại biểu của các ban ngành, Sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp…
Là đại học vùng với lượng thí sinh đăng ký thi đông, hằng năm ĐH Thái Nguyên phải chi một khoản kinh phí khá lớn bù lỗ cho công tác tuyển sinh. Do vậy, Giám đốc ĐH Thái Nguyên Từ Quang Hiển mở màn phần thảo luận bằng đề nghị tăng lệ phí tuyển sinh hoặc trích ngân sách Nhà nước để bù đắp kinh phí cho các trường.
Lo lắng về khoản chi phí thuê người mẫu vẽ quá cao trong khi lệ phí thu của thí sinh ở môn năng khiếu này vẫn thấp, PGS Nguyễn Khắc Sinh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kiến trúc Hà Nội kiến nghị Bộ cần cho các trường có môn thi năng khiếu được tăng lệ phí tuyển sinh. Gần đây, khối V, M của trường luôn có trên 80% thí sinh đăng ký tới dự thi, còn khối A là 60%.
Cũng đề cập tới khó khăn kinh tế, TS Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng ĐH Vinh đi thẳng vào thực trạng, việc thu tách riêng lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí thi đã khiến năm vừa qua bình quân mỗi thí sinh nộp 3 hồ sơ, thậm chí có em nộp tới 10 bộ, gây khó khăn cho trường trong việc chuẩn bị phòng thi.
“Không trường nào ở cụm thi Vinh được 70% thí sinh dự thi, có trường 3 em vẫn có 2 giám thị phòng và 1 giám thị hành lang coi. Lấy đâu kinh phí để lo việc này? Chẳng có lý gì chúng tôi phải chuẩn bị những chỗ ngồi ảo. Đề nghị Bộ có biện pháp mạnh nhắc nhở thí sinh nộp luôn 2 loại lệ phí”, ông Hợi nói.
Đồng quan điểm này, PGS TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế khẳng định, tính cả việc Nhà nước bù lỗ 10.000 đồng cho một bộ hồ sơ thì lệ phí thi 20.000 đồng chưa bù đắp được kinh phí các trường bỏ ra.
Không chỉ kêu về kinh phí, Giám đốc Nguyễn Văn Toàn còn cho rằng, năm nào lãnh đạo Bộ GD&ĐT có rất nhiều công điện, nhiều nội dung không phù hợp và mâu thuẫn với quy chế thi, gây lúng túng cho việc thực hiện. Đồng thời, việc giao chỉ tiêu theo kiểu đổ đồng 10-20% cho mỗi trường là chưa phù hợp với năng lực đào tạo của nhiều trường.
Bức xúc vì có những văn bản tồn tại 30 năm, mãi tới khi được đề nghị nhiều lần Bộ GD&ĐT mới thay đổi trong khi Quy chế tuyển sinh năm nào cũng được sửa đổi, đại diện ĐH Quảng Bình cho rằng, “quy chế tuyển sinh phải có tính ổn định”.
Cho rằng, nếu năm 2008 không xuất hiện khó khăn về tài chính thì đã có quyết định mới về thu lệ phí tuyển sinh, Thứ trưởng Bành Tiến Long nói: “Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài chính về việc thu lệ phí, nhưng phải phụ thuộc vào ngân sách”.
Cũng theo Thứ trưởng Long, trước 20/2 sẽ hoàn thành Quy chế thi và tuyển sinh, cuốn cẩm nang “Những điều cần biết…” sẽ được phát hành ít nhất 2 tuần trước thời điểm nộp hồ sơ và tháng 5-6 sẽ có thông báo chính thức về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2010.
Trước đó, Bộ Tài chính và GD&ĐT dự kiến lệ phí tuyển sinh ĐH, CĐ 2008 ở mức, 50.000 đồng lệ phí nộp hồ sơ và 30.000 đồng lệ phí thi, riêng lệ phí thi năng khiếu là 200.000 đồng một người. Tuy nhiên, sau đó Bộ đã không thực hiện việc tăng lệ phí với lý do đây là năm cuối thi tuyển sinh ĐH, CĐ, trước khi thực hiện một kỳ thi THPT Quốc gia năm 2009.
Năm 2008, lệ phí nộp hồ sơ là 40.000 đồng một bộ, lệ phí thi 20.000 đồng một người và nộp riêng như những năm trước.